Ma tâm

Ma tâm

5/08/2016

Lối Phật, đường ma


Từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã cảnh báo bên cạnh con đường an vui giải thoát của Đức Phật, thì ác ma cũng mở một con đường khác để đánh lừa và lôi kéo những kẻ ngây thơ đi theo tử lộ của chúng để bị tự hủy diệt.
Trích đoạn nguyên văn bài kinh Song Tầm (MN19) dưới đây sẽ chứng minh cho điều trên.
PHẬT DẠY: “ Chư Tỷ-kheo, giống như trong khu rừng rậm rạp có một hồ nước lớn thâm sâu, và một đoàn nai lớn sống gần một bên. Có một người đến, không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, đưa đến hoan hỷ, người ấy sẽ CHẬN ĐÓNG CON ĐƯỜNG NÀY LẠI, SẼ MỞ CON ĐƯỜNG NGUY HIỂM, SẼ ĐẶT CON MỒI ĐỰC, SẼ ĐẶT CON MỒI CÁI. Chư Tỷ-kheo, như vậy, sau một thời gian đoàn nai lớn ấy GẶP ÁCH NẠN VÀ HAO MÒN DẦN.
Chư Tỷ-kheo, có một người đến, muốn đoàn nai ấy được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, người ấy sẽ mở con đường này, sẽ đóng con đường nguy hiểm lại, sẽ đem con mồi đực đi, sẽ hủy bỏ con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, như vậy đoàn nai lớn ấy sau một thời gian sẽ được TĂNG TRƯỞNG, HƯNG THỊNH, THÀNH MÃN.
- Chư Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ ấy để giải thích ý nghĩa như sau: Chư Tỷ-kheo, hồ nước lớn, thâm sâu chỉ cho các dục. Chư Tỷ-kheo, đoàn nai lớn chỉ cho các loài hữu tình. Chư Tỷ-kheo, con người không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho ác ma. Chư Tỷ-kheo, con đường nguy hiểm chỉ cho con đường TÀ ĐẠO CÓ TÁM NGÀNH, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Chư Tỷ-kheo, con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Chư Tỷ-kheo, con mồi cái chỉ cho vô minh.
Chư Tỷ-kheo, còn người muốn chúng được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ chỉ cho con đường THÁNH ĐẠO TÁM NGÀNH, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta mở con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ, Ta đóng con đường nguy hiểm, Ta mang đi con mồi đực, Ta hủy bỏ con mồi cái.
Chư Tỷ-kheo, những gì vị Ðạo Sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng họ, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các Người. Chư Tỷ-kheo, đây là các gốc cây, đây là các chỗ trống. Hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.” (Bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Ý Kiến:
Những ai đang nghĩ mình là con Phật, đang tu theo pháp Phật, họ chỉ cần thẩm xét kỹ ba chánh đạo cuối của Tám Chánh Đạo cũng đủ biết mình đang đúng đạo lộ của Đức Phật hay rơi vào tử lộ của ác ma giả danh Phật mà không biết.
Như được biết Tám Chánh Đạo là Đạo Đế tức Chân Lý về con đường diệt khổ. Đã là Chân lý của Phật thì chỉ có một chứ không có hai.
Trong chánh kinh Nikaya, trước sau như một, Đức Phật Thích Ca và sáu vị Phật quá khứ đều đã định nghĩa rõ ràng nhất quán: Chánh Tinh Tấn là Bốn Chánh Cần, Chánh Nệm là Bốn Niệm Xứ, Chánh Định là Bốn Thiền - Bốn Thánh Định.
Các Phật tử hãy tự hỏi mình xem Bốn Chánh Cần là gì? Vì sao Bốn Chánh Cần còn được gọi là “Định Tư Cụ”, tức dụng cụ để nhập định(Tiểu Kinh Phương Quảng, MN)Điều này có nghĩa: tinh tấn tu thiền định mà không có ‘dụng cụ nhập định’ thì chỉ có tà tinh tấn, tà thiền, tà định mà thôi.
Các vị nên nhớ, cùng với Đạo Phật, các ngoại đạo cũng có tinh tấn và thiền định của họ. Thế nhưng vì họ không biết Chánh Tinh Tấn - Bốn Chánh Cần cho nên tất cả đều rơi vào tà tinh tấn, tà thiền, tà định mà không biết.
Với Chánh Niệm tức Bốn Niệm Xứ, Chư Phật đã xác định rõ: “Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn” (kinh Niệm Xứ, MN10)
Đức Phật đã khẳng định “Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất”, điều này có nghĩa không có con đường nào khác giúp đi tới giác ngộ giải thoát. Như vậy để thanh tịnh nhập Niết Bàn, ngoài Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ là tà niệm, tà tu, tà hành.
Với Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định, suốt trong kinh luật Pali, Đức Thế Tôn đều xiển dương tu tập Bốn Thánh Thiền này. Cụ thể trong kinh Saccaka (MN ), Đức Phật nhờ Bốn Thiền chứng Tam Minh, trong kinh Đại Bát Niết Bàn (DN16) Đức Phật nhập Niết Bàn từ Thiền Thứ Tư. Vì vậy Bốn Thiền mới được gọi là Chánh Định. Ngoài Chánh Định là tà định, ngoài Bốn Thiền là tà thiền.
Tóm lại, tu Phật nhưng không theo đạo lộ của Phật, không biết Chánh Tinh Tấn theo Bốn Chánh Cần, không biết niệm tu theo Chánh Niệm tức Bốn Niệm Xứ, không biết thiền định theo Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định; thì tất cả đều là tà tinh tấn, tà niệm, tà định theo con đường của ác ma.
Vậy nên, hãy tỉnh mau kẻo trễ!
CullaAnurudha
--------------------------
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét