Ma tâm

Ma tâm

3/06/2016

Uttara - gián điệp Bà-la-môn trong Phật giáo



Như trong chánh kinh NIKAYA còn ghi lại, đương thời Phật đã có không ít các ngoại đạo sư thù ghét Đạo Phật. Họ tìm mọi cách chống phá Tam Bảo, từ công khai đến ngấm ngầm, từ bên ngoài lẫn chui vào bên trong v.v…
Việc nêu ra những sự kiện này không nhằm khơi gợi lại sự hận thù, trái với tinh thần Từ Bi của đạo Phật, mà chỉ nhằm khuyến cáo các Phật tử phải cảnh giác chớ có tin liền các luận sư, tổ sư gốc Bà-la-môn sau này.
Trong tinh thần đó xin giới thiệu một trích đoạn điển hình trong bài kinh“Brahmāyu” Trung Bộ Pali và bài kinh Phạm Ma - Trung A Hàm tương đương để thấy rõ hơn thủ đoạn gián điệp của các Bà-la-môn.
* Trích Kinh Brahmāyu (MN 91):
“...Rồi thanh niên Uttara suy nghĩ: "Sa-môn Gotama có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Vậy ta hãy theo sát Sa-môn Gotama để dò xem các uy nghi (của Ngài)". Rồi thanh niên Uttara trong BẢY THÁNG theo sát Thế Tôn như bóng không bao giờ rời hình.
Rồi thanh niên Uttara, sau bảy tháng, khởi hành đi đến Mithila ở Videha, tuần tự du hành đi đến Mithila, rồi đi đến Bà-la-môn Brahmāyu, sau khi đến, ĐẢNH LỄ Bà-la-môn Brahmāyu rồi ngồi xuống một bên… ” (Hết trích)
* Ý kiến:
Trong trích đoạn kinh trên, thanh niên Bà-la-môn Uttara sau khi dò thám xong Sa-môn Gotama đã lẳng lặng trở về đảnh lễ và báo cáo cho Bà-la-môn Bramayu. Điều này cho thấy trước sau Bà-la-môn Uttara vẫn trung thành với Bà-la-môn giáo của mình. Có thể nói Uttara là một trong những gián điệp đầu tiên của Bà-la-môn trong Phật giáo.
Tất nhiên không phải chỉ có một Uttara không thôi, mà còn nhiều các Uttara khác nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì họ cải trang thành chính các Tỷ-kheo để phá hoại Đạo Phật ngay từ bên trong. Thủ đoạn phá hoại cũng rất đa dạng, trong đó nguy hiểm nhất là tạo ra các tam tạng giả tạo nhằm phá hoại triệt để Phật Pháp.
Không nói đâu xa, chính trong bài kinh A Hàm tương đương với bài Brahmāyu nêu trên đã bị các ‘kẻ lạ’ cải biên thêm bớt. Cụ thể, trong bài kinh tương đương Phạm Ma, số 161, Trung A Hàm, lưu truyền ở phương Bắc, Bà-la-môn Uttara trở thành Ma-nạp Ưu-đa-la và đã đóng tròn vai gián điệp hơn nhiều. Chính vì Ma-nạp Ưu-đa-la  và các Bà-la-môn gián điệp ở phương Bắc khéo léo hơn nhiều, cho nên qua hàng ngàn năm họ vẫn không bị phát hiện.
Xin đọc kĩ trích đoạn kinh Phạm Ma A Hàm tương đương sau đây sẽ rõ:
“Ma-nạp Ưu-đa-la lại nghĩ: “Ta nên quán sát kỹ về oai nghi, lễ tiết và nơi Cù-đàm du hành.” Nghĩ vậy, Ma-nạp Ưu-đa-la lẽo đẽo theo Đức Phật, trong bốn tháng hạ, quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành. Qua bốn tháng hạ, Ma-nạp Ưu-đa-la cảm thấy sung sướng khi đã quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành, liền thưa: “Thưa Cù-đàm, con nay có việc muốn trở về, xin từ giã Cù-đàm.”
Thế Tôn bảo: - Này Ưu-đa-la, ngươi cứ đi, tùy ý.” (Bản dịch của TT Tuệ Sỹ)
Trong đoạn trích dẫn A Hàm trên, điều cần lưu ý là các dịch giả A Hàm đã giảm thời gian Ma-nạp Ưu-đa-la theo dõi Đức Thế Tôn từ bảy tháng xuống còn “bốn tháng HẠ”. Đã thế họ còn khiến Cù-đàm phải du hành trong bốn tháng hạ. Hình ảnh này ngầm xuyên tạc Cù-đàm đã phạm luật an cư kiết hạ! Cho nên “Ma-nạp Ưu-đa-la cảm thấy sung sướng” vì phát hiện được “bí mật” này.
Một khác biệt đáng lưu ý nữa, đó là trong Chánh kinh Pali, sau khi Uttara theo dõi Gotama xong, không phát hiện được bất kỳ sơ suất gì của Sa-môn Gotama nên đành âm thầm quay về. Hoàn toàn không có chuyện ông ta công khai thưa hỏi xin phép Phật được trở về và cũng không có việc quay lại quy y Phật.
Thế nhưng trong bản kinh “Phạm Ma” A Hàm, ngoài việc “bình thường hóa” hành vi theo dõi của Ưu-đà-la, các dịch giả còn “hợp thức hóa” cho tổ sư gián điệp của mình bằng cách cho Ưu-đà-la công khai “xin từ giã Cù-đàm”, và sau này còn quay lại quy y với Cù-đàm (Tuy nhiên, các dịch giả A Hàm đã “quên” không bắt Ưu-đà-la phải biệt trú bốn tháng đúng theo luật đối với ngoại học muốn quy y theo đạo Phật).
Rõ ràng Bà-la-môn Uttara thời Phật là một tổ sư do thám, còn các dịch giả A Hàm và Ưu-đà-la cũng thuộc loại tổ sư gián điệp trong tôn giáo cho nên qua hàng ngàn năm họ vẫn không bị phát hiện.
Các ngoại đạo sư đã có một Uttara cùng các ‘kẻ lạ’ cải biến kinh A Hàm, tất nhiên họ cũng có nhiều các Uttara khác, nhiều các ‘kẻ lạ’khác. Chính vì thế mọi sự cảnh giác không bao giờ thừa, nhất là trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo. Chỉ có sự tỉnh giác cao độ khi đọc các ‘Tam tạng’ xuất hiện sau này mới có thể phát hiện những bất cập, phi pháp, phi luật của chúng.
Đã đến lúc sự cả tin ngây thơ phải bị loại bỏ trong Đạo Phật.
Thích Chứng Minh
(Ảnh Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét