Ma tâm

Ma tâm

10/08/2017

SỢ HÃI HƠN MỌI SỢ HÃI!


Mọi người đọc kỹ bài kinh dưới đây để thấy rõ Đức Thế Tôn đã tiên tri về sự xuất hiện kinh luật luận ngụy tạo, và Ngài cũng nêu rõ lý do vì sao tà pháp tà kinh xen lẫn trong Chánh Pháp Chánh Kinh nhưng không bị phát hiện.
-- Trích Kinh Tăng Chi 2, Chương 5, tr. 480:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai Thânkhông tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập. Do Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng Pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến KHÔNG, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy”
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
Theo lời dạy trên, một người con Phật có bốn phương diện cần phải tu tập: tu tập về Thân, tu tập về Giới, tu tập về Tâm và tu tập về Tuệ.
Trong kinh điển Nikāya, Đức Thế Tôn giảng dạy rất rõ cả bốn phương diện tu tập này. Những ai mang danh con Phật, nhưng không biết thế nào là tu tập về Thân, tu tập về Giới, tu tập về Tâm, tu tập về Tuệ; hãy coi chừng!
Bởi lẽ những người này vì không biết tu tập trọn vẹn nên không có hiểu biết trọn vẹn, chính vì thế họ sẽ dễ dàng tin lầm các tà kinh do các gián điệp ngoại học giả danh tổ sư kết tập và xiển dương. Từ tin lầm tà kinh nên mang lấy tà kiến mà không biết, đây gọi là vô minh.
Ví dụ khi Đức Thế Tôn nói đến Thắng Pháp tức là Abhidhamma, A-tỳ-đàm hay Vi Diệu Pháp; đây cũng chính là hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo bao gồm các siêu pháp Bốn Như Ý Túc, Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo.
Những ai không đồng ý với sự thật trên hãy thẩm xét thêm vài căn bản pháp dưới đây:
- Có phải Đức Thế Tôn đã xác định rõ trong kinh Niệm Xứ, số 10, Trung Bộ 1: “Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”? Bốn Niệm Xứ đã là con đường độc nhất, vậy còn con đường nào khác “đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”? Nếu có, đó chỉ là con đường ác ma vẽ ra để lừa gạt con Phật!
- Có phải Bảy Giác Chi là bảy chi phần đi tới giác ngộ? Bảy pháp giúp đi tới giác ngộ không phải là bảy pháp vi diệu chứ còn là gì nữa? Rõ ràng chỉ có ác ma và kẻ ngây thơ mới phủ nhận thực tế này? Các vị đã hiểu Bảy Giác Chi tới đâu? Các siêu pháp này giúp đi tới giác ngộ thế nào? Chính vì không hiểu Bảy Pháp giúp đi tới giác ngộ này, cho nên mới tin vào các tà pháp, tà kinh khác.
- Trong kinh Māgandiya , số 75, Trung Bộ 2 có ghi rõ: “Rồi Thế Tôn, thời ấy nói lên cảm hứng ngữ như sau: Không bệnh, lợi tối thắng, Niết-bàn, lạc tối thắng, Bát Chánh là độc đạo, An ổn và bất tử.” Bát Chánh Đạo đã là độc đạo duy nhất để giải thoát, trong đó có Chánh Định là Bốn Thiền. Vì thế ngoài Bát Chánh Đạo là bát tà đạo, ngoài Bốn Thiền là tà thiền, đúng không?
Thế nhưng những người đời sau vì tu tập không trọn vẹn nên không nhận thức được trọn vẹn các giá trị siêu việt của 37 Phẩm Trợ Đạo để rồi họ rơi vào “hắc pháp Vi Diệu Pháp” ngụy tạo do kẻ đời sau vẽ ra, với những khái niệm mơ hồ, chung chung, không được kiểm chứng. 
Hoặc giả những kẻ đời sau vì không biết tu tập trọn vẹn về Thân, về Giới, về Tâm, về Tuệ nên không nhận thức giá trị cao siêu của kinh Tiểu Không và Đại Không, từ đây họ dễ dàng rơi vào ‘hắc pháp’ của kẻ gian hiểm với những khái niệm ‘tánh không’ ngụy tạo của ác ma.
Từ đây họ cũng rơi vào tà kiến phủ nhận tất cả như không Chánh Pháp Nguyên Thủy, không Bốn Thánh Đế Khổ - Tập - Diệt - Đạo, không chứng không đắc, không dơ không sạch v.v.. và v.v.. Thế nhưng lại có cái Bát-nhã-ba-la-mật mà ba đời chư Bụt còn phải tu theo???
Chính vì thế, tin lầm theo tà nhân và tà kinh dẫn đến tưởng lầm tà pháp là chánh pháp, tưởng lầm tà kiến là chánh kiến, tưởng lầm tà đạo là chánh đạo. Sự ngộ nhận này đem lại biết bao khổ đau và nguy hại trong hiện tại lẫn về tương lai lâu dài trong đọa xứ địa ngục.
Rõ ràng đây là những sợ hãi cần phải nhận thức rõ để đoạn trừ, nhờ vậy mới an vui giải thoát ngay trong hiện tại và từng bước đi tới giác ngộ Niết Bàn, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau muôn kiếp.
MAHASUTRA
--------------------------
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét