Ma tâm

Ma tâm

4/12/2016

Hồn Vãi mơ Ni


Hình như là vầy tôi tưởng tri.
Một thời bấy giờ tại Sāvatthi, sau khi Đức Phật đã nhập Niết Bàn, các vị đại thánh A-la-hán Tỳ-kheo-ni đang ngồi thảo luận với nhau tại giảng đường ni viện.
Trong đó có rất nhiều các vị Thánh nữ hàng đầu đã được chính Đức Thế Tôn tán thán và ấn chứng, như các Thánh Ni Khemā - vị có đại trí tuệ tối thắng, Thánh Ni Uppalavannā - vị có đầy đủ thần thông tối thắng, Thánh Ni Patācārā - trì Luật tối thắng, Thánh Ni Dhammadinnā - thuyết pháp tối thắng, Thánh Ni Nandā - thiền định tối thắng, Thánh Ni Sonā - tinh cần tinh tấn tối thắng, Thánh Ni Sakulā - thiên nhãn tối thắng, Thánh Ni Bhaddā Kundalakesā - thắng trí mau lẹ tối thắng, Thánh Ni Bhaddā Kapilānī - nhớ đến các thời quá khứ tối thắng, Thánh Ni Bhaddā Kaccana - chứng đạt đại thắng trí tối thắng, Thánh Ni KisāGotamī - mang y thô tối thắng, Thánh Ni Sigalāmātā - đầy đủ lòng tin thắng giải tối thắng... (I)
Cùng lúc ấy Tỳ-kheo-ni Thullanandā đi đến. Sau khi đảnh lễ các Thánh Ni xong, Tỳ-kheo-ni Thullanandā ngồi thấp xuống một bên rồi thưa:
_ Bạch các đại Thánh Ni, muội nghe nói có vài vị Tỳ-kheo-ni được các Lục sư ngoại đạo ủng hộ, họ muốn đòi quyền bình đẳng với các Tỳ-kheo, đòi xét lại và phá bỏ Tám Trọng Pháp đã được Đức Thế Tôn chế định, đòi...
Thánh Ni đệ nhất đại trí tuệ Khemā khoát tay:
_ Thôi đủ rồi sư muội Thullanandā! Này Thullanandā, cô có nghe bất kỳ một vị A-la-hán Tỳ-kheo-ni nào ở đây đòi hỏi như thế không?
_ Thưa không, bạch Thánh Ni Khemā.
Thánh Tỳ-kheo-ni Patācārā - vị trì Luật đệ nhất hỏi tiếp:
Này Thullanandā, cô có nghe bất kỳ một Thánh Ni A-la-hán nào trong Trưởng Lão Ni Kệ phản đối Tám Trọng Pháp không?
_ Cũng không, bạch Thánh Ni Patācārā.
Thánh Ni Dhammadinnā - thuyết pháp tối thắng - hỏi thêm Tỳ-kheo-niThullanandā:
_ Này Thullanandā, nước có quốc pháp, nhà có gia uy, thì đạo cũng có luật của đạo. Ta hỏi cô, giả sử có một kẻ cố công muốn vào nhà của cha cô nên đã hứa suốt đời chấp hành đầy đủ các quy định. Thế nhưng, sau khi vào xong, họ lại trở mặt quay lưng với lời hứa của mình, muốn sống theo ý riêng của mình, đòi phá bỏ nề nếp gia phong và truyền thống trật tự gia đình cô, muốn chống lại những lời dạy hữu lý của cha cô nhằm tạo sự ổn định lâu dài cho gia đình, muốn vất bỏ cả những di vật thiêng liêng của cha cô để lại. Cô nghĩ thế nào?
_ Dạ thưa, thật là phi lý! Nếu họ có lòng tự trọng và muốn theo ý mình, họ cứ việc ra khỏi nhà con, tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Người có trí nào không biết “nhập gia phải tùy tục”, thưa sư tỷ!
Vị Thánh nữ có thắng trí mau lẹ tối thắng Bhaddā Kundalakesā tiếp lời:
_ Nhập gia còn như thế huống hồ nhập đạo, mà ở đây lại là đạo cứu khổ. Cũng vậy, những ai không chấp nhận giới luật của Phật, tốt hơn hết họ hãy trả lại y áo cà-sa cho Tam Bảo, ra ngoài đời mặc tình sống theo ý của mình, muốn bình đẳng với ai chẳng được.
Thánh Ni KisāGotamī - vị mang y thô tối thắng chắp tay như nói với chính mình:
_ Ở đây các Tỳ-kheo-ni biết đặt lòng tin nơi Tam Bảo, hiểu rõ ý nghĩa của giới luật, biết giữ gìn trật tự chung cho đạo pháp và đã tận trừ bản ngã cá nhân ích kỷ, họ tự biết phải làm gì. Riêng cá nhân tôi không cần những “cái áo” muốn mặc qua khỏi đầu như vậy.
Tỳ-kheo-ni Thullanandā nhìn tấm y phấn tảo của Thánh Ni KisāGotamī phân bua:
_ Dạ thưa, họ không chịu nhận là những cái áo mặc qua khỏi đầu thì chớ, trái lại còn bảo rằng Tám Trọng Pháp không phải do Đức Phật ban ra mà chỉ do những người sau thêm vào.
Thánh Ni Sakulā thiên nhãn tối thắng lắc đầu, hỏi lại:
_ Này Thullanandā, chớ có nói theo như vậy. Nếu mai này những kẻ ấy tiếp tục theo ý mình nói rằng tất cả những lời dạy của Phật trong Kinh và Luật gốc đều là bịa đặt do người khác vẽ ra, chỉ có lời của họ mới đúng, thế cô cũng tin theo họ ư?
_ Không bao giờ, thưa sư tỷ Sakulā.
_ Vì sao?
_ Vì họ đã quên lời di giáo của Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn về các Đại Giáo Pháp mà các Tăng Ni cần phải thọ trì. Với muội, những lời nói hàm hồ không có chứng minh cụ thể, muội để qua một bên. Thậm chí, theo ý muội, những ai lìa Kinh nói là ma nói, trái Luật mà hành là tà hành nữa kia.  
Ngưng một lát, như chợt nhớ ra điều gì Tỳ-kheo-ni Thullanandā vội lên tiếng:
_ À, có ông Lục sứ ngoại đạo còn nói rằng Đức Phật vì sợ vài ông Tỳ-kheo, phải nghe theo lời của họ nên mới chế đặt Tám Trọng Pháp. Mấy cô ni kia thích chí, tin ngay răm rắp.
Thánh Ni Uppalavannā - vị có đầy đủ thần thông tối thắng lắc đầu:
_ Mấy kẻ ngoại giáo đã không hiểu Kinh, không nhớ Luật nên nghĩ càn nói quấy là điều dễ hiểu. Còn các cô Ni kia cứ nhắm mắt tin theo đó, không suy xét kỹ lưỡng mới thật đáng trách. Cô hãy hỏi họ: ông vua ngang ngạnh nào đã phải sởn tóc gáy khi đến gần tịnh xá của Đức Thế Tôn? Vị vua uy danh tài trí nào đã quỳ sát đất hôn chân Phật? Vị Đạo sư nào thuyết pháp cho hội chúng có hàng ngàn đệ tử nhưng đã không có đến một tiếng ho, im phăng phắc đến độ tiếng lá rơi còn nghe? Bậc Thầy Trời Người nào mà đến Đại Phạm Thiên cũng không dám ngồi trước mặt? Ai đã tiên phong thiết lập quyền bình đẳng giữa các giai cấp trong một xã hội còn đầy dẫy bất công? Ai đã dám rống tiếng sư tử nêu rõ những mê tín, giả trá, tà kiến của các tà sư Bà-la-môn thuộc giai cấp tối thượng đương thời? Ai vẫn mạnh dạn một mình bước tới chế ngự cả voi điên, rồng chúa, tướng cướp? Chẳng lẽ một vị Bổn Sư như vậy lại sợ vài ông đệ tử để chế ra những giới luật làm trái ý nghịch lòng những kẻ muốn phản bội hay sao?
Thánh Ni Patācārā trì Luật tối thắng gật đầu tiếp lời:
_ Mấy con thằn lằn tặc lưỡi trong góc nhà làm sao hiểu được cuộc sống giữa chốn núi rừng, làm sao biết được Thánh hạnh khất thực trên chốn dặm trường. Này ThullaNandā, tôi hỏi cô: trong cuộc sống ấy, nếu gặp phải một kẻ tà hạnh nham nhở, một bên là một Tỳ-kheo mới xuất gia một ngày và một bên là một Tỳ-kheo-ni một trăm tuổi hạ, ai có khả năng chống lại kẻ xấu để bảo vệ cho người kia?
Thullanandā mau miệng:
_ Thưa tôn ni Patācārā, đương nhiên là vị Tỳ-kheo mới xuất gia một ngày, ngay cho dù vị Tỳ-kheo ấy đã lớn tuổi. Thế nhưng, một Tỳ-kheo già nua yếu sức và một cô Ni còn trẻ khỏe thì sao ạ?
Thánh Ni Patācārā - trì Luật tối thắng nghiêm giọng:
_ Thì cô Ni trẻ ấy phải hiểu rằng nương tựa nơi một hội chúng nhiều Tỳ-kheo vẫn an toàn hơn một vị già yếu, vả lại vấn đề cô nêu là cá biệt. Cô hãy nghe kỹ lại tạng Luật để biết trong đó đã có rất nhiều chuyện kể về các Tỳ-kheo-ni, do không có Tăng đoàn bảo hộ, đã bị kẻ xấu xúc phạm hãm hại như thế nào. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho một Tỳ-kheo-ni có trí dù trẻ khỏe đến đâu cũng tin hiểu và hoan hỷ thực hành giới luật.
Tỳ-kheo-ni Nandā - vị Thánh nữ có thiền định tối thắng - quay sang hỏi Tỳ-kheo-ni Thullanandā:
_ Muội hãy hỏi họ thêm: các Thánh đạo quả trong đạo Phật có bị phân chia kỳ thị hơn kém giữa nam và nữ không? Có sự phân biệt cao thấp về giới tính trong các thánh quả Dự Lưu, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán không? Hay tất cả đều được bình đẳng về phương diện giải thoát?
Thullanandā lắc đầu quầy quậy:
_ Thưa không, mọi người đều biết Đức Thế Tôn không có phân biệt nam nữ trong quả vị giải thoát. Muội sẽ nêu sự việc này để mấy con thằn lằn không còn chặc lưỡi nơi xó nhà nữa, và cũng để mấy ông lục sứ ngoại học khỏi “đục nước béo cò”.
Tỳ-kheo-ni Nandā hỏi tiếp:
_ Riêng muội, muội có thọ trì thêm những bài Kinh và Luật để hiểu rõ lý do vì sao Đức Thế Tôn ban hành Tám Trọng Pháp không?
Tỳ-kheo-ni Thullanandā trả lời nhỏ giọng:
_ Dạ, Kinh và Luật muội có nghe đầy đủ và dù mới chỉ hiểu ở mức độ của bậc hữu học, muội cũng không có ý kiến gì khác. Nhưng… chỉ có điều các Tỳ-kheo-ni kia cứ một hai bảo rằng thời đại mới Pháp và Luật của Phật cũng cần đổi mới để thích nghi.
Thánh Ni Uppalavannā - vị có đầy đủ thần thông tối thắng nghiêm giọng:
_ Qua hàng ngàn năm, sanh-già-bệnh-chết có chuyển từ khổ đau thành sung sướng được không? Tham-sân-si có mất đi không? Họ có biến mặt trời thành vuông, mặt trăng thành nước được không? Họ có bắt tất cả đàn ông phải tự mang thai và tự sanh đẻ được không? NàyThullanandā, có những điều có thể thay đổi theo thời gian, nhưng không phải tất cả đều phải như thế, nhất là những vấn đề thuộc về chân lý vĩnh hằng. Pháp và Luật của Đức Thế Tôn cũng vậy!
Tỳ-kheo-ni Thullanandā ngập ngừng:
_ Thưa… chân lý vĩnh hằng không bị vô thường chi phối sao?
Thánh Ni Uppalavannā xác tín đầy tự tin:
_ Tôi tuyên bố cho cô rõ, chừng nào còn sanh-già-bệnh-chết, còn tham-sân-si, còn khổ đau; chừng đó Pháp và Luật của Đức Thế Tôn vẫn còn nguyên giá trị như một Diệu Pháp cứu khổ. Dù trái đất này có hủy diệt, dù con người tại đây có tái sanh tại bất kỳ đâu; và một khi Khổ Đế, Tập Đế còn tồn tại thì Diệt Đế, Đạo Đế vẫn là chân lý diệu kỳ.
Tỳ-kheo-ni Thullanandā chắp tay:
_ Muội hiểu, thưa quý Ni. Trong kinh Đại Điển Tôn, số 19, Trường Bộ, chính Thiên Chủ Đế Thích đã phải công nhận "- Chánh pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, một Chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thiện, chỉ người có trí tự mình giác hiểu”. Vâng, với muội, Diệu Pháp vượt ngoài thời gian và cả không gian, thưa quý Ni.
Thánh Ni Sigalāmātā giọng trầm tĩnh:
_ Những ai còn nhớ những giọt mồ hôi đẫm lưng vì đường xa của Đại trưởng lão Ni Mahāpājapani Gotamī, những ai còn nhớ những bước chân trần sưng tấy của năm trăm vị Ni trưởng dòng dõi Sakya, cùng không quên lý tưởng cao quý thoát ly sanh tử luân hồi, hẳn họ không bao giờ còn ôm ngã mạn chấp trước vào những điều vụn vặt vớ vẩn, quay lưng với Pháp và Luật của Đức Thế Tôn.
Vị chứng đạt đại thắng trí tối thắng - Thánh Ni Bhaddā Kaccana nhấn mạnh thêm:
_ Các cô Ni cần nhớ rõ, Đại trưởng lão Ni Mahāpājapani Gotamī được xem như một hoàng thái hậu. Đại sư tỷ Khemā đây cũng là một hoàng hậu, và còn bao nhiêu chư Ni hoàng thân quốc thích khác, nhưng có một ai thắc mắc phản đối gì đâu? Trái lại, tất cả đều nghĩ rằng chấp nhận giới luật để được làm một Tỳ-kheo-ni con Phật là một điều hy hữu. Họ hãy nhớ lại Tôn ni Khemā đã dạy cho ông vua hiền trí Pasenadi như thế nào? Họ hãy nghe lại Tiểu Kinh Phương Quảng để biết Tôn ni Dhammadinnā - thuyết pháp tối thắng cho nam cư sĩ Visakha như thế nào, và chính Đức Thế Tôn đã ngợi khen bà ra sao? Họ hãy thọ trì lại cả một tạng Kinh Trưởng Lão Ni Kệ để biết các Thánh Ni đã dạy những gì? Các cô Ni kia là ai mà không dám nghĩ như Trưởng lão Ni Gotamī xem Tám Trọng Pháp như một vòng nguyệt quế được mang trên đầu sau khi đã tắm gội thanh tịnh. Ở đây, ai không hiểu vì sao, xin lên tiếng?
Cả giảng đường Ni viện im lặng, chỉ có vài con muỗi vo ve qua lại. Một lúc sau Thullanandā khép nép:
_ Thưa… ở đây các sư tỷ đều là bậc Thánh, có trí tuệ siêu xuất nên hiểu và thực hành theo lời Phật. Còn những kẻ phàm phụ tục nữ chưa chắc đã hiểu và chịu im lặng.
Thánh Ni Bhaddā Kundalakesā - thắng trí mau lẹ tối thắng trả lời ngay:
_ Nếu vậy, cô hãy nhắc họ học kỹ lại bài kinh “Ví Dụ Con Chim Cáy” để khỏi trở thành những kẻ yếu đuối run sợ trước những sợi dây mảnh mai để rồi không bứt phá nổi tấm lưới của sanh tử luân hồi.
Thánh Ni thuyết pháp tối thắng Dhammadinnā nói với vẻ kiên định:
Chính Đức Phật đã dạy trong bài kinh Gotamī: “Ví như, này Ānanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ānanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành Kính Tám Pháp này, cho các Tỷ-kheo-ni cho đến trọn đời không vượt qua”. Đức Thế Tôn vì nghĩ đến tương lai sống còn của đạo pháp nên mới làm thế. Còn các cô Ni kia nghĩ đến điều gì và nghĩ đến ai lại đòi phá bỏ bờ đê?
Vị trì Luật đệ nhất - Thánh Tỳ-kheo-ni Patācārā vẫn giữ vẻ bình thản nhưng đầy xác tín:
Này Thullanandā, đến Tám giới đầu tiên để được xuất gia mà họ còn quay lưng phá bỏ, thì các giới khác họ cũng chẳng tha đâu, chỉ có điều họ khéo che dấu mà thôi. Họ chỉ qua mắt những ai cũng phá giới như họ, chứ đừng hòng “lấy vải thưa mà che mắt Thánh”.
Thánh Ni Sonā - tinh cần tinh tấn tối thắng lúc này góp ý với vẻ quả quyết:
_ Chấp hành Pháp và Luật để được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi ngay trong kiếp sống này với tấm thân ô uế này, chỉ có kẻ khờ dại mới chối từ. Nhất tâm lo tu hành thoát khổ, còn thì giờ đâu mà chấp trước những chuyện như thế. Đúng là “nhàn cư vi bất thiện”, ở không sinh lắm chuyện. Tôi nhắc lại, nếu ai đó không muốn thì đừng bước vào. Đã vào rồi nhưng muốn được tự do như ngoài đời thì cứ việc trở ra, có ai cấm đâu, vẫn chưa muộn kia mà? Đừng ở lại phá rối đạo pháp!
Thánh Ni Bhaddā Kapilānī - vị đệ nhất nhớ đến các thời quá khứ - mỉm cười góp ý thêm:
_ Cứ nổi loạn như vậy, không khéo họ còn bị những người trí gọi là thứ “Du-già phản Chúa” nữa kia.
Tỳ-kheo-ni Thullanandā thắc mắc:
_ Thưa, Du-già là ai? Và Chúa nào bị phản bội?
Thánh Ni Sakulā - vị có thiên nhãn tối thắng đỡ lời:
_ Chuyện này năm trăm năm nữa mọi người mới biết được. Thiên cơ bất khả lậu. Nếu muốn có Thiên Nhãn Minh thấy biết mọi việc, muội cứ giữ nghiêm giới luật và tu hành nghiêm chỉnh sẽ rõ.
Tỳ-kheo-ni Thullanandā vui vẻ chắp tay:
_ Vâng, muội xin nghe lời các sư tỷ. Mấy ông, mấy bà nào muốn hô hào đòi cải biến cải biên giới luật, muội mặc kệ họ.
Thánh Ni Khemā đệ nhất đại trí tuệ khẽ gật đầu:
_ Như vậy là phải, này Thullanandā, cô nên nhớ, những ai trước sau không trung thành với lời hứa, với lời thề chân chính của mình, họ là những kẻ phản bội. Và những ai ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho kẻ khác phản bội; đến lượt mình, họ cũng sẽ trở thành những kẻ bội phản chứ chẳng có hơn gì.
Đến đây Tỳ-kheo-ni Thullanandā thay đổi hoàn toàn thái độ, chuyển giọng mạnh mẽ:
_ Thưa các Đại Thánh Ni, muội hiểu. Những Tỳ-kheo-ni nào cố tình phá giới bẻ luật của Phật; và những ai chấp nhận, khuyến khích họ làm như vậy: cả hai đều bất tín, bất nghĩa. Mà đã bất tín, bất nghĩa thì nói chuyện tu hành với những kẻ này làm gì cho mệt. Từ nay muội chẳng thèm nghe ai nữa, xin một lòng nối gót các Thánh Ni!
Các vị Thánh nữ A-la-hán không nói gì thêm, tất cả im lặng ngồi kiết già an tịnh. Tỳ-kheo-ni Thullanandā biết thời liền đảnh lễ các Thánh Ni rồi hoan hỷ nhẹ nhàng lui bước.
Hưng Khái Mộng Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét