Ma tâm

Ma tâm

2/29/2016

Tổ của các dóc tổ


Vị Tỳ-kheo trẻ với dáng vẻ rất nghiêm túc đi đến vị sư huynh. Hai bên chào hỏi nhau xong, vị Tỳ-kheo trẻ đặt vấn đề:
_ Thưa hiền huynh, tiểu đệ càng đọc kỹ Kinh - Luật Nguyên Thuỷ và so sánh với tam tạng Đại Thừa càng thấy nhiều điều trái ngược.
_ Xin nêu vài ví dụ!
_ Dạ, ví như trong Kinh và Luật Nguyên Thuỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần “phàm các pháp có sanh thì có diệt”, nhưng Bát Nhã Tâm Kinh và Long Thọ lại phán ngược lại: các pháp không sanh không diệt? Trong khi Phật Thích Ca dạy “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh”; thì các tam tạng Đại Thừa thi nhau nói ngược lại thành “thường-lạc-ngã-tịnh”? Trong khi Phật Thích Ca dạy Không - Vô Tướng - Vô Nguyện thì các Bụt, Bồ-tát Đại Thừa thi nhau phát đại nguyện trái ngược trong các kinh cải biến. Trong khi Phật Thích Ca xem thần chú như dép rách, nhưng nhiều phái Đại Thừa lại thi nhau ra rả “Yết đế yết đế... Úm ma ni”. Trong khi Phật Thích Ca nhiều lần dạy trong một thế giới chỉ có độc nhất một vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác tức là Phật tối thượng không có so sánh, không có ngang bằng, trải nhiều nhiều trăm kiếp may lắm mới gặp một lần; trái lại kinh văn Đại Thừa lại có đến hàng vạn, hàng ức tỷ Phật; thậm chí mọi chúng sanh đều thành Phật? Trong khi Phật Thích Ca dạy một nữ nhân không thể chứng A-la-hán Chánh Đẳng Giác, thì Đại Thừa lại có Phật bà Quan Âm, Phật mẫu? Trong khi kinh Nguyên Thuỷ phân định rõ mọi người con Phật xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là tối thượng tối tôn, trái lại Chương thứ mười một, kinh 42 Chương của Đại Thừa lại quay quắt “cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng ăn”. Có “vị” nào ngoài đồng gặm cỏ lại có niệm, có trụ, có tu, có chứng? Trong khi...
Sư trẻ còn muốn nói tiếp, sư huynh đã xua tay:
_ Thôi đi sư đệ à, đệ cứ liệt kê những kiểu trái ngược ấy, nói tới ngày mai cũng chưa hết. Đệ thấy được bấy nhiêu cũng đủ tránh được cạm bẫy rồi!
_ Thưa, cạm bẫy gì? của ai?
_ Của đám con cháu Bà-la-môn Paccaniikasāta.
_ Paccaniikasāta là ai?
_ Ông ta là Bà-la-môn trong thời Phật. Ông ta luôn có ý nói trái ngược với lời Phật để phá hoại Phật pháp. Trong Kinh Tương Ưng còn ghi rõ thế này: “Bà-la-môn Paccaniikasāta suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama có nói điều gì, ta sẽ nói lời phản ngược lại" (S.i,179). Chính vì thế các “Tam Tạng” tân thời sau này do các luận sư Bà-la-môn kết tập xiển dương đều trái với Pháp và Luật nguyên thuỷ của Đức Thế Tôn. Chỉ có điều, đám con cháu của Bà-la-môn Paccaniikasāta thâm hiểm hơn nhiều. Họ chui vào Phật giáo, tự xưng làm Tổ, Bồ-tát rồi đẻ ra các truyền thuyết mê ly mơ hồ để dễ hớp hồn những ai cả tin ngây thơ. Sau đó họ tung ra các kinh giả, luật dởm, luận dỏm và bọc lót kỹ dã tâm của họ bằng những hý luận lươn lẹo nhằm phá hoại Đạo Phật, cho nên không phải ai cũng thấy được như hiền đệ.
_ Hoá ra, Bà-la-môn Paccaniikasāta chính là ông tổ của các dóc tổ đã vẽ ra Tam tạng cải biên trái ngược với Kinh - Luật gốc.
_ Chứ còn ai vào đây!
Thích Trung Đạo
------------------------------------------
PHÁP TRÍCH LỤC:
Trích kinh “Các Sức Mạnh”, Tăng Chi tập 1, Chương 2, II. Phẩm Tranh Luận, trang 113
“… 10. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự hỗn loạn (mê mờ) và biến mất của Diệu Pháp. Thế nào là hai? Văn cú bị đảo ngược và ý nghĩa bị hiểu lầm. Nếu văn cú bị đảo ngược thời ý nghĩa bị hiểu lầm. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đưa đến hỗn loạn và biến mất của Diệu Pháp.
11. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến an trú, không biến loạn, không biến mất của Diệu Pháp. Thế nào là hai? Văn cú phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hiểu chơn chánh. Nếu văn cú được phối trí chơn chánh thời ý nghĩa được hiểu chơn chánh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đưa đến an trú, không hỗn loạn, không biến mất của Diệu Pháp.”

2/28/2016

Thánh Kinh và kinh dị!


Qua hàng ngàn năm kinh A Hàm và các kinh ngụy tạo khác đã được dễ dãi tin tưởng và truyền thừa. Vì dễ dãi chấp nhận, không thận trọng suy xét, nên không phát hiện được những độc hại chết người của chúng.
Dưới đây chỉ cần nêu một ví dụ điển hình trong hàng ngàn trường hợp cũng đủ thấy rõ sự cực kỳ thâm độc mà các giả sư Bà-la-môn đã  gieo rắc trong các ngụy kinh của họ.
* Kinh Nikaya, ‘Đại Kinh Đoạn Tận Ái’, Trung Bộ 1, trang 582, xb 1992:
-- Phật Thích Ca dạy: “Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, SỮA CỦA BÀ MẸ ĐƯỢC XEM LÀ MÁU” (Bản dịch của HT Minh Châu)
* Kinh A-Hàm tương đương, bài kinh ‘Trà Đế’, số 201, Trung A-hàm tập 4, trang 471, xb 1992:
-- Bụt A Hàm phán: “Thai mẹ kéo dài chín tháng hay mười tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu. MÁU ĐÓ Ở TRONG THÁNH PHÁP GỌI LÀ SỮA MẸ”. (Bản dịch của TT Tuệ Sĩ)
* Ý KIẾN:
Đúng như chánh kinh Pali đã dạy, người MẸ mang nặng đẻ đau con mình với biết bao lo âu, khó nhọc, khổ sở. Khi đứa con ra đời, người Mẹ còn nuôi con bằng chính nguồn sữa của thân mình.
Với bậc Chân nhân, nguồn sữa từ chính thân người mẹ nuôi mình khôn lớn phải được trân quý như chính máu của mẹ để dành cho mình tồn tại. Những người con chí hiếu, nghe lời dạy chí tình của Phật chỉ muốn khóc vì ơn mẹ, vì ân Phật.
Trong Chánh kinh, hình ảnh so sánh “SỮA MẸ NHƯ MÁU” thiêng liêng, cao quý, chí lý bao nhiêu thì trái lại hình ảnh cải biên thâm hiểm trong A Hàm lại quá kinh tởm, kinh khủng, kinh khiếp bấy nhiêu. Đây đúng là kiểu thế gian gọi là lối “thấu cáy của bọn trí thức đểu”.
Vì nó quá kinh tởm nên phải để cho những vị không chứng không đắc, không dơ không sạch, không trí không thức lãnh thọ giải thích.
Đến đây đã quá đủ để khỏi bình luận gì thêm!

2/27/2016

Sợ Diệu pháp tồn tại lâu dài


Hai huynh đệ đang ngồi nói chuyện với nhau trong sân chùa. Sư đệ hỏi sư huynh:
_ Thưa sư huynh, có phải tạng Pāli Nam truyền và tạng A Hàm Bắc truyền được xem như tương đương, có cùng một gốc và ‘nguyên thủy’ nhất không ạ?
_ Không sai nhưng chưa đúng lắm!
_ Chưa đúng thế nào, thưa huynh?
_ Tạng A Hàm lưu truyền ở phương Bắc đã bị cải biên cải biến rất nhiều.
_ Vâng, đệ cũng thấy như thế. Điển hình như  kinh Niệm Xứ trong Trung A Hàm bị cải biên và lược bớt rất nhiều pháp quan trọng so với kinh Niệm Xứ của Trung Bộ Pāli. Thậm chí trong Trường A Hàm cả bài kinh Đại Niệm Xứ của Trường Bộ Pāli cũng bị xóa bỏ hoàn toàn. Do nguyên nhân gì, huynh biết không?
Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài”.
_ Huynh dựa vào đâu nói như thế?
_ Vào kinh Tương Ưng tập 5, bài kinh “Trú” số 172. Nguyên văn đấy!
_ Vậy ai đã xóa bỏ kinh Đại Niệm Xứ trong Trường A Hàm, và cải biến kinh Niệm Xứ trong Trung A-hàm?
_ Tăng, Ni, Phật tử có dám làm chuyện ấy không?
_ Không.
_ Những kẻ ngoại học đứng ngoài đạo Phật có làm được không?
_ Không.
_ Vậy thì ai? Ráng tư duy một chút coi!
_ Chẳng lẽ các yêu quái đóng vai gián điệp?
_ Chứ còn ai vào đây!
_ Với kinh A Hàm ‘nguyên thủy’ mà yêu quái còn dám cải biên xuyên tạc, vậy chúng có dám chế tác các kinh Đại Thừa sau này không, thưa sư huynh?
_ Chúng sợ gì mà không dám?
_ Sợ Diệu Pháp tồn tại lâu dài!
_ Đúng vậy. Hiền đệ biết một, hiểu hai rồi đấy!
Sư Trưởng
(Ảnh Internet)

2/26/2016

Hai ngàn năm mù câm điếc

Thông thường hàng giả bao giờ cũng dỏm hơn hàng thật, kinh giả cũng vậy. Cho nên chỉ cần một chút xíu tỉnh giác khi đọc các kinh văn ngụy tạo sẽ phát hiện được ngay các vô lý tà vạy của nó. Thế nhưng nếu một chiều mê say tin tưởng sẽ không bao giờ phát hiện được.
Dưới đây là những chứng minh điển hình.
Hãy so sánh kỹ hai đoạn kinh tương đương giữa Kinh Ðoạn Giảm, số 8, Trung Bộ Pāli Nam Truyền và kinh Chu-na Vấn Kiến, số 91, Trung A Hàm Bắc Truyền sẽ thấy rõ ngay thế nào là tà kinh ngụy tạo.
** Chánh kinh Pāli ‘Đoạn Giảm’:
“Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở SĀVATTHI (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Lúc bấy giờ Thế Tôn GỌI CÁC TỶ-KHEO: -- "Này các Tỷ-kheo".  --"Bạch Thế Tôn",CÁC VỊ TỶ-KHEO ẤY vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:…” (Bản dịch của HT Minh Châu)
** Tà kinh A Hàm ‘Chu-na Vấn Kiến’:
“Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật đến Uất-bệ-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào LÚC MỚI THÀNH ĐẠO.
Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Phạm chí ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Phạm chí từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Phạm chí, NGÀI BẢO CÁC TỲ-KHEO:…” (Bản dịch của TT Tuệ Sĩ)
** BÌNH LUẬN:
Thế đấy, hai bài kinh tương đương ghi lại cùng một sự kiện, thế nhưng trong kinh Pāli gốc, Đức Thế Tôn ở tại Sāvatthi với đầy đủ Tăng chúng, cho nên việc Ngài gọi ‘Này các Tỷ-kheo’, và các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn là điều hợp lý, đúng đắn.
Thế nhưng, trong A Hàm lại bị cải biên thành lúc Phật MỚI THÀNH ĐẠO còn ngồi dưới gốc cây A-đa bên bờ sông Ni-liên-nhiên. Lúc này Tăng đoàn còn chưa có đến một người, lấy đâu ra có các Tỳ-kheo mà “Ngài bảo các Tỳ-kheo”? Rõ ràng kinh Chu-na Vấn Kiến đã bị cải biên ngụy tạo. Trong A Hàm còn nhiều bài kinh khác cũng vô lý tương tự.
Tạng A Hàm đã phơi bày nhiều sự vô lý hết sức thô thiển, thế nhưng do mọi người một chiều tin tưởng nó là kinh của Phật, pháp của Phật, cho nên qua hàng ngàn năm mới không phát hiện lật tẩy.
Ở phương Bắc, A Hàm được xem là kinh “nguyên thủy” còn như thế, các kinh xuất hiện sau này còn tà vạy đến đâu! Tà vạy thật, vì nhiều kinh luật Đại Thừa cũng có sự vô lý tương tự nhưng qua 25 thế kỷ vẫn được vô tư truyền dạy.
Ví dụ như kinh Hoa Nghiêm do luận sư Bà-la-môn Long Thọ kết tập chẳng hạn. Nhiều tín đồ Hoa Nghiêm tin rằng “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật”, có nghĩa là hội Hoa Nghiêm được “Phật” thuyết 37 NGÀY đầu tiên ngay sau khi Phật vừa mới chứng đạo (?) (Trí Giả đại sư còn phán 21 NGÀY?)
Nhiều học giả Đại Thừa còn dám lớn tiếng huênh hoang rằng vì Hoa Nghiêm của Đại Thừa quá cao siêu cho nên các ông A-la-hán Thanh Văn Tiểu Thừa như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan dự pháp hội Hoa Nghiêm đều như những người mù câm điếc chẳng hiểu gì cả (sic).
Thật điên rồ! Thử hỏi, 37 ngày hay 21 ngày ngay sau khi Phật vừa mới chứng đạo, lúc này năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, lấy đâu ra có các ông Thanh Văn “mù câm điếc” để dự hội Hoa Nghiêm?
Hẳn, không phải các Thánh Tăng A La Hán Thanh Văn mù-câm-điếc, mà chính những kẻ vẽ ra và tin kinh Hoa Nghiêm mới thật sự điếc-câm-mù.
Không điếc câm mù ư? Hoa Nghiêm đâu phải là trường hợp duy nhất, các kinh luật ngụy tạo khác cũng đầy dẫy sự vô lý tà vạy. Bản BỒ TÁT GIỚI của Đại Thừa do dịch sư Cưu Ma La Thập giới thiệu và chuyển dịch cũng có sự vô lý y như vậy.
Trong phần đầu của bản giới luật này còn ghi rõ rành rành nguyên văn như vầy:“Thuở ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc MỚI THÀNH ĐẠO vô thượng chánh giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ Ðề, Ngài bắt đầu kiết Bồ Tát Giới. Ngài dạy rằng: Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam-Bảo. Hiếu thuận là pháp chỉ đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn.” (Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, trang 8).
Thế đấy, lúc Phật MỚI THÀNH ĐẠO còn ngồi dưới cội Bồ Đề, Tăng Ni chưa có đến một người, hội chúng chưa có đến một ai, Phật pháp chưa chuyển luân một ngày, mà Phật ngồi kiết giới khơi khơi như vậy, lại còn dạy đệ tử phải hiếu thuận với sư tăng, Tam Bảo nữa chứ (?) Hẳn chỉ có con nít ba tuổi mới không thấy sự phi lý.
Đã thế trong Bồ-tát Giới còn nhiều đoạn tôn vinh Đại Thừa, khinh chê Nhị Thừa Tiểu Thừa, trong khi trong thời Phật chưa có sự phân hóa này, và lúc Phật vừa mới chứng đạo lại càng không có chuyện Đại - Tiểu!
Điều này chứng tỏ Bồ-tát Giới do kẻ đời sau vẽ ra nhằm gây phân hóa phá hoại Đạo Phật. Khốn thay, suốt hơn hai ngàn năm qua không một ai phân vân thắc mắc để tỏ ra mình không bị điếc-câm-mù.
Để không bị điếc câm mù cần phải biết thêm, dịch sư Cưu Ma La Thập người giới thiệu và dịch Bồ-tát giới cùng các kinh Đại Thừa khác, được nhiều người xem là ‘Thánh Tăng’ nhưng ông ta dám ngang nhiên phá giới trọng, nhận và loạn dâm với cả MƯỜI CUNG NỮ từ vua Diêu Tần ban cho (Xem Cao Tăng Dị Truyện)!!!
Một cư sĩ giữ nghiêm năm giới còn không quá phóng đãng như vậy, huống hồ một vị Tăng, huống hồ là ‘Thánh Tăng’? Rõ ràng chỉ có điếc câm mù giới hạnh mới tôn vinh một ôn như vậy. “Thánh Tăng” mà còn như thế, phàm tăng còn kinh khủng đến đâu? Hẳn, chỉ có những ai thích-phá-giới loạn dâm, vẫn còn mù câm điếc Chánh Pháp Chánh Giới, mới còn dám bênh vực cho ngài và tin vào những dịch phẩm của ngài.
Đã đến lúc phải thoát khỏi hai ngàn năm mù câm điếc, có vậy mới mong thoát khỏi địa ngục vì tà kiến, vì tội xúc phạm Thánh nhân, vì phân hóa Tăng đoàn Đại - Tiểu.
Theo Budhism Magazine

2/25/2016

Đức Phật tiên tri như thật!


Đọc kỹ bài kinh “CÁI CHỐT TRỐNG” dưới đây mọi người sẽ thấy rõ những tiên tri của Đức Thế Tôn từ hơn 26 thế kỷ trước ngày nay đã hoàn toàn trở thành sự thật. Mọi người cần biết để cảnh giác. Có cảnh giác mới thoát khỏi các bẫy sập do ác ma giăng mắc để tự cứu mình và cứu những người thân của mình.
-- Bài kinh “CÁI CHỐT TRỐNG”(S.ii,266), Tương Ưng 1, phẩm XX, (Tạp 47.18, Cổ, Ðại 2, 315b)
Trú ở Sāvatthi.
-- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasārahā có một cái trống tên là Anaka. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasārahā đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, NHỮNG TỶ-KHEO SẼ THÀNH TRONG TƯƠNG LAI: Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến KHÔNG (TÁNH), họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. (HT Thích Minh Châu dịch Việt)
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
“-- Thuở xưa, này các Phật tử, Đạo Phật có một tạng Kinh gốc duy nhất tên là Nikāya. Khi tạng Kinh gốc Nikāya bắt đầu bị đứt gốc, những người con Phật tin theo những kẻ không đáng tin, chạy theo các tà kinh ngụy tạo khác. Cho đến một thời gian, này các Phật tử, cả tạng Thánh Kinh Nikāya không còn được tôn trọng và người ta chỉ còn tin vào những tà kinh ngụy tạo hoặc các luận giải tà vạy.
Cũng vậy, này các Phật tử, những Phật tử trong hiện tại: Những bài kinh nào do Như Lai thuyết như kinh Nikāya, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến “KHÔNG” (tánh) như Tiểu Không, Đại Không…, họ sẽ không nghe khi các kinh Nikāya ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh ngụy tạo sau này do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử giả danh thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các ngụy kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Phật tử, các kinh Nikāya do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến “KHÔNG” (tánh) như Tiểu Không - Đại Không, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Phật tử, các Vị cần phải học tập như sau: "Những bài kinh Nikāya nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến “KHÔNG” (tánh) như Tiểu Không - Đại Không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Phật tử, các Vị cần phải học tập.”
GĐPT Vạn Hạnh

2/24/2016

Siêu triết lý về Tánh Không


Chữ “KHÔNG” trong Đại Thừa giáo không phải tầm thường: nó không phải là không-có, không phải là không-không, nhưng cũng không phải là không-không và không-có.
Nó vốn không sanh không diệt; không dài không ngắn; không đi không đến, không đầu không cuối và thậm chí nhiều khi nó… không có ý nghĩa gì cả. Cho nên mới nói nó là thậm thâm vi-niệu-liệu-pháp.
TÁNH KHÔNG vi diệu ấy đã được không ít các nhà học giả lý giải với cả một núi luận giải, với đầy một sông chữ nghĩa và với non một biển nước bọt. Tánh Không được viện dẫn nơi hầu hết các lãnh vực từ trong những luận lý toán học, trong thiên văn vũ trụ; cho đến cả trong vi sinh, vi trùng và vi tính nữa.
Quả thực, thế mới đúng là đại trí của bậc đại nhân, đại pháp của bậc Đại giáo, và đại pháo của bậc đại bác.
Nếu có kẻ ngớ ngẩn nào đó cắc cớ hỏi rằng: “Trong một mớ lý luận cao siêu vi diệu ấy, cái “KHÔNG” thiết thực hiện tại nào giúp cho con người KHÔNG KHỔ?”, thì kẻ dại khờ ấy phải nên biết rằng đến một chữ “KHÔNG” của hàng hạ căn thiếu trí họ còn chưa hiểu nổi, thời làm sao biết được cái “chân không diệu hữu” cùng cái “chân hữu thành không” của bậc thượng căn thượng trí thượng ngôn?
Họ hãy vào chùa mà nghe, hàng đêm, từ bà bán bún riêu ngoài chợ đến đứa bé hỉ mũi chưa sạch, tất cả đã biết thuộc lòng làu làu và thi nhau réo gọi “Này thằng con Xá Lệ hãy lắng nghe: không có sanh-già-bệnh-chết; không có Khổ-Tập-Diệt-Đạo, không có dơ, không có sạch, không có chứng, không có đắc…”
Nói nôm na không có cái gì cả, nhưng thực sự lại có những cái “KHÔNG” theo kiểu: không-chánh-pháp-nguyên-thủy, không-Tướng-Quân-Chánh-Pháp, không-có-A-la-hán, không-có-chân-lý-về-con-đường-diệt-khổ, không-có-tam-minh-diệt-vô-minh… nhưng lại “” cái Bát Nhã Ba La Mật mà đến ba đời chư Phật vẫn còn phải nương dựa tu hành.
Đó mới chính là cái thực “CÓ” nhưng lại bị biến thành KHÔNG, còn cái thực “KHÔNG” lại hóa ngay thành CÓ, vừa sờ sờ trước mặt lại vừa cao cơ kỳ bí đến mịt mờ. Cho nên, dù đã có những kẻ cố mình tìm hiểu, nhưng vì ngu si vẫn không sao tự hiểu những điều họ đáng phải hiểu!
Hỡi những kẻ rồ dại phải nên biết rằng: chỉ có những ai mù lòa mới không biết kẻ hiểm ác khoác lên người họ tấm áo dơ bẩn cũ kỹ nhưng lại bảo rằng đó là chiếc áo qúy giá, sang trọng; để rồi họ cứ tin và khoe khoang như thế.
Còn chúng ta, những con người với hai con ngươi còn sáng như trăng sao, hàng ngày vẫn nhìn thấy Bụt A-di-đà cùng Bụt bà Quan Âm thì làm sao khờ khạo như thế cho được.
Hỡi những trưởng lão niên cao hạ lớn nhưng trí tuệ vẫn còn hôi mùi sữa, họ cũng phải nên tự thân giác ngộ một điều, đến con lừa kia còn biết chạy theo củ cà-rốt, chẳng lẽ chúng ta là con trẻ của Bồ Tát Quán Tự Tại lại không biết nương theo con thuyền Bát Nhã để vượt qua hết thảy khổ ách hay sao?
Cho nên mới có thơ rằng:
Có cái “KHÔNG” lồng trong cái dại
KHÔNG mà CÓ, bó chặt cái ngu.
Đại Ma Giáo Chủ

2/22/2016

Tội do tâm khởi, có do tâm diệt?


Trong truyền thống Đại Thừa giáo có câu kệ dạy sám hối như sau:
Tội do tâm khởi, do tâm diệt,
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh, thảy đều không.
Đó mới thực là chân sám hối
Theo đây, giả sử giữa một xóm đông người, có ông nọ đốt căn nhà của mình, nói rằng “căn nhà này do tôi dựng khởi, tôi có quyền đốt đi”. Thử hỏi ông ta làm như vậy có được không? Nếu không, tại sao?
Một bà mẹ có quyền nói “những đứa con này do tôi đẻ ra, nên tôi được giết chúng” không? Nếu không, tại sao?
Một ông tăng hiếp dâm đứa bé gái mang thai, xong ông ta cũng ‘chân sám hối’, nói rằng tâm ông đã tịnh rồi, tội liền tiêu, thảy đều không ư?
Một kẻ vô lương tâm sau khi gây tội cũng thản nhiên như không, tâm của hắn cũng “tịnh” rồi, tội của hắn cũng tiêu ư?
Những kẻ diệt chủng giết người xong vẫn thản nhiên vì nghĩ rằng chẳng có tội tình gì, còn hàng triệu nạn nhân của họ với những nỗi đau cùng cực, tất cả “thảy đều không” hay sao?
Chân sám hối theo kiểu Đại thừa có khác gì với sự thản nhiên vô tâm như không của những kẻ vô lương tâm, hay của những kẻ tán tận lương tâm? Nó nguy hại như thế nào cho những người tin theo và cho cả xã hội?
Ai chấp nhận “chân sám hối” theo kiểu Đại Thừa có chấp nhận cho kẻ ác nhân diệt sạch gia đình họ, hãm hiếp người thân của họ, rồi hắn cũng biết ‘chân sám hối’ để tất cả đều không không?
Tóm lại, “chân sám hối” của Đại Thừa chính là ngụy sám hối, là tà sám hối, là lươn lẹo sám hối của các luận sư Bà-la-môn ác hiểm đưa vào nhằm phá hoại Đạo Phật, biến chất những kẻ tin theo.
Còn sám hối chân thật của những người chân chánh phải như thế này:
Tội do tâm khởi, do nhân quả diệt,
Nhân quả trả rồi, tội mới tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh, nhân quả có.
Đó mới thực là chân sám hối
Thích Công Lý
(Ảnh internet)

2/18/2016

Thiên thượng, thiên hạ, thiên hướng, nhất hướng


Một Ẩn sĩ hỏi vị Thiền sư:
_ Hai mươi sáu thế kỷ trước, Thái tử Tất Đạt Đa chào đời, một tay chỉ trời là có ý gì?
Thiền sư mỉm cười ý nhị:
_ Coi chừng “A pie in the sky”! (Bánh vẽ trên trời)
_ Sáu trăm năm sau, ông A-di-đà xuất hiện, tay chỉ xuống đất nghĩa là gì?
_ Bụt chỉ “Ánh trăng tịnh độ”.
_ Sao trăng lại ở phía dưới?
_ “A moon in the pool” - bóng trăng đáy nước. Mọi người cứ nhắm mắt niệm A-di-đà, rồi nhảy xuống hồ tìm trăng, tất sẽ thấy một cái “bánh pie” nơi trời Tây.
Ẩn sĩ gật gù như liễu ngộ được công án của vị Thiền sư, hỏi tiếp:
_ Còn Bụt Ngàn Mắt Ngàn Tay chỉ ngàn hướng là sao?
Thiền sư chắp tay trước ngực:
_ Mô Phật. Hai hướng đã đủ chết, ngàn hướng còn chết đến đâu (1)
Ẩn sĩ mỉm cười:
_ Thế ngài theo hướng nào?
Thiền sư ngồi kiết già, hai bàn tay đan nhau:
_ Không có hướng nào. Duy chỉ có “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”.
_ Thành “Phật” rồi ngồi im nhìn học trò phải đứng ngoài tuyết giá ngập gối, lại còn chặt tay chặt chân nữa. Làm thế, e nhẫn tâm quá!
Vị thiền sư nhíu mày:
_ Vậy ông theo hướng nào?
Vị Ẩn sĩ chỉ thẳng phía trước, rồi chỉ chung quanh:
_ Hướng duy nhất: Bát Chánh Đạo (2). Mọi hướng khác: bát tà đạo.
Nói xong vị Ẩn sĩ biến mất.
Thiện Trí Thức
______________­
(1) Bụt Ngàn Mắt Ngàn Tay của Đại thừa giáo chính là hung thần Aj-jun của Bà-la-môn giáo đã được các tổ sư gốc Bà-la-môn cải trang đưa vào trong Phật giáo để thực hiện một cú lừa cay đắng đối với những kẻ dám đòi quyền bình đẳng đối với giai cấp tối thượng của họ.
Thật vậy, trong Chuyện Tiền thân Bhùridatta, số 543, Kànàrittha vốn là một Bà-la-môn đã ca ngợi:
“119. Ku-ve-ra, So-ma, các thần,
Dhà-tà, Vi-dha, cùng trời, trăng,
Bao phen đã cử hành đàn tế,
Ban các La-môn mọi phước ân.

120. Aj-jun vĩ đại giáng tai ương,
Chi chít ngàn tay mọc khắp thân;
Mỗi cặp tay cầm cung dọa nạt,
Dâng thần lửa lễ vật đầy tràn!”
Rõ ràng các ông luận sư Bà-la-môn gián điệp đã xỏ mũi các Phật tử Đại Thừa, “bắt” Đại thừa giáo nhận vơ một ác thần thấp kém (dưới cả thần lửa) của Bà-la-môn giáo làm vị “Phật” tối cao của mình. Cho nên những người Bà-la-môn ngày nay coi thường Phật giáo là phải.
Hỡi những ai còn ngây thơ cả tin hãy ghi nhớ kỹ: cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo hoàn toàn không đơn giản. Giang hồ hiểm ác, nhưng trong tôn giáo cũng không thiếu những Dạ xoa đội lốt Thánh hiền!
(2) TÁM CHÁNH ĐẠOChánh Kiến: thấy rõ Bốn Chân Lý KHỔ - TẬP -DIỆT - ĐẠO. Chánh Tư Duy: tư duy không dục, không sân, không hại mình và người. Chánh Ngữ: không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói ác độc, không nói phù phiếm, bùa chú. Chánh Nghiệp, Chánh Mạng: hành nghiệp và nuôi mạng sống chân chánh. Chánh Tinh Tấn: Bốn Chánh Cần - tinh tấn ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. Chánh Niệm: Bốn Niệm Xứ. Chánh Định: Bốn Thánh Thiền - Bốn Thánh Định.
(Ảnh Internet)

2/17/2016

Bật mí bí mật A-di-đà


Cư sĩ Độ Tinh nói với một thanh niên Phật tử cũng là sinh viên khoa tâm lý:

_ Này cháu, có người nói rằng họ nằm mơ thấy Bụt A Di Đà hiện ra tiếp rước rõ ràng.

Sinh viên khoa tâm lý bĩu môi:

_ Dù hàng triệu người nói như thế, cháu cũng chẳng thèm tin!

Cư sĩ Độ Tinh trách:

_ Cháu hồ đồ ngang bướng quá đấy. Phải tín - nguyện - hạnh chứ!

Người thanh niên vẫn giữ giọng mạnh mẽ, đầy tự tin:

_ Ông không nhớ gì ư? Trong hàng ngàn năm, hàng triệu triệu con người đã thấy và tin rằng mặt trời quay quanh trái đất, nhưng kỳ thực trái đất lại quay quanh mặt trời. Thấy bằng mắt rành rành như vậy còn sai, huống hồ “thấy” bằng tưởng.

_ Ý cậu muốn nói là chớ có tin vì truyền thuyết, vì truyền thống, vì nghe lời đồn, vì kinh điển, vì lý luận siêu hình, vì lập luận một chiều, vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, vì hợp với chủ kiến, vì uy quyền và vì đó là thầy mình?

_ Thưa, đúng như vậy! Mười điều không tin của người Phật tử chân chính cũng là niềm tin chân chánh của một nhà khoa học.

Cư sĩ Độ Tinh cụt hứng, khí sắc tiêu trầm, cố vớt vát:

_ “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”. Những kẻ không có duyên may như cậu, làm sao thấy được các ngài mà tin?

Sinh viên khoa tâm lý phì cười:

_ Đương nhiên có cần đâu mà muốn. Có muốn đâu mà thấy. Có thấy cũng chẳng ham. Không ham là vì biết rõ tất cả cũng chỉ do cái tín, cái nguyện và cái hành mà ra chứ sao.

_ Cậu nói nhảm gì thế?

_ Trái lại là khác, cháu rất tỉnh trí. Ông nghe đây, theo pháp Duyên Khởi, hằng ngày miệng niệm “A Di Đà” và cứ nghĩ tưởng đến ông ta thì khẩu hành cùng ý hành này sẽ tạo nên trong tâm một tiềm thức “A Di Đà”. Khi hữu duyên tiềm thức này sẽ lưu xuất thành tưởng thức “A Di Đà”. Tưởng thức này chính là các hình ảnh mộng tưởng của những người hành theo, chứ có gì linh thiêng linh hiển.

_ Giống như một cô gái cứ nhớ nghĩ, gọi tên người yêu, riết rồi cũng có lúc nằm mơ gặp được “người trong mộng”?

_ Đúng vậy! Nhưng giờ đây nếu nhiều cô gái cùng thương nhớ một chàng trai, thì những giấc mơ của họ có giống nhau về hình ảnh của chàng trai ấy là chuyện bình thường, chứ có gì lạ đâu. Cho nên dù cả triệu người có mơ thấy ông A Di Đà, cháu cũng chẳng thèm tin là thế.

Cư sĩ Độ Tinh bất giác lẩm bẩm:

_ Nguy thật, nám mô A Di Đà Phật. Í quên, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Sinh viên khoa tâm lý hoan hỷ:

_ Lành thay, như vậy là ngài đã biết tự độ để giải thoát cho chính mình rồi đấy!

Cư sĩ Độ Tinh xá người bạn trẻ như muốn cảm ơn vị ân nhân đặc biệt. Sinh viên khoa tâm lý cũng chắp tay đáp lễ. Cả hai vui vẻ hẹn ngày tái ngộ.

Theo "Tạp Chí Nghiên Cứu Tâm Lý"

2/16/2016

Đức Phật đệ nhất tiên tri


Mỗi người con Phật hãy đọc kỹ bài kinh dưới đây để hiểu rõ hơn danh xưng "Chánh Biến Tri" của Đức Thế Tôn, và để tự cứu chính mình, thoát khỏi Ác ma chi phối. 
Kinh Cỏ Rơm (Tạp, Ðại 2, 344b) (S.ii,267)
1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Vesāli (Tỳ-xá-ly), Mahāvana (Ðại Lâm), Kūtāgārasālā (Trùng Các giảng đường).
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".
-- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) -- Sống trên các gối rơm, này các Tỷ-kheo, là lối sống hiện nay của dân chúng Licchavi, không phóng dật, nhiệt tâm trong nhiệm vụ. Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha không có được cơ hội, không có được đối tượng để xâm lăng.
4) Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, dân chúng Licchavi trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông.
Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha, sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng để xâm lăng.
5) Sống trên các gối rơm, này các Tỷ-kheo, là nếp sống hiện nay của các Tỷ-kheo, không phóng dật, nhiệt tâm trong các nỗ lực. Ác ma không có cơ hội, không có đối tượng để xâm lăng.
6) Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sẽ trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông. Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng (để xâm lăng).
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Chúng tôi sẽ sống trên những gối rơm, không phóng dật, nhiệt tâm trong nỗ lực".(Hết trích)

***
Ý kiến Chánh Tư Duy: Theo ngữ cảnh của kinh, lúc Phật thuyết bài kinh này “lối sống hiện nay” của dân Licchavi vẫn còn đoàn kết, tinh cần và có trách nhiệm nên đất nước hùng mạnh. Thế nhưng Đức Chánh Biến Tri đã tiên đoán “trong tương lai” dân chúng Licchavi sẽ phóng dật và sẽ bị Ajātasattu xâm lăng.
Thực tế số phận của dân Licchavi đã diễn ra hoàn toàn đúng với sự tiên tri của Đức Thế Tôn.
Theo chánh kinh và sử liệu, vua Ajātasattu đã kiên trì thực hiện theo kế sách “NGOẠI GIAO VÀ LY GIÁN” của Bà-la-môn Vassakāra trong vòng 3 năm. Vua Ajātasattu một mặt giả kết thân để dân Licchavi không nghi ngờ, mặt khác đã cài các gián điệp vào giữa dân chúng Licchavi để gây chia rẽ và làm suy thoái 8 bộ tộc Licchavi. Sau đó Ajātasattu đã xâm lăng và thâu tóm toàn bộ xứ Vajjis (Bạt-kỳ).
Thật đáng sợ, bi cảnh tàn diệt của dân Licchavi cũng chính là viễn cảnh nguy hiểm mà Đức Thế Tôn đã tiên tri cảnh báo cho chính những người con của Ngài.
Quả thực các sa-môn ngày nay đã trở thành nhu nhược, lười nhác trong các đền chùa. Tay chân họ mềm mỏng vì ngán ngại đi kinh hành, đi khất thực, mọi việc chỉ cần chỉ tay năm ngón.
Không những thế, chính vì họ làm trái lời Phật, thoải mái nhận tiền, cho nên những “sư giả, ni dỏm” mới có thể lộng hành. Các giả sứ này ôm bình bát lao ra ngoài đường, không phải để xin ăn tu tập mà để ngửa tay xin tiền ăn chơi trác táng. Họ biến hình ảnh cao đẹp của vị khất sĩ trở thành tệ hại hơn kẻ ăn mày đích thực.
Với các “giả sư” này, nếu đi khất thực mà không được nhận tiền, thìhọ thà làm ăn mày thật còn sướng hơn. Chính vì thế chỉ cần một pháp lệnh đơn giản là nghiêm cấm tất cả Tăng Ni đi khất thực ngoài đường nhận tiền, và thông báo rộng rãi cho dân chúng biết để không cúng dường tiền bừa bãi là có thể giải quyết được tệ nạn “sư giả, ni dỏm”.
Ấy thế mà bao năm qua người ta vẫn cứ loay hoay bất lực để mặc cho những kẻ xấu làm ô uế hình ảnh tu sĩ đệ tử Phật. Vì sao nên nỗi?
Đó là vì các vị tu sĩ hiện nay ngoài việc thoải mái nhận tiền, họ còn đua nhau nằm trên những giường êm nệm ấm, với những gối đầu, gối ôm, gối bông đắt tiền trong những căn phòng tiện nghi ti vi, tủ lạnh, máy lạnh… Với nhiều lý do khác nhau, nhiều vị thản nhiên nằm ngáy ngủ cho đến tận trời sáng rõ, thức dậy ăn sáng, ăn phi thời. Cuộc sống buông lung phóng dật như vậy thì còn trí tuệ đức hạnh đâu để chấn hưng Phật giáo.
Không những thế, chính cuộc sống phóng dật, phá giới đã khiến họ không còn đủ sức mạnh của chánh trí tuệ, biết phân biệt rõ chánh và tà, thắng và liệt, để rồi bị Ác ma dụ dỗ và dẫn đưa vào tử lộ.
Các sa-môn ngày nay cũng một chiều tin theo các hậu duệ của Bà-la-môn Vassakāra, chạy theo tám vạn bốn ngàn pháp môn của họ, tự hào phân chia Phật giáo thành hàng trăm hàng ngàn tông phái khác nhau với các kinh-luật-luận khác nhau. Các vị “đại trí tuệ” ngấm ngầm hơn thua lẫn nhau, khinh chê lẫn nhau và tất cả đều quay lưng coi thường Chánh Kinh - Chánh Luật của chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Và như vậy, lại thêm “một cái chết được báo trước” đã trở thành sự thật!
Thực tế các sa-môn ngày nay đã để cho Ác ma xâm chiếm, phân hóa và chuyển sang tánh tà đạo. Lỗi ấy tại ai? Do Ác ma hiểm ác, hay do chính các người con Phật không nghe lời Phật? Mỗi người Phật tử cần nhận thức rõ thực trạng này và nghiêm khắc giữ mình trong Thánh Giới, nhờ vậy mới có tri kiến đúng đắn, mới tự cứu lấy chính mình, không để bị Ác ma bắt lấy.
Hơn thế nữa họ còn phải tích cực phổ biến đúng Chánh Kinh - Chánh Luật, nêu rõ những ngụy trá hiểm độc của các gián điệp ngoại học, góp phần xương minh đúng Phật Pháp để cứu giúp cho mọi người.
Muốn vậy, mỗi người Phật tử phải thực hành đúng theo lời Phật dạy:"Chúng tôi sẽ sống trên những gối rơm, không phóng dật, nhiệt tâm trong nỗ lực". Bởi, chỉ có đời sống giới hạnh thanh tịnh, thiểu dục tri túc và tinh cần tinh tấn ĐÚNG PHÁP mới cứu giúp mọi người tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm của Ác ma!

2/15/2016

Bụt hay ma???



_ Này bà, cứ mỗi lần tui tụng kinh Địa Tạng đến đoạn Bồ-tát Địa Tạng phát đại nguyện chừng nào địa ngục hết tội nhân ngài mới thành Bụt, tui lại cảm động đến rơi nước mắt.
_ Còn tui, mỗi lần nghe ai nói như vậy, tui lại khóc cho họ.
_ Vì sao?
_ Tui hỏi bà, giả sử có một nhóm ác nhân tàn bạo, chúng cứ nhằm gia đình bà để giết, cứ tìm họ hàng của bà để tiêu diệt. Bà phải làm sao?
_ Tui phải đi thưa cảnh sát, đòi công lý phán xử, bắt hết bọn chúng vào tù. Luật pháp phải nghiêm minh, nhân quả phải rõ ràng mới hết tai họa chứ!
_ Nhưng khốn nỗi, bọn chúng vào tù lại được một kẻ cứu rỗi tha ra hết. Y cũng phát dại nguyện: “Chừng nào trong tù hết tội nhân hắn mới lên làm vua”. Còn bọn sát nhân do được y cứu rỗi lại đi tìm người thân của bà để giết, vì chẳng tên nào sợ tù tội, chẳng đứa nào sợ nhân quả. Bà nghĩ sao?
_ Còn suy nghĩ gì nữa. Hắn nguyện bừa cho những kẻ ngây thơ mủi lòng. Tà pháp, tà nhân, tà đạo rõ ràng. Mọi người chớ có tin!
_ Đúng vậy. Nếu là chánh nhân, chánh trí, có thần thông quảng đại; thì phải phát đại nguyện ngăn chặn mọi người làm ác ngay từ đầu, chứ sao đợi những kẻ ác gây tội vào địa ngục rồi mới cứu? Chuyện này có khác gì Thượng Đế hứa cứu rỗi kẻ khủng bố, diệt chủng để chúng tha hồ gây tội ác? Công lý ở đâu cho các nạn nhân của những phường hung ác đây?
_ Thiên tai! Thiên tai! Bao che cho cái ác, đó cũng là một tội ác! Kẻ trí phải biết ngăn ác ngay từ đầu, vừa cứu cho kẻ ác không gây tội, tránh khỏi tù ngục, vừa cứu cho nạn nhân không bị nạn, tránh khỏi oan gia!
_ Chính thế! Người khôn phải biết lấy hình ảnh nghiệp báo nghiêm minh để răn đe kẻ dữ. Cứ thả suông kiểu đó, còn gì là luật nhân quả? còn gì là đạo lý công bằng? còn ai biết sợ quả báo? Tui hỏi bà: kẻ đó là ma hay là Bụt?
_ Là ma giả Bụt chứ còn gì nữa! Thảo nào mỗi lần tụng kinh Địa Tạng tui đều gặp xui xẻo.
_ Vì nó là kinh giả, do mấy ông luận sư Bà-la-môn gián điệp ngụy tạo ra phá hoại Phật pháp. Bà tụng bị “nóng” là phải.
_ Ừ nhỉ. Đúng thật! Chèn đéc, may phước cho tui quá, cám ơn bà chỉ giáo. Tui phải dìa gấp, báo cho mọi người cùng biết đây!
_ Lành thay, cứu người khỏi tà kiến là tạo phước giúp mình trong chánh đạo. Chúc bà nhiều may mắn!
CHÚNG SEN XANH
___________________

** Pháp Cú 165:

“Tự mình làm điều ác.
Tự mình làm nhiễm ô.
Tự mình ác không làm.
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình.
Không ai thanh tịnh ai

** Thừa tự Pháp Cú

Nhân ác gặp quả ác
Nhân thiện được quả thiện
Ai tin theo nhân quả
Phải tạo thiện lánh ác.
Làm ác, được Phổ cứu
Làm thiện, bụt Đà lơ
Cứ tin bừa đại hứa
Gặt quả khổ bị lừa
Luân hồi trong cõi dữ
Khổ đau thêm nhiều thứ
Biết bao giờ thoát ra.
Vậy hãy mau từ bỏ
Tà pháp cùng tà kinh
Của Ác ma hại đạo
Mới mong an lạc liền.