Ma tâm

Ma tâm

3/09/2016

Ma ám!!!


Cư sĩ Học Giả cầm hai cuốn sách dầy cộm, lớn tiếng giảng dạy cho cư sĩ Chánh Tông:
_ Nghe đây, một học giả phương Tây, tác giả của cuốn sách này đã phê phán rằng điểm yếu nhất trong triết lý Phật giáo là: nếu không có linh hồn, thì làm sao có cái gì luân hồi qua những kiếp khác và trả quả cho những tội ác đã làm trong kiếp này [1]
Mở cuốn sách khác, cư sĩ Học Giả nói tiếp:
_ Thêm vào đó, trong tập luận án này, một vị Hòa Thượng Tiến Sĩ triết học, dựa trên quan điểm của phái Độc Tử Bộ đại thừa, cũng chủ trương phải có một cái “pudgala” sau khi chết “như một thực thể tồn tại bất biến trong mỗi chúng sanh. Đấy, các nhà trí thức họ dạy như thế, nên chúng ta cũng phải tin như thế!
Cư sĩ Chánh Tông ngửa mặt lên trời khóc than:
_ Hỡi ôi! Trời đã sinh ra Sati, sao lại còn sinh ra các “tệ tử” của ông ta thế nhỉ?
Vị Học Giả nhíu mày trợn mắt:
_ Ông nói vậy là có ý gì?
Cư sĩ Chánh Tông vẫn với vẻ thất vọng:
_ Khổ quá, các ông không đọc chính kinh điển Nikaya, hoặc nếu có đọc cũng chẳng nhớ gì cả. Ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, vị Tỳ-kheo Sati, con của người đánh cá, cũng đã có nhận thức y như vậy và đã bị Đức Thế Tôn nghiêm khắc phê phán. Ngài khẳng định đó chỉ là những tà kiến mê mờ, những chấp thủ sai lạc, sẽ tự phá hoại mình và mang nhiều tổn đức đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài.
_ Tà kiến mê mờ ư? Tại sao lại mang nhiều tổn đức đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài?
Cư sĩ Chánh Tông tự tin gật đầu rồi mở cuốn kinh Trung Bộ, nhấn giọng từng chữ:
_ Chứ gì nữa, ông hãy lắng nghe tôi đọc nguyên văn một đoạn trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, may ra sáng tâm sáng trí được một chút. Chính Đức Thế Tôn đã dạy rành rành: Này Sati, có thật chăng, Ông khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì THỨC này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác"?
- Thật sự là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì THỨC này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
- Này Sati, thế nào là THỨC ấy?
- Bạch Thế Tôn, chính THỨC ấy nói cảm thọ, thọ lãnh chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác.
- Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy. Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói THỨC do duyên khởi, không có duyên, thì THỨC không hiện khởi? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông”.
Đưa cuốn kinh cho ông bạn, cư sĩ Chánh Tông nhắc nhở thêm:
_ Ông nên đọc trọn bài kinh và nghiền ngẫm cho kỹ để hiểu thêm vì sao Tỳ-kheo Sati và đám hậu bối như các ông mắc cùng chứng bệnh di truyền giống nhau. Với những nhận định ông vừa nêu và những lời dạy trong kinh điển, chứng tỏ không phải triết lý của Đạo Phật có điểm yếu kém mà chính các ông đã bộc lộ những nhận thức yếu kém nhất của mình về Phật Pháp.
Cư sĩ Học Giả vẫn giữ giọng ngoan cố:
_ Nhưng không có cái “pudgala bất biến” đi tái sanh thì làm sao “có cái gì luân hồi” để thọ lãnh nhân quả nghiệp báo đây?
_ Ông đúng là “tệ tử” của Sati, những kẻ vì luyến ái tà pháp nên còn muốn chấp thủ tà kiến! Chẳng lẽ phải có cái “pudgala” y như cũ, nghiệp báo mới được thực hiện? Hãy lấy ví dụ cho dễ hiểu, giả sử gió biến thành điện. Điện làm nóng bếp lò. Bếp lò nấu sôi nước. Hơi nước làm ẩm không khí. Không khí chuyển động thành gió... Tôi hỏi ông, năng lượng chuyển hóa qua mỗi dạng giống nhau hay khác nhau?
_ Hoàn toàn khác nhau nên mới phân biệt được gió, điện, nhiệt, khí.
_ Tuy vậy chúng vẫn có thể ảnh hưởng nhân quả lẫn nhau. Ví dụ gió mạnh làm điện mạnh. Điện mạnh làm tăng nhiệt. Nhiệt tăng làm nước mau sôi v.v… Điều này có nghĩa không cần phải có một cái “pudgala” bất biến thì nhân quả mới được thực hiện.
_ Cũng giống như từ bò cái sanh ra sữa. Từ sữa ấy tạo thành bơ, từ bơ tạo thành kem, thành phó-mát?
_ Đúng vậy. Và sữa ấy là sữa, chứ không phải bò cái, không phải bơ, không phải kem hay phó-mát. Dù vậy nếu có cùng nhân duyên, chúng vẫn ảnh hưởng đến chất lượng của nhau.
Cư sĩ Học Giả vẫn bướng bỉnh:
_ Nhưng nếu “ngã tánh” khác nhau qua mỗi kiếp, vậy cái gì đi tái sanh luân hồi?
NGHIỆP đi tái sanh, NGHIỆP đi luân hồi chứ còn gì nữa. Cho nên không nhất thiết “THỨC”, hay “LINH HỒN” hay “PUDGALA” phải y như cũ sau khi chết thì nhân quả mới được thực hiện. Trái lại “ngã tánh” qua mỗi lần tái sanh hoàn toàn khác nhau nhưng tác động nhân quả vẫn được thực hiện thông qua cảm thọ lạc khổ. Sự chuyển hóa NGHIỆP cũng tương tự như sự chuyển hóa năng lượng hay sự chuyển hóa của sữa.
Cư sĩ Chánh Tông thở một hơi nói tiếp:
_ Lại nữa, theo 12 Nhân Duyên “linh hồn” hay cái “pudgala” của các ông lấy gì làm duyên cho nó hiện hữu? Dĩ nhiên chỉ nhờ có cái “tưởng” của các ông, cái “pudgala” ấy mới tồn tại. Do vậy, nếu chấp nhận lý Nhân Duyên Nhân Quả, thì không thể tồn tại cái “pudgala bất biến” sau khi chết mà chỉ có nghiệp lạc khổ tái sanh luân hồi. Ngược lại nếu không chấp nhận lý Nhân Duyên Nhân Quả, vậy các ông là ngoại học. Tôi còn tranh luận làm gì cho mệt?
Cư sĩ Học Giả bí thế liền chuyển hướng:
_ Theo ông, linh hồn và thể xác là hai hay là một?
_ Không nên đặt vấn đề như vậy?
_ Vì sao?
_ Vì dù nghĩ rằng tâm và thân là hai hay một cũng đều là những tà kiến nguy hiểm!
_ Tà kiến nguy hiểm?
_ Thật vậy, trong Kinh Tương Ưng, Đức Phật đã dạy rõ: “... Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến"Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến"Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo TRUNG ĐẠO và nói: "Do duyên hữu nên có sanh…” (S.ii,60).
_ Tôi vẫn chưa hiểu.
_ Này nhé, nếu chấp rằng hồn và xác là một, khi chết: xác tiêu hủy, hồn cũng chẳng còn, chết là hết, là diệt tận hoàn toàn, vì phủ định sạch trơn như vậy nên không tin có nhân quả đời sau, không sợ hãi địa ngục, mặc tình làm ác miễn sao đạt được mục đích ngay trong hiện tại. Ngược lại, chấp rằng hồn và xác là hai, khi chết: xác hết, hồn còn; từ đây đẻ ra biết bao mê tín, cuồng tín, chỉ một chiều tin vào cứu rỗi, sẵn sàng tiêu diệt mọi người để được lên Thiên đường. Cả hai bên cứ như vậy, thế gian này làm sao trở nên lương thiện được?
_ Nhưng thế gian này do đâu mà có?
_ Do DUYÊN chứ còn gì nữa. Do duyên tức là do NHÂN QUẢ. Do nhân quả tức là thiện ác, sướng khổ đều theo luật công bằng. Người tin vào nhân quả có còn muốn làm ác tạo tội để bị khổ đau không? Họ có muốn tích phước làm lành để được an vui sung sướng không? Mọi người đều tin như vậy thì thế gian này có đỡ khổ hơn không?
Cư sĩ Học Giả vung tay định cãi tiếp, cư sĩ Chánh Tông liền chắp tay ngăn lại:
_ Tôi chỉ cần nói thế, một người trí tất hiểu, không thắc mắc gì thêm. Nhưng này, cứ to mồm hý luận về cái “pudgala” để rồi đau khổ vẫn hoàn đau khổ, phỏng có lợi ích gì? Thôi, cho tôi xin.
Nói dứt câu cư sĩ Chánh Tông vội vàng bịt hai tai, ôm đầu, chạy vắt giò lên cổ cứ như sợ ma ám.
Đạo Phật Chính Thống
________________________
[1] Bộ "Story of Civilization", Will Durant, quyen I, " Our Oriental Heritage", Editions Simon & Schuster, New York, copyright 1963, page 535, chapter XV "Buddha”: “there is no soul; the ego is not an entity distinct from mental states, sensations and perceptions, thoughts”.
Page 434: "But if this is so, how can there be rebirth? If there is no soul, how can it pass into other existences, to be punished for the sins of this embodiment? Here is the weakest point in Buddha’s philosophy"
-- Còn vị Hòa Thượng Tiến sĩ Triết học, ảnh hưởng phái Độc Tử Bộ, chủ trương phải có “Pudgala” bất biến khi luân hồi là ai, vị nào muốn biết rõ cứ tra cứu trên internet sẽ thấy!
(Ảnh Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét