Ma tâm

Ma tâm

12/17/2017

THƯỜNG, LẠC, NGÃ, ... TÉ!


Một nhóm cư sĩ đang ngồi nói chuyện với nhau trong sân chùa. Cư sĩ Độ Tinh hào hứng tiếp thị chào hàng:
_ Này các ông, có một luận sư Đại Thừa thuyết về bốn tánh Thường - Lạc - Ngã - Tịnh ở cõi Tây Phương Cực Lạc nghe rất mê.
Một cư sĩ khác:
_ Tui nghe nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn của Đại thừa lập đi lập lại câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy là Thường - Lạc - Ngã - Tịnh”
Cư sĩ Khắc Tinh nhíu mày:
_ Ủa, lạ vậy, tôi nhớ Đức Phật Thích Ca trong kinh Nguyên Thủy dạy chúng ta phải luôn quán niệm bốn tánh là Vô Thường - Khổ - Vô Ngã và Bất Tịnhkia mà?
Cư sĩ Cứu Tinh nhìn xa xăm:
_ Chúng sanh là ai? Chẳng lẽ heo - bò - dê - gà - ngạ quỷ cũng có Phật tánh à? Và chúng cũng thường - lạc - ngã - tịnh à? Những ai tin chúng sanh đồng Phật tánh, họ đã tự đồng hóa mình với các súc sanh ngạ quỷ và hủy báng Phật.
Cư sĩ Chánh Pháp tiếp lời:
_ Ngay thời Phật đã có biết bao kẻ mạo danh Phật, xuyên tạc Pháp Phật, đánh lừa con Phật. Vậy mà mọi người cứ vô tư tin tất cả những “Như vầy tôi nghe” sau này và những ông luận sư gốc Bà-la-môn. Gánh tà kiến là địa ngục khổ đau đấy. Mọi người hãy coi chừng!
Cư sĩ Khắc Tinh đồng tình:
_ Đúng vậy, khi Phật còn hiện tiền đã có các ông Bà-la-môn cố chấp luôn nói trái ngược lời Phật để phá hoại Phật pháp. Trong Tương Ưng còn ghi rõ: “Bà-la-môn Paccaniikasàta suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama có nói điều gì, ta sẽ nói lời phản ngược lại" (S.i,179). Sau này con cháu của họ vẫn nối tiếp truyền thống đó, ngụy tạo kinh luận giả, nói toàn điều trái ngược với chánh kinh Nikaya và luật Patimokkha cấp 1.
Cư sĩ Cứu Tinh phụ họa:
_ Chuyện thường-lạc-ngã-tịnh có hay không, sai hay đúng, hãy để những người ở cõi Tây phương hoặc chúng sanh ngạ quỷ xem xét đánh giá. Còn chúng ta ở cõi Ta Bà này hãy ghi nhớ và tư duy kỹ lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Chính Ngài đã gọi đó là bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Cả nhóm nhao nhao hỏi dồn:
_ Ông nói thật không? Chứng minh?
_ Đây, các vị hãy chú tâm lắng nghe tôi đọc nguyên văn.
Nói xong Cư sĩ Cứu Tinh mở Tăng Chi tập 1, bài kinh “Tưởng Điên Đảo”,trang 650, đọc lớn:
“Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảonày. Thế nào là bốn? Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này.
Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo nàyThế nào là bốn? Trong vô thường, nghĩ là vô thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong khổ, nghĩ là khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là vô ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong không thanh tịnh nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này”.
Cả nhóm cư sĩ chắp tay kính cẩn tín thành lời Phật dạy. Gấp cuốn kinh lại, cư sĩ Cứu Tinh hỏi các đồng đạo:
_ Này các ông, những lý luận xa rời thực tế hướng đến ảo tưởng, điên đảo, viễn vông, người trí gọi nó là gì?
Cả nhóm đồng thanh:
_ Là hý luận chứ còn gì nữa!
Một cư sĩ khác thắc mắc:
_ Có những kẻ phá hoại Chánh Pháp đến như vậy, tại sao Phật là đấng Chánh Biến Tri lại không cảnh giác cho các đệ tử?
Cư sĩ Cứu Tinh nói ngay:
_ Này huynh, chớ có nói như vậy! Ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Thế Tôn đã tiên tri rõ ràng rồi, nhưng vì nhiều người tà tín tin theo gián điệp nên không biết đó thôi!
Mọi người lại nhao nhao:
_ Thế à! Ngài tiên tri thế nào?
Cư sĩ Cứu Tinh mở Tăng Chi tập 1, chương 1, trang 71 đọc chậm rãi rõ ràng từng chữ:
_ “Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa Diệu Pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người”.
Thấy cư sĩ Cứu Tinh im lặng, người ngồi kế bên nhắc:
_ Sao ông không đọc luôn đoạn kế tiếp.
Cư sĩ Cứu Tinh hướng vào trong chùa bái vọng rồi trang nghiêm đọc lớn:
“Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đếnhạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có Chánh Kiến, người không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa phi pháp, an trú Diệu Pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người”.
Mọi người đều hoan hỷ tín thọ lời cư sĩ Cứu Tinh và cùng nhau niệm lớn “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Trong khi đó cư sĩ Độ Tinh vẫn cúi đầu im lặng, hai tay mân mê xâu chuỗi như ra vẻ đang mải mê trầm tư suy nghĩ.
SƯ CỨU TINH
_________________
Ghi chú:  
1. “Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp không thể xảy ra. Thế nào là sáu? Người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là thường còn; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là lạc; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là ngã; người đầy đủ tri kiến không thể làm hành động vô gián; người đầy đủ tri kiến không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt; người đầy đủ tri kiến không thể đi tìm các vị đáng được cúng dường ngoài chư Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là sáu trường hợp không thể xảy ra” (Bài kinh “Hành” số 93, Tăng chi 3, chương 6, phẩm Mát Lạnh)
2. Đây là lý do các luận sư Đại Thừa gốc Bà La Môn thuyết trái ngược Phật Thích Ca về thường - lạc - ngã - tịnh:
“Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự Lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất Lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra.
Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự Lưu, quả Nhất Lai, quả Bất Lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra(Bài kinh “Vô Thường” số 98, Tăng chi 3, chương 6, Phẩm Lợi Ích).
3. “Thế Tôn nói như sau: -- Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta ở tại Ukkattha trong rừng Subhagavana, dưới gốc cây Tala vương. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Baka khởi lên ác tà kiến như sau: "Cái này là thường, cái này là thường hằng, cái này là thường tại, cái này là toàn diện, cái này không bị biến hoại, cái này không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, ngoài cái này, không có một giải thoát nào khác hơn".  
...Ta nói với Phạm thiên Baka: "-- Thật sự Phạm thiên Baka bị chìm đắm trong vô minh, thật sự Phạm thiên Baka bị chìm đắm trong vô minh, khi cái vô thường lại nói là thường, cái không thường hằng lại nói là thường hằng, cái không thường tại lại nói là thường tại, cái không toàn diện lại nói là toàn diện, cái bị biến hoại lại nói là không biến hoại, và tại chỗ có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi; có một giải thoát khác hơn lại nói là không có một giải thoát nào khác hơn." (Kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh, số 49, Trung Bộ 1)
Theo những dẫn chứng trên rõ ràng sự “giải thoát khác hơn” tức thường-lạc-ngã-tịnh của luận sư Bà-la-môn lại cũng chính là ác tà kiến vô minh của Phạm thiên Baka, vị trời tối cao của Bà-la-môn giáo và cũng là Bồ-tát Quán Tự Tại của Đại giáo thừa. Những ai có đầy đủ Chánh Tri Kiến có còn tụng niệm Bát Nhã Kinh Tâm của các tổ sư gián điệp gốc Bà La Môn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét