Ma tâm

Ma tâm

2/26/2016

Hai ngàn năm mù câm điếc

Thông thường hàng giả bao giờ cũng dỏm hơn hàng thật, kinh giả cũng vậy. Cho nên chỉ cần một chút xíu tỉnh giác khi đọc các kinh văn ngụy tạo sẽ phát hiện được ngay các vô lý tà vạy của nó. Thế nhưng nếu một chiều mê say tin tưởng sẽ không bao giờ phát hiện được.
Dưới đây là những chứng minh điển hình.
Hãy so sánh kỹ hai đoạn kinh tương đương giữa Kinh Ðoạn Giảm, số 8, Trung Bộ Pāli Nam Truyền và kinh Chu-na Vấn Kiến, số 91, Trung A Hàm Bắc Truyền sẽ thấy rõ ngay thế nào là tà kinh ngụy tạo.
** Chánh kinh Pāli ‘Đoạn Giảm’:
“Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở SĀVATTHI (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Lúc bấy giờ Thế Tôn GỌI CÁC TỶ-KHEO: -- "Này các Tỷ-kheo".  --"Bạch Thế Tôn",CÁC VỊ TỶ-KHEO ẤY vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:…” (Bản dịch của HT Minh Châu)
** Tà kinh A Hàm ‘Chu-na Vấn Kiến’:
“Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật đến Uất-bệ-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào LÚC MỚI THÀNH ĐẠO.
Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Phạm chí ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Phạm chí từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Phạm chí, NGÀI BẢO CÁC TỲ-KHEO:…” (Bản dịch của TT Tuệ Sĩ)
** BÌNH LUẬN:
Thế đấy, hai bài kinh tương đương ghi lại cùng một sự kiện, thế nhưng trong kinh Pāli gốc, Đức Thế Tôn ở tại Sāvatthi với đầy đủ Tăng chúng, cho nên việc Ngài gọi ‘Này các Tỷ-kheo’, và các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn là điều hợp lý, đúng đắn.
Thế nhưng, trong A Hàm lại bị cải biên thành lúc Phật MỚI THÀNH ĐẠO còn ngồi dưới gốc cây A-đa bên bờ sông Ni-liên-nhiên. Lúc này Tăng đoàn còn chưa có đến một người, lấy đâu ra có các Tỳ-kheo mà “Ngài bảo các Tỳ-kheo”? Rõ ràng kinh Chu-na Vấn Kiến đã bị cải biên ngụy tạo. Trong A Hàm còn nhiều bài kinh khác cũng vô lý tương tự.
Tạng A Hàm đã phơi bày nhiều sự vô lý hết sức thô thiển, thế nhưng do mọi người một chiều tin tưởng nó là kinh của Phật, pháp của Phật, cho nên qua hàng ngàn năm mới không phát hiện lật tẩy.
Ở phương Bắc, A Hàm được xem là kinh “nguyên thủy” còn như thế, các kinh xuất hiện sau này còn tà vạy đến đâu! Tà vạy thật, vì nhiều kinh luật Đại Thừa cũng có sự vô lý tương tự nhưng qua 25 thế kỷ vẫn được vô tư truyền dạy.
Ví dụ như kinh Hoa Nghiêm do luận sư Bà-la-môn Long Thọ kết tập chẳng hạn. Nhiều tín đồ Hoa Nghiêm tin rằng “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật”, có nghĩa là hội Hoa Nghiêm được “Phật” thuyết 37 NGÀY đầu tiên ngay sau khi Phật vừa mới chứng đạo (?) (Trí Giả đại sư còn phán 21 NGÀY?)
Nhiều học giả Đại Thừa còn dám lớn tiếng huênh hoang rằng vì Hoa Nghiêm của Đại Thừa quá cao siêu cho nên các ông A-la-hán Thanh Văn Tiểu Thừa như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan dự pháp hội Hoa Nghiêm đều như những người mù câm điếc chẳng hiểu gì cả (sic).
Thật điên rồ! Thử hỏi, 37 ngày hay 21 ngày ngay sau khi Phật vừa mới chứng đạo, lúc này năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, lấy đâu ra có các ông Thanh Văn “mù câm điếc” để dự hội Hoa Nghiêm?
Hẳn, không phải các Thánh Tăng A La Hán Thanh Văn mù-câm-điếc, mà chính những kẻ vẽ ra và tin kinh Hoa Nghiêm mới thật sự điếc-câm-mù.
Không điếc câm mù ư? Hoa Nghiêm đâu phải là trường hợp duy nhất, các kinh luật ngụy tạo khác cũng đầy dẫy sự vô lý tà vạy. Bản BỒ TÁT GIỚI của Đại Thừa do dịch sư Cưu Ma La Thập giới thiệu và chuyển dịch cũng có sự vô lý y như vậy.
Trong phần đầu của bản giới luật này còn ghi rõ rành rành nguyên văn như vầy:“Thuở ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc MỚI THÀNH ĐẠO vô thượng chánh giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ Ðề, Ngài bắt đầu kiết Bồ Tát Giới. Ngài dạy rằng: Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam-Bảo. Hiếu thuận là pháp chỉ đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn.” (Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, trang 8).
Thế đấy, lúc Phật MỚI THÀNH ĐẠO còn ngồi dưới cội Bồ Đề, Tăng Ni chưa có đến một người, hội chúng chưa có đến một ai, Phật pháp chưa chuyển luân một ngày, mà Phật ngồi kiết giới khơi khơi như vậy, lại còn dạy đệ tử phải hiếu thuận với sư tăng, Tam Bảo nữa chứ (?) Hẳn chỉ có con nít ba tuổi mới không thấy sự phi lý.
Đã thế trong Bồ-tát Giới còn nhiều đoạn tôn vinh Đại Thừa, khinh chê Nhị Thừa Tiểu Thừa, trong khi trong thời Phật chưa có sự phân hóa này, và lúc Phật vừa mới chứng đạo lại càng không có chuyện Đại - Tiểu!
Điều này chứng tỏ Bồ-tát Giới do kẻ đời sau vẽ ra nhằm gây phân hóa phá hoại Đạo Phật. Khốn thay, suốt hơn hai ngàn năm qua không một ai phân vân thắc mắc để tỏ ra mình không bị điếc-câm-mù.
Để không bị điếc câm mù cần phải biết thêm, dịch sư Cưu Ma La Thập người giới thiệu và dịch Bồ-tát giới cùng các kinh Đại Thừa khác, được nhiều người xem là ‘Thánh Tăng’ nhưng ông ta dám ngang nhiên phá giới trọng, nhận và loạn dâm với cả MƯỜI CUNG NỮ từ vua Diêu Tần ban cho (Xem Cao Tăng Dị Truyện)!!!
Một cư sĩ giữ nghiêm năm giới còn không quá phóng đãng như vậy, huống hồ một vị Tăng, huống hồ là ‘Thánh Tăng’? Rõ ràng chỉ có điếc câm mù giới hạnh mới tôn vinh một ôn như vậy. “Thánh Tăng” mà còn như thế, phàm tăng còn kinh khủng đến đâu? Hẳn, chỉ có những ai thích-phá-giới loạn dâm, vẫn còn mù câm điếc Chánh Pháp Chánh Giới, mới còn dám bênh vực cho ngài và tin vào những dịch phẩm của ngài.
Đã đến lúc phải thoát khỏi hai ngàn năm mù câm điếc, có vậy mới mong thoát khỏi địa ngục vì tà kiến, vì tội xúc phạm Thánh nhân, vì phân hóa Tăng đoàn Đại - Tiểu.
Theo Budhism Magazine

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét