Ma tâm

Ma tâm

5/01/2016

Đồng bệnh tương lân

Ông Hai than thở với ông Năm hàng xóm:
_ Buồn quá ông ơi! Nhà tôi đến phải tán gia bại sản vì chính những thằng con cứ tự khoe mình là “trí tuệ”.
Ông Năm ngạc nhiên:
_ Mèn đéc! Chuyện thế nào?
Ông Hai quệt nước mắt:
_ Ông xem, lợi dụng lúc bố tôi và tôi vắng nhà, một tên cha căng chú kiết nào đó xông vào nhà tôi. Hắn rỉ tai thằng Tèo con tôi rằng “Viện sĩ Viện Hàn lâm vẫn còn tè dầm”. Thế là thằng nhóc tin ngay. Khốn nỗi thằng Tí anh nó cứ gân cổ cãi nhất định không phải như thế. Chỉ có vậy mà hai anh em mắng qua chửi lại đến chẳng thèm nhìn mặt nhau. Cơ đồ gia đình tôi đến phải phá tan phá nát. Tôi khuyên giải thế nào chúng cũng không nghe. Đấy, ông phán dùm tôi xem thằng nào trí, thằng nào tuệ?
Ông Năm ra vẻ quan trọng hoá:
_ Chuyện ấy phải để... lịch sử phán xét thôi. Chỉ có điều chuyện tè dầm hay không dầm có đáng để hai anh em chúng chia lìa ly tán, tan đàn xẻ nghé như thế? Cả hai đều mắc mưu kẻ ly gián rồi. 
Ông Hai rầu rĩ, thở dài thườn thượt:
 _ Chứ còn gì nữa. Chỉ có người lớn chúng mình mới hiểu chuyện!
Ông Năm nhìn bạn chép miệng:
_ Người lớn gì ông ơi. Việc nhà ông chẳng khác gì hội chúng của tôi.
Đến lượt ông Hai tròn mắt:
_ Chuyện gì nữa?
_ Chẳng dấu ông làm chi. Hội chúng chùa của tôi trước đây đoàn kết yêu thương nhau như anh em một nhà. Thế nhưng kể từ khi có một kẻ bá vơ bên ngoài nhảy vào nêu vấn đề “A-la-hán còn chảy bất tịnh”. Thế là cả chùa chia thành hai phe, kẻ bênh người chống. Đã vậy, từ đó mạnh ai nấy đều khoe mình mới là hay nhất, giỏi nhất, đúng nhất; còn tất cả chỉ là thứ ngoại lai kém cỏi tầm thường. Đụng một chút là tranh cãi, hở một tí là hơn thua chẳng kém gì ngoài đời. Riết rồi hội chúng thành phân hóa kỳ thị lẫn nhau nát như tương tàu. Đấy, ông xem, hội chúng của tôi có giống chuyện thằng Tí, thằng Tèo nhà ông không?
Ông Hai bỗng trở thành triết gia lãng xẹt:
_ Ngớ ngẩn nhỉ! Thảo nào người ta hay nói “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Ông Năm ngẩn người:
_ Câu ấy ăn nhập gì với chuyện của tôi?
Ông Hai triết lý:
_ Tu nhà là phải thương yêu anh chị em trong gia đình như tay liền chân, như lá liền cành. Tu chợ là phát triển tình thương đến mọi người xung quanh. Tu chùa là thương yêu giúp đỡ đồng đạo như ruột thịt. Cùng một mái chùa, cùng làm con Phật, không biết yêu thương nhau thì tu hành làm gì?
Ông Năm gật gù tiếp lời bạn:
_ Ông nói đúng. Đạo Phật là một đại gia đình, mọi người phải thương yêu nhau, phải đoàn kết với nhau như anh em một nhà thì Phật tử mới xứng đáng là những người theo đạo trí tuệ, cứu khổ cho cuộc đời. Tu nhà là thương yêu anh em ruột thịt thế nào, tu chùa cũng phải yêu thương đồng đạo như vậy. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Gà vịt còn phải như thế, huống hồ đồng đạo.
_ Cho nên hội chúng của ông cần phải nhắc nhở nhau “Thứ nhất đoàn kết tại gia, thứ nhì kết chợ, thứ ba kết chùa”.
_ Thằng Tí, thằng Tèo nhà ông cũng thế!
Cả hai ông hàng xóm ôm chầm lấy nhau, vỗ lưng nhau ra chiều thông cảm.
Thích Hoà Hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét