Ma tâm

Ma tâm

4/04/2016

Phản biện kinh Lăng Nghiêm


Trên một số trang web, người đọc dễ dàng tìm thấy một đoạn văn được cho là trích dẫn từ trong kinh Lăng Nghiêm của Đại Thừa. Nguyên văn đoạn trích dẫn “Bụt Lăng Nhiêm” phán thế này:
“Anan, ta có dạy các vị Bồ-tát và A-la-hán: “Sau khi ta diệt độ, các ông phải thị hiện thân mình, trong đời mạt pháp để cứu độ chúng sanh đang trầm luân, làm thầy sa môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện thân đàn bà goá, kẻ dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cướp, người hàng thịt, kẻ buôn bán, để lẫn lộn người chung một nghề nghiệp, đặng giáo hoá chúng sanh trở về chánh đạo”. Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “ta đây thật là Bồ Tát, hoặc A-la-hán v.v.. hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi, các vị ấy mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi” (Nguồn Internet) (1)

Phản biện:
Mới nghe qua đoạn kinh trên người đọc dễ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi tinh thần dấn thân của các Bồ-tát trong kinh văn Đại Thừa. Thế nhưng nếu người đọc cảnh giác hơn và biết đặt trí tuệ lên trên đức tin mù quáng, sẽ dễ dàng nhận ra ý đồ thâm độc và xảo quyệt của các luận sư Bà-la-môn “gián điệp, nằm vùng” đã sáng tạo các kinh điển ngụy tạo, nhằm mục đích phá hoại ngầm Phật Giáo.
Thật vậy, cứ cho rằng các Bồ-tát Đại Thừa dám lẫn lộn chung một nghề với các “dâm nữ, gian xảo, trộm cướp…” để hoá độ; vậy thì, người Phật tử làm sao phân biệt được những “đồng nam, đồng nữ, kẻ dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cướp” thật sự khi những kẻ này cũng biết hoá thân đóng vai đạo đức giả để lừa lọc, lợi dụng, lôi kéo người tốt vào con đường tà đạo? Tất nhiên, kẻ tà hạnh cũng chẳng ngu dại gì đi nói: “ta đây thực là kẻ dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cắp, A-la-hán, Bồ Tát…” hay “tỏ ra vài cử chỉ làm tiết lộ sự bí mật” thủ đoạn của họ.
Bên cạnh đó, cũng chính từ kinh văn Đại Thừa dạy rằng: Phật tử phải biết bắt chước các Bồ-tát, thực hành theo hạnh Bồ-tát. Do vậy, ngay cho dù các Bồ-tát Đại Thừa có thực sự “vô nhiễm” chăng nữa, nhưng các vị vẫn phải làm gương cho chúng sanh chứ. Chúng sanh còn u mê ngu tối cứ vô tư theo gương các ngài, lẫn lộn giữa đời đen, rồi thành dâm nữ, kẻ gian xảo, trộm cướp thật sự thì sao? Lợi hay hại cho Đạo Pháp, cho những ai tin theo giáo lý Lăng Nghiêm Đại Thừa.
Cứ theo lời di giáo trong Lăng Nghiêm và tinh thần vô phân biệt của kinh Kim Cang, chẳng lẽ các em trong Gia Đình Phật Tử không nên khác biệt với các dâm nữ, kẻ gian xảo, trộm cướp đang hành nghề, mà nên thân cận và làm y như họ hay sao? Chẳng lẽ các em cứ tin tưởng rằng đó là các Bồ-tát thị hiện, cứ thân cận may ra được “các ngài” cứu độ cho chăng? Xét cho kỹ, “Bụt Lăng Nghiêm” dạy khôn hay dạy dại?
Khi còn sinh thời, bản thân Đức Phật và các vị A-la-hán có ai phải lẫn lộn chung nghề với những kẻ xấu ác đâu, thế nhưng các ngài vẫn cứu được cho bao nhiêu ác nhân cải tà quy chánh đấy thôi. Ngay trong đời mạt pháp này, tại nhiều nơi vẫn có không ít người hiền trí đức hạnh, họ không cần phải lẫn lộn làm chung “nghề” với bọn trộm cướp, dâm nữ, gian xảo; thế nhưng họ vẫn giáo dục cải huấn cho những kẻ hư hỏng hoàn lương thì sao? Chẳng lẽ các “Bồ Tát” Lăng Nghiêm lại kém cỏi không thể làm được như họ?
Một người không cần nhảy xuống bùn lầy nhưng vẫn cứu được người, còn kẻ khác phải lao đầu vào uế trược mới làm được, thử hỏi ai tài giỏi hơn ai? Đời đã mạt vì vàng thau lẫn lộn, “Bụt Lăng Nghiêm” lại còn làm cho thau vàng lẫn lộn thêm là sao? Rõ ràng pháp “Lăng Nghiêm” làm cho đời mạt, chứ đâu phải đời làm cho pháp mạt.
Thử hỏi, nếu có những kẻ ngoại đạo thâm độc cứ dựa đúng theo “kinh” Lăng Nghiêm, rồi chỉ vào tất cả các kẻ dâm nữ, trộm cướp, gian xảo và nói bừa đó là các Bồ-tát, A-la-hán của Phật Giáo thị hiện, thời những vị Tổ Lăng Nghiêm sẽ trả lời thế nào? Có phải “pháp Lăng Nghiêm” thâm độc đã dọn đường cho kẻ xấu có cơ hội lăng nhục Phật Giáo Đại Thừa?
Lại nữa, giả sử khi những dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cướp thật mạng chung, có kẻ láu cá muốn lợi dụng chuyện “âm thầm để lại vài di tích”, bèn bí mật tạo ra các chứng tích giả rồi lu loa lên rằng họ chính là các Bồ-tát giáng sinh, các Phật tử vì tin theo Lăng Nghiêm nên cũng tin theo chúng để rồi bị kẻ xấu lợi dụng. Thử hỏi lời di giáo trong Lăng Nghiêm có dại dột không?
Chưa hết, nếu những kẻ xấu ác rêu rao rằng sở dĩ thời mạt pháp càng ngày càng có nhiều dâm nữ, trộm cắp, gian xảo… đó là do các Bồ Tát, A-la-hán của Đại Thừa hiện thân lẫn lộn với bọn người xấu ác, nhưng vì các ngài tu chưa xong nên chưa kịp hoá độ cho kẻ xấu thì đã bị bọn chúng “cải chánh quy tà” tất cả. Những ai ca ngợi Lăng Nghiêm phải ăn nói sao đây? Có “há miệng mắc quai” không?
Có phải kinh Lăng Nghiêm chính là cái móc câu hai lưỡi khiến những ai tin theo nuốt vào chẳng đặng mà nhả ra cũng không xong, giống y như trong thời Phật các luận sư ngoại học vẫn thường hay áp dụng?
Bên cạnh đó, như kinh Đại Thừa đã mô tả, với vô lượng vô biên các Bồ-tát (thậm chí quả vị Phật còn có đến hàng ức vạn), vậy thì chỉ cần một phần triệu triệu các vị này hiện thân xuống trần hoá độ cho các ác nhân, thời bọn xấu ác không những đã bớt đi rất nhiều mà không chừng còn bị “tuyệt chủng” từ lâu rồi cũng nên? Thế nhưng tại sao ngày càng có nhiều thêm các tệ trạng ở khắp mọi nơi? Rõ ràng như vậy là “Bụt và Bồ-tát Lăng Nghiêm” đã không còn linh ứng rồi.
Đến đây những người tỉnh giác có thể hiểu lý do vì sao phải đợi khi “Như Lai” nhập diệt rồi các Bồ-tát và A-la-hán mới được hiện thân cứu độ. Hẳn nhiên Phật Thích Ca có nhập Niết Bàn thì “vắng chủ nhà gà mới mọc được đuôi tôm” và vì vậy “Bụt Lăng Nghiêm” mới tạo ra các “Bồ tát dâm nữ”, các “A-la-hán trộm cướp” được chứ!
Chỉ có một đoạn ngụy kinh ngắn ngủi mà đã chứa đựng biết bao những phi lý tà vạy, thử hỏi cả một cuốn kinh Lăng Nghiêm còn nguy hại đến đâu. Ấy thế mà suốt hơn hai ngàn năm qua không một ai biết lên tiếng cảnh báo, không một Hòa thượng nào phân vân thắc mắc. Rõ ràng Đại-thừa-kinh đã là ma túy của Đại Thừa giáo.
Có thể nói chắc một điều: những ai còn bênh vực các tà kinh ngụy tạo đều không đọc, hoặc không thâm nhập được kinh điển gốc Nikaya. Vì sao? Vì nếu thâm nhập được họ sẽ phải xác tín như ngài Xá Lợi Phất một cách chắc chắn rằng giáo pháp của Phật như một bức thành trì kiên cố, vững chắc cho đến một con thú nhỏ cũng không lọt qua được (Kinh Nalanda, S.v,159). Các bài kinh Nikaya chánh gốc thể hiện giáo pháp này cho nên cũng rất chặt chẽ, logic, không một sơ hở dù nhỏ.
Chính vì thế những kẻ phá hoại không thể trực diện dùng những lý luận chân chánh để đả kích phản biện giáo pháp Nguyên thủy, trừ khi họ dùng một trong hai thủ đoạn sau đây:
(1) vu khống vô căn cứ, hoặc
(2) xuyên tạc có căn cứ.
Các vị cảnh giác quán xét kỹ sẽ thấy “kinh Lăng Nghiêm” và các “kinh” Đại Thừa khác đều có đủ cả hai cách này.
Chuyên đề Nghiên Cứu Phật Học
----------------------
PHÁP TRÍCH LỤC
] Trích Kinh Ðiềm Lành, Tiểu Bộ
Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc Trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ,
Là điềm lành tối thượng.
{ Thừa tự Pháp trích lục
Lẫn chung với kẻ ác
Xa lánh bậc Thiện nhân
Không kính người đáng kính
Là điềm xui tối hạng
] Kinh Pháp Cú
"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh Pháp,
Như muỗng với vị canh." PC 64
"Tốt hơn sống một mình,
Không kết bạn người ngu.
Ðộc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi." PC 330
{ Thừa tự Pháp trích lục
Người khôn, dầu trọn thời
Thân cận kẻ ngu bướng
Dù biết được Chánh pháp
Cũng chẳng giúp được gì
Nguy hại thay chung sống
Với những người ngu ác
Dù mình sống thiện lành
Vẫn bị mang tiếng xấu
Có ngày bị làm hại
Như voi giữa cháy rừng
] Trích kinh Con Tê Ngưu Một Sừng (Kinh Tập, Sn 6)
57. Với bạn bè độc ác,
Hãy từ bỏ lánh xa,
Bạn không thấy mục đích,
Quen nếp sống quanh co,
Chớ tự mình thân cận,
Kẻ đam mê phóng dật,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
{ Thừa tự Pháp trích lục
Không lẫn lộn với ác,
Vẫn cứu được người ta,
Hay hơn kẻ chung ác,
Để bị thiên hạ la,
Hãy tránh xa cái ác,
Như tránh quỷ ma vương,
Hãy sống đời thiện lành
Như bậc Hiền nhân tốt.
] Trích kinh Ðáng Ghê Tởm, Tăng Chi 3 pháp
“… 2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh.
Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó không cắn ai, người cũng bị (đống phân) làm cho ô uế. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác.
Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.”
{ Thừa tự Pháp trích lục
Lưu ý, trên đây là trường hợp những kẻ giả danh tu hành “không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh”. Chính vì thế những hạng tu sĩ giả danh này mới có những hành vi che đậy, lừa gạt người khác, ví như các Bà-la-môn gián điệp giả danh “thích Phật Giáo”, chui vào nằm vùng trong Phật Giáo để phá hoại con Phật vậy!
Ngay trong thời Phật mà đã có các hạng giả sư, giả ni. Vậy sao mọi người lại tin ngay mọi kinh-luật-luận do các tổ sư gốc Bà-la-môn đời sau giới thiệu? Có nguy hại không?
] Trích kinh “Thích Tử Mahanama”, Tăng Chi 3, Chương 8, III. Phẩm Gia Chủ
“4. - Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là nam cư sĩ thực hành vừa tự lợi, vừa lợi tha?
- Này Mahānāma, khi nào nam cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ-kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì;sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahānāma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi và lợi tha”.
{ Thừa tự Pháp trích lục
Cư sĩ của “Tiểu Thừa” còn biết tự lợi, lợi tha như thế huống hồ vị Tỳ-kheo Thanh Văn. Dưới đây là đoạn kinh trong Tương Ưng, Đức Phật dạy cho các Tỳ-kheo Thanh Văn “Tiểu Thừa”:
-- “Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ đi đến Uruvelā, thị trấn Senā để thuyết pháp….” (TƯ1, 105)
Rõ ràng đã có những kẻ nối giáo cho các Bà-la-môn khi họ vu cáo rằng “Tiểu Thừa” ích kỷ, chỉ biết tu cho riêng mình, chỉ có Đại Thừa mới biết lợi tha!? Phải chăng “độ tha cao cả” là sẵn sàng hy sinh thân mình để làm lợi cho người khác? Tinh thần “độ tha” như vậy có khác gì mấy con cá cắn câu, mấy con nai mắc bẫy? Những kẻ ôm bom tự sát cũng sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho tín ngưỡng của họ đấy thôi, khác gì nhau?
(Xem thêm bài kinh Người Có Lòng Tin, số 8, Tăng Chi tập 4, Chương 10, I. Phẩm Lợi Ích)

KINH TĂNG CHI 4, XVI. PHẨM NGƯỜI
(I) (155) Không Nên Thân Cận
1. Người thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, là người không nên thân cận. Thế nào là mười?
Người có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát.
Người thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, là người không nên thân cận.
2. Người thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, là người nên thân cận. Thế nào là mười?
Người có Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí, Chánh giải thoát.
Người thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, là người nên thân cận.

(II) (156-166) Những Người Sai Khác
(156). Thành tựu với mười pháp này, này các Tỷ-kheo, một ngườikhông nên giao thiệp. Thế nào là mười?
Người có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát.
Thành tựu với mười pháp này, này các Tỷ-kheo, là người nên giao thiệp. Thế nào là mười?
Người có Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí, Chánh giải thoát.

Trích Kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2
“… Này Cunda, ở đây, vị đạo sư không là vị Chánh Ðẳng Giácvà pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, và vị đệ tử trong pháp này, sống thành tựu pháp và tùy pháp,sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp. Người này nên được nói như sau: "Này Hiền giả, thật không lợi ích cho Ngươi, thật không khéo chứng đắc cho Ngươi. Vị đạo sư của Ngươi không là vị Chánh Ðẳng Giác và pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, những người trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp".
Này Cunda, ở đây vị đạo sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở trách, ở đây vị đệ tử cũng đáng quở trách. Này Cunda, với vị đệ tử như vậy, có ai, nên nói như sau: "Thật vậy, Ðại đức thành tựu theo chánh hạnh, tinh tấn trong chánh hạnh, người khen, người được khen, người được khen như vậy lại càng tinh tấn hơn nữa, tất cả đều không được phước đức." Vì sao vậy? Này Cunda, vì pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết…
Này Cunda, nếu phạm hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, và có vị đạo sư là vị Thượng tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, nhưng không có các vị Thượng tọa Tỷ kheo…trung lạp Tỳ-kheo… hạ lạp Tỳ-kheo, những vị đệ tử là những vị sáng suốt, tự điều phục, vô úy, đa văn, đã đạt đến sự an ổn, có thể thuyết diệu pháp, với giáo lý ngoại đạo được khởi lên có thể khéo nhiếp phục với giáo pháp của mình, có thể thuyết diệu pháp bất tư nghì; như vậy phạm hạnh này không thể viên mãn bởi chi tiết này.”

Kinh Phật Thuyết Như Vậy (LXXVI) (Tik, III, 7) (It. 67)
“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới. Thế nào là ba?
"Mong rằng lời tán thán sẽ đến với ta", bậc Hiền trí hộ trì giới.
"Mong rằng tài sản sẽ khởi lên cho ta", bậc Hiền trí hộ trì giới.
"Mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này" bậc Hiền trí hộ trì giới.
Này các Tỷ-kheo, do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Bậc trí hộ trì giới,
Hy vọng được ba lạc,
Ðược khen, được tài sản,
Ðời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Nếu không làm điều ác,
Nhưng theo kẻ làm ác,
Thì bị nghi làm ác,
Và bị tăng tiếng xấu.
Giống như người làm bạn,
Giống như người làm theo,
Người này giống người ấy
Giống như người cộng trú.
Người theo, người được theo,
Xúc chạm, được xúc chạm,
Như cây tên nhiễm độc
Nhiễm bó tên chưa nhiễm,
Bậc Trí vì sợ nhiễm,
Nên không bạn kẻ ác.
Với ngọn cỏ kusa,
Dùng gói đồ cá thúi,
Kusa hay mùi thúi,
Cũng vậy, gần kẻ ngu.
Còn người dùng ngọn lá,
Gói hương Ta-ga-ra,
Ngọn lá bay mùi thơm
Cũng vậy, gần bậc Trí.
Do vậy, nhờ nghĩ đến
Cái giỏ bằng lá ấy,
Biết được những cái gì
Sẽ rơi vào tự mình,
Bậc Hiền trí không theo,
Những hạng người bất thiện,
Chỉ biết làm bạn thân,
Những người lành hiền thiện.
Những kẻ ác, bất thiện,
Dắt dẫn đến địa ngục,
Còn những kẻ tốt lành,
Ðạt đến cảnh thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

---------------
(1) http://www.newvietart.com/index4.763.html
http://www.diendan.songhuong.com.vn/archive/index.php/t-111.html
http://www.phapsu.blogtiengviet.net/2013/08/14/....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét