Ma tâm

Ma tâm

4/20/2016

Phản bác giới "bán rượu" của Bồ-tát giới


* Nguyên văn giới trọng thứ 5 của Bồ-tát giới: “5.- GIƠI BÁN RƯỢU 36
Nếu Phật tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu: nhân bán rượu, duyên bán rượu, cách thức bán rượu, nghiệp bán rượu, tất cả rượu không được bán - RƯỢU LÀ NHÂN DUYÊN SINH TỘI LỖI. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sinh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho tất cả chúng sinh. Phật tử nầy phạm «Bồ Tát Ba La Di tội».” (Theo bản dịch của HT Thích Trí Tịnh)
Chú thích 36 cho giới trên: “Về Bồ tát giới lấy tích cực lợi tha làm chủ, nênbán rượu phạm tội trọng, còn tự uống rượu phạm tội khinh.” (Sđd, tr.33)
* Phản bác
Đem giới bán rượu lên làm giới trọng rồi đẩy tội uống rượu xuống thành tội nhẹ (giới khinh thứ hai) là một thâm ý nham hiểm của các tổ sư gián điệp vẽ ra Bồ-tát giới. Trong khi năm giới căn bản của người cư sĩ có giới thứ năm cấm uống rượu thì Bồ-tát giới lại cho là tội khinh. Đã vậy, ‘Rượu là nhân duyên sinh tội lỗi’ mà uống rượu chỉ là khinh tội thì chỉ có con nít ba tuổi mới không thấy vô lý.
Ai tin ‘uống rượu tội nhẹ’ rồi cũng giống như kẻ mục đồng ngây thơ trong câu chuyện cổ dân gian bị Quỷ vương đánh lừa khiến phạm thêm các tội ác giết cha, đánh mẹ, đốt nhà; cuối cùng phải mạng vong.
Chuyện kể rằng có một mục đồng đi lạc vào lãnh địa của loài Quỷ. Quỷ vương nói sẽ tha mạng không ăn thịt, nếu mục đồng chịu thực hiện một trong ba việc sau đây.
Việc thứ nhất: Mục đồng khi trở về nhà phải giết ngay người cha. Mục đồng từ chối, vì cha cả đời nuôi mình khôn lớn, công cha như núi Thái Sơn, không thể giết được.
Việc thứ hai: Mục đồng về nhà phải đánh đập chửi mắng tàn nhẫn người mẹ. Mục đồng cũng lắc đầu, bởi không thể bất hiếu với người mẹ đã mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục ra mình.
Việc thứ ba: chỉ cần uống hết chai rượu đầy. Mục đồng dù không quen uống rượu nhưng nghĩ uống rượu chỉ là tội khinh, nhẹ nhất trong ba tội, nên chấp nhận.
Quỷ đưa mục đồng trở lại nhà. Ông bố vừa thấy con trai say tuý luý liền la toáng lên trách con hư đốn. Mục đồng đang cơn say xỉn, nổi giận bừng bừng, chộp lấy cây gậy nện vào đầu cha chết tốt. Bà mẹ vừa về tới nhà, thấy con trai giết cha, kêu la inh ỏi. Mục đồng trong cơn say cuồng túm tóc mẹ, vừa chửi vừa đánh tơi bời. Mục đồng vẫn chưa nguôi nóng giận còn nổi lửa đốt nhà.
Dân làng chạy đến thấy cảnh kinh hoàng liền hè nhau bắt mục đồng lên quan. Mục đồng tỉnh ra mới biết chuyện tày trời, hối hận không kịp, bèn tự vẫn trong tù. Quỷ vương hiện ra dẫn hồn mục đồng về đọa xứ.
Câu chuyện chỉ trong văn chương, nhưng khắc họa một thực tế khá phổ biến. Từ xưa tới nay đã có biết bao những tội ác lớn nhỏ xảy ra cũng chỉ vì uống rượu. Rượu vào lời ra, rượu vào thành ma. Vì say rượu dễ dẫn đến giết người, cướp của, hiếp dâm, dối trá, sa đọa... cho nên dân gian gọi rượu là MA MEN là vì vậy.
Kẻ nào cho rằng uống rượu là tội nhẹ chẳng khác nào Quỷ vương đang dụ dỗ mục đồng. Kẻ nào tin uống rượu là khinh tội từ đó xem thường giới cấm uống rượu nên dễ dàng vi phạm giới này, từ đây cũng sẽ dễ dàng vi phạm các giới khác, trước sau gì kẻ này cũng làm bạn với ác ma.
Đó là lý do vì sao kẻ vẽ ra Bồ-tát giới nêu bán rượu là tội trọng, còn uống rượu là tội khinh.
Còn chú thích 36 của kẻ đời sau luận bán rượu tội trọng vì ‘lấy tích cực lợi tha làm chủ’ là nguỵ lý. Bởi lẽ, một người cha đức hạnh không uống rượu là ông đang làm gương cho con cháu. Một người thầy nghiêm túc không uống rượu là ông đang nêu gương tốt cho học trò. Một ông vua hiền trí không uống rượu là đang nêu gương tốt cho quan dân trăm họ. Như vậy là họ đang tích cực tự lợi và lợi tha.
Ngược lại một ông vua say xỉn tối ngày và khuyến khích mọi người uống rượu vì xem uống rượu chỉ là tội nhẹ. Ông vua này tuy không bán rượu nhưng gây tác hại cho người khác gấp ngàn vạn lần kẻ thường dân bán rượu.
Chính vì xem bán rượu tội nặng, tự uống rượu tội nhẹ cho nên trong Đại Thừa giáo mới có một ông Tế Điên Hoà Thượng, uống rượu, ăn thịt chó, nhào lộn khoe của quý nhưng vẫn được tôn vinh là ‘Thánh tăng’. Qua hàng ngàn năm hình ảnh Tế Điên Công cùng với nậm rượu vẫn luôn được truyền thừa ca ngợi.
Tế Điên Tăng can đảm hơn cả mấy ông A La Hán Tiểu Thừa cả đời không dám đụng đến một giọt rượu. Ngài cao siêu hơn cả đám Thanh Văn hèn nhát, cứ gặp nhau là làm lễ quy y, là xin giữ tròn năm giới. Tế Điên Hoà Thượng đã nêu một tấm gương tích cực phá chấp uống rượu cho biết bao Bồ-tát Đại Thừa khác. Rõ ràng ngài đã làm ‘lợi tha’ hơn ngàn kẻ bán rượu, lợi tha cho cả ma men, cho Quỷ vương, cho Bồ-tát giới.
Có thể nói, Bồ-tát giới và tam tạng đời mới với các tà pháp và tà luật của mình đã có công tạo ra những quái nhân cho Phật giáo Đại Thừa. Đã đến lúc những gì của gián điệp phải trả về cho gián điệp, những gì của Đạo Phật phải trả về cho Đạo Phật.
TẬP SAN LUẬT HỌC
------------------

Xem thêm

http://phatgiaodoinay.blogspot.com/2016/03/bo-tat-gioi-pha-hoai-ao-phat.html

http://phatgiaodoinay.blogspot.com/2016/04/bac-gioi-cam-rao-loi-cua-bo-tat-gioi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét