Ma tâm

Ma tâm

3/28/2016

Ngộ nhập tri kiến Phật... giả


Hai cư sĩ đang ngồi thảo luận với nhau trong sân chùa. Cư sĩ thứ nhất vẻ bức xúc:
_ Này huynh, có nhiều kẻ vô đạo đức, phá giới hạnh, thậm chí những đứa con nít miệng còn hôi sữa nhưng đã dám tự xưng “Phật sống” này, “Phật mẫu” kia, vậy mà thiên hạ vẫn cứ nhắm mắt tin theo là sao?
Cư sĩ thứ hai lắc đầu:
_ Đó là do những người ấy tin vào câu nói trong kinh Pháp Hoa – Đại thừa: “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Họ cũng tin rằng có một Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh ấy, gặp ai cũng bái lạy xưng tụng “Lạy các ngài tôi không dám khinh thường các ngài, các ngài rồi cũng sẽ thành Phật”. Và họ cũng tin rằng các Bồ-tát có thể hóa thân nhiều hạng người để cứu vớt chúng sanh.
_ Vậy chúng sanh u tối làm sao phân biệt kẻ ‘xấu thật’ với các vị đây? Kẻ ngoại học cứ chỉ bừa mấy kẻ đạo đức giả rồi nói đó là các Bồ-tát thị hiện giúp đời thì sao, có chết người tin theo không? Đức Phật và các Thánh Tăng đâu cần giả làm ai khác nhưng vẫn cứu được người thì sao? Làm như vậy chỉ tổ bắc cầu cho lũ yêu quái mạo xưng Phật. Chẳng lẽ danh hiệu Phật dỏm lắm hay sao mà chúng sanh nào cũng thành được?
Cư sĩ thứ hai đổi giọng nghiêm trang:
_ Chúng sanh gồm những loài nào? Súc sanh, hay ngạ quỷ, hay dạ xoa? Cho nên có người hỏi “Con chó có Phật tánh không?”, một nhà sư phải trả lời lấp liếm lúc ‘có’, lúc ‘không’? Đó là chỗ thấu cáy của bọn phù thủy gián điệp tung ra nhằm hạ thấp danh hiệu cao quý của Đức Thế Tôn, dẫn đường cho lũ ma quỷ giả danh Phật. Trong kinh Nguyên Thủy, Đức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố rõ ràng: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.” [1]
_ Thế đấy, đã là “một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân” thì làm gì có chuyện “chúng sanh đồng Phật tánh”, “chúng sanh là Phật sẽ thành” chứ!
_ Nếu mọi người hiểu điều này, thử hỏi còn con yêu tinh nào dám giả danh Phật, lũng đoạn Phật pháp cho được?
_ Thế ra câu nói của Đại thừa phải sửa lại cho đúng “Ta là Phật đã thành. Các đệ tử là bốn Thánh chúng sẽ thành”.
_ Đúng vậy, đối với con người được làm Thánh thôi đã phước tám mươi đời rồi. Còn các chúng sanh không chân, bốn chân, nhiều chân khác làm sao thành được. Huống hồ ở đây là tánh Phật. Huynh chớ nghe lời xúi dại, xúc phạm đấng Đạo Sư mà mang tội tà kiến.
_ Tôi biết rồi, chỉ có những ông bố điên khùng mới đăng quang cho mọi loài làm cha của con mình, và cũng chỉ có những đứa con ngu dại mới đi nịnh hót mọi người đều làm bố của mình.
_ Đúng lắm! Trong KINH ĐA GIỚI, Số 115, Trung Bộ 3, Đức Thế Tôn đã khẳng định rõ một vị có chánh tri kiến chính là: “Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi cùng trong một thế giới (lokadhatu), hai A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện (một lần) không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra’. Và vị ấy biết rõ rằng : "Sự kiện này có xảy ra: Khi cùng trong một thế giới, một A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra”.
_ Nếu thế, tin rằng cùng thế giới hiện tại có ngàn vạn Phật là tà kiến ư?
_ Chứ gì nữa, người nào tin kiếp trái đất này có ông Phật thứ hai, thứ ba... là đã rơi vào bẫy của các luận sư gốc Bà-la-môn, vừa vô tình tầm thường hóa danh hiệu Phật, vừa tha hóa chính mình tin theo “Phật giả” mà không biết. Không những thế lại còn tạo cơ hội cho những tên lưu manh lạm xưng làm Phật.
_ Nhưng trong kinh Nguyên Thủy có nói đến sáu vị Phật quá khứ.
_ Đúng vậy, Đức Thế Tôn Tỳ-bà-thi xưa nhất cách nay chín mươi mốt kiếp, Thế Tôn Thi Khí đã cách nay hơn ba mươi mốt kiếp. Khoảng thời gian ba mươi mốt kiếp còn lại là của các vị Phật kế tiếp. Còn trong kiếp hiện tại chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, duy nhất một và chỉ một mà thôi.
_ Tôi hiểu rồi. Thế còn chuyện mấy người tin kinh Pháp hoa của đại thừa hay rêu rao rằng "Các đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật". Vấn đề này thực hư thế nào?
_ Chẳng lẽ “tri kiến Phật” tầm thường lắm sao mà chúng sanh nào cũng ngộ nhập được? Huynh nên nhớ, một kế hoạch phá hoại thâm độc trước sau phải ngụy biện cho khéo thì mấy kẻ ngu mới tin. Trong bài kinh “Không Thể Tăng Trưởng”, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã nói rõ từ lâu rồi: “Này các Tỷ-kheo, nếu ba pháp không có mặt ở đời, thời Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không xuất hiện ở đời, và Pháp, Luật được Như Lai thuyết giảng không được nêu rõ ở đời. Thế nào là ba? Sanh, già và chết. Này các Tỷ-kheo, nếu ba pháp này không hiện hữu ở đời, thời Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không xuất hiện ở đời, và Pháp, Luật do Như Lai thuyết giảng không được nêu rõ ở đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, ba pháp này có mặt ở đời, do vậy Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, do vậy, Pháp, Luật do Như Lai thuyết giảng được nêu rõ ở đời” [2].
_ Bài kinh ấy có dạy cách diệt tận ba pháp khổ đau già-bệnh-chết không?
_ Không những có mà còn có đầy đủ nữa. Huynh đọc kỹ sẽ biết rõ hơn. Ví dụ đoạn kế tiếp rất cụ thể: “Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận ba pháp thời không có thể đoạn tận sanh, thời không có thể đoạn tận già, thời không có thể đoạn tận chết. Thế nào là ba? Không đoạn tận tham, không đoạn tận sân, không đoạn tận si. Do không đoạn tận ba pháp này, không có thể đoạn tận sanh, không có thể đoạn tận già, không có thể đoạn tận chết…”.
_ Hiểu và đoạn diệt được tham-sân-si, giải thoát khỏi sanh-già-chết là phước tám mươi mốt đời con người rồi!
_ Pháp nhĩ như thị (Pháp vốn là như thế)!
_ Nhưng có thể những cái lưỡi phù thủy nói rằng họ đã “hội nhập được tri kiến Phật” và cũng biết những điều này thì sao?
_ Thì huynh hãy tặng họ câu hỏi mà các cư sĩ thời Đức Phật như cư sĩ Citta thường hỏi những du sĩ ngoại học khi họ xuyên tạc Phật Pháp.
_ Cư sĩ Citta hỏi thế nào?
“…Thưa Tôn giả, có mười câu hỏi hợp lý này, nếu Tôn giả hiểu ý nghĩa của chúng, thời Tôn giả đấm trả (patihareyyàsi) tôi một đấm cùng với chúng Nigantha. Một câu hỏi, một câu giải thích, một câu trả lời. Hai câu hỏi, hai câu giải thích, hai câu trả lời. Ba câu hỏi, ba câu giải thích, ba câu trả lời. Bốn câu hỏi, bốn câu giải thích, bốn câu trả lời. Năm câu hỏi, năm câu giải thích, năm câu trả lời. Sáu câu hỏi, sáu câu giải thích, sáu câu trả lời. Bảy câu hỏi, bảy câu giải thích, bảy câu trả lời. Tám câu hỏi, tám câu giải thích, tám câu trả lời. Chín câu hỏi, chín câu giải thích, chín câu trả lời. Mười câu hỏi, mười câu giải thích, mười câu trả lời…”[3] Vị nào tin rằng chúng sanh có thể hội nhập “tri kiến Phật” hãy vận dụng kinh văn cải biến, đừng đụng đến kinh Nguyên Thủy xem có trả lời được không?
_ Chắc chắn họ cũng phải im lặng cúi đầu như các Nigantha rồi.
_ Tôi còn hằng trăm câu hỏi khác nữa, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để huynh hội nhập kiến tri phân biệt “Phật giả - Phật thật” rồi đấy!
_ Lành thay! Cảm ơn hiền huynh.
Chánh Ngôn
_________________
[1] Kinh Tăng Chi 1, Chương 1, XIII. “PHẨM MỘT NGƯỜI”, trang 47. 
[2] Kinh Tăng Chi 4, Chương 10, bài kinh số 76.
[3] Kinh Nigantha (Ni-kiền-tử) (S.iv,297)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét