Ma tâm

Ma tâm

4/28/2016

Nam Bắc phân tranh

Sư ph Tr trì đi vắng mới không bao lâu mà chùa đã có chuyện. Hai chú sadi Nam và Bắc rơi ngay vào một cuộc tranh cãi quyết liệt không thôi, chẳng ai chịu nhường ai.
Trước nay huynh đệ yêu thương nhau như cây liền cội, như lá liền cành, vậy mà giờ đây đến nhìn mặt nhau họ cũng chẳng thèm. Cứ anh sân trước, em sân sau; người dưới thềm, kẻ trên nóc nhà. Đã thế, mỗi lần hai bên chạm mặt nhau là y kỳ những cuộc khẩu chiến lại nổ ra ác liệt khôn cùng. Lần nào cũng vậy, sadi Bắc nắm chặt bàn tay như đầu búa, dộng liên tục vào không khí, nói chắc như “đinh đóng cột”:
_ A-la-hán vẫn còn xuất tinh, còn chảy bất tịnh!
Sadi Nam cũng không vừa, vung bàn tay chém xoạt vào hư không như thể quyết tâm chém sắt như chém bùn, sẵn sàng quyết tử cho chân lý quyết sinh:
_ Thánh nhân không còn xuất tinh, không còn bất tịnh!
“Còn bất tịnh” ... “không còn”... “còn chảy”... “không chảy”... Cứ thế những cuộc đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi nối tiếp nhau tưởng chừng như thiên thu bất tận. Nhiều người đến chùa thấy cảnh huynh đệ tương tàn cũng đâm ra chán nản bỏ về. Số khác lại theo Bắc khinh Nam, số còn lại thì bênh Nam chê Bắc. Cả hội chúng giờ đây cũng chia lìa ly tán, cơ hồ còn loạn hơn cả nạn tám mươi bốn ngàn xứ quân.
May mắn thay, nhờ ơn Phật, nhờ ơn chánh pháp Ngài ban, nên không có bên nào tuốt gươm nói chuyện với nhau. Nếu không, máu cũng đã chảy thành sông, thây cũng đã chất thành núi chứ chẳng hơn gì ai.
Phần Sư phụ Trụ trì, vừa lo xong công việc ngài liền quày quả trở lại chùa ngay. Chỉ cần nghe qua vài nơi đáng tin cậy, ngài đã hiểu mọi cớ sự. Thắp nén nhang trên bàn thờ Phật xong, chưa kịp nghỉ ngơi, Sư phụ Trụ trì liền truyền cho cả hai “tướng quân” vào trong chánh điện.
Trước bàn thờ Phật và vị đạo sư khả kính, cả hai “đấu sĩ” không còn dám hung hăng như trước. Họ chỉ lóng ngóng líu ríu như những kẻ tội phạm chiến tranh trước tòa án quân sự. Cả hai sadi cùng đảnh lễ Phật và sư phụ rồi lui xuống một bên chắp tay nghe dạy. Sư phụ Trụ trì nghiêm giọng khai án:
_ Này, Nam và Bắc, hai con hãy mạnh dạn nói cho thầy biết: ai là người đầu tiên đã gây ra tranh chấp?
Nam chỉ Bắc:
_ Thưa sư phụ, chính là Bắc!
Bắc chỉ Nam:
_ Bạch thầy, chính là Nam!
Sư phụ lắc đầu:
_ Không phải. Hai con vẫn chưa hiểu ra. Ý thày muốn hỏi: hai con có biết ai là người đầu tiên đã nêu vấn đề “A-la-hán còn chảy bất tịnh, còn xuất tinh” trong Phật giáo để rồi từ đây Đạo Phật bị phân hóa thành Đại Thừa - Tiểu Thừa?
Cả hai ngập ngừng rồi cùng đáp:
_ Thưa… ngài Đại Thiên - Mahadeva.
_ Ông ta xuất thân từ đâu?
_ Dạ, như nhiều tổ sư khác, cũng là một Bà-la-môn.
_ Thế đấy! Hai con có biết Đại Thiên có đắc quả Thánh hay không?
_ Bạch sư phụ, không biết.
Sư phụ lại lắc đầu, giọng cả quyết:
_ Chắc chắn ông ta không phải là một Thánh nhân!
_ Thưa, vì sao sư phụ biết? - Cả hai “tướng quân” tròn mắt.
_ Vì nếu là Thánh nhân, ông ta đã không nêu một vấn đề gây tranh chấp một cách gian manh như vậy. Đặt trường hợp ông ta tự xưng A La Hán, như vậy ông ta đã phạm tội Ba-la-di thứ tư, tự làm rơi đầu. Còn nếu do thầy ông ta ấn chứng, thì thầy ông ta là ai lại dám phong thánh bừa bãi cho một kẻ ngủ mơ còn nghĩ bậy nên vẫn còn bị mộng tinh? Chỉ cần bấy nhiêu cũng đủ kết luận dứt khoát Đại Thiên không phải là Thánh nhân mà chỉ là một “mánh nhân”!
_ Mánh nhân là sao, thưa sư phụ?
_ Là một kẻ mánh lới, mánh mung, mánh khóe. Vì mánh lới, mánh mung, mánh khóe nên ông ta đã ma mãnh đưa ra một vấn đề không có cơ sở phân định. Chẳng lẽ hai con lại đòi một vị A-la-hán phải theo đó chứng minh đúng sai, thực giả? Chẳng lẽ một vị A-la-hán lại phải phô bày thị hiện một điều vô duyên như vậy để nêu rõ phải trái, trắng đen? Còn Thánh Giới Uẩn, Thánh Định Uẩn, Thánh Tuệ Uẩn của Đức Phật bỏ đi đâu?
Nhấp một ngụm trà, Sư phụ Trụ trì trầm ngâm nói tiếp:
_ Nhưng chính vì không có cơ sở phân định như vậy, nên những kẻ ngây thơ và mất tỉnh giác như hai con mới dễ dàng rơi vào cái bẫy của người khác để rồi gây khẩu chiến, phân tranh, chia lìa gia đạo. Thử hỏi, một người từ bên ngoài nhảy vào gia đình các con đã không kêu gọi đoàn kết anh em thì chớ, lại còn vẽ chuyện vớ vẩn khiến ly tán đệ huynh, chia lìa gia đạo; như vậy họ là một kẻ đáng tin hay phải cảnh giác?
_ Thưa, cần phải cảnh giác.
_ Là một người có thiện chí muốn tạo sức mạnh đoàn kết hay có ác tâm muốn gây phân hóa suy tàn?
_ Thưa, có ác tâm muốn làm phân hóa, suy tàn.
_ Trong thời Phật, có chuyện phân hóa Đại Thừa, Tiểu Thừa không?
_ Dạ, không!
_ Giả sử Đại Thiên và các luận sư Bà-la-môn khác cứ đứng ngoài Đạo Phật kêu gào chia rẽ Phật giáo thành tám mươi bốn ngàn tông phái suốt cả một trăm năm, thử hỏi có Phật tử nào nghe theo họ không?
_ Thưa, chẳng ai thèm tin!
_ Một kẻ thù ghét Đạo Phật có dám cạo đầu, đắp y không?
_ Dạ, họ thừa sức.
_ Cứ ngồi ăn rồi viết thật nhiều kinh-luật-luận ngụy tạo, trái với kinh - luật gốc để chống phá Đạo Phật ngay từ bên trong, những luận sư gián điệp có làm nổi chuyện ấy không?
_ Thưa, họ thừa khả năng.
_ Vậy, tại sao các con cứ tin bừa, tín bậy để rồi quay sang cấu xé lẫn nhau?
Mồ hôi trên trán của hai chú sadi Nam, Bắc toát ra như tắm. Cả hai lặng người như vừa thoát khỏi cảnh địa ngục vô gián kinh hoàng của những kẻ phá hòa hợp Tăng. Chờ cho hai đệ tử tỉnh hồn trở lại, Sư phụ Trụ trì ôn tồn nhắc nhở:
_ Thầy đã từng nhắc các con không nên đa nghi, nhưng cũng không được mất cảnh giác. Trong thời Phật, các ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca Diếp cũng đều từ gốc ngoại học mà thành đệ tử Phật. Thế nhưng bên cạnh họ cũng có rất nhiều các ngoại đạo khác vẫn cố chấp hận thù và luôn tìm mọi cách chống phá Đức Phật và Đạo Phật. Hai con đã nghe cái tên “Vassakāra” bao giờ chưa?
_ Dạ, cúi xin thầy chỉ dạy.
_ Ông ta cũng là một Bà-la-môn, quan đại thần của vua A Xà Thế. Nhiều bài kinh cho thấy Vassakāra cùng với các Bà-la-môn khác không ưa gì Đạo Phật, nhưng Vassakāra có những cách chống phá ngấm ngầm thâm hiểm riêng của mình. Có lần vua A Xà Thế sai ông ta đến hỏi ý kiến Đức Phật về việc tấn công dân thành Vajji hùng mạnh. Đức Thế Tôn không muốn có một cuộc chiến tranh xảy ra cho hai đất nước, và mặc dù Ngài đã tế nhị khuyên ngăn; thế nhưng Bà-la-môn Vassakāra vẫn bộc lộ âm mưu thâm độc của mình để phá hoại kẻ khác. Hai con có biết đó là mưu kế gì không?
Sadi Nam chắp tay:
_ Thưa, hình như, Vassakāra nói kế NGOẠI GIAO VÀ LY GIÁN?
_ Con nhớ không sai! Theo ông Bà-la-môn này thì chỉ có mưu kế giả kết thân rồi từ đó tìm cách phân hóa chia rẽ nội bộ mới làm suy yếu đối phương hùng mạnh, có vậy mới thanh toán họ được. Giờ đây chắc hai con đã hiểu vì sao sự kiện trên lại được nêu lên ngay phần đầu của bài kinh trọng yếu Đại Bát Niết Bàn - bài kinh quan trọng ghi lại những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn trước lúc nhập Niết Bàn. Hẳn, Đức Thế Tôn thừa biết Vassakāra và con cháu của ông ta sẽ làm gì với những kẻ dám đòi quyền bình đẳng với giai cấp Bà-la-môn tối thượng của họ.
Hai “đấu sĩ” bất chợt nhìn nhau ngỡ ngàng thảng thốt. Không hẹn mà nên cả hai cùng chắp tay, hướng mắt nhìn lên những tạng kinh Nikāya trên bàn thờ Phật. Biết cả hai đệ tử vừa “hoát nhiên tiểu ngộ”, Sư phụ Trụ trì tiếp giọng:
_ Hai con hãy tự hỏi mình xem: vì sao ngay sau khi Vassakāra vừa cáo lui, Đức Thế Tôn đã tức khắc cho triệu tập tất cả Tỳ-kheo để răn dạy các pháp đoàn kết chúng Tăng? Hãy cùng nhau giải nghi xem: có mối liên hệ gì không khi chính Vassakāra và Sunīdha là hai đại thần của A-xà-thế lo việc chống phá dân thành Vajji, và cũng chính các Tỳ-kheo tại Vajii chứ không phải ai khác là những người đầu tiên gây ra phá hòa hợp Tăng khi họ chế ra mười điều luật mới ngay sau khi Đức Phật vừa nhập diệt một trăm năm? Hai con hãy tự kiểm lại xem, có đáng hổ thẹn không khi cho đến tận bây giờ, những kẻ ngoại học ác tâm noi chí Đại Thiên vẫn có thể ngồi ngoài rung đùi, xoa bụng mỉm cười nhìn các con tiếp tục tranh đua cao thấp?
Cả hai người con đích tôn dòng họ Thích cúi đầu im lặng. Sadi Bắc như chợt nhớ ra điều gì, không dấu được cảm xúc liền buột miệng:
_ Thì ra kinh Đại Bát Niết Bàn nguyên thủy đã bị đổi tên thành kinhDu Hành trong Trường A-hàm để mọi người không quá chú tâm đến nó là vì vậy. Đã thế, nó còn bị thay bằng một bản kinh Đại Bát Niết Bàn khác với rất nhiều sai biệt.
Sadi Nam cũng tỉnh ngộ góp ý:
_ Và chính trong bài kinh “Du Hành” ấy, âm mưu thâm độc dùng kế ngoại giao - ly gián để tiêu diệt đối thủ hùng mạnh của ông Bà-la-môn Vassakāra cũng đã bị lược bỏ. Có vậy mọi người mới không nhận ra thủ đoạn phá hoại nguy hiểm của các tay gián điệp.
Sadi Bắc vẻ trầm tư tự bạch:
_ Vậy mà bấy lâu nay mình cứ tin vào các kinh giả, luật giả, luận dởm; quay lại coi thường phỉ báng Thánh thật, Pháp thật.
Sadi Nam cũng bâng khuâng tự nhủ:
_ Còn mình cũng vô tư tin vào tạng luận và chú giải của các luận sư Bà-la-môn đàng mình, cũng xem lời Phật dạy trong kinh gốc chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế. Không ngờ chính mình cũng bị các ông Bà-la-môn gián điệp dùng kế ngoại giao để xỏ mũi.
Sư phụ mỉm cười nhìn hai đệ tử, giọng thanh thản hơn:
_ Lành thay, giờ đây thầy đã phần nào an tâm vì hai con đã biết được điều đáng biết, thấy được điều đáng thấy. Ít nhất, hai con đã hiểu những kẻ phá hoại Phật giáo không quá ngây thơ và đơn giản như các con. Kinh Nikāya đã cảnh giác rất nhiều về điều này, nhưng vì giới hạnh chưa tinh nghiêm nên các con không thể hiểu nó đúng mức, thậm chí có kẻ còn coi thường nó nên phải gặp tai họa. Ngay tại Ấn Độ, Đạo Phật giờ đây chỉ còn là quá khứ, chưa đủ để các con mở mắt ra hay sao? Hãy nhớ, nếu các con chỉ có một đức tin đơn thuần mà không có giới hạnh và trí tuệ đi kèm, thì rồi các con vẫn dễ dàng bị sập hầm sa bẫy, chứ không hơn gì những kẻ si mê cuồng tín khác đâu. 
Nghỉ một hơi lấy sức, Sư phụ Trụ trì nhắc nhở:
_ Đạo Phật là đạo Từ Bi, người Phật tử tin vào quy luật nhân quả và quy luật vô thường, hiểu rằng mọi sự vật đều không có gì trường cửu, cho nên người Phật tử không muốn làm hại ai để tự làm hại mình. Thế nhưng không phải ai cũng có thiện chí với Đạo Phật. Thậm chí có kẻ còn rắp tâm muốn tiêu diệt Đạo Phật bằng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả sẵn sàng đóng vai gián điệp để phân hóa biến hoại nó ngay từ bên trong. Đây chính là lý do vì sao các luận sư Bà-la-môn sau này đã tích cực “quy y” theo Phật giáo, nỗ lực kết tập biết bao kinh giả, luật giả; viết thật nhiều luận rởm, sớ rởm; hết lòng xiển dương lắm tông nhiều phái trái với tinh thần gốc. Đã thế, kinh nào, phái nào cũng tối thượng tối tôn và ngấm ngầm chê bai các tông phái khác. Ngêu, sò có cắn nhau, ngư ông mới đắc lợi. Bài học lịch sử về vua An Dương Vương vì quá tin vào ông “con rể” gián điệp Trọng Thủy đến nỗi bị tráo nỏ thần thật bằng nỏ thần giả để rồi lâm vào cảnh mất nước nhà tan, không lẽ các con đã vội quên rồi sao? Cứ nhắm mắt nghe theo lời kẻ khác gây tranh chấp chia lìa anh em, tự làm suy yếu chính mình như vậy, liệu các con có còn thấy mình xứng đáng là đệ tử của một đạo trí tuệ hay không?
Hai chú Sadi Nam, Bắc như bừng cơn mê ngủ. Không ai nhắc ai, cả hai cùng dập đầu sám hối trước Đức Phật và sư phụ rồi quay sang lạy tạ lẫn nhau bỏ qua chuyện cũ.
Chẳng mấy chốc ngôi chùa Phật Gia lại trở về cảnh an vui một nhà như trước. Hội chúng lại đoàn kết thống nhất như xưa. Mọi người nắm tay nhau đồng thanh reo vang:
Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!  (PC 194)

Hoà Hiệp Đạo Sư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét