Ma tâm

Ma tâm

10/07/2017

TÀ TINH TẤN, CHÁNH TINH CẦN


Hai ông cháu ngồi nói chuyện với nhau trước mái hiên chùa. Cháu hỏi ông:
_ Ông ơi! Tại sao trong kinh Hoa Nghiêm của đại thừa do tổ sư gốc Bà-la-môn Long Thọ kết tập, Bồ-tát Phổ Hiền lại dạy như thế này “thường học theo Phật là như đức Tỳ lô giá na như lai của thế giới Sa bà này… lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng núi Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc…”?[1]  Bồ-tát nêu gương tự làm hại mình cho người khác bắt chước khiến gây hại cho người khác, như vậy là “Phổ Hiền” hay “phổ ác” hả ông?
_ À, vì các ông Tỳ-lô-giá-na như lai, Bồ-tát Phổ Hiền và luận sư Bà-la-môn Long Thọ đều xuất hiện sau khi Phật Thích Ca đã nhập Niết-bàn hàng trăm năm nên tất cả đã “quên” lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni. Cả ba không muốn là những người chân chánh, mà muốn trở thành những người bất chánh. Họ không biết chính Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh suy tư như người bất chánh” [2]
_ Ông ơi! Vì sao trong kinh Hiền Ngu của đại thừa có ông Phạm Thiên bảo rằng tiền kiếp Đức Phật vốn là vua Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề đem bố thí cả vợ con cho kẻ khác ăn thịt để được nghe pháp. Còn khi Phật làm vua Kiền Sá Ni Yết Lê lại “khoét trên mình ra một ngàn lỗ, đổ dầu cho bấc, đốt lửa cúng dàng”người nói pháp?
_ À, vì “kinh” Hiền Ngu và ông Phạm Thiên này cũng ra đời sau Phật hàng trăm năm. Thực ra, ông Phạm Thiên ấy có “hiền” không thì không biết, nhưng rõ ràng là hơi bị... ngu. Vì ông ấy đã tư lường như người bất chánh, lại còn suy bụng mình ngu ra tuệ người trí. Ông ta không biết phân biệt người nói chánh pháp và kẻ nói tà pháp, cứ kiểu này tin lầm kẻ nói tà pháp có ngày chết không kịp ngáp. Ông ta cũngkhông biết trong chánh kinh chính Phật Thích Ca đã khuyên dạy: “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh tư lường như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh tư lường tự làm hại mình, tư lường làm hại người, tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh tư lường như người bất chánh” [Sđd]
_ Ông ơi! Vì sao tổ Bồ Đề Đạt Ma lại để cho tổ Huệ Khả phải đứng dầm mình trong tuyết giá ngập gối, còn Huệ Khả lại chặt cả cánh tay mình dâng lên cầu đạo hả ông?
_ Vì đó là “giáo ngoại biệt truyền” chứ không phải giáo nội chánh đạo. Cả hai đã bị lạc vào tà tinh tấn, đã không biết suy tư như người chơn chánh, không vâng theo đúng lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni: “Và này, các Tỷ-kheo, như thế nào là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh không suy nghĩ tự làm hại mình, không suy nghĩ làm hại người khác, không suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh” [Sđd]
_ Ông ơi! Sao thiền sư Tu Diễn ở đời Minh “đêm nào Sư cũng cởi trần để bố thí cho muỗi” và có người đời sau còn tán thán, ca tụng là hạnh kỳ đặc để mọi người bắt chước hả ông? Chẳng lẽ con bò, con ngựa cũng biết “kỳ đặc” như vậy? [3]
_ À! Vì tất cả không theo lời Phật Thích Ca dạy, không biết tư lường như người chơn chánh: “Và này, các Tỷ-kheo, như thế nào là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh không tư lường tự làm hại mình, không tư lường làm hại người khác, không tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh?” [Sđd]
_ Ông ơi! Vì sao trong chú giải bài kệ đầu tiên của kinh Pháp Cú thuộc Tiểu thừa, ông luận sư cũng gốc Bà-la-môn là Phật Âm, sống sau Phật cả ngàn năm và vốn khét tiếng chống các phái ly giáo khỏi đạo Bà-la-môn, lại biết Đức Phật suy nghĩ thế này: “Trải qua bốn A tăng kỳ (Asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (mahakappa) của quả địa cầu, Ta đã từng cắt thủ cấp khôi ngô tuấn tú của chính mình, Ta đã từng móc mắt Ta, Ta đã từng rứt thịt nơi quả tim Ta, Ta đã từng đoạn ly vợ con yêu dấu nhất đời mà Ta quý trọng chẳng khác nào mạng sống của tự thân Ta, nhất nguyện để hoàn thành hạnh Parami (Ba La Mật) ngõ hầu để có thể tuyên dương chánh pháp, phổ độ quần sanh” [4] Vì sao hạnh “Ba La Mật” của mấy luận sư gốc Bà-la-môn lại tàn nhẫn như vậy?
_ Vì Phật Âm không thọ giáo bài kinh “Con Đường Sai Lạc” nên đã đi lạc sai đường: “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” [5]. Một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã dạy như thế thì làm gì suy nghĩ cuồng tín như Phật Âm tưởng tượng? Chắc chắn là ông ta cố tình nghĩ bậy rồi gắn vào miệng Phật những điều Ngài không bao giờ nói để xúi dại những kẻ ngu khờ, tiếp tục khéo léo chống phá những ai không thuộc Bà-la-môn giáo.
_ Ông ơi, có người nói rằng gặp được diệu pháp cao siêu dù có phải hy sinh cũng xứng đáng!
_ Những ông khổ hạnh Ni-kiền-tử hoặc những kẻ khủng bố cũng biết nói như thế, và cũng dám liều thân cho lý tưởng của mình. Một chánh pháp thực sự cao siêu là dùng hỷ và lạc để giải thoát, chứ không phải bằng khổ và ưu. Đời đã quá khổ rồi, gặp được “diệu pháp cao siêu” lại còn bị đọa đày thêm nữa, thì “pháp diệu siêu cao” cái nỗi gì?
_ Ông ơi! Tóm lại kinh giả, luật giả, luận thật của các tổ sư gốc Bà-la-môn là gì?
_ Là những pháp luật được vụng thuyết của các gián điệp ngoại đạo nằm vùng tung vào đạo Phật để xúi dại con Phật, nên người nào tin và hành trì theo đó càng tinh tấn, càng khổ cháu à. Chính Đức Thế Tôn đã dạy thế này: “Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết... Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết”? [6]                
_ Ông ơi! Thế nào là ác, thế nào là thiện?
_ Ác là làm hại mình, hại người, hại cả hai. Thiện là không làm hại mình, không làm hại người, không hại cả hai; là làm lợi ích cho mình, lợi ích cho người, cho cả hai, cho toàn thế giới.
_ Ông ơi! Thế nào là chánh tinh tấn?
_ Là nỗ lực ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. Càng chánh tinh tấn, càng hỷ lạc. Chánh tinh tấn sẽ dẫn đến Chánh niệm, Chánh định. Chánh niệm, Chánh định sẽ dẫn đến Chánh trí tuệ, Chánh giải thoát.
_ Ông ơi! Thế nào là tà tinh tấn?
_ Là tích cực ngăn thiện, diệt thiện, sanh ác, tăng trưởng ác, cho nên càng tà tinh tấn, càng khổ. Tà tinh tấn sẽ dẫn đến tà niệm, tà định. Tà niệm, tà định sẽ dẫn đến tà tuệ, tà giải thoát. Biết như vậy, cháu muốn theo chánh tinh tấn hay tà tinh tấn?
_ Dạ, đương nhiên là phải chánh tinh tấn ạ.
_ Giỏi! Thêm điều này nữa, trong kinh Nguyên thủy Nikaya, Đức Phật dạy có bốn hạng người: hạng thứ nhất chuyên tâm hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ người (đó là hạng người tự mình hành khổ mình còn bắt người khác làm theo); hạng thứ hai không hành khổ mình, nhưng chuyên tâm hành khổ người (như mấy ông tà luận sư xúi dại); hạng thứ ba chuyên hành khổ mình, không hành khổ người (như mấy ông tu sĩ tà tinh tấn) và hạng thứ tư là không chuyên tâm hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ người, lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới. Theo cháu, trong bốn hạng người này, hạng người nào là hiền trí nhất, khôn ngoan nhất và từ bi nhất?
_ Thưa, hẳn nhiên loại người thứ tư là có trí tuệ nhất, khôn ngoan nhất và từ bi nhất. Như vậy người biết chánh tinh tấn cũng là người không hành khổ mình, không hành khổ người phải không ông?
_ Đúng vậy! Thế, giữa lời dạy của Phật trong kinh gốc và những tà hạnh trong kinh giả, pháp dỏm của các luận sư gián điệp ngụy trá, cháu đã phân biệt được chưa?
_ Thưa, rõ như ban ngày rồi ông ạ!
_ Vậy trong vai trò của cháu, thế nào là tinh tấn ngăn ác?
_ Dạ, là tích cực không đọc, không nghe, không phổ biến kinh giả, luận dỏm trái ngược với tinh thần chánh pháp, chánh đạo.
_ Giỏi! Thế nào là tinh tấn diệt ác?
_ Thưa, là đốt bỏ, tiêu hủy các kinh - luật - luận tà vạy ngụy tạo, xúi dại con Phật, phá hoại Tam Bảo.
_ Lành thay! Thế nào là tinh tấn sanh thiện?
_ Là tích cực tìm hiểu, thọ trì đúng chánh Phật pháp, thực hành đúng theo lời dạy đích thực của chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình.
_ Đúng vậy! Thế nào là tinh tấn tăng trưởng thiện?
_ Là tích cực giới thiệu, phổ biến đúng chánh Phật Pháp, nỗ lực giúp người khác khỏi tà kiến, địa ngục.
_ Thiện lai! Cháu của ông giỏi lắm!
_ Còn ông đã “ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện” như thế nào?
_ Ông đang tích cực dạy cho cháu biết thế nào là thiện ác, đúng sai, phải trái, chân ngụy, chánh tà là ông cũng đang chánh tinh tấn chứ còn gì nữa?
_ Ông ơi! Như vậy ông cháu mình mới có phước báu là đệ tử đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phải không ông?
Cả hai ông cháu nhìn nhau mỉm cười hoan hỷ. Ông xoa đầu cháu và dắt tay cháu bước vào chánh điện lễ Phật, rồi cùng qua giảng đường nghe Pháp.
THÍCH CHÁNH TẤN
_______________________
Chú thích:
[1] Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ-tát, bản dịch của HT Thích Trí Quang
[2] Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, số 110, Trung Bộ 3.
[3] Xem “Nhặt Lá Bồ Đề” tập 1, Phần 5, Trích Giảng Thiền Sử, HT Thích Thanh Từ.
[4] Chú giải kinh Pháp cú tập 1, Dịch giả Pháp Minh, Thành hội Phật Giáo TPHCM - 1997, trang 10.
[5] Kinh Tăng Chi II, trang 159.[6] Kinh Tăng Chi I, trang 73.     

PHÁP TRÍCH LỤC
Trích kinh “Một Trăm Cây Thương” (Sattisata) (S.v,440)
"... 2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: "Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ Bốn Thánh Đế trước kia chưa được giác ngộ". Này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao?
3) Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà Bốn Thánh Đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà Bốn Thánh Đế được chứng ngộ.
Thế nào là bốn?
4) Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ Tập, Thánh đế về Khổ Diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt…"
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Đời đã khổ vì sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não; khổ vì tham - sân - si, khổ vì vô minh, tà kiến… nhưng khốn thay lại gặp phải tà pháp giả danh nên mới khổ thêm vì tà tinh tấn chặt tay, đốt liều, lao nhọc; hoặc chạy theo tà dục, buông xả theo bản năng dục đói thì ăn, mệt ngủ khì.

Tránh hai cực đoan này là con đường Trung Đạo - tức Đạo Đế, tức Tám Chánh Đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tám Thánh Đạo này là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Trong đó Chánh Tinh Tấn là Bốn Chánh Cần, Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, Chánh Định là Bốn Thiền - Bốn Thánh Định. Những ai đang nghĩ mình là con Phật Thích Ca hãy tự hỏi mình đã hiểu và thực hành tới đâu các Chánh Đạo này.

Càng nỗ lực thực hiện đúng Chánh Pháp càng an lạc hoan hỷ để đi tới giải thoát. Đây mới chính là Diệu Pháp thật sự!

***
] Trích kinh Thanh Tịnh, số 29, DN 2:

“Này Cunda, ở đây, vị đạo sư không là vị Chánh Ðẳng Giác (hoặc chỉ là Chánh Đẳng Giác giả danh. - Ghi chú thêm của Chánh Tấn), và pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, và vị đệ tử trong pháp này, sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp.
Người này nên được nói như sau: "Này Hiền giả, thật không lợi ích cho Ngươi, thật không khéo chứng đắc cho Ngươi. Vị đạo sư của Ngươi không là vị Chánh Ðẳng Giác và pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, những người trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp".

Này Cunda, ở đây vị đạo sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở trách, ở đây vị đệ tử cũng đáng quở trách. Này Cunda, với vị đệ tử như vậy, có ai, nên nói như sau: "Thật vậy, Ðại Đức thành tựu theo chánh hạnh, tinh tấn trong chánh hạnh, người khen, người được khen, người được khen như vậy lại càng tinh tấn hơn nữa, tất cả đều không được phước đức."

Vì sao vậy? Này Cunda, vì pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết… 

Này Cunda, nếu phạm hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, và có vị đạo sư là vị Thượng tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, nhưng không có các vị Thượng tọa Tỷ kheo… trung lạp Tỳ-kheo… hạ lạp Tỳ-kheo, những vị đệ tử là những vị sáng suốt, tự điều phục, vô úy, đa văn, đã đạt đến sự an ổn, có thể thuyết Diệu pháp, với giáo lý ngoại đạo được khởi lên có thể khéo nhiếp phục với giáo pháp của mình, có thể thuyết Diệu pháp bất tư nghì; như vậy phạm hạnh này không thể viên mãn bởi chi tiết này.”

{ Thừa tự Pháp trích lục:

Này con cháu Bà-la-môn phát triển, dù các người có nỗ lực tinh tấn đến đâu nhưng theo ngụy pháp giả danh thì tất cả không được phước đức gì cả, trái lại còn bị dẫn xuống đọa xứ, cõi thấp. Ví như kẻ sai đường, càng nỗ lực càng dễ sa hố tử thần.
Một khi quý vị đã lạc sai đường làm sao có khả năng nhiếp phục giáo lý ngoại đạo giả danh, làm sao đào tạo những đệ tử sáng suốt cho được. Và như vậy “phạm hạnh” của quý vị dù có cố gắng giữ gìn cũng không thể viên mãn trọn vẹn. Tất cả chỉ là chuyện dã tràng xe cát mà thôi!
----------------------------
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét