Ma tâm

Ma tâm

4/27/2016

Oan ba đời, lời ma đạo


Dưới ánh chiều tà, sau khi thiền tịnh độc cư xong, sư Nhỏ từ chỗ ngồi đứng dậy đến bên sư Lớn, chắp tay hỏi:
_ Thưa huynh, câu "Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” nghĩa là gì ạ?
Sư Lớn ngước mặt nhìn trời, cười khẩy:
_ Cứ bám theo kinh mà nói thì không đúng ý Phật. Rời kinh một chữ là ma đang thuyết pháp. Câu này có ý nói: chân lý ở giữa các dòng kinh.
Sư Nhỏ thở dài:
_ Tội nghiệp. Đại huynh đã bị “tẩu hỏa nhập ma”, trúng kế hỏa mù, nhập đường ma đạo mà vẫn không hay biết.
Sư Lớn đỏ mặt tía tai, dứ thẳng hạt chuỗi to bằng trái chanh trước mặt sư Tiểu:
_ Tiểu huynh ngã mạn vừa chứ, tu pháp thấp mà đòi chấp pháp cao, không biết lượng sức mình.
Sư Nhỏ vẫn từ tốn:
_ Đại huynh phải nhớ rõ: trái với chánh pháp là tà pháp, ngược với chánh đạo là tà đạo, và muốn phá chánh kinh thì phải có tà kinh. Chỉ có ma vương mới không muốn phân biệt trắng đen, thiện ác, kinh giả, kinh thật để kéo con Phật xa rời những lời dạy đích thực của Ngài. Chân lý không nằm giữa các câu kinh mà nằm trong Bốn Thánh Đế. Đương nhiên Bốn Chân lý của Bậc Thánh không thể nằm trong tà kinh mà chỉ có trong chánh kinh Nguyên Thủy. Vì vậy, nói cho đúng phải là “Y kinh gián điệp, oan ba đời Phật. Ly kinh Nikaya nửa chữ, tức cùng ma nói”.
Sư Lớn giật mình, hỏi dịu giọng:
_ Còn tạng Luận thì sao?
_ Y luận mà lìa Chánh kinh lại càng điên hơn nữa. Còn ai luận hay hơn Bậc Thiện Thệ Thế Gian Giải? Chẳng lẽ các luận sư theo chân Đấng Điều Ngự Trượng Phu lại giỏi hơn Vị Thầy Trời Người?
Đại sư huynh không nói năng gì, chỉ cúi mình cung tay vái chào vị Thanh Văn tiểu đệ. Từ đó trong chùa không còn tiếng hơn thua tranh cãi.
Sư Huynh
--------------------------
Lời Phật dạy:
“… Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Trưởng lão, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Trưởng lão, tự thân lãnh thọ;như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.
Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh vớiKinh, đem đối chiếu với Luật.
Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại Giáo Pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì” (Xem thêm các Đại Giáo Pháp thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 1, số 15, trang 618)
Ghi chú: Khi Đức Thế Tôn dạy điều trên, Đạo Phật chỉ có duy nhất tạng Luật Patimokkha và Chín Tạng Thánh Kinh bao gồm Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Thuyết, Phúng Tụng, Không Hỏi Tự Nói, Như Thị Thuyết, Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu Pháp, và Phương Quảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét