Ma tâm

Ma tâm

4/13/2016

Đạo Phật có kỳ thị nam nữ không?


Những ai còn nghi ngờ hãy đọc kỹ trích đoạn bài kinh “Người Con Gái” (S.i,86) sau đây sẽ rõ:
“Nhân duyên ở Sāvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: "Thưa Ðại Vương, hoàng hậu Mallikā đã sinh hạ được một người con gái".
Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Ðạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc
-- Chính vì vậy chỉ có Ác ma mới nghĩ rằng nữ nhân không thể chứng Thánh hạnh như nam nhân, bài kinh “Somā” đã nói lên điều này:
“Nhân duyên ở Sāvatthi. Rồi Tỷ-kheo-ni Somā vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sāvatthi để khất thực.
Khất thực ở Sāvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày. Sau khi đi sâu vào rừng, nàng ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.
Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Somā run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Somā; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Somā:
Ðịa vị khó chứng đạt,
Chỉ Thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt?
Tỷ-kheo-ni Somā suy nghĩ: "Ai đã nói bài kệ này? Người hay không phải người?"
Tỷ-kheo-ni Somā suy nghĩ: "Ðây là Ác ma muốn làm cho ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ đó".
Tỷ-kheo-ni Somā biết được : "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:
Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo Thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu?
Ai tự mình tìm hỏi :
"Ta, nữ nhân, nam nhân,
Hay ta là ai khác?"
Xứng nói chuyện Ác ma,
Ác ma thật cân xứng.
Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Somā đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy” (S.i.129).
-- Thật vậy, những ai khiến người khác phân vân để rồi rơi vào tranh luận kỳ thị nam nữ trong Phật giáo, khiến các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phá bỏ Tám Trọng Pháp, những người ấy xứng nói chuyện với Ác ma.
Còn nói chuyện chánh pháp, Đức Thế Tôn cũng đã dạy rõ cho gia chủSingālaka (Thi-ca-la-việt), về mối quan hệ vợ chồng:
 30. Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây:

Kính trọng vợ,
không bất kính đối với vợ;
trung thành với vợ;
giao quyền hành cho vợ;
sắm đồ nữ trang cho vợ;

Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách:

Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình;
khéo tiếp đón bà con;
trung thành với chồng;
khéo gìn giữ tài sản của chồng;
khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. (Trích kinh ‘Thi-ca-la-việt’, số 31, Trường Bộ 2.)
-- Ai cho rằng mối quan hệ trên là bất công cũng xứng nói chuyện với ác ma. Còn đây là cách chia phần Y do thí chủ dâng cúng chứng minh tính bình đẳng chính đáng trước những vấn đề đáng bình đẳng. Đức Phật đã quy định rõ:
“[172] … (Thí chủ) dâng Y đến cả hai hội chúng thì dù cho có nhiều Tỳ-khưu mà có một Tỳ-khưu-ni cũng nên được chia một nửa. Dù cho cónhiều Tỳ-khưu-ni mà có một Tỳ-khưu, Y cũng nên được chia một nửa” (Đại Phẩm, Chương 8 - Chương Y Phục)
-- Theo trên, dù hội chúng có một trăm Tỳ-kheo, nhưng chỉ có một Tỳ-kheo-ni, số y cũng phải được chia đều một nửa. Tất nhiên vị Ni hoặc Tăng có y dư sẽ đem chia sẻ cho các đồng đạo khác để tạo tình tương thân tương kính lẫn nhau.
Rõ ràng “hồ nước lớn” có dòng nóng, dòng lạnh, dòng trong, dòng đục khác nhau, nhưng để giữ cho hồ nước tồn tại cần phải có bờ đê. Qua đây, những ai còn cố chấp việc kỳ thị nam nữ là có ý đồ không tốt trong việc phá bỏ “bờ đê” khiến cho “hồ nước lớn” bị hủy hoại.
Thật vậy, đối với sự tồn vong của giáo đoàn về lâu dài, cả hai phái Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni cần nhận thức đúng theo lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn:
“Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Mahāpajāpa Gotamī đã chấp nhận Tám Kính Pháp này, cho đến trọn đời không có vượt qua.
Này Ānanda, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, thời này Ānanda, Phạm hạnh được an trú lâu dài, và Diệu Pháp được tồn tại đến một ngàn năm. Vì rằng, này Ānanda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nay này Ānanda, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, thời này Ānanda, Diệu Pháp được tồn tại năm trăm năm.
Ví như, này Ānanda, những gia đình nào có nhiều phụ nữ, ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm cắp não hại. Cũng vậy, này Ānanda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài.
Ví như, này Ānanda, khi nào một chứng bệnh được tên là "trắng như xương" rơi vào một ruộng lúa đã chín, thời ruộng lúa ấy không có an trú lâu dài. Cũng vậy, này Ānanda, khi nào nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, thời Phạm hạnh này không có an trú lâu dài.
Ví như, này Ānanda, khi nào một chứng bệnh được tên là "đỏ sét" rơi vào một ruộng mía đã chín, thời ruộng mía ấy không có an trú lâu dài. Cũng vậy, này Ānanda, khi nào nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, thời Phạm hạnh này không được an trú lâu dài.
Ví như, này Ānanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ānanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành Kính Tám Pháp này, cho các Tỷ-kheo-ni cho đến trọn đời không vượt qua (AN 8:51)
Hẳn nhiên Đấng Chánh Biến Tri trước một vấn đề tối hệ trọng là sự tồn tại của Diệu Pháp, Ngài không thể nhầm lẫn giữa năm trăm năm và năm ngàn năm như một số người ảo tưởng. Các Phật tử cần nghiêm chỉnh nhận chân sự thật này để cảnh giác trước tất cả các kinh-luật-luận ngụy tạo và các xu hướng trái với Pháp và Luật gốc, xuất phát từ các luận sư gốc Bà-la-môn kể từ sau khi Phật đã nhập Niết Bàn năm trăm năm.
Riêng các Tỳ-kheo-ni cần phải hiểu rằng, vì sự thành lập của giáo đoàn Ni mà chánh Pháp chỉ còn tồn tại năm trăm năm, do vậy họ càng phải giữ gìn giới luật tốt hơn nữa để tự cứu mình và đền đáp công ơn của Phật. Tỳ-kheo-ni thực hành tốt đẹp Tám Trọng Pháp của Phật ban đặt, là củng cố “bờ đê” giúp cho Phạm hạnh và Diệu Pháp được tồn tại lâu dài; và đây chính là một trong những phẩm chất quan trọng xác định một Tỳ-kheo-ni.
Trích đoạn Thánh Luật sau đây là minh chứng:
“[520] … Sau đó, Đại Đức Ānanda đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Đại Đức Ānanda đã nói với Đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa Đại Đức Ānanda, các Tỳ-khưu-ni này đã nói với tôi như vầy: ‘Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì Đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các Tỳ-khưu-ni được tu lên bậc trên với các Tỳ-khưu.’”
- Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận Tám Trọng Pháp, chính việc ấy là đã được tu lên bậc trên đối với bà.” (Tiểu Phẩm, Chương Tỳ-khưu-ni)
Bà Thánh Ni Mahāpajāpati Gotamī là vị Ni trưởng đầu tiên được Đức Thế Tôn thọ ký, còn các Tỳ-kheo-ni khác được tu lên bậc trên với các Tỳ-kheo, nếu các vị thực hành nghiêm giới hạnh cùng Tám Trọng Pháp, các vị mới đích thực là những vị Ni có trí tuệ và mẫu mực chân chánh.
Lại nữa, dù Đức Chánh Biến Tri đã tiên tri chính xác Diệu Pháp chỉ tồn tại năm trăm năm, thế nhưng điều này không có nghĩa Phật Pháp bị diệt mất hoàn toàn, trái lại đây chỉ là sự gián đoạn của Phật Pháp. Thật vậy, trong chánh Kinh Nikāya và chánh Luật Pātimokkha, Đức Thế Tôn đã nhiều lần tuyên bố những nguyên nhân khác nữa khiến Chánh Pháp được duy trì tồn tại lâu dài. Điển hình như điều Ngài dạy trong Tạng Luật:
“Khi Tạng Kinh quên lãng
và luôn Tạng Diệu Pháp,
còn Tạng Luật chưa hoại
Giáo Pháp vẫn tồn tại.” 
(Đại Phẩm, phần cuối Chương Trọng Yếu)
Khi Phật dạy điều này, Đạo Phật chỉ có duy nhất một tạng Luật Pātimokkha và Chín Tạng Thánh Kinh mà thôi. Chín Tạng Thánh Kinh đó là: Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Thuyết, Phúng Tụng, Không Hỏi Tự Nói, Như Thị Thuyết, Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu Pháp, và Phương Quảng‘Tạng Kinh’ trong bài kệ trên chính là Chín Tạng Thánh Kinh, còn Tạng Diệu Pháp chính là 37 Phẩm Trợ Đạo.
Rõ ràng hiện nay Chín Tạng Thánh Kinh và Diệu Pháp 37 Phẩm Trợ Đạo đã bị quên lãng, không còn được lưu ý tu tập. Tuy vậy Tạng LuậtPātimokkha vẫn còn nguyên vẹn trong các nước Phật giáo Nam Truyền, và vì vậy xem như Giáo Pháp của Phật thật sự vẫn còn tồn tại trong những xứ này.
Bởi lẽ, các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nào biết dựa theo Tạng LuậtPātimokkha này giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh, thanh tịnh; nhờ vậy họ mới có khả năng thâm hiểu và thực hành theo Kinh Tạng Nikāya cùng Diệu Pháp 37 Phẩm Trợ Đạo và các Học Pháp khác. Chính từ đây Chánh Kinh Nikāya và Diệu Pháp sẽ không còn bị quên lãng, trái lại sẽ được xương minh sáng ngời.
Tất nhiên, đối với các Tỳ-khưu-ni, bên cạnh Thánh Kinh và Diệu Pháp 37 Phẩm Trợ Đạo, Giáo Pháp được tồn tại và củng cố tốt hơn với Tám Kính Pháp được tôn trọng.
Dưới đây là một trong những minh chứng cho thấy Diệu Pháp có thể được tồn tại lâu dài nhờ vào nhiều nguyên nhân khác nữa.
Phật dạy: “Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết Bàn, Diệu Pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết Bàn, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài” (S.v,174)
Một minh chứng khác nữa, đương thời Phật, tôn giả Kimbila đã hỏi Đức Phật về Diệu Pháp tồn tại lâu dài và đã được Ngài trả lời cụ thể:
1. Như vầy tôi nghe: Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbila, tại rừng Trúc. Rồi Tôn giả Kimbila đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, sau khi Như Lai nhập diệt,Diệu Pháp không còn tồn tại lâu dài?
3. - Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo sư,sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không cung kính, không tùy thuận Học pháp; sống không cung kính, không tùy thuận không phóng dật; sống không cung kính, không tùy thuận tiếp đón.
Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên khiến cho khi Như Lai nhập diệt, Diệu Pháp không tồn tại lâu dài.
4. – Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì khi Như Lai nhập diệt, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài?
5. - Ở đây, này Kimbila, khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận bậc Ðạo Sư; sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận Học pháp; sống cung kính tùy thuận không phóng dật;sống cung kính tùy thuận tiếp đón.
Ðây là nhân, đây là duyên, khi Như lai nhập diệt, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài.” (Kinh Tôn Giả Kimbila, Tăng Chi 3, Chương 6, Phẩm Chư Thiên)
Hẳn nhiên cái gì duy nhất mới đáng quý, chân lý và Cứu cánh Chân lý cũng duy nhất một và chỉ có một mà thôi. Do vậy:
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận một bậc Đạo Sư duy nhất là Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, chứ không phải ngàn vạn Bụt giả, vô số Bồ-tát giả do các luận sư gốc Bà-la-môn ngụy tạo ra nhằm tầm thường hóa Phật Bảo, phân ly hóa Đạo Phật.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận một chánh Pháp duy nhất trong Chín Tạng Thánh Kinh gốc, chứ không phải “tám vạn bốn ngàn pháp” ngụy tạo do các luận sư gốc Bà-la-môn cải biến tung vào phá hoại Phật Pháp.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuậncác hội chúng Tăng thanh tịnh sống đúng theo Pháp của Phật, Luật của Phật.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận một Học pháp duy nhất còn nguyên vẹn với 37 Phẩm Trợ Đạo, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Bốn Niệm Xứ, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo, Thân Hành Niệm, Định Niệm Hơi Thở… chứ không phải các pháp tà vạy ngoại lai hư ngụy do các tổ sư gốc Bà-la-môn đưa vào phá hoại Đạo Phật.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận một Thiền định duy nhất là Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền; chứ không phải thứ tà thiền tà định của các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp, hoặc thứ thiền định tưởng tri “tà thiền là chánh thiền, tà định là chánh định”.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuậnkhông phóng dật theo đúng hướng Chánh Tinh Tấn tức Bốn Chánh Cần thuộc Tám Chánh Đạo. Đó là tinh tấn ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. Không cung kính tùy thuận phóng dật theo hướng tà tinh tấn: ngăn thiện, diệt thiện, sanh ác, tăng trưởng ác.
Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuậnnghinh đón đúng chánh Tam Bảo, đúng chánh Phật Pháp, đúng chánh Giới hạnh. Không cung kính tùy thuận nghinh đón “Tam bảo” giả, “Phậtpháp” giả, “Giới luật” giả do các giả sư ngoại giáo tạo ra gây phân hóa Phật giáo, phá hòa hợp Tăng.
Có vậy, khi Như Lai nhập diệt, Diệu Pháp mới được tồn tại lâu dài.
Tóm lại tất cả các đệ tử Phật từ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, sadi, sadi ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ phải xem giới luật của Phật là sinh mạng của đời mình, phải cẩn trọng gìn giữ nghiêm chỉnh. Các đệ tử có thanh tịnh giới hạnh và thực hành đúng những lời Phật dạy trong Chánh Kinh thì Thánh Pháp mới tồn tại lâu dài được. Trong đó riêng đối với các Tỳ-kheo-ni thì Tám Trọng Pháp chính là “bờ đê” giúp ngăn ngừa sự suy thoái, và giúp Diệu Pháp hưng thịnh.
Mong rằng tất cả các đệ tử Phật ý thức được điều này để giữ mình trong Thánh Giới, Thánh Hạnh và Thánh Pháp của Đức Thế Tôn, góp phần duy trì Diệu Pháp tồn tại lâu dài.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét