Ma tâm

Ma tâm

5/10/2016

PHẬT ĐẢN: coi chừng mang tội


Mùa Phật Đản lại về. Một nhóm cư sĩ thuần thành, không quản mệt nhọc, lần đầu tiên tìm đến một ngôi chùa cổ toạ lạc trên đỉnh một non thiêng. Vừa lên tới nơi, đoàn khách hối hả bước vào chánh điện để thực hiện nghi thức “tắm Phật” theo như thông lệ. Thế nhưng mọi người nhìn trước nhìn sau, chẳng ai thấy bàn thờ tôn tượng đức Bồ-tát đản sanh ở đâu.
Đoàn khách còn đang thắc mắc, bỗng thấy một vị cao tăng bước ra từ sau chánh điện. Vị trưởng lão im lặng quỳ trước bàn thờ Phật, trang nghiêm thực hành tam bái, rồi lặng lẽ bước lên Pháp toà an toạ. Mọi người đảnh lễ Phật xong quay sang đảnh lễ vị trưởng lão. Một cư sĩ mau miệng:
_ Thưa tôn sư, ngài có phải là trụ trì ngôi cổ tự này không ạ?
Vị cao tăng mỉm cười nhẹ nhàng:
_ Phải, nhưng… không phải!
Cả đám cư sĩ tròn mắt:
_ Nghĩa là sao ạ?
_ Lát nữa sẽ biết!
Đạo sư lại cười hiền trấn an mọi người. Vị cư sĩ đứng bên thắc mắc:
_ Bạch ngài, con thấy nhiều chùa trong mùa Phật Đản đều có tục lệ “tắm Phật”, nhưng sao chùa ta không có?
Vị trụ trì nghiêm mặt:
_ Đó chỉ là chuyện vẽ vời của người đời sau. Trong Kinh và Luật gốc không hề có việc như thế.
_ Nhưng thưa ngài, xem ra hình thức ấy cũng nên lắm chứ? Nhiều người còn cho rằng đó là nghi thức thiêng liêng bắt buộc trong mỗi lần Phật Đản.
_ Trái lại là đằng khác! Mọi người không tìm hiểu kỹ chánh Kinh chánh Pháp, đua đòi theo phái mới, bắt chước nhau làm càn, xúc phạm đấng Thế Tôn mà không biết, kính lễ đâu không thấy lại thấy tội nặng thêm.
Mọi người giật mình, giương mắt nhìn nhau chột dạ. Không hẹn mà nên cả nhóm chắp tay thành kính, vị trưởng nhóm cung thỉnh:
_ Bạch đại sư, kính mong ngài từ bi chỉ rõ cho chúng con biết vì sao như thế.
Vị cao tăng im lặng một lát, rồi nghiêm giọng:
_ Vậy, các ngươi hãy lắng nghe và suy nghiệm cho kỹ, ta nhắc lại nguyên văn chánh Kinh chánh Pháp.
_ Thưa vâng, đại sư. Cả đám cư sĩ kính cẩn lắng tai. Vị đại sư nhấn giọng từng lời:
_ Chính ngài Ananda đã nói nguyên văn thế này trong bài kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, số 123, Trung Bộ 3: “Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, bốn vị Thiên Tử đến canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu Bồ-tát, hay mẹ vị Bồ-tát". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".
Lại nữa, ngài Ananda còn thuật tiếp“Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Này Ananda, ví như một viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Viên ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này Ananda, khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn”.
Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.
Cả nhóm cư sĩ còn đang phân vân chưa hiểu hết ý nghĩa đoạn kinh đã nghe vị cao tăng dạy tiếp:
_ Những ai không tin điều hy hữu, vị tằng hữu nơi đấng Thế Tôn đó là nghiệp của họ, còn các ngươi là những cư sĩ thuần thành tại sao lại không hiểu điều này? Biết đặt niềm tin chân chánh vào sự hy hữu nơi một Đấng Thiêng Liêng suốt đời chỉ dạy cho con người làm lành lánh ác, có lợi hay không cho các ngươi, cho xã hội?
Thử hỏi Đức Bồ-tát đã thanh tịnh như vậy, đã trong sạch thiêng liêng đến như vậy còn cần gì các ngươi tắm rửa. Không lẽ Đấng Thiêng Liêng Hy Hữu ra đời cũng uế trược như các ngươi hay sao mà cần phải sạch sẽ?
Vả lại chỉ có hai dòng nước từ cõi Trời thanh tịnh mới xứng đáng được dùng cho kim thân của đấng Bồ-tát và mẹ ngài, còn thứ nước ô nhiễm của các ngươi chỉ dành cho các ngươi mà thôi. Hãy lưu ý, chỉ có hai dòng nước tắm rửa cho Ngài chứ không có bất kỳ một chư Thiên nào hay người nào được phiền nhiễu Bồ-tát.
Ấy thế mà các ngươi hết kẻ này đến kẻ khác đua nhau dội lên Ngài thứ nước bất tịnh của các ngươi, như vậy có bất kính không, có vô lễ không?
Giả sử các ngươi không muốn người khác phiền nhiễu đến cha mình đang ở nhà, nhưng người ta cứ nghe lời xúi dại của kẻ xấu, đổ thứ nước ô nhiễm của họ lên mình cha của các ngươi, các ngươi nghĩ sao?
Kính trọng nhớ ơn có thiếu gì cách, cớ gì lại đi làm những chuyện trái với lời Phật dạy, xúc phạm Đấng Hy Hữu như vậy? Lịch sử Phật giáo đã cho thấy có không ít những kẻ ác tâm bày vẽ đủ thứ chuyện nham hiểm nhằm phỉ báng Tam Bảo, thế mà các ngươi đã không suy nghĩ cẩn trọng lại vội tin ngay mọi thứ để rồi rơi vào bẫy của những kẻ gian ngụy, mang tội bất kính với đấng Bồ-tát.
Ta nói cho các ngươi rõ: kẻ nào bày trò “tắm rửa” kiểu đó là những kẻ không hiểu rõ kinh văn, không nhớ lời đấng Thế Tôn, xúc phạm bậc Thầy Trời Người, tất không thoát khỏi tội trọng. Nơi nào tạo điều kiện cho kẻ khác mang tội, trụ trì và tăng ni nơi ấy phải chịu trách nhiệm trước nhân quả. Ai lui tới những nơi đó, nếu có bị Bốn Đại Thiên Vương quở phạt, đừng trách tại sao như thế! 
Nói xong, vị Trưởng Lão ngồi im bất động. Cả nhóm cư sĩ há hốc mồm, giật mình kinh hãi. Bấy lâu nay họ chỉ biết xưa bày nay làm chứ có chịu học hỏi Kinh điển đâu mà biết chuyện. May sao hôm nay nhờ có cao tăng chỉ dạy nên họ mới hiểu ra điều dại dột.
Thảo nào, rằm nào họ cũng chăm đi chùa, Phật Đản nào họ cũng siêng “tắm Phật”, ấy thế mà khổ đau vẫn hoàn đau khổ, tai họa vẫn hoàn tai họa. Quả thật, vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ, tin lầm ác ma lại càng đau khổ nhiều hơn. Mọi người tưởng tôn kính Phật, hóa ra lại xúc phạm Ngài. Nguy thật!
Mọi người không ai bảo ai đều cúi đầu sát đất đảnh lễ tri ân vị Thầy trụ trì đã từ bi giáo hoá. Chốc lát mọi người nhìn lên đã thấy vị Trưởng Lão bỏ đi từ lúc nào khiến cho ai nấy nhìn nhau ngẩn ngơ hụt hẫng.
Không lẽ ngài còn phiền giận?
Cả nhóm bảo nhau túa ra đi tìm thầy trụ trì để thanh minh sám hối. Loay hoay một lúc mọi người vẫn chẳng thấy ngài đâu. Cuối cùng đoàn khách rủ nhau vào nhà thờ Tổ đảnh lễ. Chừng mọi người nhìn lên bàn thờ Tổ khói nhang còn nghi ngút mới giật mình thất kinh hồn vía.
Hoá ra vị Cao Tăng lúc nãy chính là vị Tổ sư đã chết ba trăm năm trước đây. Thì ra ngài đã là trụ trì, nhưng giờ đây không còn nữa. Lúc nãy ngài bảo “phải, nhưng không phải là vì vậy”. Mọi người nhìn nhau rùng mình vừa mừng vừa sợ.
Hẳn, vị Tôn sư vì cảm kích trước tấm lòng thành của họ nên đã linh ứng từ bi chỉ dạy cho biết. Bất giác cả đám vội vàng sụp xuống đảnh lễ di ảnh của vị Tổ sư rồi trở ra chánh điện thành tâm đảnh lễ sám hối Đức Phật. Tất cả cùng tâm nguyện khi trở lại nhà họ sẽ nhắc nhở mọi người về những điều họ vừa được nghe trong mùa Phật Đản năm nay.
Thiên Nữ ViS@kh@
_________________
Ghi chú:
Suốt 26 thế kỷ qua, Đạo Phật chính thống có một ngày thiêng liêng trọng đại, đó là ngày Vesak, hay ngày Tam Hợp, tức là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết Bàn thống nhất. Đối với một Đấng Thiên Nhân Sư có thể chủ động nhập thai, chủ động nhập diệt thì chuyện này không có gì khó hiểu.
Thế nhưng sau này các tổ lại phân chia thành ba ngày đản sanh, thành đạo và nhập Niết Bàn khác nhau, rồi tổ chức mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi tông mỗi cách khiến cho Phật giáo càng bị phân hóa nhiều hơn.
Đã vậy ngày Phật đản thường được tổ chức rầm rộ hơn, khiến cho ngày ‘thành đạo’ và ngày ‘nhập Niết Bàn’ không được coi trọng đúng mức. Đây là một thâm ý của các tổ sư gián điệp.
Mỗi người con Phật cần ý thức được điều này và trở về chánh đạo chánh pháp ngay trong cách tổ chức lễ Vesak - Tam Hợp đúng cách và thống nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét