Ma tâm

Ma tâm

2/12/2016

Kịch ngắn "Chứng Đại Thừa"


* Màn một
Tại nhà tù, một tù nhân hỏi cai ngục:
_ Thưa sếp, “NGƯỜI TU CHỨNG NHƯNG KHÔNG THẤY MÌNH TU CHỨNG” nghĩa là sao? 
_ Là những ai không thấy mình tu chứng thì đều… tu chứng chứ sao. Ở đây, tất cả các tù nhân không có ai thấy mình tu chứng, vì thế họ đều chứng đạo cả rồi.
_ Chứng đạo gì, thưa sếp?
_ Đạo tặc chứ còn gì nữa. Cho nên câu ấy phải nói cho rõ “người tu chứng đạo tặc nên không thấy mình tu chứng đạo bạch”, hiểu không?
_ Dạ, hiểu rồi!

* Màn hai
Dưới U Minh Điện, một tiểu yêu hỏi Ma Vương:
_ Thưa giáo chủ, thế nào là những “người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng”?
_ Thật dễ hiểu! Giống như những kẻ giết mướn nhưng không thấy mình giết mướn, quân trộm cướp nhưng không thấy mình trộm cướp, phường tà dâm nhưng không thấy mình tà dâm... Đến Huệ Năng còn biết: “Chẳng niệm thiện, niệm ác: Bản lai diện mục hiện tiền” kia mà.Làm thiện đừng nghĩ mình thiện, làm ác đừng nghĩ mình ác thì đều chứng đạo như nhau.
_ Nhưng Lục Tổ là...
_ Im! Vô phân biệt!
_ Dạ, rõ rồi.

* Màn ba
Nơi phòng ngủ, một bé trai hỏi bố:
_ “Người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng” nghĩa là sao, hở bố?
_ Nghĩa là, giống như con, tè dầm nhưng không thấy mình tè dầm, thế thôi!
_ Bố hay thật!

* Màn bốn
Tại nơi gây ra tai nạn, kẻ say xỉn ra vẻ cao siêu, hỏi cảnh sát:
_ Đại ca, “người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng” là ai?
_ Là đồng môn của ông, những người say rượu nhưng không thấy mình say rượu, chứ còn ai vào đây!
_ zzzzzzzzzzzzzzzz

* Màn năm
Tại nhà thương điên, một bác sĩ hỏi đồng nghiệp:
_ Này bạn, “người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng” là ai?
_ Là bệnh nhân của ông, những người điên dại nhưng không thấy mình điên dại, chứ còn ai nữa. Ông về hỏi đứa con gái lớp ba của ông xem nó có biết đã học xong lớp một, lớp hai hay chưa?
_ Tất nhiên, nó có điên đâu mà không biết. Hay câu ấy ngụ ý rằng: người tu chứng nhưng không có tự cao, tự tôn, tự đại?
_ Nếu thế phải nói cho rõ. Đằng này bày đặt chơi chữ, bắt chước theo kiểu của bọn trí thức rởm để rồi bị kẻ khác vặn sườn; dứt khoát đó không phải là cách nói của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Ông hãy tìm trong chánh kinh Nikaya chánh gốc xem những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các Thánh tăng A-la-hán có chỗ nào sơ hở ấu trĩ như thế không?
_ Cậu đúng là bác sĩ trị tâm thần!

* Màn sáu
Trong lớp học, thầy giáo hướng dẫn:
_ Các em hãy lần lượt nêu các ví dụ tương đương với câu “người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng”.
Các học sinh thay nhau phát biểu:
_ Thưa thầy, giống như “kẻ mê muội nhưng không thấy mình mê muội”.
_ Thưa, ví như “bọn nói láo nhưng không thấy mình nói láo”.
_ Thưa thầy, đó là “người dốt nát nhưng không thấy mình dốt nát”.
_ Dạ thưa, chính là “tên lừa đảo nhưng không thấy mình lừa đảo”.
_ Thưa, đấy là “kẻ phá giới nhưng không thấy mình phá giới”.
_ Dạ, giống những “người đạo đức giả nhưng không thấy mình đạo đức giả”…
Thầy giáo khoát tay:
_ Thôi, bấy nhiêu cũng đủ để thầy cho cả lớp chứng đạo.
Cả lớp:
_ Đạo gì, thưa thầy?
_ Đạo minh, đạo thiện. Vì chỉ có những người tỉnh giác mới biết mình tỉnh giác, còn kẻ ngủ mê mới không biết mình ngủ mê. Cũng vậy, chỉ có người hiền đức mới biết mình hiền nhân và người chứng Thánh đạo mới thấy mình chứng chánh đạo. Ngược lại, chỉ có những kẻ chứng tà đạo mới không thấy mình chứng tà đạo mà thôi.
Một em giơ tay hỏi:
_ Còn những kẻ không chứng Thánh đạo nhưng tự nhận đã tu chứng thì sao, thưa thầy?
_ Thì phải cảnh giác, phán xét kỹ lưỡng, chớ vội cả tin, vì thùng rỗng hay kêu to, hiểu không?
Cả lớp đồng thanh hô vang “Vâng, thưa thầy” và cùng hoan hỷ tín thọ lời thầy giáo dạy.
Màn từ từ hạ…
_________________________________________

Ghi chú:
-- Tiểu Bộ 1, VI. Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)

“13. Cao thượng biết cao thượng,
Cho đem lại cao thượng,
Bậc Vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng”

-- 
Trích Kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2:
Đức Thế Tôn dạy cho Tỳ-kheo Cunda:
“Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày”.
Này Cunda, Uddaka con của Ràma thường nói: "THẤY MÀ KHÔNG THẤY". Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy". Này Cunda, ở đây Uddaka con của Ràma đề cập đến một vật đê tiện, hạ liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về con dao. Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy", thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy. Vị ấy thấy cái gì mà không thấy?” 
Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh này. Nếu vị ấytrừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy”...” (Hết trích)
(Ghi chú: Uddaka nói “thấy mà không thấy” ứng với một vật “đê tiện, hạ liệt, phàm phu” là con dao còn phải trở thành kẻ ngây ngô ngốc nghếch vì chỉ thấy (dao) mà không thấy (lưỡi dao sắc bén), huống hồ là đối với một DIỆU PHÁP DIỆT KHỔ, CỨU KHỔ.
Khốn thay các luận sư Bà-la-môn gián điệp sau này vẫn bắt chước tiền bối Uddaka, thường huênh hoang lớn tiếng “chứng mà không chứng”. Thực ra Uddaka và các Bà-la-môn cải biến sau này đều ngớ ngẩn như nhau, họ chính là những kẻ “(tưởng) thấy mà không thấy”, “(tưởng) chứng mà không chứng”. ĐTV)

-- 
Trích kinh “Những Tuyên Bố về Pháp”,Tăng Chi, 10 Pháp: 

“Bấy giờ có Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda, đang ngồi xuống một bên:
- Này Ananda, phàm những pháp nào đưa đến sự chứng ngộ với thắng trí, các tuyên bố về giáo lý, này Ananda, ở đây, Ta vô úy tự nhận thuyết pháp về chúng, về chúng như thế ấy, như thế ấy khiến cho người nào như vậy, như vậy thực hành; nếu là có, sẽ biết là có; nếu là không có, sẽ biết là không có; nếu là hạ liệt, sẽ biết là hạ liệt; nếu là thù thắng, sẽ biết là thù thắng; nếu là có trên, sẽ biết là có trên; nếu là vô thượng, sẽ biết là vô thượng. Vì rằng, cái gì người ấy có thể biết, có thể thấy, có thể chứng ngộ, người đó sẽ biết được, sẽ thấy được, sẽ chứng ngộ được, sự kiện này có xảy ra. Này Ananda, cái này là vô thượng đối với các trí, chính là như thật trí đối với vấn đề này hay vấn đề khác. Và này Ananda, do vậy Ta tuyên bố rằng ngoài trí này, không có một trí nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn.”…

-- Tuy vậy, Luật Patimokkha, Tội Bất Cộng Trụ (Đứt  Đầu) thứ tư cũng quy định rõ:
“Vị Tỳ-kheo nào chưa chứng tri lại khoe khoang pháp thượng nhân tự thể nhập tương ứng thánh tri kiến, nói rằng: "Tôi biết tôi thấy như vậy", thời gian sau đó dù có bị thẩm vấn hay không bị thẩm vấn, nhưng muốn được trong sạch bèn nói lại như sau: "Thưa chư hiền, tôi không biết như vậy mà tôi nói tôi biết, tôi không thấy mà nói tôi thấy, thành ra nói dối nói láo." Dù thế vị này cũng phạm tội triệt khai bất cộng trụ, trừ phi tăng thượng mạn”. (Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét