Ma tâm

Ma tâm

2/29/2016

Tổ của các dóc tổ


Vị Tỳ-kheo trẻ với dáng vẻ rất nghiêm túc đi đến vị sư huynh. Hai bên chào hỏi nhau xong, vị Tỳ-kheo trẻ đặt vấn đề:
_ Thưa hiền huynh, tiểu đệ càng đọc kỹ Kinh - Luật Nguyên Thuỷ và so sánh với tam tạng Đại Thừa càng thấy nhiều điều trái ngược.
_ Xin nêu vài ví dụ!
_ Dạ, ví như trong Kinh và Luật Nguyên Thuỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần “phàm các pháp có sanh thì có diệt”, nhưng Bát Nhã Tâm Kinh và Long Thọ lại phán ngược lại: các pháp không sanh không diệt? Trong khi Phật Thích Ca dạy “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh”; thì các tam tạng Đại Thừa thi nhau nói ngược lại thành “thường-lạc-ngã-tịnh”? Trong khi Phật Thích Ca dạy Không - Vô Tướng - Vô Nguyện thì các Bụt, Bồ-tát Đại Thừa thi nhau phát đại nguyện trái ngược trong các kinh cải biến. Trong khi Phật Thích Ca xem thần chú như dép rách, nhưng nhiều phái Đại Thừa lại thi nhau ra rả “Yết đế yết đế... Úm ma ni”. Trong khi Phật Thích Ca nhiều lần dạy trong một thế giới chỉ có độc nhất một vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác tức là Phật tối thượng không có so sánh, không có ngang bằng, trải nhiều nhiều trăm kiếp may lắm mới gặp một lần; trái lại kinh văn Đại Thừa lại có đến hàng vạn, hàng ức tỷ Phật; thậm chí mọi chúng sanh đều thành Phật? Trong khi Phật Thích Ca dạy một nữ nhân không thể chứng A-la-hán Chánh Đẳng Giác, thì Đại Thừa lại có Phật bà Quan Âm, Phật mẫu? Trong khi kinh Nguyên Thuỷ phân định rõ mọi người con Phật xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là tối thượng tối tôn, trái lại Chương thứ mười một, kinh 42 Chương của Đại Thừa lại quay quắt “cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng ăn”. Có “vị” nào ngoài đồng gặm cỏ lại có niệm, có trụ, có tu, có chứng? Trong khi...
Sư trẻ còn muốn nói tiếp, sư huynh đã xua tay:
_ Thôi đi sư đệ à, đệ cứ liệt kê những kiểu trái ngược ấy, nói tới ngày mai cũng chưa hết. Đệ thấy được bấy nhiêu cũng đủ tránh được cạm bẫy rồi!
_ Thưa, cạm bẫy gì? của ai?
_ Của đám con cháu Bà-la-môn Paccaniikasāta.
_ Paccaniikasāta là ai?
_ Ông ta là Bà-la-môn trong thời Phật. Ông ta luôn có ý nói trái ngược với lời Phật để phá hoại Phật pháp. Trong Kinh Tương Ưng còn ghi rõ thế này: “Bà-la-môn Paccaniikasāta suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama có nói điều gì, ta sẽ nói lời phản ngược lại" (S.i,179). Chính vì thế các “Tam Tạng” tân thời sau này do các luận sư Bà-la-môn kết tập xiển dương đều trái với Pháp và Luật nguyên thuỷ của Đức Thế Tôn. Chỉ có điều, đám con cháu của Bà-la-môn Paccaniikasāta thâm hiểm hơn nhiều. Họ chui vào Phật giáo, tự xưng làm Tổ, Bồ-tát rồi đẻ ra các truyền thuyết mê ly mơ hồ để dễ hớp hồn những ai cả tin ngây thơ. Sau đó họ tung ra các kinh giả, luật dởm, luận dỏm và bọc lót kỹ dã tâm của họ bằng những hý luận lươn lẹo nhằm phá hoại Đạo Phật, cho nên không phải ai cũng thấy được như hiền đệ.
_ Hoá ra, Bà-la-môn Paccaniikasāta chính là ông tổ của các dóc tổ đã vẽ ra Tam tạng cải biên trái ngược với Kinh - Luật gốc.
_ Chứ còn ai vào đây!
Thích Trung Đạo
------------------------------------------
PHÁP TRÍCH LỤC:
Trích kinh “Các Sức Mạnh”, Tăng Chi tập 1, Chương 2, II. Phẩm Tranh Luận, trang 113
“… 10. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự hỗn loạn (mê mờ) và biến mất của Diệu Pháp. Thế nào là hai? Văn cú bị đảo ngược và ý nghĩa bị hiểu lầm. Nếu văn cú bị đảo ngược thời ý nghĩa bị hiểu lầm. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đưa đến hỗn loạn và biến mất của Diệu Pháp.
11. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến an trú, không biến loạn, không biến mất của Diệu Pháp. Thế nào là hai? Văn cú phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hiểu chơn chánh. Nếu văn cú được phối trí chơn chánh thời ý nghĩa được hiểu chơn chánh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đưa đến an trú, không hỗn loạn, không biến mất của Diệu Pháp.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét