Ma tâm

Ma tâm

5/02/2016

Đạo Phật thống nhất cùng một giáo lý

Trong kinh luật Pali chánh gốc, Đức Thế Tôn luôn khuyến cáo về sự thống nhất, hòa hợp chúng Tỳ-kheo theo cùng một giáo lý. Trích đoạn bài kinh dưới đây là một trong số đó.
Trích Kinh “Diệu Pháp Hỗn Loạn (3)”, Tăng Chi 2, Chương 5, XVI. Phẩm Diệu Pháp
“… Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự thanh trừng lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác.
Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu Pháp hỗn loạn và biến mất…
…Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác.
Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu Pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất…”
Thừa tự Pháp trích lục:
“Cũng vậy, hỡi các Phật tử, Phật giáo bị chia rẽ. Khi Phật giáo bị chia rẽ, hỡi các Phật tử, có sự hơn thua lẫn nhau, có sự tranh giành lẫn nhau, có sự thanh trừng lẫn nhau, có sự bài xích lẫn nhau.
Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Ðây là thực tế khi Đức Phật đã nhập diệt, này các Phật tử, đưa đến Diệu Pháp hỗn loạn và biến mất.
…Lại nữa, này các Phật tử, Phật giáo hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi Phật giáo hòa hợp, này các Phật tử, không có sự hơn thua lẫn nhau, không có sự tranh giành lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau, không có sự bài xích lẫn nhau.
Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Ðây là thực tế khi Đức Phật còn hiện tiền, này các Phật tử, đưa đến Diệu Pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất…”
Đạo Phật hòa hợp, cùng một giáo lý thống nhất và duy nhất đó là Chân lý về con đường diệt khổ, tức Tám Chánh Đạo, trong đó Chánh Tinh Tấn là Bốn Chánh Cần, Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, Chánh Định là Bốn Thiền Bốn Thánh Định.
Đạo Đế - Tám Chánh Đạo của sáu Đức Phật quá khứ đã như vậy, trong kiếp này của Đức Phật Thích Ca cũng như thế, và tương lai mãi mãi về sau cũng không sai khác, dành cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi.
Phủ nhận Đạo Đế là ngụy chân lý, nghịch với Tám Chánh Đạo là tám tà đạo, ngược với Chánh Tinh Tấn - Bốn Chánh Cần là tà tinh tấn, trái với Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ là tà niệm, ngoài Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định là tà thiền tà định.
Thừa Tự Pháp
------------------
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét