Ma tâm

Ma tâm

9/22/2017

A Di ĐA BỊ CHỬI OAN?!


Thật vậy! Ai không tin, xin mời đọc bài kinh “Thuyết Bổn”, số 66, Trung A Hàm (*) sẽ thấy có đoạn còn ghi rõ rành rành nguyên văn thế này:

“…Bấy giờ Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-di-đa rằng:

Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa? Vì sao như thế? Vì ngươi nghĩ rằng: Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân…”

Thế đấy, ông A-di-đa bị “quở” là ngu si có nghĩa là bị chửi chứ còn gì nữa! Nhưng tại sao lại bị chửi oan? Vì rằng, cũng trong bài kinh này, ở đoạn trước đó, chính “Bụt A Hàm” đã nêu vấn đề nói chuyện tương lai cho các Tỳ-kheo nghe, nhờ vậy ông A-di-đa mới có dịp nói theo để rồi bị mắng cho như thế. Nói A-di-đa bị chửi oan là đúng quá chứ sao!

Thế nhưng khốn nỗi, oái oăm hơn ở chỗ, chỉ vài dòng sau đó “Bụt A-hàm” lại vội “quên” ngay điều mình vừa mắng chửi, vẫn ấn chứng cho ông A-di-đa “điều ngu si” như vậy.

Chính mắt tôi thấy (trên giấy) thế này:

“Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-di-đa! Một thời gian lâu dài ở vị lai, ngươi sẽ làm vua hiệu là Loa, một vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu, đó là bảy báu. Ngươi sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân…” (Sđd)

Phải chăng “Bụt A-hàm” vừa mắng chửi ông A-di-đa xong, nhưng chợt nhớ lại chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhiều kiếp cũng làm Chuyển Luân Vương nên ngài bèn sửa sai, tái ấn chứng cho tôn giả A-di-đa? Hay “Bụt A Hàm” lại bắt chước mấy ông Bà-la-môn quái ác, muốn mượn gió bẻ măng xỏ xiên quở trách cả… Chuyển Luân Thánh Vương Gotama? Chuyện xách mé kiểu này, chẳng cần đắc Tha Tâm Thông cũng thừa sức hiểu!

Trong bài kinh (dị) trên cũng có nói đến tôn giả Di Lặc và chính vị này được “Bụt A-hàm” ấn chứng sẽ là Phật tương lai. Như vậy sau này “Bụt Đại thừa” có quên điều mình đã ấn chứng và lại tấn phong đặc cách cho tôn giả A-di-đa từ ông vua Chuyển Luân Vương hiệu là Loa trở thành Phật A-di-đà ở cõi Tây phương Cực lạc, chuyện này thật dễ hiểu. Cho nên rằng thì là những ai tu theo ông Bụt A-di-đà hãy ghi nhớ kỹ điều này để làm gương, cho dù mình có bị chửi là đồ ngu si cũng đừng ấm ức. Chẳng thế, người đời thường nói “Cha nào con nấy” hay “Cá mè một lứa” là gì?

Tất nhiên, các đệ tử Bụt A-di-đà có truy tầm trong vạn kiếp cũng không thể tìm ra những chứng cứ xác thực chứng minh vua Loa A-di-đa không phải là Bụt A-di-đà. Có chăng họ chỉ còn cách dựa vào cái dấu huyền (`) mong manh giữa “A-di-đa” và “A-di-đà” mà trong quá trình tam sao thất bổn rất dễ bị bỏ sót. Hoặc họ lại bắt chước các luận sư Bà-la-môn gián điệp, chế biến thêm những luận văn lươn lẹo để nguỵ biện cho những tà kiến của mình. Nhưng trước khi làm việc này, đề nghị các đệ tử A-di-đà Đại thừa hãy đọc kỹ lại bài “kinh Thuyết Bổn” để lý giải thêm nhiều phi lý khác nữa, nhờ đó sẽ có thêm trí tuệ để phát hiện ra những phi lý trong các kinh văn ngụy tạo mà mình đang tin tưởng.

Họ hãy suy nghĩ xem có vô lý không khi tôn giả Di Lặc cũng mong ước một lần tái sanh không khác gì A-di-đa, thế nhưng lại được “Bụt A Hàm” khen ngợi tán thán, trong khi A-di-đa lại bị chửi là đồ ngu si (?) Tất nhiên danh xưng Chuyển Luân Vương và Phật Toàn Giác hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng A-di-đa mong tái sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương “thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu” mà lại bị chửi là đồ ngu si! Quả thật nỗi oan của A-di-đa gấp ngàn lần nỗi oan Thị Kính!

Nguyên văn còn ghi rành rành như vầy “Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thánTôn giả Di-lặc rằng:

“– Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là lãnh đạo đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:  

“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu…” (Sđd)

Nghe thế, ông A-di-đa mà hỏi Bụt A Hàm: “Cũng như hồi đó Đức Thế Tôn từng nhiều lần là Chuyển Luân Vương thông minh trí tuệ, cớ sao ngài lại chửi con là đồ ngu si? Chẳng lẽ ngài tự quở trách ngài?”

Đến nước này “Bụt A Hàm” chỉ còn cách... che miệng cười thích thú, và làm bộ trang nghiêm y như... mấy tay luận sư gián điệp chống phá đạo Phật vậy!

Rõ ràng kiểu mắng chửi và khen ngợi hết sức phi lý của Bụt A Hàm chỉ có tác giả ngụy tạo ra bài kinh Thuyết Bổn mới chấp nhận nổi. Và cũng chỉ có những kẻ mê tín tin càn mới muốn tiếp tục ngụy biện cãi ngang cãi bướng.

Điều đặc biệt cần lưu ý: trong tạng Pali nguyên thủy cấp 1 không có bài kinh tương đương nào ngớ ngẩn như bài kinh này, và “kinh A Di Đa” A-hàm này còn có trước cả “kinh A Di Đà” Đại thừa nữa đấy!

Không có bản kinh tương đương trong kinh gốc và với một nội dung phi lý như trên đủ cho thấy bài “kinh Thuyết Bổn” hoàn toàn do người đời sau thêm vào. Với kẻ đã dám vung bút phóng tác bài “kinh” tào lao kiểu này, đương nhiên y còn sợ gì không dám hý hoáy thêm các “như vầy tôi nghe” khác. Đối với một người có trí tuệ, chỉ cần bấy nhiêu cũng quá đủ để phải cảnh giác tất cả các kinh văn xuất hiện sau này, kể cả những kinh như A-di-đà chẳng hạn.

Thật vậy, một khi những gián điệp Bà-la-môn muốn cố tâm phá hoại Phật pháp bằng một tà pháp khác, chuyện tạo tác ra một cõi Tây phương Tịnh độ cùng 48 đại nguyện của ông A-di-đà chẳng có gì là quá khó khăn đối với họ.

Như lịch sử tôn giáo đã từng chứng minh, cho dù là những điều phi lý, phi nhân quả, phản khoa học đến đâu chăng nữa, nhưng chỉ cần hấp dẫn và dễ dãi một chút, thì với một đức tin tôn giáo mù quáng, chúng vẫn được chấp nhận ngay tức khắc. Trong Phật giáo cũng vậy mà thôi. Thời đại mạt pháp hẳn phải có những “con cá” ngây thơ mạt vận, chỉ cần thấy bốn chữ “như vầy tôi nghe” cùng ba miếng mồi “tín – nguyện – hạnh” để được lên thiên đàng là tức khắc há miệng cắn câu ngay.

Lại nữa, việc vẽ ra một A-di-đà và cõi Tây phương Cực lạc đã không khó, thì chuyện bịa ra một ông Di Lặc với pháp hội Long Hoa tương lai cũng dễ như trở bàn tay. Có thể nói, việc tô vẽ thêm hình tượng Di Lặc nhằm xóa mờ hình ảnh Phật Thích Ca là một cuộc đảo chánh thô bỉ nhất và cũng bi hài nhất trong lịch sử tôn giáo.


Không đúng ư? Những ai phản đối nhận định trên hãy trả lời một câu hỏi đơn giản: hình ảnh Phật giáo sẽ như thế nào nếu tất cả các chúng đệ tử từ Pháp Chủ, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni, Sadi, Sadi ni, cho đến nam nữ cư sĩ đều nhất loạt noi theo gương ông giáo chủ Di Lặc vô tư phanh ngực - hở bụng - lòi rốn thoải mái trước mắt bàn dân thiên hạ?

Một đứa con nít tám tuổi chỉ cần tưởng tượng một chút cũng đủ biết cái “pháp hội mùa xuân Long hoa Đại thừa” ấy hấp dẫn, mê ly và… “trang nghiêm” đến như thế nào! 

Thế nhưng đứa con nít tám tuổi khôn ngoan có khi còn hiểu chuyện, chứ nhiều lúc những “hài nhi tóc bạc” ngây thơ vẫn hoàn ngây thơ, ngớ ngẩn vẫn hoàn ngớ ngẩn. Vì sao? Vì căn bệnh ngu si do tà tín cũng di truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ sau. Chính vì thế, đối với các lão nhi đồng này, dù có được các thiện trí thức khuyên dạy nhắc nhở, chắc gì họ đã chịu nghe.

Cho nên, ngay từ bây giờ, nếu không tỉnh giác tuệ tri thật giả, đúng sai, phải trái để chữa trị căn bệnh này tận gốc; thì dù tương lai có tái sanh bất kỳ nơi nào chăng nữa, ngu si vẫn hoàn ngu si, tà kiến vẫn hoàn tà kiến.

Suốt hơn hai ngàn năm qua, các kinh văn ngụy tạo cùng các hình tượng nham nhở vẫn tồn tại một cách chai lỳ là những chứng minh cụ thể cho nhận định nêu trên. Chính vì trong Đại thừa giáo đã tồn tại những bài kinh vô lý đầy mâu thuẫn và phơi bày thoải mái các hình tượng tín ngưỡng dung tục đến như thế, nhưng không một ai biết lên tiếng cảnh giác, không một người nào phân vân thắc mắc, cho nên người ta đã kháo nhau “Đại thừa giáo là ma túy của nhân loại”, thật chẳng có gì sai trái.

Đã đến lúc mọi người Phật tử phải ý thức rõ ràng kinh giả, kinh thật, Bụt giả, Phật thật, và đem những hình tượng ông Bụt “cứu nhân độ thế” bất chấp luật nhân quả hoặc phơi mình trần trụi thô lậu ra ngoài đạo Phật. Có như vậy Phật Pháp mới được xương minh đúng đắn, người Phật tử mới tránh khỏi khổ cảnh địa ngục vì tà kiến.

Trong Chánh Kinh Nguyên Thủy Pali, Đức Phật Thích Ca đã dạy rõ: “Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh” (S.iv,306).

“Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai” (Tăng Chi 1, chương 2, phẩm Người Ngu).

Những ai ngây thơ tin bậy các tổ sư Bà-la-môn gián điệp để rồi trở thành những kẻ vô tâm xuyên tạc Đức Thế Tôn, họ cần phải ghi nhớ thêm lời dạy này của Phật:

“Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất.

Cũng vậy, này Kassapa, Diệu pháp không biến mất, khi nào tượng pháp chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời Diệu pháp biến mất.

Này Kassapa, địa giới không làm Diệu pháp biến mất, thủy giới không làm Diệu pháp biến mất, hỏa giới không làm Diệu pháp biến mất, phong giới không làm Diệu pháp biến mất.

Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất” (Tương Ưng tập 2, trang 386).

Cũng vậy, Phật (thật) không biến mất khi nào “Bụt giả” chưa hiện ra đời; và khi nào “Bụt giả” ra đời, thời Phật (thật) biến mất. Chánh Kinh (thật) không biến mất khi nào tà kinh giả chưa hiện ra đời, và khi nào tà kinh giả ra đời, thời chánh Kinh (thật) phải biến mất. Vì sao? Vì chỉ có ác ngu si nên mới dựng ngụy diệt chân, mới tạo tà phá chánh. Và cũng vì thậm ngu si nên mới nghe sao tin vậy, không biết phân biệt đúng – sai, thật – giả, chánh – tà. Hai thứ ngu này cộng lại, Diệu pháp sống làm sao nổi?
Đã đến lúc si mê phải trả về cho si mê, “vàng” thật phải trả về cho Đạo Phật!

CƯ SĨ CỨU TINH
_______________________
(*) Hán dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm. Việt dịch & hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ.


XEM THÊM

http://phatgiaodoinay.blogspot.com/2016/04/dai-tin-nguyen-hanh.html
https://buthayma.blogspot.com.au/2017/09/thanh-kinh-adi-o-tinh.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét