Ma tâm

Ma tâm

10/05/2017

A HÀM DẠY NHẪN TÂM

So sánh
Chánh Kinh Pali "Ví Dụ Con Chim Cáy" (số 66, Trung Bộ 2) & Tà Kinh A Hàm "Ca Lâu Ô Đà Di" (số 192, Trung A Hàm)

Chánh kinh Pāli: “Rồi Tôn giả Udayi vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Udayi bạch Thế Tôn:
…Thuở trước, bạch Thế Tôn, con đi khất thực trong đêm đen tối tăm. Một người đàn bà đang rửa chén bát, thấy con trong khi trời chớp nhoáng, liền hoảng sợ và hét lớn: "Ôi kinh khủng thay cho tôi, có con quỷ (chạy) theo tôi!"
Bạch Thế Tôn, khi nghe nói vậy, con nói với người đàn bà ấy:
"Này chị, không phải quỷ đâu. Ðây là Tỷ-kheo đang đứng khất thực".
"Cha Tỷ-kheo hãy chết đi! Mẹ Tỷ-kheo hãy chết đi! Này Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho Ông nếu Ông lấy con dao sắc bén của người đồ tể cắt bụng của Ông, còn hơn là vì lỗ bụng đi khất thực trong ban đêm tối tăm".
Bạch Thế Tôn, khi con nhớ như vậy, con suy nghĩ như sau: "Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta".
-- Tuy vậy, này Udayi, ở đây có một số người ngu si; khi Ta nói: "Hãy từ bỏ việc này", liền nói như sau: "Có sá gì sự việc tiểu tiết, nhỏ mọn này. Sa-môn này đặt quá nặng về cấm đoán đoạn giảm". Họ không chịu từ bỏ và gây lên bất mãn chống Ta và chống những Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sự việc ấy, này Udayi, đối với họ, trở thành một trói buộc mạnh mẽ, một trói buộc vững chắc, một trói buộc kiên cường, một trói buộc không mục nát, một khúc gỗ to lớn.”
Tà kinh A Hàm: “Thế Tôn lại hỏi rằng: “Này Ô-đà-di, vì sao ông không thiếu thốn, thường được an ổn, và sức khỏe vẫn như thường?” Tôn giả Ô-đà-di đáp rằng:…
…“Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo trong đêm tối mịt, trời mưa lâm râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi vào nhà người ta khất thực. Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa chén bát.
Khi ấy người đàn bà này trong cơn chớp lóe, trông xa thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta kinh hãi, lông tóc dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngả xuống miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’
Tỳ-kheo mới nói với người đàn bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất thực.’
Bấy giờ người đàn bà ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối, rất dữ dằn rằng, ‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết cho lẹ đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi! Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự, không con cái! Hãy cầm dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất thực phi thời ban đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!
Bạch Thế Tôn, con nhớ vị ấy rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ, khinh an, lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn châu thân mà được chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường.”
Thế Tôn khen rằng:
Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không phải như người ngu si kia, khi Ta nói với người ngu si ấy rằng, ‘Các ông hãy từ bỏ điều này’, thì nó nói rằng, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng nay Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ việc ấy. Thiện Thệ muốn ta dứt tuyệt việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’, rồi nó không từ bỏ. Không phải chỉ với Ta mà nó không vừa ý, không nhẫn thọ; đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói buộc rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.”
Phân tích: Hẳn là các ông Bà-la-môn rất tâm đắc với đoạn biên dịch A Hàm của mình khi được dịp để rủa xả chửi bới thêm các Tỳ-kheo đệ tử Phật.Nhưng hãy đối chiếu thẩm tra cẩn thận:
- Một bên chính Udayi của Pāli tự xác nhận bản thân mình bị phiền não khi đi khất thực phi thời, sau đó ông nhớ lại mới thấy lời dạy của Đức Thế Tôn khuyên ăn một ngày một bữa là đúng. Thế nhưng ông Ô-đà-di A Hàm (hay dịch giả A Hàm) nhớ tới một vị Tỳ-kheo khác bị chửi bới rủa xả thậm tệ lại sanh tâm hân hoan, đắc được định là sao? Ông Ô-đà-di A Hàm (hay dịch giả A Hàm) sao nhẫn tâm quá vậy?
Định của ông Ô-đà-di là định gì? Chắc chắn là tà định rồi, vì Ô-đà-yi (hay dịch giả A Hàm) cũng bị tưng tửng như người đàn bà kia nên mới không biết rằng “trong đêm tối mịt, trời mưa lâm râm” lại “đi ra ngoài rửa chén”, đã thế còn biết bà ta kinh hãi đến độ “lông tóc dựng ngược" nữa chứ (?) Đúng là tà kinh hồ đồ, tạp nhảm.
- Bụt A Hàm đã không khuyến cáo Ô-đà-di thì chớ lại còn khen ngợi kẻ thấy đồng đạo bị chửi rủa thậm tệ “nhớ vị ấy rồi tâm sanh hân hoan” là nghĩa làm sao? Cả hai có vô tình và phi lý không? Có nhẫn tâm và phi nhân tính không? Trong Chánh kinh Pāli, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy Udayi như thế nào? Có hợp tình hợp lý không? Có từ bi nhân bản không?
Càng đọc càng phải lắc đầu chép miệng. Khốn thay, những điều phi lý này đã tồn tại hàng ngàn năm rồi nhưng không một ai lên tiếng cảnh báo. Biết bao người cũng đã biết nhắc đi nhắc lại “chớ có tin cho dù đó là kinh điển hay truyền thống”, thế nhưng tà kinh vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Lỗi này thuộc về các Phật tử.
***
Chánh kinh Pāli: “Ví như, này Udayi,  con chim cáy mái nhỏ bị tấm lưới bằng dây leo trói chặt, ở đây con chim có thể bị hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết.
Này Udayi, nếu có ai nói như sau: "Con chim cáy mái nhỏ ấy bị tấm lưới làm bằng dây leo trói chặt, ở đây, con chim có thể bị sát hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết. Tuy vậy đối với con chim kia, lưới ấy không có chắc mạnh, lưới ấy yếu ớt, lưới ấy bị mục nát, lưới ấy không có cứng chắc". Này Udayi, ai nói như vậy có phải nói một cách chơn chánh không?”   
Tà kinh A Hàm: “Này Ô-đà-di, ví như  một con ruồi bị dính dưới bãi nước mũi. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc chết. Này Ô-đà-di, hoặc có người nói rằng: “Con ruồi kia tuy bị dính mà không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao nên có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát, nói như vậy có đúng không?””
Phân tích: Một trong những cách phân định chánh kinh và tà kinh là quán xét các ví dụ của chúng. Trong khi hầu hết những ví dụ được nêu ra trong chánh kinh là hợp lý, chính đáng, không thể phủ bác; thì ngược lại phần lớn các ví dụ trong tà kinh là vô lý và phi thực tế. Hai ví dụ tương ưng trong hai đoạn kinh nêu trên là một điển hình. 
Không chỉ có A Hàm mà rất nhiều những ví dụ trong các tà kinh sau này cũng bị “dính bãi nước mũi” như vậy! Phải có trí tuệ của loài người chứ không phải của loài ruồi mới không bị dính nhớp.
Trích PHẬT HỌC KHẢO LUẬN
------------------------ 
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét