Ma tâm

Ma tâm

12/11/2017

NỘ KHÍ CHU DU (Hay cuộc khẩu chiến lịch sử giữa Nguyên Thủy và Đại Thừa)

Hoá ra, bấy lâu nay Chu Du do phải ngậm đắng nuốt cay chết oan chết ức nên đã không được siêu thoát, hồn cứ quẩn quanh trong cõi tù mù chờ được tái sanh làm người. Còn La Sơn Phu Đệ Tử cũng nổi trôi đoạn trường, nhưng cơ duyên xem ra khá hơn nhiều. Giờ đây cả hai oan gia tương báo, hạnh ngộ tương phùng, nhưng trong những vai trò hoàn toàn khác...
----
Atula Chu Đại Xa người làng Đại Xá, huyện Đại Pháo, tỉnh Đại Giáo Thừa thuộc phía bắc núi Đại Tu Di. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm pháo nên Chu Đại Xa quen tật ăn to nói lớn, “nổ” liên thanh bất kể lý do. Tuy thích lấn át người khác để một mình được độc tài độc diễn, thế nhưng ngài vẫn luôn biết khiêm nhường tự vấn: “Ngoài mình ra còn ai xứng đáng với danh xưng Bồ-tát-đại-pháp?” Thực thà mà nói, dù Chu Đại Xa có từ tốn đến đâu chăng nữa, cuối cùng ngài cũng đành phải tự mình chấp nhận danh hiệu cao quý đó.
Ấy thế, nên nhiều người đã không lấy làm lạ khi nghe ngài vô tư phán truyền rằng, khắp thế giới chúng sanh ta-bà này duy chỉ có ngài là được quyền đại ngôn bạt mạng, chê trách mọi người, chẳng coi ai ra gì. Nhiều lần ngài còn tự tin lớn tiếng thừa nhận, chỉ có ngài mới xứng đáng ngang tầm với cư sĩ Bồ-tát Duy Ma Quái. Cho nên cũng chỉ có ngài mới đủ thẩm quyền lên lớp dạy cho cả hàng tu sĩ trưởng lão thâm niên.
Tuy Chu Đại Xa vẫn còn bị năm dục trưởng dưỡng ép tim bóp mũi hằng ngày, thế nhưng ngài luôn mạnh mồm tuyên bố: thời nay không còn một tu sĩ nào hiểu kinh chứng đạo, bởi tất cả mọi người đã không biết niệm tu theo kiểu của ngài. Có lần ngài còn lớn tiếng mắng chửi cả một tỳ-kheo trưởng lão của một tông phái khác, chỉ vì vị ấy đã phạm “trọng tội” không biết… ăn chay như ngài. Đã thế, ngài còn bắt chước ân sư của mình, mạt sát hàng triệu triệu Phật tử Nam Tông ngu si dốt nát, có mắt như mù, có tai như điếc, có tiền như không, vì họ cứ vô tư dại dột cúng dường cho mấy lão sư ăn Tam tịnh nhục.
Quả đúng như thầy tử vi đầu làng đã giải thích, vì Atula Chu Đại Xá tuổi dậu, mạng gà chọi, thuộc loại dễ tức nhau tiếng gáy, cho nên cứ mỗi lần Atula Chu Đại Xa vung vít nguyền rủa ai hơn mình; ngài lại đỏ mặt tía tai, cổ nổi gân xanh gân tím. Thấy dáng vẻ hăng máu của ngài, nhiều người kinh hãi không dám tranh cãi. Nhiều lần họ đã phải im lặng tránh xa hằng trăm dặm chỉ vì sợ ngài... bị đứt gân máu.
Thừa thắng xông lên, càng ngày ngài lại càng nỗ lực công xúc nhiều người hơn nữa. Đám gia nhân trong nhà cũng phải ngán ngài đến lè cả lưỡi. Ngay cả sau lưng ngài, chúng cũng không dám đụng đến tên cúng cơm của ngài, bọn chúng chỉ lấm lét bảo nhau gọi Chu Đại Xá là ông “Cha Đại Xú”.
Mấy hôm gần đây Chu Đại Pháo vốn đã nóng tính lại càng nóng nảy nhiều hơn. Chốc chốc ngài cứ phải ra vào nhấp nhỏm, đứng ngồi không yên. Số là, mọi người dù ở trước mặt ngài nhưng vẫn ngang nhiên dám bàn ra tán vào rằng, ở phương Nam có một vị tiên nhơn La Sơn Phu Đệ Tử nào đó vừa mới giáng phàm, giới hạnh tinh nghiêm, hiểu kinh biết nghĩa, không màng danh lợi, chỉ một lòng xương minh đúng chánh Phật pháp, xứng đáng để người trí tìm đến tham vấn học hỏi.
Cứ mỗi lần nghe được như vậy, Cha Đại Xú lại lẩm bẩm hằn học một mình: “Hừ, đúng là một lũ ngu si dốt nát, núi Thái Sơn sờ sờ ra đây không thấy, lại đi xăm xoi mớ cát sỏi hèn mọn. Rõ thối!”.
Vẫn chưa nguôi cơn bực tức vì chúng sanh ngu dốt, Cha Đại Xú còn đứng trước gương chỉ thẳng vào mặt mình nhắc nhở: “Này, núi Thái Sơn dù có to lớn đến đâu nhưng cứ ngồi yên một xó, mấy cục gạch ở xa chúng cũng làm trời được. Không thể như thế! Không dạy dỗ bọn tiểu nhân, riết rồi chúng xem trời bằng vung, chẳng coi ai ra gì. Ngươi phải nối tiếp truyền thống vĩ đại của tiền nhân, đích thân làm cuộc “Nam tiến”, đến thẳng chỗ của kẻ tiểu phái kia, dạy cho hắn một bài học. Dòng dõi đại xa đại phái của ngươi bao giờ cũng phải cao siêu hơn lũ tiểu nhân tiểu phước. Hà, đến lúc ấy, mọi người sẽ phải cúi đầu bái phục ngươi sát đất”. Mỉm cười với nhiệm vụ vinh quang ấy, Atula Chu Đại Xa liền chuẩn bị hành trang cho cuộc nam du chinh phạt của mình. 
Trải qua đoạn đường dài khá chông gai, cuối cùng Chu Đại Xa cũng đến được nơi cần đến. Vừa mới nhìn thấy căn chòi bé nhỏ của La Sơn Phu Đệ Tử, Chu Đại Xa đã chép miệng lắc đầu thất vọng. Cứ tưởng nó to lớn như thế nào, ai dè lại lè tè cũ nát không bằng căn nhà tồi tàn nhất của đám gia nhân tại Chu gia trang. Chu Đại Xa ngán ngẩm khịt mũi gọi to:
_ Có La tiểu tử, tiểu thừa, tiểu nhân, tiểu trí trong hang đó không?
Một giọng nhỏ nhẹ từ bên trong vọng ra:
_ Chắc ngài hỏi lầm người. Ở đây chỉ có La Sơn Phu Đệ Tử chứ không có tiểu tử, tiểu nhân, tiểu trí nào cả.
Chu Đại Xa vội vàng bụm miệng nín cười:
_ Hừ, Tướng Quân Đại Pháp Chu Đại Xá ta đây muốn gặp chính nhà ngươi!
Giọng bên trong càng nhỏ hơn nhưng cũng vừa đủ nghe:
_ Dạ thưa, nếu vậy phiền đại hổ tướng quân khom lưng chui qua ô cửa mà vào. Ngài cẩn thận dùm, kẻo đà ngang không tha cho bất kỳ cái đầu ngã mạn nào đâu.
Lúc này Atula Chu Đại Xa mới giương mắt nhìn kỹ cái khung cửa. Trời đất, cửa nẻo kiểu gì lại bé tẹo tèo teo, đến độ ai muốn vào bên trong đều phải cúi mình bò lê dưới đất. Đúng là thứ tiểu nhân có khác, đến cửa ra vào hằng ngày hắn cũng không dám làm cho lớn hơn. Mình làm khách của hắn mà cứ như lũ cầy tơ đáng ghét. Vừa nghĩ đến đấy, Atula Chu Đại Xá giật mình chột dạ, ra chiều thối chí.
“Không được, mình đã cất công đến tận đây, giờ chẳng lẽ chỉ vì cái cửa cỏn con kia lại quay trở về? Không chừng mấy đứa lắm miệng lại rêu rao mình còn cống cao ngã mạn, thua cả cái khung cửa bé tí của kẻ tiểu nhân cũng nên. Thôi được, nhân đây ta phải dạy cho tên tiểu phái này một phen, xem kẻ nào ngã mạn cho biết”.
Nghĩ vậy Chu Đại Xa liền khom mình cúi đầu chui qua lỗ cửa. Vừa ngẩng mặt lên ngài đã thấy một thiếu niên đang đứng gãi đầu gãi rốn, miệng mồm xuýt xoa:
_ Ấy, chết chửa, cứ tưởng Chu Đại Xa thế nào, ai dè như vầy đây. Mọi người ở phương Nam này khăm thật, cứ một hai kháo nhau rằng ngài chẳng phải người ngợm gì cả, chỉ là một con hổ giấy bốn chân thành tinh, biết nói tiếng người. Nhà cháu cứ tưởng thế thật, nên mới bảo ngài vào bằng cửa này. Giá biết ngài cũng là người bình thường, nhà cháu đã mời đi qua cửa chính đây. Thất lễ quá, muôn vàn xin lỗi Chu Đại Xa.
Chưa kịp thở vài hơi cho đỡ mệt, Chu đại tướng quân định thần nhìn kỹ, chực muốn té ngửa. Hóa ra cửa chính lại ở bên hông, còn “cửa” mà ngài vừa bò vào chỉ là cái lỗ dành cho mấy con cầy khốn kiếp. Tức đến thế thì thôi, chưa chi đã mắc lỡm tên tiểu yêu. Chuyện này mà đến tai mụ vợ ở nhà, thế nào mụ cũng tru tréo nguyền rủa suốt năm vì cái tật cứ hấp ta hấp tấp, tin bừa tín ẩu của ngài bấy lâu.
Nhưng không được, “no mất ngon, giận mất khôn”, cổ nhân dạy thế! Dù sao mình cũng phải giữ bình tĩnh chuyển ngược tình thế mới xong. Nghĩ vậy, Chu Đại Xa cố nuốt hận làm ngơ, bước thẳng đến giữa nhà, ngồi chễm chệ trên ghế cao, hất hàm hỏi thiếu niên:
_ Ngươi hẳn là đệ tử? Chủ của mày đâu, kêu ra đây!
Thiếu niên chưa kịp trả lời đã thấy từ phòng bên một đạo nhân bước ra, giọng nhẹ nhàng:
Giới Tử con, chớ có vô lễ, mau rót nước mời khách và tạ lỗi với khách gia!
_ Dạ, xin vâng!
Giới Tử vái lạy bậc Đạo Sư và vị khách mới, cẩn thận rót nước rồi lặng im lui bước. Chu Đại Xa vẫn chưa nguôi cơn tức giận, vừa khua tay chỉ vào chiếc ghế đối diện, vừa hất hàm ra lệnh cho Đạo Sư an tọa. Gia chủ giọng vẫn bình thản:   
_ “Danh kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, tuy chưa gặp nhau nhưng có nghe tiếng. Mong khách gia bỏ qua, đừng chấp với con nít…
_ Hứ!
Chu Đại Xa vểnh mặt ngó lơ. Gia chủ vẫn điềm đạm:
_ Ngài thấy đấy, con nít ngây thơ nghe gì tin nấy, đôi khi cũng chớ vội tin ngay chúng, huống hồ những kẻ tinh quái, đáng nghi ngờ. Bần đạo theo đúng lời Phật dạy: chớ vội tin cho dù là kinh tạng, truyền thống, tổ sư gốc Bà-la-môn.
_ Hừ, đúng là thày nào trò nấy!
_ Vâng thưa ngài, là con Phật cũng phải có trí tuệ chứ. Nhưng Phật dạy như thế, có kẻ thực hành theo, có kẻ dại dột trái lời.
Chu Đại Xa liếc ngang:
_ Ta nói ngươi với thằng nhóc kia kìa! Thứ tiểu trí, chấp giới, chấp kinh làm sao là con Phật được, đừng hòng!
_ Vâng thưa ngài, tôi dạy điều hay lẽ phải nhưng có lúc chú nghe, có lúc chú bắt chước người ngoài cũng hơi chướng. Con nít mà!
Chu Đại Xa miệng thở phì phì. Gia chủ mỉm cười hỷ xả:
_ Mời Chu Đại Xa dùng tạm chén nước mương, à quên, nước mưa đạm bạc. Ngài thứ lỗi cho, La Sơn Phu Đệ Tử tôi đã bỏ trà và rượu từ lâu rồi.
Atula Chu Đại Xá lần này đã biết thận trọng nhiều hơn, khịt khịt mũi ngửi tới ngửi lui, đã thế ngài còn lấy ngón tay chấm mút nhắp thử chút nước trong ly. Thấy có vẻ an toàn ngài mới hớp vài ngụm để nuốt cục ngẹn nãy giờ vẫn còn dâng tới cổ. Lấy lại được chút bình tĩnh, Chu đại tướng quân tấn công ngay:
_ Các ngươi chỉ bỏ trà với rượu thôi ư? Còn thịt chúng sanh sao không bỏ luôn? Hừ, không biết ăn chay mà bày đặt tu với hành.
La Sơn Phu Đệ Tử thấy vị khách quá mạn, không thể lấy lễ nói chuyện, liền nghiêm giọng:
_ Nếu chỉ nghĩ đơn giản ăn chay là biết tu hành, vậy mấy lũ trâu, bò, dê, ngựa chúng cũng tu ngang bằng ngài rồi ư?
Như bị cơn gió nóng bất ngờ hắt thẳng vào mặt, Chu Đại Xa tai mũi đỏ bừng, miệng mồm khô rát. Tuy thế vị tướng quân cũng kịp thời trấn tĩnh “mượn gió bẻ măng”, ăn miếng trả miếng:
_ Còn các ngươi khác gì đám chó mèo nhai nuốt chúng sanh?
_ Thưa, có khác, khác nhiều chứ! Bọn chúng không biết ăn đúng thời, còn ăn phi thời; không biết miếng nào nên ăn, miếng nào không nên ăn; không biết thế nào là “Tam tịnh nhục”. Ngay cả với ngài, nếu không áp dụng luật “không thấy, không nghe, không nghi”, thì khi uống ly nước vừa rồi ngài đã sát sanh hại mạng biết bao chúng sanh rồi đấy. Tất nhiên, đám tiện sanh chúng cũng không biết khi chưa có con mắt thấu suốt nhân quả mà đã vội vàng đánh giá người khác là tự đào hố chôn mình.
Atula Chu Đại Xa càng đỏ mặt hơn nữa, nuốt giận làm ngơ:
_ Hứ, thế ngươi đã thấu suốt nhân quả chắc?
_ Muốn biết rõ người khác, trước hết ngài hãy bỏ cái “ngã chay” ra khỏi đầu lưỡi, và buông cái ngã mạn xuống quá đầu gối thì may ra.
_ Láo, ngươi bảo ta phải lạy ngươi ư? Kẻ đại ngã mạn, đại kiêu căng chính là ngươi mới đúng!
_ Không dám. Tùy vào trí tuệ của ngài.
_ Quỳ lạy mà cũng trí tuệ à?
_ Chỉ có người hiền trí mới biết kính những ai đáng kính, trọng những ai đáng trọng, đảnh lễ những ai đáng đảnh lễ. Kẻ vô trí không biết, hoặc làm ngược lại. Vả lại những ai biết cung kính thời sẽ được cung kính.
_ Ngươi đáng kính trọng chỗ nào?
_ Nãy giờ tôi nói mà ngài vẫn chưa hiểu ư? Chẳng lẽ tôi đã phí lời đến thế cơ à? Xưa, Lưu Huyền Đức chỉ vì mộng bá vương còn biết hạ mình ba lần đến am tranh cầu hiền để rồi làm vua một cõi. Trương Lương chỉ vì ba cái pháp làm danh làm lợi còn dám khom lưng ba lần nhặt dép cho người, sau với tài trí được phong chức Thừa Tướng. Thậm chí, đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác, ngài còn nêu gương quán xét xem trong thế gian này có ai xứng làm thầy để ngài đảnh lễ. Còn ông là ai và đang tầm cầu cái gì? 
Thấy nói chuyện với kẻ cứ hay chiếu bí hai ba nước kiểu này thực không ổn, Atula Chu Đại Xa liền quay sang dụng kế “cả vú lấp miệng em” tuôn một hơi liên tục:
_ Này, ngươi đừng tưởng ta không biết gì đấy nhé. Chân lý đại pháp vô phân biệt mà ta cầu, thứ tiểu nhân trầm không trệ tịch, tiêu nha bại chủng như các ngươi làm sao với tới được, mà có với được cũng không hiểu nổi đâu. Còn ta là ai ư? Ta không phải bọn chồi khô mộng lép,phàm phu tiểu phái như các ngươi. Đã nói vô phân biệt, thời ta phải là vô ngã chứ còn gì nữa. Mà vô ngã là Niết Bàn, như vậy ta là Niết Bàn chứ sao. Kinh Lăng Già đã dạy rồi: “Vô hữu Phật Niết bàn. Vô hữu Niết bàn Phật”. Thực ra không có Phật nhập Niết Bàn, cũng không có Niết Bàn Phật thể nhập. Vạn pháp đã vô ngã rồi, còn Phật, còn Niết Bàn gì nữa, xổ toẹt tất cả, hiểu không. Phật pháp có nghĩa là gì nếu không hiểu thế nào là vô ngã? Cánh tay này của ta chắc? Cái chân này của ta hả? Cái đầu này của ta ư? Còn khuya! Chẳng có cái gì cả, hết thảy đều trống không, rỗng tuếch đến tận cùng. Bởi lẽ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như thế”. Cho đến bốn cái Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng “vô” luôn. Tuy vậy vẫn có cái pháp Ba La Mật mà ba đời chư Bụt còn phải nương theo. Mô Phật, nhờ có các tổ sư gốc Bà-la-môn sau này kết tập được cái Tâm Kinh, nên mọi người mới biết có cái kinh Tâm cao siêu dường ấy. Đúng thế, kinh Pháp Hoa gọi nó là "Thế gian tướng thường trú", kinh Hoa Nghiêm thuyết "Nhứt thiết chư Pháp vô phi Phật pháp”, kinh Kim Cang phán "Nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp”. Cho nên "Phiền não tức Bồ-đề", hay "Sinh tử tức Niết-bàn". Tất cả mọi thứ đã như vậy rồi còn tu hành làm gì cho mệt. Mặc dù tổ Long Thọ đã sanh, đã chết, đã vô thường đoạn diệt từ lâu, nhưng bài kệ mở đầu Trung Quán Luận của ngài vẫn còn được nhắc đi nhắc lại: "Bất sanh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất diệc bất dị. Bất khứ diệc bất lai. Năng thuyết thị nhân duyên. Thiện diệt chư hý luận”. Đây cũng là tánh "Không" của Bát Nhã, tánh "Như thị" của Pháp Hoa, tánh "Diệu hữu" của Hoa Nghiêm, và cũng là tánh “Vô ngã” của Đại giáo thừa vĩ đại...
Atula Chu Đại Xa say sưa thao thao bất tuyệt chẳng kém một cái máy phát thanh tự động, đến độ La Sơn Phu Đệ Tử cứ phải luôn tay ngoáy tai vì ngứa, chốc chốc lại phải che miệng ngáp dài. Chớp thời cơ lúc Chu Đại Xa ngừng “bắn”, hớp vài ngụm nước định lấy hơi nói tiếp, La Sơn Phu Đệ Tử tiên sinh liền tranh thủ đặt vấn đề:
_ Xin lỗi Chu Đại Xa, thiết nghĩ ngài muốn giúp người khác hiểu rõ “vô ngã” thực sự là gì? nhằm mục đích gì? giúp diệt khổ như thế nào? Trước hết ngài phải biết khái niệm này khởi thủy từ đâu? được Đức Phật nói đầu tiên trong bài kinh nào? trong trường hợp nào? cho đối tượng nào? và nó nằm trong hệ thống nào của hệ thống nào? Những điều căn bản này ngài có biết hay không?
Chu Đại Xa nhíu mày, giật mình chột dạ. Vừa rồi ngài nói vài tiếng nước ngoài chính ngài cũng chưa hiểu hết, vậy mà tên Tiểu Thừa nhị phái này nói toàn tiếng nước mình, nhưng sao ngài chẳng hiểu một tí ti gì cả. Dù vậy Chu Đại Xa vẫn ra vẻ vờ vịt:
_ Ôi dào, cái đó ai không biết. Nhưng thôi, Ta cho phép ngươi nói trước. Nếu sai, ta chỉnh cho.
_ Vậy, ngài hãy lóng tai nghe tôi bố thí pháp cho một ít may ra còn kịp cứu lấy mình. À, mà ngài muốn tôi nói vô ngã theo Đại giáo thừa hay theo Tiểu Thừa trước?
Chu Đại Xa mím môi dằn lòng, cộc lốc:
_ Du chu! (You choose: tùy ngươi chọn)
_ Vậy tôi nói vô ngã theo Đại giáo thừa của các ngài trước. Các ngài thường nói vô thường, khổ, không, vô ngã chứ gì? Như vậy muốn hiểu vô ngã, trước đó phải hiểu thế nào là “Tánh Không”, đúng không? Nhưng muốn hiểu rõ “Tánh Không” là gì, trước hết các ngài phải biết thế nào là Không Tánh? thế nào là Tiểu Không? thế nào là Đại Không? thế nào là Nội Không? thế nào là Ngoại Không? thế nào là Nội-Ngoại Không? thế nào là Không Định? thế nào là Không Xúc? thế nào là Không Nguyện Định? thế nào là Không Tướng Tâm Định? thế nào là Không Vô Biên Xứ Định? Có hiểu rõ những khái niệm “Không” này, tức khắc sẽ hiểu được ngay cái “Tánh Không” của tổ sư gốc Bà-la-môn Long Thọ nó là cái cục gì? Nó đã làm hôi thối cái “Tánh Có” như thế nào? Và nó đã được các luận sư ngoại học đưa vào Phật giáo nhằm mục đích gì? Tôi hỏi một hơi như vậy, ngài có hiểu gì không?
Khuôn mặt Chu Đại Xa thuỗn dài ngơ ngác, thúc thủ bất lực. Phu Đệ Tử bồi tiếp:
_ Tôi trả lời luôn, ngài không hiểu gì đâu. Vì sao? Vì muốn hiểu các khái niệm này, trước tiên ngài phải hiểu vô ngã theo kinh Nguyên Thủy mà bấy lâu nay các ngài vẫn chê là thấp kém. Hãy lóng tai nghe tôi nói vô ngã theo kinh Nikaya của “Tiểu Thừa” để tự cứu mình. Khái niệm Vô ngã được Đức Thế Tôn dạy trong hệ thống Năm Thủ Uẩn. Năm Thủ Uẩn nằm trong hệ thống quán Pháp. Hệ thống quán Pháp nằm trong hệ thống Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ nằm trong hệ thống Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo nằm trong hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo. Ba Bảy Phẩm Trợ Đạo nằm trong hệ thống Sơ Thiền. Sơ Thiền nằm trong hệ thống Bốn Thánh Định. Bốn Thánh Định nằm trong hệ thống Tam Vô Lậu Học tức hệ thống Thánh Giới Uẩn, hệ thống Thánh Định Uẩn và hệ thống Thánh Tuệ Uẩn tức hệ thống Tam Minh, bao gồm Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh. Tôi nói một loạt như vậy ngài có hiểu gì không? Tôi trả lời luôn, ngài cũng chẳng hiểu gì đâu, đúng không?
Im lặng một lát để Atula Chu Đại Xa lau những giọt mồ hôi đang túa ra trên trán. Phu Đệ Tử nghiêm giọng:
_ Đó là tôi mới nói Vô ngã theo 37 Phẩm Trợ Đạo, chứ chưa nói Vô ngã theo Thập Nhị Nhân Duyên, theo Tứ Diệu Đế, theo Chỉ Quán, theo Tám Thắng Xứ, theo Mười Thứ Đệ Trú cùng biết bao các pháp thượng nhân khác. Vì sao không nói? Vì những kẻ ngã mạn như ngài làm sao hiểu nổi các pháp cơ bản? Các pháp cơ bản còn chưa hiểu nổi, làm sao hiểu được các pháp cao siêu ấy? Tôi dám chắc như thế! Vì sao? Vì nếu hiểu, thì không những ngài mà cả các tổ sư của ngài đã phải quỳ xuống đảnh lễ sám hối trước Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni vì cái tội bấy lâu nay dám uốn lưỡi theo ngoại học, xấc láo quay lại khinh thường chánh kinh Nguyên Thủy của Đấng Như Lai, A La Hán Chánh Đẳng Giác, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Atula Chu Đại Xa há hốc mồm chới với, không nói được một lời. Ngài có hiểu gì đâu mà nói. Hai tai ngài cứ lủng bủng lùng bùng như bị dội bom tứ phía. Cái gì là “không nội” với chả “không ngoại”, hệ thống với hệ thông, rối tung cả lên thế nhỉ? Trái bong bóng “đại pháo” to lớn là thế, giờ đây như bị thủng lỗ lép xẹp, mềm nhũn.
Không xìu sao được, bấy lâu nay ngài cứ tưởng mình hiểu sâu Phật Pháp, rành thông ngữ nghĩa, thấu đạt mọi kinh điển. Nhưng thật ra ngài chẳng biết cái gì cả, chỉ toàn một mớ hí luận trườn uốn quanh co để tự lừa dối chính mình và lừa dối mọi người. Vỏ quýt những tưởng dầy, hóa ra mỏng tanh. Còn móng tay kẻ kia lại cứng sắc như lưỡi dao, nó “bóc” ngài cái nào cái nấy tuốt tuồn tuột dễ dàng như lột vỏ khoai lang. Đúng là kẻ ăn cắp pháp gặp phải chuyên gia săn bắt trộm.
Từ hồi nào tới giờ chỉ có chuyện ngài lớn tiếng khinh chê người khác, chứ có ai dám cãi ngài lấy nửa câu. Ấy vậy mà nay tên tiểu nhân này đã không biết kính nể ngài lại còn phạm thượng đến thế nữa kia, tức không cơ chứ. Phút chốc dòng máu kiêu mạn từ trong bụng mẹ của Chu Đại Xa lại bùng lên sục sôi cuồng nộ khiến ngài giận run cả người, thân mình lạnh toát, tứ chi rã rời.
Nhưng cãi làm sao đây khi cái “chí tệ” của ngài đã có kẻ biết tỏng tòng tong từ trong ra ngoài, tuốt tuồn tuột từ trên xuống dưới. Lập cập mãi một lúc lâu, cuối cùng Atula Chu Đại Xa mới đủ sức hai tay nâng lấy đầu, ngửa mặt lên trời khóc to thành tiếng:
_ Trời ơi, Phật đã ban cho ta đại pháp, sao còn cho những tên tiểu nhân tiểu pháp làm chi. Hỡi ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!
Hét xong một tiếng, Chu đại tướng quân đứng sững như trời trồng, hai hàm răng nghiến chặt, từ nơi khóe miệng một dòng máu nóng tuôn trào. Đôi mắt Atula Chu Đại Xa bỗng trở nên thao láo ngây dại như kẻ ngơ ngáo. Bất giác cả thân ngài đổ sụp xuống đất, lui cui như muốn tìm đường chui ra lỗ cửa nhỏ lúc nãy. La Sơn Phu Đệ Tử vội vàng đỡ ngài lên, nói to như gọi hồn người chết:
_ Bớ Chu Đại Xa, hãy lai tỉnh để ra bằng cửa chính này. Tai họa này do ngài tự rước vào thân chứ nào phải tại ai.
Atula Chu Đại Xa vẫn như một cái xác không hồn vô tâm vô tánh, chỉ một nước cúi đầu lững thững bước ra. La Sơn Phu Đệ Tử tiên sinh nhìn theo ngao ngán, nhủ thầm:
_ Tăng thượng mạn cũng khổ. Ti liệt mạn cũng khổ. Đẳng mạn cũng khổ. Chỉ có vô ngã mạn là an vui thanh thản. Nhưng nào có mấy ai dám không chấp thủ mình để có duyên may hiểu những điều phải hiểu, biết những điều đáng biết. Thật khó lắm thay!
(Hoa Ưu Đàm phóng tác từ cuộc đối đáp Phật Pháp giữa hai nhà học giả tại Nam-thiên-bộ-châu)
³³³
PHÁP TRÍCH LỤC
] Trích Ðại kinh Sư Tử Hống, MN 12
“…Này Sariputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sariputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!" Này Sariputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.”

{ Ý kiến: Theo đúng lời Phật dạy trên, chỉ có các Tỳ-kheo nào biết áp dụng luật Tam Tịnh “không thấy, không nghe, không nghi” khi uống nước lọc mới thực hiện được hạnh từ tâm rốt ráo nhất, tránh sát sanh ngay với cả các “chúng sanh nhỏ trong những ác đạo của họ”

] Trích kinh “Sống Viễn Ly”, số 92, Tăng Chi tập 1, Chương 3, X. Phẩm Hạt Muối,

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực: ăn rau, cây kê, gạo sống, gạo rừng, cây lau, bột gạo, bột gạo cháy, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực.

{ Ý kiếnNgày nay, này các Bà-la-môn chay phát triển, các tu sĩ ngoại đạo trình bày về đồ ăn dọn sẵn: ăn rau, bột gạo, bột gạo cháy, ăn bột vừng, ăn trái cây, ăn rễ cây trong vườn, ăn trái cây trong shop để sống. Như vậy, này các Bà-la-môn phát triển, các tu sĩ ngoại đạo trình bày về đồ ăn dọn sẵn.
] Trích tạng Luật, Đại Phẩm, VI. Chương Dược Phẩm
[27] Vào lúc bấy giờ, các vị Tỳ-khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật). Các vị đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn.
- Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép thọ dụng chung với dầu ăn các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật) như mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời.
Này các Tỳ-khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh phi thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm ba tội dukkaṭa (tác ác).
Này các Tỳ-khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm hai tội dukkaṭa (tác ác).
Này các Tỳ-khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Này các Tỳ-khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời, vị thọ dụng (vật ấy) vô tội.
[64] Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói Đức Thế Tôn cho phép cháo và mật viên.” Vào buổi sáng sớm, họ đã cho chuẩn bị sẵn sàng cháo đặc và mật viên. Các Tỳ-khưu vào buổi sáng sớm được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên nên không thọ thực được như ý ở chỗ thọ thực.
Vào lúc bấy giờ, hội chúng Tỳ-khưu có Đức Phật đứng đầu đã được vị quan đại thần nọ mới có đức tin thỉnh mời vào ngày hôm sau. Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên chuẩn bị sẵn sàng một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt cho một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-khưu rồi sẽ dâng đến cứ mỗi một vị Tỳ-khưu là một đĩa thịt?”
Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt rồi cho người thông báo thời giờ đến Đức Thế Tôn:
- Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của vị quan đại thần mới có đức tin ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng Tỳ-khưu. Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phục vụ các vị Tỳ-khưu ở trong nhà ăn.
{ Ý kiến: Đúng là vị quan đại thần có lòng chánh tin nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và có chánh tri kiến đối với Pháp của Ngài nên mới dám dâng mỗi vị Tỳ-kheo một đĩa “Tam Tịnh Nhục”. Rõ ràng vị quan đại thần đã không bị các Bà-la-môn chay đương thời dụ dỗ, và cũng chẳng sợ mấy ông Bà-la-môn chay nguyền rủa.
Trời đã sinh ra vị quan đại thần có chánh tín, sao lại còn sinh ra các tu sĩ ngoại đạo ăn rau thế nhở! Oan gia nghiệp chướng biết bao giờ mới hết!
Giời sinh có vị đại thần
Cúng dường đĩa thịt, trăm phần đến Tăng
Ngoại sinh có đạo lăng nhăng
Ăn chay giả thịt, giả nhân, giả từ
Giả luôn cả Bụt chẳng từ
Phá hòa hợp chúng, bây chừ ngục du.


--------------------
Ghi chú: Các trích  lục từ Kinh Nikaya theo bản dịch Việt của HT Thích Minh Châu, và từ Luật Pātimokkha theo bản dịch của TK Nguyệt Thiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét