Ma tâm

Ma tâm

10/21/2018

VŨ KHÍ ĐẠI THỪA

Bố thí Chánh Pháp hơn mọi bộ thí <PC354>
Nhấn vào hình để đọc, hoặc
xem bên dưới <nhấn vào mũi tên góc trên bên phải>


10/16/2018

SÁM HỐI CHÂN KINH

Tuyển tập các bài viết hay về Chánh Kinh, Chánh Pháp và tà kinh, tà pháp
Bấm vào hình để đọc hoặc xem bên dưới


10/09/2018

CỘNG NGHIỆP SOS

Sách dày hơn 200 trang với nhiều bài phân tích xác đáng giúp thoát nghiệp tà kiến phong tỏa Phật giáo suốt hai ngàn năm


Bấm vào hình để đọc


1/14/2018

THI HÓA KINH PHẬT PHẠM TỘI "TÁC ÁC" VÀ LÝ DO PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY PHÁT TRIỂN CHẬM


DẪN: Ngay trong thời Phật vấn đề thi hóa LỜI PHẬT đã bị Đức Phật nghiêm cấm và khép tội "TÁC ÁC". Bên cạnh đó Đức Thế Tôn khuyến khích phát triển đạo pháp bằng NGÔN NGỮ ĐỊA PHƯƠNG.

Đáng tiếc thay, sau này một vài Phật tử không nghe lời Ngài, vẽ vời thi hóa kinh Phật mà không biết rằng chính việc làm này đang phá hủy Phật Pháp.

Nguy hại hơn, tuy mang danh "Nguyên Thủy" nhưng phái Nam Tông lại theo lời các tổ sư gốc Bà La Môn đàng mình, cụ thể là Bà La Môn Phật Âm - Buddhaghosa, tất cả quá xem trọng ngôn ngữ cổ Pali, đến độ xem nó như một chuẩn mực trong đạo.

Truyền thống phi pháp, trái lời Phật này khiến cho việc phát triển Phật Pháp bị chậm lại. Mọi người thi nhau học tụng đọc leo lẻo Pali mà quên đi ý nghĩa quan trọng nhất là phải HIỂU và THỰC HÀNH theo lời Phật dạy. Muốn vậy người nói và người nghe phải sử dụng ngôn ngữ địa phương, đúng như lời Phật dạy, thì việc truyền bá Đạo Phật mới khả dĩ phát triển được. Trích đoạn Chánh Luật dưới đây sẽ nêu rõ thêm vấn đề này.
Chánh Luật PATIMOKKHA: “… [180] Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-khưu tên Meṭṭhakokuṭṭha là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-khưu ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-khưu có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật (chandaso).
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: …(như trên)…
- Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: “Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật”? Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…
Sau khi khiển trách, Ngài đã thuyết Pháp thoại  rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật; vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân (sakāya niruttiyā).” (Trích Tạng Luật, Tiểu Phẩm, Chương Tiểu Sự, bản dịch của TK Nguyệt Thiên Indacanda)
] Ý KIẾN PHẬT TỬ
Có nhiều lý do để giải thích vì sao Đức Thế Tôn không đồng ý hoán chuyển lời Phật dạy sang dạng có niêm luật. Có thể nêu vài lý do:
-         Vì tuân theo niêm luật nên câu chữ phải thay đổi theo âm vận và niêm luật, chính vì thế khó giữ được ý nghĩa ban đầu của lời Phật dạy.
-         Trong chánh Kinh đã có các bài kệ do chính Đức Thế Tôn tuyên đọc, phù hợp với đối tượng, với từng trường hợp cụ thể, không cần phải hoán chuyển tất cả, nhất là khi hoán chuyển theo niêm luật theo ý chủ quan của người khác sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của Chánh Pháp.
-         Việc tụng đọc, truyền bá, phổ biến chánh Pháp theo niêm luật vần điệu sẽ dễ rơi vào năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm vận. Hiện nay trong rất nhiều hội chúng Phật giáo đều phạm tác ác vì “tụng kinh” theo âm điệu ngân nga, đã thế còn vận dụng để tụng đám ma, cầu siêu, cầu an… với giá cả rạch ròi. Xét theo đây cũng đủ thấy lời tiên tri của Đức Thế Tôn “Diệu Pháp chỉ tồn tại năm trăm năm” là hoàn toàn chính xác.
Cũng trong chánh Kinh Nikaya và chánh Luật Patimokkha, Đức Thế Tôn cũng chỉ rõ nhiều nguyên nhân khiến Diệu Pháp hỗn loạn và biến mất. Riêng ở đây, xét cụ thể điều Luật Đức Phật cho phép “học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân” thì những người con chính tông lại không nghe lời, thậm chí làm ngược lại.
Trong nhiều hội chúng được gọi là “Nguyên thủy”, việc đọc và tụng vẹt tiếng Pāli rất phổ biến và được xem như “ấn chứng” của truyền thống. Có nơi còn thực hành lễ Bố-tát bằng việc tuyên đọc leo lẻo bằng tiếng Pali, trong khi cả người đọc lẫn người nghe không hiểu gì cả. Lễ Bố-tát chỉ còn là hình thức.
Khi Đức Thế Tôn cho phép “học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân”, điều này có ý nghĩa nhiều mặt.
Đối với bản thân người thọ trì, nhờ có nghe và hiểu Pháp và Luật của Đức Phật bằng tiếng mẹ đẻ mới thâm nhập được, mới thực hành được. Ngược lại suốt đời chỉ biết leo lẻo tụng đọc những câu chữ, dù là tiếng Pali, nhưng chính mình không hiểu thì đây chính là khẩu hành phù phiếm cùng với ý hành si mê. Kết quả mang lại là nghiệp thức phù phiếm si mê chứ làm sao khác được.
Đối với việc truyền bá giáo pháp bằng chính tiếng địa phương sẽ có hiệu quả hơn. Xét các tôn giáo khác cũng thấy, chính nhờ đi đến đâu các nhà truyền giáo đều chuyển ngữ “kinh gốc” của họ sang tiếng địa phương cho nên việc phổ biến, truyền giáo mới phát triển mạnh mẽ.
Ngược lại, truyền dạy nhau một ngôn ngữ cổ, mà chính người nói và nghe không hiểu, đây chính là một tôn giáo chết, một giáo phái sơ cứng, hoặc “nguyên thủy vẹt” chứ không còn ý nghĩa của một giáo pháp trí tuệ.
Riêng tại Việt Nam so sánh số tu sĩ giữa “Phật giáo Nguyên thủy” và các nhóm Phật giáo khác sẽ thấy rất rõ tỷ lệ cách biệt này. Một trong những lý do chính là các nghi thức, trì tụng của Phật giáo Nguyên thủy vẫn theo truyền thống trái với lời Phật dạy, chấp chặt một cách máy móc và cứng ngắc vào cổ ngữ Pali.
Xin nhắc lại lời Đấng Thiên Nhân Sư: "Chớ có tin cho dù đó là truyền thống", tất nhiên ở đây là truyền thống phi pháp, trái lời Phật dạy, đua nhau tụng đọc Pali.

LUẬT HỌC ỨNG DỤNG

1/13/2018

TĂNG NI TỤNG KINH NGÂN NGA PHẠM TỘI "TÁC ÁC"


DẪN: Ngày nay hầu hết các hội chúng Phật giáo, kể cả Bắc Tông, Mật Tông lẫn Nam Tông, đều tụng kinh theo kiểu ngân nga ê a. Đây là tội dukkaṭa (tác ác), chiếu theo Chánh Luật PATIMOKKHA.
Ngay từ thời Phật, các Lục Sư đã gieo rắc sự phá hoại này. Sự kiện và lý do Phật ban luật cấm tụng Pháp ngân nga vẫn còn được ghi trong TIỂU PHẨM, chương TIỂU SỰ. Mời những ai quan tâm đọc lại để tự cứu lấy mình.
 Trích Tạng Luật, Tiểu Phẩm, Chương Tiểu Sự
“[20] Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - Các sa-môn Thích tử này ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các Tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư lại ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài?
Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. …(như trên)…
- Này các Tỳ-khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
…(như trên)… Sau khi thuyết Pháp thoại, Ngài đã bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài:
Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu,
luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong âm điệu,
hàng tại gia phàn nàn,
trong khi ra sức thể hiện âm điệu thiền định bị phân tán,
điều cuối cùng là dân chúng thực hành theo đường lối sai trái.
Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các Tỳ-khưu, không nên ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).”
] Thừa tự Luật trích lục
Như Kinh Nikaya và Luật Patimokkha ghi lại, đương thời Phật có nhóm Lục Sư ngoại đạo luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, vu khống, phá hoại Tam Bảo, kể cả việc họ cho người giả danh Tỳ-kheo, theo dõi, quấy rối Tăng Đoàn.
Đức Phật  và các vị Thánh Tăng biết rõ, nhưng với tâm Từ Bi và trí tuệ siêu việt, các ngài đã thu phục và cải hóa họ. Nhiều người về sau đã thú nhận âm mưu của các giáo chủ nhóm Lục Sư ngoại đạo. Tất nhiên mỗi người đều theo nghiệp nhân quả của mình để thọ nhận quả báo về những hành nghiệp thiện ác một cách công bằng.
Theo suy luận của cá nhân, không loại trừ khả năng “Tỳ-khưu nhóm Lục Sư” là những Tỳ-kheo giả danh của nhóm Lục Sư ngoại đạo cài vào để phá hoại Đạo Phật. Tất nhiên Đức Phật vì lòng từ bi muốn họ được gieo duyên giải thoát, cho nên nếu họ không vi phạm tội triệt khai, Đức Thế Tôn vẫn không nỡ đuổi. Họ quấy phá thế nào, Đức Phật ban đặt các điều Luật để chế phục tới đó, đồng thời kiên trì dạy dỗ cải hóa. Đoạn luật nêu trên phản ảnh một trong rất nhiều sự quấy phá của các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư.
Trong đoạn Luật trên, Đức Thế Tôn đã dạy rõ năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát, vị tu sĩ nào vi phạm sẽ bị tội tác ác. Khốn thay, nhiều vị tu sĩ ngày nay theo chân nhóm Lục Sư phá rối ngày xưa, họ không những ca hát mà lại còn múa nhảy, viết nhạc, diễn văn nghệ chẳng khác nào các nghệ sĩ nửa mùa ngoài đời.
Họ say đắm theo âm điệu lại còn lôi kéo người khác say đắm theo. Những người trí phàn nàn vì biết rõ sự say đắm này khiến thiền định bị phá hoại, có chăng chỉ là tà thiền hoặc dối trá. Nguy hại thay nhiều người không nhận thức được tác hại này nên hùa theo lối thực hành phi pháp.
TẬP SAN LUẬT HỌC

1/12/2018

VẸT VÀNG VÀ KÊN KÊN


Một hôm Vẹt Vàng than thở với Kên Kên:
- Này bạn Kên, nhiều lúc tôi cứ phân vân tự hỏi tại sao mình phải mang thân chim vẹt thế này. Mình học hay, nhớ giỏi, nhưng vẫn không thoát cảnh súc sanh đọa xứ. Đã thế, lại còn bị loài người chế nhạo là thứ “nói như vẹt” nữa chứ. Đau ơi là đau! Một nỗi đau muôn trùng, một nỗi buồn tàn kiếp!
Kên Kên cũng ngẹn ngào thổn thức:
- Híc, bạn bị chế nhạo còn đỡ, chứ tôi đây còn bị mọi người rủa sả là thứ mạt hạng, chuyên đi rúc rỉa xác chết thì sao. Mình đói mình phải ăn, mình cần mình phải nuốt, ấy thế mà cũng bị chửi. Càng nghĩ càng căm, càng ăn càng nhục. Hu hu… chẳng biết kiếp trước mình tạo nghiệp chướng gì mà kiếp này lại khốn nạn như vậy?
Cả hai nói xong gục đầu vào vai nhau nức nở. Khóc lóc một hồi, Vẹt Vàng như chợt nhớ ra điều gì liền nói với Kên Kên:
- Kên này, tớ nghe nói cụ Hạc trắng tu hành đắc đạo, chuyện gì ổng cũng biết. Bọn mình đến hỏi cụ xem sao?
Kên Kên gục gặc đầu đồng ý. Cả hai gạt nước mắt cùng bay đến chỗ Hạc tiên. Đến nơi, cả hai kính cẩn cúi chào Hạc trắng rồi thay nhau bày tỏ nỗi lòng. Hạc trắng nghe xong, nhắm mắt trầm tư quán chiếu thế gian. Lát sau, Hạc trắng hấp háy mắt nhìn hai kẻ đáng thương rồi đằng hắng giọng:
- Thực thà mà nói, hai ngươi kiếp trước đều là những người tu hành tinh tấn chứ chẳng phải chơi. Thế nhưng do vô minh lầm lạc nên cả hai đã không đắc đạo thì chớ, trái lại phải đọa làm súc sanh thế này. Chẳng qua cũng là chuyện nhân nào quả nấy đấy thôi!
Vẹt Vàng và Kên Kên cùng tròn xoe mắt đồng thanh kinh ngạc:
- Úi trời đất ơi, chúng con đã mất công tu hành lại còn bị đọa xuống cõi thấp là sao? Vô minh nghiệp báo kiểu gì lại khốn khổ thế này? Chúng con cúi xin Cụ Hạc chỉ dạy rõ hơn.
Hạc trắng ngẩng cao đầu, đưa mắt nhìn Vẹt Vàng:
- Dòng giống nhà Vẹt các ngươi sở dĩ có khả năng bắt chước được tiếng người là do kiếp trước các ngươi chỉ biết leo lẻo bắt chước kẻ khác tụng niệm những câu, những chữ mà chính các ngươi cũng không hiểu nghĩa.
Vẹt Vàng giật mình phân bua:
- Dạ thưa, con nghe người ta kháo nhau đó là những câu thần chú linh thiêng, những ngôn ngữ gì đó mà chính Đức Phật đã dùng.
- Dù linh thiêng đến đâu, dù ngôn ngữ của bất kì ai nhưng các ngươi không hiểu nghĩa, chỉ nhắm mắt tụng theo rồi lảm nhảm y như một kẻ điên thì ý hành và khẩu hành vô minh này khiến các ngươi phải sanh vào loài “nói như vẹt” chứ còn gì nữa.
Vẹt Vàng cứng họng nghẹn ngào, gục đầu không dám nhìn lên. Hạc trắng thở dài quay sang nói với Kên Kên:
- Còn ngươi nữa, cũng tu hành, cũng tụng niệm, dù có hiểu hay không hiểu, các ngươi không nhắc nhở nhau gìn giữ giới hạnh thanh tịnh, không chịu tu hành nghiêm chỉnh, trái lại cùng nhau buông lung phóng dật, chực chờ kéo nhau đi tụng đám ma, đám giỗ, cầu siêu cho người chết, cầu đủ thứ cho kẻ tham. Hừ, chính các ngươi còn chưa biết mình có siêu thoát không, có công đức không lại bày đặt tụng cầu cho người khác. Tai hại hơn, xong việc, các ngươi lại ngửa tay nhận tiền của gia chủ. Ai cho nhiều thì vui thú, ai cho ít thì rầu rĩ; ai không cho thì khinh chê, lần sau không thèm đến.
Nhìn Kên Kên đang rụt đầu xấu hổ, Hạc trắng lắc đầu phán tiếp:
- Các ngươi tu hành kiểu đó có khác gì đợi lúc người ta nằm xuống xúm nhau lại rỉa rói. Nghiệp chướng ấy ắt phải tái sanh làm Kên Kên tranh nhau mổ xé xác chết chứ chạy đâu cho vừa.
Nghe đến đấy, Kên Kên và Vẹt Vàng nhìn nhau ngất xỉu.
TRÍCH "NGỤ NGÔN PHẬT GIÁO"

1/11/2018

ĐỨC PHẬT PALI CHỦ TRƯƠNG BÌNH ĐẲNG GIAI CẤP. BỤT A HÀM BẮT CHƯỚC BÀ LA MÔN, CHỐNG PHẬT CHỦ TRƯƠNG BẤT BÌNH ĐẲNG GIAI CẤP


DẪN: Như được biết, Đức Phật ra đời giúp chúng sanh thoát khổ, trong đó Ngài đã rống tiếng sư tử để thiết lập quyền bình đẳng giai cấp. Đây là điều trái với truyền thống của các Bà La Môn nên họ đã ra sức chống đối và tìm mọi cách tiêu diệt Đạo Phật. Ngày nay, Đạo Phật gần như biến mất tại chính thánh địa của mình đã cho thấy sự khốc liệt của cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo.
So sánh hai bài kinh tương đương trong Pali và A Hàm dưới đây sẽ thấy rõ các dịch giả Bà La Môn đã chui vào Phật giáo để cải biến kinh Phật, gieo rắc tà kiến nhằm hủy diệt Phật Pháp tận gốc. Trong Đại Thừa giáo, tạng A Hàm được xem như 'nguyên thủy' nhất, mà còn bị xuyên tạc cải biên nhu vậy. Huống hồ các kinh - luật - luận Bắc Tông xuất hiện sau này.
Mong rằng mọi người con Phật hãy cảnh giác hơn trước các thủ đoạn phá hoại ngầm của các Bà-la-môn thông qua tam tạng cải biến đời sau của họ.
SO SÁNH 

Chánh Kinh "Assalayana" (số 93, Trung Bộ Pali) và 
Tà kinh "A-Nhiếp-Hòa" (số 151 Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: “-- Nhưng này Assalayana, các nữ Bà-la-môn, vợ các Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú.
Dầu vậy, các vị Bà-la-môn ấy sanh ra từ nữ căn lại nói: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên".
Tà kinh A Hàm: “Đức Thế Tôn hỏi rằng: “Này Ma-nạp, nếu thân này được thọ sanh vào đâu, thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí, nó được kể là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư, nó được kể là chủng tộc Công sư.
Phân Tích Bình Luận: Kinh “Assalayana” ghi lại cuộc đối đáp của Đức Thế Tôn với 500 Bà-la-môn trong đó có Assalayana đại diện. Trong khi bản Pāli nêu rõ những lập luận sắc bén, hữu lý, xác đáng của Đức Thế Tôn để bảo vệ cho quyền bình đẳng các giai cấp; trái lại bản A Hàm lại mơ hồ, vô lý, bênh vực cho ý niệm phân biệt “chủng tộc” của Bà-la-môn (Phạm chí).
Lại nữa, các dịch giả A Hàm còn biến Cư sĩ và Công sư thành “chủng tộc” và gom tất cả vào chủng tộc “Công sư” khiến cho lập luận của Bụt A Hàm thành ra bảo vệ cho giai cấp và giáo đoàn của mình một cách vô lý. Thâm độc thay, nó lại bị các dịch giả gắn vào miệng của “Đức Thế Tôn A Hàm”.
Chỉ bấy nhiêu cũng đủ biết kẻ cải biến Tà kinh A Hàm là ai.
***
Chánh kinh Pāli: “-- Nhưng chư Tôn giả, chư tôn giả có biết mẹ sanh của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?" "-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết mẹ sanh của họ, cho đến bảy đời tổ mẫu của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?" "-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi nữ Bà-la-môn?" "-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ, cho đến bảy đời tổ phụ của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?" "-- Không phải vậy, Tôn giả".”
Tà kinh A Hàm: “– Các người có biết rõ cha mình chăng? “Các tiên nhân đáp rằng: “– Biết rõ. Vị Phạm chí ấy lấy vợ là người Phạm chí, chứ không lấy người không Phạm chí. Cha của cha ấy, cho đến bảy đời đều lấy vợ là người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí.
“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại hỏi các tiên nhân kia rằng: “– Các ông có biết rõ mẹ mình chăng? “Các tiên nhân kia đáp rằng: “– Biết rõ. Vị Phạm chí ấy lấy chồng là người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí. Mẹ của mẹ ấy, cho đến bảy đời mẹ, những vị Phạm chí ấy đều lấy chồng người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí.”
Phân Tích Bình Luận: Trích đoạn Pali nêu trên là lời Đức Thế Tôn kể lại cho các Bà-la-môn và Assalayana nghe về chuyện thời xưa vị ẩn sĩ Asita Devala đã cật vấn bảy vị Bà-la-môn tổ phụ để bác bỏ quan điểm phân chia giai cấp bất bình đẳng của các Bà-la-môn.
Các Bà-la-môn thời xưa đã phải chịu khuất phục trước các lý lẽ xác đáng của ẩn sĩ Asita Devala, thì giờ đây các Bà-la-môn và Assalayana làm sao bảo vệ được ác tà kiến của họ.
Đương nhiên với các lý lẽ xác đáng của Phật,  thanh niên Bà-la-môn Assalayana đã phải khuất phục Đức Thế Tôn và cũng đương nhiên sự kiện này đã không được nói đến trong bản kinh A Hàm.
Những ai muốn bảo vệ cho giai cấp Bà-la-môn của mình sẽ chọn kinh A Hàm làm dẫn chứng. Còn những ai chủ trương các giai cấp bình đẳng thì chọn kinh Pāli. Tùy trí tuệ nhận định của mỗi người!
TẬP SAN NGHIÊN CỨU HỌC PHẬT

1/09/2018

MẬT TÔNG ĐẤU VỚI TỊNH ĐỘ TÔNG


Trong thời hiện tại, Mật Ma sanh trong một gia đình bùa chú mật phái. Ngài theo học và trở thành sư phụ của phái bùa Lỗ Ban Lỗ Bí. Ngài cũng biết dùng sọ người để luyện Thiên Linh Cái Linh Đực và đạt tới trình độ tối cao của Giáo Phái Bùa.
Thần thông của Ngài tuyệt siêu đến độ Ngài chỉ cần nhắm mắt đọc vài câu thần chú Đà-la-si, dùng Nhất Âm Chỉ gãi gãi vài cái vào sọ người là tức khắc biết ngay tái sanh của kẻ khác, mười lần cả mười đúng y như chóc, không sai chạy một ai. Nhiều đệ tử nghe ngài nói như thế, hết thảy đều thất kinh bái phục. Tất cả cứ luôn mồm xuýt xoa “Thần sầu quỷ khóc! Thần sầu quỷ khóc!”
Vì Ngài có thần thông biết được tái sanh của kẻ khác, và theo phái mật truyền cho nên nhiều người gọi Ngài là Mật Ma Tái Nạm.
Một hôm Mật Ma Tái Nạm đang đi trên đường, bỗng nhiên ngài bắt gặp một dị nhân khác lạ, đầu không một sợi tóc, mép không một cọng râu. Dị nhân hai tay ôm chặt lấy cái mõ vừa đi vừa gõ, miệng ê a tụng đi tụng lại mãi một câu “ mi tù phù…  mi tù phù…”
Mật Ma Tái Nạm lấy làm lạ, bèn chặn lại hỏi:
-- Thưa Tiên sinh, ngài đang tu pháp môn gì vậy?
Dị nhân không râu tóc chắp hai tay trước ngực:
-- A-zi-đà Bụt! Tôi tu theo pháp môn Độ Tịnh.
-- Độ Tịnh cao siêu cỡ nào? Đạt được quả chi?
-- Bất cứ ai chỉ cần niệm Bụt danh “A mi tù phù” vài lần là chắc chắn được vãng sanh cực lạc.
-- Kể cả bọn loạn luân, buôn người, diệt chủng?
-- Không sai! Giống như tảng đá to được thuyền to chở tới bến!
-- Giống làm sao được. Tảng đá to không biết giết người, thuyền to nhưng không có trí tuệ, dù chúng có chìm hay nổi cũng chẳng chết ai. Nhưng ở đây là hại mình hại người, đạo đức - vô đạo đức, chúng hoàn toàn khác nhau. Không lập lờ đánh lận con đen được.
Dị nhân trọc lóc tảng lơ như không nghe thấy gì, hai mắt lim dim, mồm leo lẻo ‘Á mi tu phù... Á mi tù phù’. Mật Ma Tái Nạm phì cười hỏi tiếp:
-- À! Nhưng làm sao biết được tất cả đều được bãi đáp an toàn sau khi chết?
Dị nhân không râu tóc liền giơ cao xâu chuỗi được kết bằng các cục xương lớn trước mặt Mật Ma Tái Nạm, nói như hét:
-- Đây là sọ của các con vẹt được tôi huấn luyện. Tất cả chúng nhờ biết niệm “A zi đà” đều được vãng sanh Độ Tịnh. Tôi chỉ cần lần chuỗi vài lượt là tức khắc chúng báo cho tôi biết sanh thú của những người tu theo Độ Tịnh được về đâu!
Mật Ma Tái Nạm nhíu mày nhẹ giọng:
-- Ngài có thể cho tôi xem qua xâu chuỗi được không?
-- Vô tư!
Dị nhân không râu tóc ngước mặt trao xâu chuỗi sọ vẹt cho vị khách lạ. Mật Ma Tái Nạm hai mắt nhắm nghiền, miệng niệm mấy câu thần chú rồi gãi gãi mấy cái vào sọ vẹt.
Vừa trao lại xâu chuỗi sọ vẹt cho Dị nhân, Mật Ma Tái Nạm nhếch mép thở phì:
-- Ngài sai rồi! Mấy con vẹt này đều tái sanh làm két tất cả! Chúng đều cùng một nghiệp báo bắt chước tiếng kẻ khác. Vẹt tái sanh làm két, két tái sanh làm vẹt.
Dị nhân tai mũi đỏ bừng, trợn mắt quát to:
-- Ngươi đừng láo! Chính Bụt A-zi-đà đã phát đại nguyện cứu nhân độ thế! Thậm chí chỉ một niệm tên ngài thôi cũng được cứu rỗi an toàn! Ngươi nói vậy chẳng khác nào tố cáo Bụt A-mi-đà của ta là tào lao nguyện đại! Ngươi là ai, nói mau?
Mật Ma Tái Nạm chắp tay lễ phép:
-- Thưa! Tôi là La Ma thuộc Mật gia chính phái! Tôi làm bộ hỏi ngài vậy thôi, chứ thực ra biết rõ, ngài và tôi đều cùng một Đại giáo thừa, chỉ khác nhau pháp độ.
-- Hừ! Ta và ngươi đúng là đồng một Đại giáo phái. Thế nhưng Bụt A-mi-đà là Bụt A-mi-đà, niệm mật chú là niệm mật chú. Ngươi chớ có hồ đồ, đừng thấy người sang bắt quàng làm họ.
-- Không dám! Thực ra Mật giáo chúng tôi cao siêu nhất, nhiếp cả hai phái Đại Xa và Tiểu Xế. Sự thật vẫn là sự thật, thưa ngài.
-- Láo! Vãng sanh Độ Tịnh nhất quyết vãng sanh Độ Tịnh. Bụt A-mi-tù-phù độ tha số dzách!
-- Ke ke ke! Vẹt phải thành két, két lại hoàn vẹt. Không sai!
-- Vãng sanh Độ Tịnh!
-- Két vẹt, két vẹt!
“Độ Tịnh”… “Vẹt két”… “A-mi-đà”… “két vẹt”… Cứ thế hai bên cãi nhau bất phân thắng bại. Nhiều người qua lại biết chuyện đều lắc đầu bỏ đi. Một số ít hiếu kỳ vây quanh, kẻ đốc bên này, đứa xúi bên kia. Cả đám thích thú quây lấy hai vị đấu sĩ đang khẩu chiến. Tất cả đều cười vui như được xem hai danh hài tấu kịch.
Màn diễn đang tới lúc cao trào, bỗng nhiên từ trong đám đông một khán giả bước ra, dáng vẻ đạo mạo như một thầy giáo. Nhân vật mới cất tiếng:
-- Thôi, xin hai vị chớ có tranh luận hơn thua với nhau, kẻo thiên hạ cười chê. Gần đây có một trưởng lão đại nhân, giới hạnh tinh nghiêm, đạo pháp rành rẽ. Chúng ta hãy cùng đến đó, may ra vị Đạo Sư có cao kiến gì chăng, có thể giúp phân xử đúng sai, phải trái.
Cả đám đông ủng hộ ý kiến của vị khách lạ, cùng kéo hai đấu sĩ đi đến vị trưởng lão Đạo Sư gần đó.
Mọi người đến nơi liền thấy vị Đạo Sư đang ngồi thiền nhập định dưới gốc cây Ta-la to lớn. Đám đông chưa kịp mở lời đã nghe vị Đạo Sư lên tiếng:
-- Thiện tai, thiện tai. Phật Thích Ca đã dạy: “Người đời tranh chấp vì dục tham, tu sĩ tranh chấp vì kiến tham”. Kiến tham là tham chấp tri kiến của mình. Phật dạy đúng thật không sai, đúng thật không sai.
Mọi người nhìn nhau dè chừng sợ hãi. Ai nấy đều hỏi nhau không lẽ vị Đạo Sư này có Thiên nhĩ thông hay sao lại nghe biết hết mọi chuyện? Cả đám đông còn đang phân vân thắc mắcbỗng thấy vị khách dáng vẻ thầy giáo bước đến trước vị Đạo Sư, chắp hai tay cung kính:
-- Thưa Đạo Sư, chắc hẳn là ngài đã biết rõ mọi sự? Nếu vậy, kính mong Đạo Sư thương tình chỉ dạy.
Vị Đạo Sư từ từ mở mắt, nhìn hai đấu sĩ như ngầm khẳng định lời người vừa nói. Đám đông chưa hết thán phục đã nghe vị Đạo Sư đằng hắng giọng. Chợt từ phía sau cây đa gần đó xuất hiện một trang thiếu niên xăm xăm bước tới. Thiếu niên kính cẩn đảnh lễ vị Đạo Sư rồi lôi từ trong túi áo một cái sọ người trắng hếu. Nhiều người sợ hãi xanh mặt. Lũ con nít rụt cổ lè lưỡi. Thiếu niên vừa giơ cao đầu lâu trắng hếu vừa nói to:
-- Dạ thưa mọi người, cháu là cu Ội, em dzai chị Hằng, nhà dưới gốc cây Đa. Ông Tổ nhà cháu có di truyền cho con cháu cái sọ người này. Ổng nói nó là sọ của một đại sư đắc đạo. Đương thời vị đại sư tu theo nhiều pháp môn khác nhau, ngài vừa dạy niệm thần chú “úm ma ni” vừa dạy niệm Bụt A-mi-tù-phù cho chắc cú. Khi ngài lìa đời, Tổ Ông nhà cháu khẳng định ngài đã tái sanh làm La Ma của Mật giáo, còn Tổ Bà nhà cháu lại cam đoan ngài đã được vãnh sanh Độ tịnh Tây du. Cứ thế hai bên cãi nhau mải miết đến độ phải ra tòa ly dị. Cuối cùng họ phát lời nguyền chừng nào đúng sai phân định, một trong hai chấp nhận thua cuộc nhục nhã, lúc ấy long phụng mới hiệp hòa. Long phụng chưa hòa hiệp hai ông bà cháu đã đứt bóng lìa đời, và truyền lại cho con cháu cái đầu lâu oan gia này. Cả hai cùng nhắn nhủ con cháu phải làm sáng tỏ mối nghi vấn truyền kiếp, có vậy Tổ Ông hoặc Tổ Bà mới được ngậm cười nơi chín suối.
Nghỉ một lát lấy hơi, cu Ội thưa tiếp:
-- Nhà cháu đã đem sọ dừa này đến Đạo Sư đây phán định. Ngài chỉ nhìn cháu mỉm cười rồi cốc vào đầu cháu ba cái. Cháu về suy nghĩ đã ba năm vẫn chưa ra công án. Tháng rồi cháu đem đến hỏi lại, Đạo Sư nói sắp tới sẽ có đoàn người kéo đến đây, cứ mang sọ này ra, mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Dạy xong, Đạo Sư lại cốc thêm vào đầu cháu ba cái nữa. Vừa rồi Đạo Sư dùng Thiên nhĩ thông biết được mọi việc và phôn cho cháu mang sọ đến. Chuyện là như thế, kính mong các vị cao nhân ở đây giúp nhà cháu phá tan kỳ án.
Mới nghe đến đấy, Mật Ma Tái Nạm vội vàng rẽ đám đông xăm xăm bước đến bên cu Ội, vung một tay giật lấy sọ người, còn tay kia vươn cao bắt ấn. Mật Ma Tái Nạm lại hai mắt nhắm nghiền, miệng niệm to mấy câu thần chú rồi gãi gãi mấy cái vào sọ dừa.
-- Úm ma ni xì cù lì! Vị Đại sư này chắc chắn đã tái sanh làm La Ma của Mật giáo. Hiện ngài đang ẩn tu giữa hang sâu trên vùng núi Hi Mã Lạp Sơn tuyết giá, không ai đến được.
Mấy đứa con nít đứng gần đó sợ hãi liền nhảy dạt sang một bên. Nhanh như chớp Dị nhân không râu tóc nhào đến cướp lấy đầu lâu từ tay Mật Ma, miệng hô to “Á mi tù phù, Á mi tù phù”. Dị nhân đưa cao đầu lâu khỏi đầu hét lớn:
-- Mọi người chớ có tin lời hắn. Đại sư này đã vãng sanh Tây phương Độ tịnh từ lâu rồi. Hiện ngài đang ở giữa Đài sen thượng phẩm thượng sanh cực sung hành lạc, chờ ngày thành Bụt đúng theo đại nguyện của đức A-zi-đà.
Đám người đứng sau Dị nhân liếc nhìn Mật Ma nhạo cười rung mũi. Mật Ma tím mặt quát lớn:
-- La Ma tái sanh!
Dị nhân rống trả:
-- Vãng sanh Độ tịnh!
“La Ma”… “Độ tịnh”… “La Ma”… “Độ tịnh”… Trận khẩu chiến lại một phen bùng nổ, lần này còn gay cấn hơn lần trước. Đám đông bên ngoài reo hò cổ vũ, còn lũ con nít và cu Ội cứ nhảy tới nhảy lui khoái trá như được dự lễ hội mùa Cá Tháng Tư.
Mọi người còn đang cười nói tranh cãi, bỗng nhiên “Ào…”, một trận lôi phong cực mạnh quét ngang, cuốn phăng chiếc sọ trắng từ tay Dị nhân bay vèo tới đúng tay vị Đạo Sư. Có người la lên:
-- Tam Thất Huyền Công - Siêu Vi Chưởng!
Tiếng kẻ khác tán dương:
-- Yeah! Một tuyệt kỹ công phu tưởng đã thất truyền, hóa ra vẫn còn nơi Đạo Sư!
Mọi người reo vui:
-- Lành thay! Lành thay!
Đạo Sư từ từ đưa cao đầu lâu trắng lên trước mặt, im lặng hồi lâu. Đám đông nhìn nhau chẳng hiểu gì cả, duy chỉ có cu Ội là triệt ngộ, cứ thõng hai tay xoa bụng mỉm cười. Một lát sau có giọng thỏ thẻ:
-- Sao giống tuồng “Niêm lâu vi tiếu” (dương đầu lâu mỉm cười) của gánh hát Tồng Thiên thế nhở?
Tất cả gật gù ra điều lĩnh ngộ. Đột nhiên “đoàng” một tiếng như pháo nổ. Mọi người giật mình nhìn kỹ, chiếc đầu lâu vỡ toang trong tay vị Đạo Sư.
-- Wow, Bát Đạo Thần Công cực kỳ thâm hậu.
-- Hổng phải, nó chính là Giác Chi Hoàng Chưởng của phái Tiểu Xa.
Đám đông chẳng còn ai đủ bình tĩnh phán định nó là “công” hay “chưởng”, tất cả đều nín thở vì sợ hãi. Bỗng nhiên cu Ội cười ré lên như có ai thọc lét. Mọi người giật mình giáo giác nhìn quanh, chợt thấy cu Ội cầm lên một mảnh sọ người dí trước mắt hội chúng:
-- Ha ha ha, các bác xem này, đây chỉ là cái sọ bằng côm-pô-sít nhựa dẻo cho các sinh viên Y Khoa thực tập. Nhà cháu chôm được, đem dọa bọn con nít, có đứa vãi cả ra quần. Hôm nay lừa được nhiều người, duy chỉ có Đạo Sư là không mắc lỡm. Được bấy nhiêu thôi, cu Ội cũng thấy sướng khoái nàm thao. Ke ke ke…
Cười chưa dứt tiếng cu Ội liền bước đến trước mặt La Ma Tái Nạm và Dị nhân không râu tóc, quỳ xuống đảnh lễ như tế sao. Mọi người chưa hết ngạc nhiên đã nghe cu Ội cà kê văn tế:
-- Kính thưa hai vị, nhà cháu bị gọi là Thánh Dóc, nhưng nhà cháu chỉ lừa được bọn con nít. Hôm nay nhà cháu gặp được hai ngài còn cao siêu hơn nhiều, lừa được biết bao nhiêu người, già đầu lẫn trí thức, không chừa một ai. Cu Ội xin tâm phục khẩu phục, kính tôn hai vị lên làm sư Tổ để kẻ hậu sinh biết đường theo học. Kính bái, kính bái, kính bái…
Đám đông cười ồ lên như vỡ chợ, còn La Ma và Dị nhân tai mũi đỏ bừng, hai tay bưng lấy mặt, chạy quăng mất dép. Cũng từ đấy cụm từ “chạy quăng mất dép” mới lan truyền trong dân chúng.
Và lần đầu tiên trong lịch sử, một môn phái có cùng hai vị Tổ sơ. Tất cả huynh đệ, dòng họ, học trò của cu Ội đều nhất mực tôn vinh La Ma Tái Sụn và Dị nhân trụi lủi là hai Dóc Tổ ngang tài, cùng đua nhau thờ cúng hai ngài. Hài hài hài…

DHAMMAPALA
_________________
] Trích Trưởng Lão Tăng Kệ “Migasīra” (Thera. 24)
“Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosalađược đặt tên là Migasìra, theo ngôi sao ngày sinh. Học theo văn hóa Bà-la-môn, ngài thực hành bùa chú sọ người, khi ngài đọc lên bùa chú và lấy móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố: 'Người này sẽ được tái sanh trong giới này...', cho đến với những người đã chết được ba năm.
Không thích thú đời sống thế tục, ngài trở thành người du sĩ, với hạnh sọ người của ngài, ngài được cung kính cúng dường. Ði đến Sàvatthi, đứng trước mặt bậc Ðạo Sư, ngài tuyên bố sức mạnh của ngài: 'Thưa Tôn giả Gotama, ta có thể nói chỗ tái sanh của những người đã chết'.
Ðức Phật hỏi: 'Ông làm như thế nào?'
Ngài cho đem lại một sọ người, đọc lên bùa chú, với móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố đọa xứ v.v... là chỗ tái sanh!
Ðức Phật cho đem lại sọ người của một Tỷ-kheo, đã chứng Niết-bàn và nói: 'Hãy nói chỗ tái sanh của người này'. Migasìra đọc bùa chú, lấy móng tay gõ trên sọ người, nhưng không thấy đầu đuôi như thế nào.
Rồi Thế Tôn hỏi:
- Này du sĩ, có phải ông làm không được?
Ngài trả lời: - Tôi cần phải xác chứng cho chắc chắn!
Nhưng dù cho ngài xoay xở như thế nào, làm sao ngài biết được sanh thú của vị A-la-hán; ngài xấu hổ, toát mồ hôi, im lặng.
- Này du sĩ, có phải ông mệt mỏi?
- Vâng, tôi mệt mỏi, tôi không biết sanh tử của vị này, Ngài có biết chăng?
- Ta biết được và Ta biết nhiều hơn thế nữa! Vị này đã nhập Niết-bàn!
Vị du sĩ nói:
- Vậy nói lên cho con, bí quyết ấy?
- Vậy ông phải xuất gia! Rồi Migasìra xuất gia và được dạy cho đề tài tu định. An trú vững vàng trên thiền và thắng trí, ngài thực hành thiền quán, không bao lâu, chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:
181. Từ khi ta xuất gia,
Trong pháp bậc Chánh giác,
Giải thoát, ta tiến lên,
Ta vượt qua dục giới.
182. Nhờ Phạm-chí quán sát,
Tâm ta được giải thoát,
Ta giải thoát bất động,
Mọi kiết sử đoạn diệt
.”
³ Thừa tự Pháp trích lục:
Kiểu bùa chú sọ người của Bà-la-môn giáo cho đến tận ngày nay vẫn còn dấu ấn, giống như kiểu luyện bùa Thiên Linh Cái chẳng hạn. Tà pháp này đạt đến cực điểm nguy hiểm và quái gở khi có kẻ tin rằng phải giết người lấy sọ để luyện bùa??? Linh ứng đâu không thấy chỉ thấy bị quả báo phải đền mạng và thiên hạ xếp vào loại bị quỷ ma ám ảnh.
Khốn nỗi trong Phật giáo cải biến cũng có niệm thần chú, có nơi còn luyện bùa luyện ngải; cho nên đã có không ít người ngộ nhận lối bùa chú sọ người cũng từ Phật giáo mà ra!!!
Dù bùa chú sọ người có thần năng thế nào nhưng nó cũng phải bất lực trước Đức Phật và các vị Tỷ-kheo đạt đạo. Chính vì thế Migasìra đã bị thuyết phục và trở thành đệ tử Phật, sau cũng đắc quả A-la-hán. Nhưng không phải tất cả Bà-la-môn đều như Migasìra, trái lại theo kinh văn ghi lại có rất nhiều các Bà-la-môn khác cố chấp lấy tôn giáo của mình và chống phá Đạo Phật bằng nhiều thủ đoạn thâm độc.
Một trong những thủ đoạn thâm độc ấy là du nhập các pháp môn của Bà-la-môn giáo vào chính Đạo Phật, ngụy trang thành chính những pháp môn của Phật giáo để phân hóa, biến chất và thủ tiêu Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cuối cùng Đạo Phật chỉ còn trên danh nghĩa, với đầy dẫy những pháp môn tà vạy, những luật lệ ô nhiễm, những lễ nghi mê tín, cùng những biến thái quái đản thậm chí đầy thô tục và trần dục.
Mong rằng mọi người con Phật phải tỉnh giác phán xét, suy tư kỹ lưỡng trước những kinh-luật-luận đời mới cùng với các pháp môn cải biên từ các tổ sư gốc Bà-la-môn, nhằm phân biệt rõ chánh - tà, chân - ngụy. Có vậy người Phật tử mới tránh khỏi đọa địa ngục vì tà kiến, vì tội phá hòa hợp Tăng.