Tỳ-kheo Thích Chánh Tạng hỏi Tỳ-kheo Thích Đúng Pháp:
_ Thưa Hiền huynh, có phải chính Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã dạy mấy câu đầu tiên trong pháp môn Định Niệm Hơi Thở nguyên văn thế này: “Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn".
_ Đúng vậy. Trong bài Kinh “Niệm Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra”, số 118, Trung Bộ 3 còn ghi rõ như vậy. Bên cạnh đó còn có các bài kinh khác như Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La, số 62, Trung Bộ 2. Ngoài ra trong Nikaya còn có nhiều bài kinh khác về Định niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Trong Tương Ưng Bộ còn có cả một Chương thứ mười “Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra” với những lời dạy rất quan trọng. Trong đó chúng ta phải đặc biệt lưu ý phương pháp “khéo tác ý”.
Tỳ-kheo Thích Đúng Pháp hít một hơi thật mạnh:
_ Lành thay, Hiền huynh đã ghi nhớ như vậy. Thưa Huynh, hít vô dài thì phải thở ra dài; hít vô ngắn thì thở ra ngắn; đây là “khéo tác ý” để hơi thở được bình thường, được điều hòa tự nhiên, có đúng không ạ?
Tỳ-kheo Thích Chánh Tạng thở nhẹ nhàng:
_ Đương nhiên rồi! Hơi thở điều hòa sẽ giúp các hành khác của cơ thể điều hòa, an ổn theo. Giữ cho cơ thể điều hòa, cân bằng, khinh an chính là một trong những yếu tố quan trọng trong tu tập theo Chánh Đạo. Ngược lại, hơi thở rối loạn sẽ khiến nhịp điệu sinh học của cơ thể sẽ rối loạn theo. Từ đây dễ sanh ra các chứng bệnh do rối loạn cơ thể.
_ Quan trọng như thế, nhưng vì sao trong một tạng Luật, có dịch giả lại y theo chú giải trái khoáy của Phật Âm, dịch thế này: “Theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa: “Assāsoti bahi nikkhamanavāto. Passāsoti anto pavisanavāto” (Hơi thở ra là gió đi ra bên ngoài. Hơi thở vào là gió đi vào bên trong). Như thế “assasati” là thở ra, “passasati” là thở vào, và phương pháp “Niệm hơi thở ra hơi thở vào” được trình bày hơi thở ra trước rồi mới đến hơi thở vào.” (*)
Tỳ-kheo Thích Chánh Tạng nhăn mặt nín thở:
_ Trời đất, tại sao nhiều người cứ nhắm mắt tin càn mọi thứ từ Phật Âm Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm thế? Hơi thở dĩ nhiên là “gió” chứ chẳng lẽ là “đất”? Đã thế trước hết không có hơi thở hít vô, lấy đâu có hơi thở thở ra! Người hấp hối chỉ thở hắt vài hơi không hít vô là đứt mạng. Chú thích đâm hơi như rứa mà cũng gọi là lý giải ư? Lại còn ngược ngạo nữa chứ, vậy mà cũng tin, cũng tập.
_ Ngược ngạo thật, thưa Huynh, theo đây có vị còn “chỉ dạy rõ hơn” rằng Định niệm hơi thở của Phật phải tập như thế này mới đúng:
“1.Thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài".
2. Hay thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài".
3. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn".
4. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn
5. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập."
6. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập…” (sic)
_ Vị dạy điên khùng ấy có bị khùng điên không?
Tỳ-kheo Thích Đúng Pháp thở dài:
_ Thưa, sau này vị ấy có hơi bị bất thường một chút. Vị ấy có hỏi ông thày của mình rằng tại sao cứ ngồi tu hơi thở là bị tức ngực, khó thở, nhức đầu. Ông thày cũng không biết lý do, chỉ nói thôi ngừng tập.
_ Không ngưng, cứ ráng tập tầm bậy còn chết nữa! Người bị mệt, hoặc yếu tim, hoặc đang thở gấp cứ nhào vô tu thiền quái dị kiểu này, dễ đi gặp Phật Âm sớm.
_ Thưa, có vài vị cũng tập theo lời chú giải của ngài Buddhaghosa và lời dạy của vị “tức ngực, khó thở, nhức đầu” kia. Tất cả cũng đều bị “ngực tức, thở khó, đầu nhức”.
Tỳ-kheo Thích Chánh Tạng thở khò khè:
_ Chứ gì nữa! Ông luận sư gốc Bà-la-môn Phật Âm chỉ cần hoán đổi “vô thành ra, ra thành vô” là đã có thể giết những kẻ tin theo được rồi.
_ Xin huynh nói rõ hơn.
_ Huynh nên suy xét kỹ, trước hết lời chú giải “thở ra trước, thở vô sau” có lợi ích gì, hợp lý như thế nào mà tin theo?
Tỳ-kheo Thích Đúng Pháp thở dồn:
_ Đệ đã suy xét kỹ, lợi ích đâu chưa thấy, chỉ toàn thấy có hại vì không có cơ sở hợp lý, lại còn phản khoa học, sinh học, y học nữa.
_ Thứ hai, nếu thở ra trước rồi mới hít vô, như vậy nhịp thở 2 và 3 sẽ bất bình thường và rối loạn ngay tức khắc. Lúc này hơi thở hít vô dài, còn nhịp thở ra ngắn; hoặc ngược lại nhịp 4 và 5 kế tiếp: hít vô ngắn, nhưng lại thở ra dài.
_ Hoặc nhịp thở ra thở vô kết hợp với các câu tác ý trong các nhịp 5 - 6 và các câu còn lại trong Định niệm hơi thở rất trái khoáy.
_ Đúng vậy. Huynh cứ tập thử vài hơi đúng như “ngài Buddhaghosa” chú giải và ông “tức ngực” chỉ dại xem có khó thở, mệt nhọc ngay không?
Tỳ-kheo Thích Đúng Pháp nói như đứt hơi:
_ Đệ thử rồi, thấy hậu quả ngay tức thời, không dại dột tập thở “ra - vô” tiếp. Thiền Hơi Thở của Đức Phật đã bị ông luận sư Bà-la-môn Phật Âm biến thành “thiền tắc thở”! Đúng là gián điệp giết người không gươm giáo!
_ Mọi người cứ tín bừa tu ẩu mới bị chết không cần gươm giáo.
_ Chết như thế còn may. Tin theo những tà kiến còn bị chết đọa địa ngục nữa kia! Chỉ một chú giải nhỏ của Phật Âm đã nguy hiểm như vậy rồi, huống hồ còn biết bao các chú giải khác, các luận thuyết khác còn tàn hại những ai tin theo đến đâu.
Tỳ-kheo Thích Chánh Tạng hít thở sâu:
_ Nguy hiểm thật! Cho nên Đức Thế Tôn dạy chớ có tin cho dù đó là thày của mình. Tất nhiên những thầy tổ gián điệp như Phật Âm.
_ Kể cả các tổ sư gốc Bà-la-môn khác nhảy ngang vào Đạo Phật, sau khi Đức Thích Ca đã nhập Niết Bàn.
_ Không sai! Chúng ta cần phải nói rõ cho mọi người cùng biết để cảnh giác.
Cả hai vị Tỳ-kheo cùng nhất trí, chắp tay vái chào nhau rồi mỗi người một hướng đi cảnh báo cho mọi người về thứ quái “thiền tắc thở”.
Thích Chánh Tạng
___________________________
(*) Xem chú thích số 2, Chương Pārājika thứ ba, Phân Tích Giới Tỳ-Khưu - I (Bhikkhuvibhanga I), Tạng Luật, Tỳ-Khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét