Ma tâm

Ma tâm

12/29/2017

PHÂN VÂN TRÍ THỨC


Hỏi: Trong bài kinh “Các Vị Ở Kesaputta”, Đức Phật Thích Ca đã dạy cho dân chúng Kalama: “Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân”.
Trong Phật giáo, sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, có trường hợp nào đáng nghi ngờ cần phải khởi lên những phân vân thích đáng không?
Sự “hoài nghi phân vân trí thức” khác với “nghi kiết sử” và “nghi triền cái” như thế nào?
! LS LONG XÀ TỬ trả lời: Đức Phật trong kinh Tiểu Thừa Nguyên thủy dạy cho dân chúng Kalama, chứ có dạy cho chúng ta đâu mà hoài nghi với không tin.
Ngài dạy các Kalama chớ có tin vì nghe truyền thuyết của Bà-la-môn;chớ có tin vì theo truyền thống của Bà-la-môn; chớ có tin vì nghe Bà-la-môn nói; chớ có tin vì được kinh điển Bà-la-môn truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn, Bà-la-môn là bậc đạo sư của mình.
Còn các kinh-luật-luận sau này do các tổ sư gốc Bà-la-môn truyền trao mình phải tin chớ. Các ngài đều quy y Phật giáo cả rồi.
Đức Bụt A Di Đà dạy chúng sanh ở cõi Ta Bà này một cách rất dễ dàng, nhẹ nhàng, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi, không thua gì các đại gia quảng cáo. Các tín đồ chỉ cần “tin” nơi ngài, “nguyện” vãng sanh cõi ngài, thực hành “A mi tò phò” tên ngài là lúc hấp hối đương nhiên được hội chúng Tịnh Đô kéo đến trợ niệm đi liền, khỏi cần phải hỏi, dễ như trở bàn tay.
À, nghe đâu Cưu Ma La Thập là người giới thiệu kinh A Di Đà cho Phật giáo. Chắc ngài cao siêu đáng tin lắm nên vua Diêu Tần mới ban cho mười cung nữ hầu hạ. Ngài vừa ngồi dịch kinh Đại Thừa vừa được chăm sóc như thế còn gì thích bằng. Cũng nghe nói sau này vua quan nhà Lương tin kinh A Di Đà đến độ giặc đến trước cửa thành vẫn tụng niệm tên “A mi tò phò”. Cuối cùng được giặc cho vãng sanh tất cả.
Chuyện không biết có thật không, chỉ nghe nói lại, nhưng cũng đủ biết có đức tin là có tất cả! Mọi người không thấy lắm kẻ chỉ cần có đức tin đã dám ôm bom đi giữa đám đông đấy ư? “Bùm” một phát được bay lên thiên đàng, thế mới tài!
Chính vì vậy, tất cả các luận văn chú giải của các ngài tổ sư gốc Bà-la-môn đương nhiên đều rất chú trọng phát triển đức tin nơi các Phật tử vào các kinh-luật-luận Đại Thừa.
Tất cả các kinh do các ngài kết tập đều có lời xác chứng “Như vầy tôi nghe” của chính ngài A Nan, chứ có phải do các ngài luận sư gốc Bà-la-môn “Như thị ngã văn” đâu mà phân vân? Tất cả các kinh Đại Thừa đều được Đức Phật dạy trước sự chứng kiến của vô số vô lượng vô biên các Bồ-tát, nhân thiên, phi nhân, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa chứ đâu phải chỉ có một mình mấy tổ sư gốc Bà-la-môn đâu mà nghi ngờ. Ai không tin cứ mở kinh Đại giáo thừa ra mà đọc, mê liền!
Kinh văn Đại giáo thừa do các tổ sư gốc Bà-la-môn kết tập và xiển dương có đầy đủ các chứng nhân còn hơn cả trăm gánh hát, có đông đủ ban bệ còn hơn cả ngàn đoàn làm phim mà vẫn không tin, hẳn chỉ có đa nghi hơn Tào Tháo. Các ngài luận sư gốc Bà-la-môn nhắc đi nhắc lại cả trăm lần rằng ai tin kinh Đại Thừa là đại phước, đại trí, đại tuệ; ngược lại kẻ tiểu nhân nghi ngờ thánh kinh Đại Thừa là thiểu phước, đại si, đại ngốc, đáng sa địa ngục. Nghe vậy mà vẫn không dám tin, rõ là ngu hơn ngỗng đực!
 Tam tạng Đại giáo thừa giúp chúng ta đặt lòng tin không phân vân vào sự vĩ đại cao siêu của các pháp môn đại giáo, vào các Bồ-tát đại bác ái đại nhơn đại đại. Bên cạnh đó các luận sư Đại Thừa gốc Bà-la-môn còn giúp chúng ta đạt lòng tin không lưỡng lự vào sự kém cỏi của các kinh luật nguyên thủy, vào sự ích kỷ dở tệ của mấy ông A-la-hán Thanh văn Tiểu Thừa. Mô Phật! Công ơn của các tổ sư gốc Bà-la-môn to lớn biết dường nào!
Hừ, tôi nói thật, các Phật tử chỉ cần đặt lòng tin vào một pháp môn Đại Thừa như niệm chú, hoặc niệm tên A Mi Tò Phò thôi cũng quá đủ rồi, còn nương đâu cho mệt, còn nghi ngờ làm gì cho rối rắm!
Tóm lại, mấy kẻ kém phước không có duyên may tin vào giáo pháp Đại Thừa, còn đứng xa các tổ sư gốc Bà-la-môn nhiều lắm! Mấy hạng tiểu nhân này dù có ôm mấy quả bơm đến cúng dường tôi thôi cũng chưa dám, còn nói gì đến tịnh tài ngân phiếu. Luận giảng như thế đủ rồi, bái luôn!
{
] TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG trả lời: Đức Thế Tôn dạy quá rõ ràng, xin nhắc lại “Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân”. Điều này có nghĩa những người con Phật có lý trí, biết suy xét cẩn trọng không được tin bừa, nhưng cũng không nên nghi bậy.
Các Phật tử chân chánh sau khi suy xét kỹ lưỡng, chỉ tin những điều đáng tin, những chỗ đáng tin; không nên tin những điều không đáng tin, những chỗ không đáng tin.
Các Phật tử chân chánh sau khi suy xét kỹ lưỡng, phải biết hoài nghi những điều đáng hoài nghi, những chỗ đáng hoài nghi; không nên hoài nghi những điều không đáng hoài nghi, những chỗ không đáng hoài nghi.
Tin vào điều gì, tin vào nơi nào? Không nên tin vào điều gì, không nên tin vào nơi nào? Không có gì cụ thể hơn lời Phật dạy. Xin nhắc lại:
“Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện – các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!
Này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau; "Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú!” (Sđd)
Theo lời dạy trên, mỗi người con Phật hãy suy xét kỹ lưỡng để tự mình biết rõ các pháp được nêu điển hình sau đây, pháp nào bất thiện, pháp nào thiện; pháp nào có tội, pháp nào không tội; pháp nào đáng chỉ trích, pháp nào không nên chỉ trích, pháp nào thực sự đưa đến bất hạnh đau khổ, pháp nào đưa đến hạnh phúc an lạc.
Trường hợp thứ nhất: Có một ông vua bác ái đến độ phát “đại nguyện” sẵn sàng cứu giúp những kẻ diệt chủng, loạn luân, cướp hiếp miễn sao họ không phạm năm đại tội vô gián và hủy báng pháp. Chúng chỉ cần niệm vài lần tên ông vua là được tiếp rước đến nơi an lạc, không còn sợ phải trả quả báo gì nữa. Còn những người hiền lương lại bị ông vua bỏ lờ không cứu, sống chết mặc bay.
Một ông vua cho dù có quyền năng đến đâu nhưng phát dại nguyện kiểu ấy là vị minh vương hay hôn quân vô đạo? Nhân quả công bằng đạo lý ở chỗ nào? Bất thiện hay thiện? Có tội hay không có tội? Đáng tin hay không đáng tin?
Ngược lại, trong kinh văn Nguyên Thủy nhắc đi nhắc lại: “Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này.” (Kinh Nikāya)
Lời dạy trên có đúng với đạo đức nhân bản nhân quả không? Lợi hay hại? Thiện hay bất thiện? Đại trí hay tiểu trí? Đáng chỉ trích hay không đáng chỉ trích? Đáng tin hay không đáng tin?
Xét trường hợp khác: cũng là “kinh văn” nhưng oai lực đến độ những kẻ giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng dù phạm năm đại tội Vô gián cũng được cứu rỗi dễ dàng. Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội Vô gián” (???) (Trích Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát, Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của HT Thích TQ. Nguồn Internet)
Cũng bác ái đại nhân kinh khủng đến độ những kẻ tàn ác chỉ cần nghe được danh hiệu thôi cũng phá tan nhân quả: “Đại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở” (Trích Dược Sư Kinh Sám, HT Thích TQ dịch giải. Nguồn Internet)
Những ai tin tưởng những điều trên hãy vào các nhà tù bảo các tội nhân chép bốn trăm câu “chỉnh cú Hoa Nghiêm” xem có ai thoát khỏi tội, phát loa một ngàn lần cho các tù nhân nghe danh hiệu Bụt Dược Sư xem có ai hết nghiệp chướng bởi tham sân si?
Nếu các tội nhân chỉ cần chép vài câu kinh liền thoát khỏi đại tội, như vậy luật nhân quả không thể hiện, pháp luật thế gian không nghiêm! Nếu kẻ ác chỉ cần nghe danh hiệu được thoát khỏi tội, vậy kẻ ác cứ tiếp tục làm càn, không còn sợ gì nữa! Ngược lại nếu các tội nhân không ai thoát được tội dễ dàng, không ai hết đau khổ thực sự; như vậy kinh Hoa Nghiêm là kinh nói dóc, tổ giới thiệu kinh Dược Sư là tổ nói dóc.
Lại nữa “kinh”… khủng kiểu ấy khiến tăng thiện hay tăng ác, “thánh tướng” kiểu ấy khiến giảm thiện hay giảm ác? Đáng lên án hay không đáng lên án? Đại trí hay tà trí? Đại nhân hay tà nhân? Đại giáo hay tà giáo? Đáng tin hay không đáng tin?
Trong khi đó với Kinh Pháp Cú Nguyên Thủy, trước sau đều khuyên dạy mỗi người phải tự ý thức lấy trách nhiệm do tự nghiệp mình làm: “Tự mình làm điều ác. Tự mình làm nhiễm ô. Tự mình ác không làm. Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình. Không ai thanh tịnh ai (PC 165). Và mọi người phải biết sợ hãi đúng pháp, nhờ vậy mới không làm điều ác, không nói lời ác, không suy nghĩ ác, có vậy mới thoát khỏi nghiệp ác tội lỗi.
Trong kinh Nguyên Thủy, Phật Thích Ca dạy rõ: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.” (Trích Tăng Chi tập 1, Chương 2, phẩm Hình Phạt, trang 96)
So sánh kỹ những đoạn kinh nêu trên, người Phật tử hãy tự mình nhận biết kinh nào chánh, kinh nào tà; pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; đường nào có tội, đường nào không có tội; lối nào bị người có trí quở trách, lối nào không bị người có trí quở trách; lời nào làm tăng trưởng ác pháp, đưa đến khổ đau, lời nào tăng trưởng thiện pháp, đưa đến an lạc.
Trên đây mới chỉ nêu vài ví dụ tiêu biểu để đối chiếu giữa chánh kinh và tà kinh ngụy tạo, giữa chánh pháp và tà pháp bị ngộ nhận.
Khi Đức Thế Tôn trong Chánh Kinh Nikāya dạy chúng ta phải “tự mình biết rõ”, điều này có nghĩa mỗi người phải tự mình biết suy tư nhận thức thích đáng: không hoài nghi những chỗ không đáng nghi, nhưng cũng không vội tin những chỗ không đáng tin, nhất là không nên một chiều nghe sao tin vậy, không cân nhắc, không phán xét, không tư duy kỹ lưỡng.
Đồng thời phải biết rõ những hoài nghi nào có hại, thuộc ác pháp, phải từ bỏ; còn những hoài nghi nào không có hại, thuộc thiện pháp, cần nhận thức. Theo đây có hai loại hoài nghi có hại, thuộc ác pháp, cần phải đoạn diệt. Đó là “nghi kiết sử” và “nghi triền cái”. 
Trong kinh văn gốc, “Nghi kiết sử” là nghi ngờ không thích đáng nơi chính bản thân mình, không biết tự tin nơi chính mình trước các thiện pháp. Ví dụ nghi mình không đủ sức diệt được tham - sân - si, không tin mình có thể làm được thiện, nói lời thiện, suy nghĩ thiện; không tin mình có thể thực hành theo chánh giới chánh hạnh. Những hoài nghi như vậy có hại, trói cột mình vào bất thiện, đáng từ bỏ.
Bên cạnh đó, còn có “Nghi triền cái” là nghi ngờ không thích đáng vào Chánh Phật, Chánh Pháp, Chánh Tăng, Chánh Giới, Chánh Kinh; nghĩ rằng các pháp này là sơ khai thấp kém, Tiểu Thừa, nông cạn. Sở dĩ có những nghi ngờ phi pháp này là do tin lầm vào các luận sư gián điệp đời sau, khiến tin luôn vào những Bụt giả, pháp giả, tăng giả, giới giả, tà kinh giả do họ giới thiệu để rồi quay lưng với chánh pháp. Những nghi ngờ tà vạy này khiến ngăn che trí tuệ, mang tà kiến, có hại, gây trở ngại cho giải thoát, vì vậy cũng phải đoạn trừ.
Ngược lại, biết hoài nghi chính đáng trước những điều không đáng tin tưởng để không mang tà kiến; biết phân vân chính đáng trước những kẻ đáng nghi ngờ để không rơi vào bẫy của họ, đây chính là sự hoài nghi chính đáng, là sự “phân vân trí thức”. Những hoài nghi này thuộc thiện pháp, có lợi, không bị người trí chỉ trích, đáng đạt đến và nhận biết.
Theo đây, mỗi Phật tử cần có sự “phân vân trí thức” nhằm đi tới khẳng định dứt khoát, rõ ràng, cụ thể:
Chớ có tin vì nghe truyền thuyết xuống tận Long Cung thỉnh kinh do các Bà-la-môn gián điệp tuyên truyền.
Chớ có tin vì theo truyền thống ăn chay lai tạp từ Bà-la-môn giáo quảng bá.
Chớ có tin vì nghe các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp nói Tiểu Thừa’ là sơ khai thấp kém.
Chớ có tin vì Kinh điển sau này do các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp kết tập.
Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình sắc không, vô khổ tập diệt đạo, vô chứng vô đắc.
Chớ có tin vì đúng theo một lập trường Đại thừa cải biến vô chấp, vô phân biệt.
Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện cho rằng chỉ cần niệm tên A-di-đà, nghe hồng danh Dược sư, niệm thần chú yết đế, úm ma ni là được giải thoát.
Chớ có tin vì phù hợp với định kiến ăn chay mới từ bi, ăn mặn là sát sanh.
Chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền ảo như cõi Lưu ly, Tây phương lạc cực...
Chớ có tin vì vị tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp là bậc đạo sư, tổ sư, Bồ tát của mình.
Vì sao chớ có tin… chớ có tin? Vì tin lầm tín bậy là đồng nghĩa với tự sát, là đồng nghĩa với đọa xứ địa ngục, là đồng nghĩa với trầm luân nghiệp chướng. Chính vì thế mong những người con Phật hãy sáng suốt thận trọng, biết đặt niềm tin đúng nơi Chánh Tam Bảo để từ bỏ những điều phi pháp, phi luật từ những “Thánh Tăng Trọng Thủy” và những “Bồ-tát Triệu Đà” gián điệp!
Mong lắm thay! Mong lắm thay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
TẬP SAN PHẬT HỌC CAO CẤP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét