Ma tâm

Ma tâm

5/11/2016

Nội công, ngoại kích


Như trong Kinh Luật gốc còn ghi lại, ngay thời Phật các ngoại đạo sư cũng đã biết giả dạng Tỷ-kheo để nhiễu hại Đạo Phật ngay từ bên trong. Bên cạnh đó họ còn có rất nhiều các thủ đoạn phá hoại từ bên ngoài khác nhau.
Đức Phật và các Thánh Tăng đều biết rõ và có những hành động thích đáng. Một số trích đoạn dưới đây cho thấy thêm các khía cạnh đa dạng của kế sách “nội công, ngoại kích” của ngoại học đối với Phật giáo.
** Trích Kinh Phật Tự Thuyết (V) (Ud 51)
“…5. Rồi Tôn giả Mahā Moggallāna suy nghĩ: "Vì người nào mà Thế Tôn nói: 'Này Ananda, hội chúng này không thanh tịnh'?" Rồi Tôn giả Mahā Moggallāna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Mahā Moggallāna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy,không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
- Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng…”
** Thừa tự Pháp trích lục
Thế đấy, một kẻ không phải Sa-môn Tỳ-khưu nhưng tự nhận Sa-môn Tỳ-khưu, rồi ngồi giữa chúng Tỳ-khưu, nếu không phải là gián điệp thì còn là gì nữa? Chỉ có điều Đức Thế Tôn thấy rõ, các Thánh Tăng thấy rõ và chỉ rõ, thế nhưng xem ra nhiều con Phật đời sau vẫn không biết rõ để rồi ngây thơ rơi vào gian kế “nội công ngoại kích” của Ác ma.
Thủ đoạn “nội công, ngoại kích” là một mặt giả danh quy y chui vào làm giả sư để xuyên tạc, quấy phá, chia rẽ Phật giáo ngay từ bên trong, một mặt trực tiếp công phá, não hại Phật giáo từ bên ngoài. Trích đoạn chánh Kinh dưới đây cho thấy có nhiều thái độ khác nhau “với vô số phương tiện” được thực hiện của các ngoại học đối với chánh Tam Bảo.
** Trích Kinh Phạm Võng, Số 1, Trường Bộ
“1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Rājagaha (Vương Xá) và Nalandā, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị.
Lúc bấy giờ có Suppiya du sĩ ngoại đạo cũng đi trên con đường giữa Rājagaha và Nalandā cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng
Như vậy cả hai thầy trò nói những lời hoàn toàn tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỷ-kheo.”
** Thừa tự Pháp trích lục
Cùng là du sĩ ngoại đạo, nhưng thầy thì phỉ báng còn trò lại tán thán.Nếu trò tán thán Tam Bảo, tại sao không đi theo Phật mà vẫn lẽo đi theo ông thầy của mình? Hay cả hai thầy trò Bà-la-môn giáo đang tung hứng và dùng “vô số phương tiện” để quấy rối Phật giáo chăngCó thể lắm! Vì sao?
Vì có những lời phê phán phàn nàn đúng đắn và có những lời tán thán ca ngợi chân thành, thế nhưng cũng có những lời phỉ báng do thù hận,và cũng có những lời tán thán do giả dối. Do vậy, trước tất cả những kiểu phỉ báng và tán thán, Đức Thế Tôn đã dạy rõ cho các Tỷ-kheo:
“5. - Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?
- Bạch Thế Tôn, không thể được!
6. - Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi".
Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: "Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".
** Thừa tự Pháp trích lục
Gặp những lời hủy báng chê bai mà tức tối sẽ không còn sáng suốt biết rõ đúng sai, phải trái. Gặp những lời tán thán giả dối mà thích thú, tự đắc cũng nguy hại vô cùng, sớm muộn gì cũng rơi vào vòng tay của Ác ma.
Các kinh văn cải biến về sau này đều có chung một đặc điểm là chúng đều mang những hình thức, ngôn ngữ Phật giáo, thậm chí vinh danh Phật, vinh danh pháp cải biến, vinh danh Bồ-tát… khiến những người con Phật dễ mất cảnh giác, dễ tin ngay chúng là ‘kinh của Phật, pháp của Phật’.
Một khi người thọ trì đã cả tín tin theo thì dù các ‘Tam tạng’ cải biến có trái với Kinh Luật gốc đến đâu cũng dễ dàng được chấp nhận, có tà kiến đến đâu cũng bị ngộ nhận là ‘chánh kiến’, có tà đạo đến đâu cũng bị ngộ nhận là ‘chánh đạo’. Đây chính là điều Đức Thế Tôn đã cảnh báo “sẽ có hại cho các ngươi”.
Thích Chứng Minh
 -----------------------
Bài liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét