Chữ “KHÔNG” trong Đại Thừa giáo không phải tầm thường: nó không phải là không-có, không phải là không-không, nhưng cũng không phải là không-không và không-có.
Nó vốn không sanh không diệt; không dài không ngắn; không đi không đến, không đầu không cuối và thậm chí nhiều khi nó… không có ý nghĩa gì cả. Cho nên mới nói nó là thậm thâm vi-niệu-liệu-pháp.
TÁNH KHÔNG vi diệu ấy đã được không ít các nhà học giả lý giải với cả một núi luận giải, với đầy một sông chữ nghĩa và với non một biển nước bọt. Tánh Không được viện dẫn nơi hầu hết các lãnh vực từ trong những luận lý toán học, trong thiên văn vũ trụ; cho đến cả trong vi sinh, vi trùng và vi tính nữa.
Quả thực, thế mới đúng là đại trí của bậc đại nhân, đại pháp của bậc Đại giáo, và đại pháo của bậc đại bác.
Nếu có kẻ ngớ ngẩn nào đó cắc cớ hỏi rằng: “Trong một mớ lý luận cao siêu vi diệu ấy, cái “KHÔNG” thiết thực hiện tại nào giúp cho con người KHÔNG KHỔ?”, thì kẻ dại khờ ấy phải nên biết rằng đến một chữ “KHÔNG” của hàng hạ căn thiếu trí họ còn chưa hiểu nổi, thời làm sao biết được cái “chân không diệu hữu” cùng cái “chân hữu thành không” của bậc thượng căn thượng trí thượng ngôn?
Họ hãy vào chùa mà nghe, hàng đêm, từ bà bán bún riêu ngoài chợ đến đứa bé hỉ mũi chưa sạch, tất cả đã biết thuộc lòng làu làu và thi nhau réo gọi “Này thằng con Xá Lệ hãy lắng nghe: không có sanh-già-bệnh-chết; không có Khổ-Tập-Diệt-Đạo, không có dơ, không có sạch, không có chứng, không có đắc…”
Nói nôm na không có cái gì cả, nhưng thực sự lại có những cái “KHÔNG” theo kiểu: không-chánh-pháp-nguyên-thủy, không-Tướng-Quân-Chánh-Pháp, không-có-A-la-hán, không-có-chân-lý-về-con-đường-diệt-khổ, không-có-tam-minh-diệt-vô-minh… nhưng lại “CÓ” cái Bát Nhã Ba La Mật mà đến ba đời chư Phật vẫn còn phải nương dựa tu hành.
Đó mới chính là cái thực “CÓ” nhưng lại bị biến thành KHÔNG, còn cái thực “KHÔNG” lại hóa ngay thành CÓ, vừa sờ sờ trước mặt lại vừa cao cơ kỳ bí đến mịt mờ. Cho nên, dù đã có những kẻ cố mình tìm hiểu, nhưng vì ngu si vẫn không sao tự hiểu những điều họ đáng phải hiểu!
Hỡi những kẻ rồ dại phải nên biết rằng: chỉ có những ai mù lòa mới không biết kẻ hiểm ác khoác lên người họ tấm áo dơ bẩn cũ kỹ nhưng lại bảo rằng đó là chiếc áo qúy giá, sang trọng; để rồi họ cứ tin và khoe khoang như thế.
Còn chúng ta, những con người với hai con ngươi còn sáng như trăng sao, hàng ngày vẫn nhìn thấy Bụt A-di-đà cùng Bụt bà Quan Âm thì làm sao khờ khạo như thế cho được.
Hỡi những trưởng lão niên cao hạ lớn nhưng trí tuệ vẫn còn hôi mùi sữa, họ cũng phải nên tự thân giác ngộ một điều, đến con lừa kia còn biết chạy theo củ cà-rốt, chẳng lẽ chúng ta là con trẻ của Bồ Tát Quán Tự Tại lại không biết nương theo con thuyền Bát Nhã để vượt qua hết thảy khổ ách hay sao?
Cho nên mới có thơ rằng:
Có cái “KHÔNG” lồng trong cái dại
KHÔNG mà CÓ, bó chặt cái ngu.
Đại Ma Giáo Chủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét