Ma tâm

Ma tâm

10/12/2017

BẬT MÍ BÍ MẬT CỦA MẬT TÔNG!


Đệ tử: Thưa sư phụ, trước sau và cùng thời với Đức Phật, đạo Bà-la-môn và các ngoại đạo khác cũng có thần chú. Làm sao để phân biệt thần chú nào của Mật giáo, thần chú nào của ngoại đạo, trong khi tất cả các câu chú đều là những cụm từ vô nghĩa?
Mật sư phụ: Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn có ngàn mắt sẽ thấy, và có ngàn tay để nhặt các câu chú không phải của Phật ra ngoài.
Đệ tử: Thưa sư phụ, có kẻ giải thích rằng người trì niệm chú nếu được tái sanh làm người cũng bị liệt tuệ, tâm thần bẩm sinh.
Mật sư phụ: Tầm bậy! Ngươi thấy có một vị Lạt Ma tái sanh nào bị trì độn, ngớ ngẩn không?
Đệ tử: Không ạ! Trái lại các ngài còn rất đĩnh ngộ và thông minh.
Mật sư phụ: Đúng vậy.
Đệ tử: Nhưng... có khi nào chúng ta lại đi chọn một đứa trẻ liệt tuệ bẩm sinh làm Lạt Ma bao giờ?
Mật sư phụ: Vớ vẩn… Chuyện bí mật tế nhị, không nên tào lao nữa!
Đệ tử: Dạ. Vậy con xin hỏi chuyện công khai nghiêm chỉnh. Nhưng trước hết, xin sư phụ cho con được sám hối.
Mật sư phụ: Lại chuyện gì? Có quan trọng không? Tội nặng hay nhẹ?
Đệ tử: Dạ, chuyện rất hệ trọng nhưng tội nhẹ hều.
Mật sư phụ: Chuyện chi hệ trọng lại nhẹ tội?
Đệ tử: Thưa, con đã lỡ đọc kinh điển Nguyên Thuỷ của hàng Thanh Văn Nhị Thừa. Theo Bồ-tát Giới con đã phạm khinh cấu tội. Xin sư phụ tha tội.
Mật sư phụ: Trời đất, ngươi cứ đọc ba cuốn kinh thấp kém đó rồi hỏi những câu óc ách, ta rất khó trả lời. Thôi được, ta chấp nhận sự sám hối của con, nhưng từ nay phải ráng giữ giới. Không cần đọc kinh, lại khỏi bị phạm tội, con nít cũng giữ được.
Đệ tử: Dạ, xin vâng. Thưa sư phụ, theo kinh Nguyên thuỷ của Tiểu Thừa, Đức Phật dạy các Tỳ-kheo quán “thức thực” trong bào thai phải chịu khổ đau như một tội nhân mỗi ngày bị đánh 300 hèo. Rồi Ngài hỏi các Tỳ Kheo như vậy có đau khổ không, các Tỳ Kheo trả lời rằng chỉ cần một hèo thôi đã đau thấu trời, huống hồ là 300 hèo. Các Lạt Ma tái sanh làm khổ chính mình và làm khổ người mẹ mang thai mình như thế, liệu các ngài có biết thương mình, thương mẹ mình; từ bi với mình, từ bi với mẹ mình không?
Mật sư phụ: Ờ… thì... chậc… phải chấp nhận đau khổ như vậy mới cứu được cho những đau khổ lớn hơn. Thế mới thấy hạnh nguyện Bồ-tát thật vĩ đại.
Đệ tử: Đức Phật Thích Ca và các vị Thánh A-la-hán không tái sanh, không chấp nhận đau khổ như vậy, nhưng vẫn cứu được cho những đau khổ lớn hơn. Các ngài chủ trương phải đào tạo những thế hệ theo sau đảm trách công việc của mình. Tại sao các vị Lạt Ma không làm như thế?
Mật sư phụ: À… thì… hầy, thiên cơ còn bất khả tiết lộ, huống hồ mật cơ.
Đệ tử: Tại sao trong Tăng Chi 1, chương 3, trang 516, Đức Phật lại tiết lộ mật cơ rằng Chú thuật của Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ… Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu”?
Mật sư phụ: Ừ… mà… mình cũng phải biết kế thừa tinh túy của người khác chứ. Có bí mật mới hấp dẫn người khác. Nói huỵch tẹc hết, chán lắm!
Đệ tử: Tinh túy hay ma túy hay yêu-tinh-túy? Nhưng thôi, con hỏi chuyện khác. Các Lạt Ma nói rằng đã làm chủ được tái sanh, vậy tại sao các ngài không tái sanh làm tổng thống hoặc vua một nước lớn để vừa hưởng được sung sướng nhỏ vừa cứu cho những nước nhỏ không bị xâm lăng, tránh khỏi những đau khổ lớn hơn?
Mật sư phụ: Cộng nghiệp là một trở duyên lớn hơn nữa.
Đệ tử: Tại sao các Lạt Ma không tái sanh làm giáo chủ các tôn giáo khác, sau đó dẫn đồ chúng quy y Phật Pháp để chuyển cộng nghiệp của họ, như ba anh em ngài Uruvelakassapa dẫn 1500 đệ tử cùng quy với Đức Thế Tôn?
Mật sư phụ: Điều đó còn tùy thuộc vào mật hạnh của vị thầy và mật nguyện của các đệ tử. Con không nghe đồn có những vị Lạt Ma đã biết trước sau khi chết họ sẽ tái sanh vào làng nọ, gia đình kia đó sao? Mọi việc xảy ra cứ đúng như máy tính.
Đệ tử: Tiếc thật! Giá như các vị Lạt Ma tái sanh có kèm thêm một chút trí tuệ để chọn cửa ra đời thì đã làm được nhiều điều lợi ích lớn hơn. Không chừng như vậy mật phái của chúng ta đã gồm thâu thiên hạ rồi cũng nên. Nghe đâu có nước còn đòi các Lạt Ma phải đăng ký trước khi tái sanh nữa đấy. Chẳng biết các ngài phải xoay sở làm sao? Liệu các ngài có chứng minh được không? À! Thưa sư phụ, làm sao con biết được kiếp trước mình có mật nguyện để được cứu rỗi?  
Mật sư phụ: Hãy đặt lòng tin tuyệt đối vào vị thày.
Đệ tử: Nhưng Đức Phật dạy, chớ có tin cho dù là kinh điển, là truyền thống… chớ có tin cho dù là bậc đạo sư của mình.   
Mật sư phụ: Đó là Ngài dạy cho các Kalama. Còn đối với mật đệ tử thì phải có mật chú riêng, mật ngữ riêng. Phật pháp có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn cơ mà.
Đệ tử: Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trước lúc nhập Niết Bàn, Đức Phật đã khẳng định Ngài không truyền dạy hay còn giữ lại một mật pháp nào cả. Vả lại trong Kinh Tương Ưng, Đức Thế Tôn đã khẳng định những gì cần nói Ngài đã nói đó là 37 Phẩm Trợ Đạo. Tại sao sau này Phật giáo lại đẻ ra lắm pháp môn như thế?
Mật sư phụ: Vạn chúng sanh có vạn căn tánh thì phải có vạn pháp môn mới cứu độ hết được. Đường nào cũng đến La Mã.
Đệ tử: Roma là thành phố nên phải có nhiều đường để đến, nhưng Niết Bàn không phải là thành phố mà là cứu cánh. Trong Kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ 1, Đức Phật hỏi các ngoại đạo và chính họ cũng phải thừa nhận, “Cứu cánh là một, cứu cánh không phải là đa diện”. Lại nữa, theo Tứ Diệu Đế con đường chân lý đạt đến cứu cánh Niết Bàn chỉ có một, đó là Bát Chánh Đạo. Trong Bát Chánh Đạo chỉ có Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ gồm quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp; hoàn toàn không có “chánh niệm… chú”.
Mật sư phụ: Đó mới chỉ là chân lý tương đối, còn chân lý thứ hai mới là chân lý tuyệt đối. Đã là “Sanh tử tức Niết Bàn” còn cứu cánh gì nữa, còn phải quán, phải quàn gì nữa?
Đệ tử: Chân lý mà có hai thì “chân lý sau” dứt khoát không phải của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Sanh tử cũng là Niết Bàn” thì một pháp môn cũng chẳng cần, huống chi cần đến tám vạn bốn ngàn pháp môn?
Mật sư phụ: Nhưng nhờ Phật Pháp chúng ta mới biết giải thoát ngay ở đây chứ chẳng cần tìm đâu xa. Ta không dạy, ngươi làm sao giác hiểu “Phiền não tức Bồ đề”. Không giác hiểu, làm sao giải thoát ngay trong phiền não.
Đệ tử: Nếu đã biết giải thoát ngay đây rồi; còn tu hành, tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật, niệm chú, đòi độc lập tự do… làm gì nữa? Nếu “phiền não tức Bồ đề”, vậy tại sao khi bệnh hoạn, con thấy sư phụ và các tu sĩ khác người thì nhăn nhó, người thì chạy tìm thuốc, kẻ thì đi bác sĩ hoặc đến nhà thương… Sao tất cả không ngồi yên một chỗ để hưởng “Bồ đề” từ phiền não bệnh hoạn? Kể cả những người giảng kinh Đại Thừa như nước cuốn mây trôi, nhưng hễ bị bệnh khổ phiền não là họ chạy biến đi các nơi khác cấp cứu. Có ai chứng minh được gì đâu?
Mật sư phụ: À… thì… cái đó là tinh túy mật pháp, con làm sao hiểu được!
Đệ tử: Vâng, xin lỗi sư phụ. Con không dám bài bác, đụng chạm đến bí mật của sư phụ nữa. Xin quay về nương tựa nơi thần linh và tu tập mật chú.
Mật sư phụ: Phải như thế chứ!
Đệ tử: Thưa sư phụ, với câu đại thần chú “Sa ni ra sa di mê ca sá da hum ni ma sát mệ hồng”, con phải thực hành như thế nào cho có kết quả?  
Mật sư phụ: Này nhé, nghe đây, trước hết ngươi phải nhớ giữ đúng thủ ấn như Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn. Kế đó điều tối quan trọng là phải chí tâm chí thành, đặt trọn niềm tin tuyệt đối vào các câu thần chú thì mới linh ứng. 
Đệ tử: Nhưng… con vẫn không thể tuyệt đối tin được!
Mật sư phụ: Vì sao?
Đệ tử: Vì câu thần chú đó do con vừa nghĩ ra.
Mật sư phụ: Chết chửa, sao không nói trước?
Đệ tử: Dạ, nói trước, Phật Ngàn Mắt Ngàn Tay nhặt ra, lấy đâu để hỏi?
Mật sư phụ: Trời đất! Nám Mô Úm Ma Ni Bát Mệ Hồng… 
Mật sư phụ chưa niệm chú xong, thoắt một cái đã thấy đệ tử xoay mình biến thành một vị Đại Phạm Thiên với ánh sáng chói lòa, bay vút lên bầu trời xanh thẳm. Hẳn nhiên, vị Đại Phạm Thiên sẽ bật mí câu chuyện bí mật về mật pháp này cho các chư Thiên khác để họ liệu đường mà tránh né.
MẬT TỬ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét