Ma tâm

Ma tâm

3/19/2016

Bụt ma, ma Bụt


Những ai còn hồ nghi trong Phật giáo không có tà kinh ngụy tạo, hãy đọc kỹ bài phân tích so sánh hai bản kinh tương đương sau đây sẽ rõ.
Phân tích so sánh hai bản kinh tương đương
Tiểu Kinh Khổ Uẩn, số 14, Trung Bộ Pali (Bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Kinh Khổ Ấm (B), số 100, Trung A Hàm (Bản dịch của TT Tuệ Sỹ)
Chánh kinh Pāli: “Này Mahānāma, có một pháp trong Ông chưa được đoạn trừ, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các si pháp xâm nhập tâm Ông và an trú. Và này Mahānāma, pháp ấy trong Ông có thể đoạn trừ được, nếu Ông không sống trong gia đình, nếu Ông không thụ hưởng các dục vọng. Và này Mahānāma, vì pháp ấy trong Ông chưa được đoạn trừ, nên Ông sống trong gia đình và thụ hưởng các dục vọng”.
Tà kinh A Hàm: “Này Ma-ha-nam, ông có một pháp không bị diệt trừ, cho nên ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo này. Ma-ha-nam, nếu ông diệt được pháp đó, ông sẽ không sống tại gia mà chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Bởi vì có một pháp không bị diệt trừ mà ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo”.
Bình:
Tiểu Kinh Khổ Uẩn Pāli ghi lại bối cảnh cư sĩ Mahānāma hỏi Đức Phật rằng do ông chưa đoạn trừ được điều gì mà dù ông thấy tham sân si là cấu uế của tâm, thế nhưng chúng vẫn xâm chiếm tâm ông.
Đức Phật trả lời do cư sĩ Mahānāma vẫn còn sống trong gia đình, còn thụ hưởng dục vọng, và vì chưa đoạn tận được pháp dục vọng này nên tham-sân-si còn xâm nhập và an trú tâm ông.
Ngược lại với đoạn cải biên trong A Hàm, lời của Phật Thích Ca đã bị xuyên tạc thành một thâm ý vô cùng nguy hiểm: pháp Ma-ha-nam chưa diệt trừ chính là... pháp gia đình, pháp cha-mẹ, pháp vợ con.
Thật vậy hãy đọc lại đoạn tà kinh sẽ rõ: “Này Ma-ha-nam, ông có một pháp (gia đình) không bị diệt trừ, cho nên ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo này. Ma-ha-nam, nếu ông diệt được pháp (gia đình) đó, ông sẽ không sống tại gia mà chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Bởi vì có một pháp (gia đình) không bị diệt trừ mà ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo”.
So sánh tiếp hai đoạn kinh tương đương
Chánh kinh Pāli: “--Chư Hiền Nigaṇṭha, Ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm. Chư Hiền Nigaṇṭha, Ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong hai ngày hai đêm, luôn trong ba ngày ba đêm, luôn trong bốn ngày bốn đêm, luôn trong năm ngày năm đêm, luôn trong sáu ngày sáu đêm, luôn trong bảy ngày bảy đêm. Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, ai sống hạnh phúc hơn, vua Magadha Seniya Bimbisāra hay Ta?
--"Sự kiện là như vậy, Tôn giả Gotama sống hạnh phúc hơn vua Magadha Seniya Bimbisāra."
Tà kinh A Hàm: “Ta lại hỏi, ‘Này Ni-kiền, Ta có đạt được sự tịch mặc vô ngôn ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong một ngày một đêm không?’ Ni-kiền đáp, ‘Được, thưa Cù-đàm’.
Ta hỏi, ‘Thế Ta có được hoan hỷ trong vòng hai, ba, bốn, năm, sáu, cho đến bảy ngày bảy đêm không?’. ‘Được, thưa Cù-đàm’.
Ta lại hỏi tiếp, ‘Này Ni-kiền, ý các ông nghĩ sao, ai sung sướng hơn, vua Tần-bệ-sa-la hay là Ta?’ Ni-kiền đáp, ‘Thưa Cù-đàm, như chúng tôi hiểu theo sự trình bày của Sa-môn Cù-đàm thì Sa-môn Cù-đàm sung sướng hơn, vua Tần-bệ-sa-la không bằng’.”
Bình:
Cũng theo Tiểu Kinh Khổ Uẩn Pāli, Đức Phật sau khi chỉ rõ nguyên nhân dục vọng khiến tham sân si vẫn còn tồn tại nơi cư sĩ Mahānāma, đây là một cực đoan. Đồng thời Ngài đã dạy tiếp sự khổ hạnh của các Nigaṇṭha (Ni-kiền-tử) lại là một cực đoan thứ hai không thích đáng. Chỉ có sự hỷ lạc của Chánh Pháp mới đích thực và hỷ lạc này còn hơn cả dục lạc của vua chúa.
Trích đoạn kinh Pāli trên ghi lại lời kể của Đức Thế Tôn về cuộc đối thoại giữa Ngài và các Nigaṇṭha. Theo đây một bên Đức Phật trong Pāli tự khẳng định năng lực thiền định của mình, còn trong A Hàm các ông Ni-kiền lại trả lời dùm Cù-đàm một cách hết sức khôi hài.
Hẳn, một người đọc có tư duy một chút sẽ phải nhận ra ngay sự cải biên đầy thâm ý của tà kinh A Hàm. Nếu những người tin A Hàm vẫn không hiểu thâm ý trên, họ hãy cố tư duy để trả lời vài câu hỏi đơn giản sau đây:
Trong A Hàm cả hai bên hỏi và trả lời có ngớ ngẩn không? Cù-đàm A Hàm có đạt được ‘tịch mặc vô ngôn’ hay hoan hỷ thích thú trong thiền định thì chỉ có Cù-đàm biết chứ Ni-kiền làm sao biết mà hỏi và trả lời?
Phải chăng mấy ông Ni-kiền trả lời được tất “theo sự trình bày của Sa-môn Cù-đàm” là để cho Cù-đàm A Hàm đi... tàu bay giấy?
Chẳng lẽ các đệ tử Cù-đàm Đại Thừa sau này không biết dùng lý trí để đọc kinh hay sao lại không phát hiện ra điều khôi hài nêu trên?
Chẳng lẽ tất cả đều đã được “vô trí diệc vô đắc” thực sự, cho nên mới vô tư truyền nhau bản kinh văn ngụy tạo này qua biết bao thế hệ mà không có đến một lời cảnh giác?
Chánh kinh Pali càng chí lý bao nhiêu, càng chánh đáng bao nhiêu, trái lại A Hàm lại càng khôi hài, thâm hiểm bấy nhiêu. Nguy hiểm thay qua hàng ngàn năm người ta vẫn xem A Hàm là chánh kinh của Phật. Thật không sao tưởng nổi!

Thích Chánh Kinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét