Ma tâm

Ma tâm

9/27/2017

"BỒ TÁT NGHỊCH HẠNH" - TÊN GIÁN ĐIỆP NGUY HIỂM!


"BỒ TÁT NGHỊCH HẠNH" - TÊN GIÁN ĐIỆP NGUY HIỂM!

Hỏi: Trong kinh Nikāya, Đức Phật đã không ít lần khuyến cáo rằng Ngài không thấy bất kỳ một thiện pháp nào, dù nhỏ như đầu lông đuôi ngựa nơi Đề Bà Đạt Đa. Trong Tăng Chi tập II, trang 543, Ngài nhấn mạnh rằng, phạm năm pháp ngũ nghịch này, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị.
Lại nữa, trong Tăng Chi tập III, trang 251, Đức Thế Tôn xác định đây là nghiệp chướng không thể bước vào quyết định tánh trong các thiện phápNgay trong các truyện Tiền Thân gốc đáng tin cậy, qua nhiều tiền kiếp quá khứ Đề Bà Đạt Đa đều mang dã tâm muốn làm hại đức Bồ-tát, và đã bị quả báo tương xứng, nhưng vẫn ngoan cố chứng nào tật đó.
Nhưng sau này, khi xuất hiện trong các kinh Đại Thừa, hình như Bụt Đại Thừa đã “quên” hết điều đó, nên nhắc chuyện tiền kiếp trái ngược, phán rằng Đề Bà Đạt Đa là tiên nhân hiền trí đã dạy cả cho Bồ-tát. Không những thế, Bụt Đại Thừa còn ấn chứng cho Đề Bà Đạt Đa, sau này cũng sẽ thành Phật, hiệu là Thiện Nhân.
Tại sao có sự mâu thuẫn như vậy? Có nguy hiểm không khi một kẻ toàn gian, toàn ác, cố tâm hại Phật, hại Pháp, không muốn hồi thiện, nhưng cuối cùng cũng chứng đắc được quả vị tối cao của Đạo Phật?

! Luận sư LONG XÀ TỬ trả lờiĐiều này chứng tỏ lý thuyết của một triết gia là đúng: “Mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển”. Mặc dù trong thực tế có những mâu thuẫn là động lực cho sự hủy diệt, thế nhưng một đất nước, một đảng phái, một tôn giáo được phân hoá thành tám muôn bốn ngàn phe phái khác nhau, đây chính là sự phát triển từ những động lực của mâu thuẫn.
May mắn thay, so sánh với các Kinh điển Tiểu Thừa xưa cũ, có thể thấy rõ các kinh văn Đại Thừa phát triển sau này ẩn chứa đầy dẫy những mâu thuẫn lớn nhỏ như vậy.
Có một sự phát triển cao siêu của kinh Đại Thừa mà mọi người cần thấu hiểu, đó là từ sự kiện ngài Đề Bà Đạt Đa cũng được thành Phật đã cho chúng ta một nhận định vô cùng quan trọng: dù làm hung tạo ác cực kỳ thế nào chăng nữa, cuối cùng cũng vẫn nhập được Niết-bàn.
Theo tinh thần Đại Thừa, có thể rút ra nhận định: hai đường thẳng song song dù có đối nghịch nhau nhưng rốt cuộc cũng quy về một điểm không khác biệt. Cực thiện cũng thành Phật, nhưng cực ác thì cũng đắc Niết-bàn. Đường nào cũng đến La-mã!
Cho nên, thật công bằng khi các chùa Đại giáo phát triển của mình thờ cả ông Thiện và ông Ác. Tôi đề nghị nên thờ cả hình ngài Đề Bà Đạt Đa, Tần Thuỷ Hoàng, Hitler, Pôn-pốt để nhắc nhở thường xuyên mọi người nên biết “vô phân biệt” theo tinh thần cùng một cỗ xe nhất thừa Pháp Hoa: “chúng sanh đồng Phật tánh”, cũng như tinh thần “không dơ, không sạch, không ngu, không trí” của Bát Nhã Tâm Kinh, và “không thiện, không ác” của Lục Tổ Huệ Năng.
Có “vô phân biệt” như thế mới tạo một cú hích mạnh mẽ cho những kẻ còn muốn cố chấp vào Nhị thừa để họ được sáng mắt, không còn bày đặt đòi phân biệt thiện - ác, tốt - xấu, chánh - tà, đúng - sai nữa. Rõ là lắm chuyện!
Nhờ có các Tổ sư gốc Bà-la-môn kết tập các kinh điển Đại Thừa cao siêu sau này mà chúng ta mới biết được thêm có những đạo lộ “vô phân biệt” thâm sâu, rốt ráo như vậy. Nhờ có các Bồ-tát Đại thừa nghịch hạnh mới giúp những kẻ làm ác cứ vững tâm với lý tưởng nghịch hạnh của mình.
Ơn của các ngài luận sư Bà-la-môn nói sao cho xiết! Nó cao hơn cả gió mây, sâu hơn cả địa ngục. Hy hữu lắm, may mắn lắm mới thọ trì được các kinh như vậy, không phải dễ đâu. Xin ai đó chớ coi thường, kẻo lại mang tiếng vô ơn trước tấm lòng vì đạo Phật của các ngài luận sư Bà-la-môn vĩ đại!
{
] TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG trả lời: Không có gì mâu thuẫn nếu biết nhìn dưới góc độ... tiểu thuyết viễn tưởng.
Theo tinh thần giáo lý Đại Thừa phát triển, do các tu sĩ gốc Bà-la-môn kết tập và xiển dương, thành Phật có khó gì đâu: chỉ cần buông đao lập địa là thành Phật ngay thôi. “Đức Phật” trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân còn phong cho cả con khỉ Tôn Ngộ Không được làm Đấu Chiến Thắng Phật nữa kia.
Cho nên việc Đề Bà Đạt Đa trong kinh văn Đại Thừa sẽ thành Phật là chuyện nhỏ, nhỏ như lỗ thủng trên đáy thuyền vậy mà! Hẳn mọi người đều biết, “Phật Đại Thừa” đã từng tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Cho nên trong kinh Kim Cang, đoạn 28, nói có tới “tám trăm bốn ngàn vạn ức trăm triệu chư Phật như lai” nữa đấy.
Phàm điều gì chỉ có một, duy nhất một mới quý; nhiều như cát sa mạc thì còn quý báu, giá trị gì nữa kia chứ? Trong kinh văn gốc Nikāya, trước sau chỉ có sáu vị Phật quá khứ và trong kiếp trái đất hiện tại chỉ có duy nhất Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Những câu cuối cùng trong Kinh Đại Bát Niết Bàn còn ghi rõ:
Khó thay sự chiêm ngưỡng.
Tôn nhan bậc Như Lai.
Trải nhiều nhiều trăm kiếp,
May lắm được một phần.”
“Trải nhiều nhiều trăm kiếp, may lắm được một lần”, và từ vô thủy vô chung trong dòng luân hồi sanh tử, trước sau, chỉ có bảy Đức Như Lai, rõ ràng danh xưng Phật hy hữu biết chừng nào!
Thế nhưng, trái với tinh thần kinh điển Nikāya, trong Phật giáo cải biến lại có đến hàng trăm triệu Phật Như Lai, điều này đương nhiên phải dẫn tới hệ quả: trong thế giới “Đại giáo thừa” đã, đang và sẽ còn xuất hiện hằng hà sa số Phật sống, Phật chết, Phật mẫu, Phật gia, Phật nhi đồng, Tiểu Phật vv.. và vv … nhiều đến phát ngán.
Có như vậy những người sung sướng nhất chắc chắn phải là các luận sư gốc Bà-la-môn kết tập kinh văn Đại Thừa. Hẳn là họ đang ngậm cười nơi “sâu hơn địa ngục”, vì biết rằng củ cà rốt “chúng sanh đều là Phật” của họ cũng đã dụ được một mớ các con lừa tin theo!
Đọc và tin theo các tiểu thuyết viễn tưởng như vậy rõ ràng dễ dàng hơn đọc kinh điển Nguyên Thủy của Phật - một bộ kinh vi diệu - phải giữ gìn giới hạnh thanh tịnh mới hiểu được.
Đối với một người có trí tuệ thực sự chỉ có thể nghĩ như sau “Như Lai là Phật đã thành, các Phật tử là bốn Thánh chúng sẽ thành”. Được như thế thôi cũng là phước chín mươi mốt đời của người đệ tử Phật rồi.
Đợi cho trái đất này không còn nữa và một trái đất khác hình thành, lúc ấy may ra mới có một Đức Phật khác ra đời giáo hoá chúng sanh. Còn trong kiếp trái đất này, nếu ai đó nghe theo lời xúi dại, muốn leo cao làm “Phật sống” để rồi bị té đau chết xuống địa ngục thì cứ việc. 
Trong kinh điển Nikāya, không những Devadatta phạm đại nghịch tội lăn đá làm Phật chảy máu mà còn phạm tám phi diệu pháp:
Do bị tám phi diệu pháp chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đọa xứ, địa ngục sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Này các Tỷ-kheo, bị không lợi dưỡng chinh phục,... bị danh vọng chinh phục... bị không danh vọng chinh phục... bị cung kính chinh phục... bị không cung kính chinh phục... bị ác dục chinh phục... bị ác bằng hữu chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi” (Tăng Chi 3, bài kinh “Devadatta”, trang 502).
Thêm vào đó, trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy còn ghi rõ:
“Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây, không thể cứu chữa.
Thế nào là ba?
Bị chinh phục bởi ác dục, với tâm bị ác dục xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đoạ xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa.
Bị chinh phục bởi ác bằng hữu, với tâm bị ác bằng hữu xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa.
Dầu cho còn có những thượng pháp cần phải làm, do đạt được những chứng đắc đặc biệt, nhưng chỉ có giá trị tầm thường, Devadatta đã dừng lại giữa đường.
Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp này, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa (It. 85, Tiểu Bộ 1, tr. 413)
Do đó nếu ai còn tin theo các luận sư gốc Bà-la-môn cho rằng Devadatta sẽ có quả báo trái ngược với điều tuyên bố nêu trên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thời người ấy thuộc một trong hai hạng đệ tử sau đây: hoặc là mới vào đạo chưa hiểu biết gì, hoặc có tuổi hạ cao nhưng lại ngu si, thiếu thông minh như trong bài kinh “Lời Cảm Hứng” Tăng Chi tập 3, Chương 6, trang 198, Đức Thế Tôn đã khẳng định:
“- Này Ānanda, hoặc Tỷ-kheo ấy là vị tân nhập, xuất gia chưa được bao lâu, hay vị ấy là Tỷ-kheo trưởng lão ngu si, không thông minh. Làm sao khi Ta đã tuyên bố một chiều, ở đây lại có thể có trường hợp thứ hai được?
Ta không thể thấy về một người nào khác, này Ānanda, sau khi tập trung tất cả tâm, Ta đã tuyên bố như vậy, trừ với Devadatta!
Cho đến khi nào, này Ānanda, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được".
Cho đến khi nào, này Ānanda, Ta không thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Davadatta, cho nên Ta đã tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được".
Ví như, này Ānanda, một hố phân cao hơn đầu người, đầy cả phân, và một người rơi vào hố phân cho đến cả đầu. Rồi một người khác đi đến, muốn lợi ích, muốn hạnh phúc, muốn người ấy an ổn khỏi các khổ ách, muốn kéo người ấy ra khỏi hố phân ấy. Người này đi vòng quanh hố phân và không thấy cho đến một điểm nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở người ấy mà không bị dính phân, để có thể nắm lấy chỗ ấy và kéo lên.
Cũng vậy, này Ānanda, cho đến khi nào, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được". Nếu thầy muốn nghe, này Ānanda, Như Lai sẽ phân tích về căn trí của con người”.
Nếu ai đó còn nghi vấn, không biết phân biệt sự khác nhau hoàn toàn giữa trường hợp của Ngài Angulimala và Devadatta, hãy đọc hết bài kinh trên để nghe Đức Phật phân tích về sáu căn trí con người và bài kinh Angulimala, số 86, Trung Bộ 2, để hiểu thêm thế nào là sáu chữ “Như Lai tuyên bố một chiều” về trường hợp của Devadatta.
Rõ ràng “trường hợp thứ hai”, hoàn toàn trái ngược của Devadatta, đã xảy ra trong kinh Đại Thừa thì chỉ có tài năng thêu dệt tầm cỡ như Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký mới làm nổi; hoặc nếu không cũng ngang tài với chú Cuội ngồi gốc cây đa mới dám to gan hứa “lèo” như thế.
Tuy vậy, cả hai đều phải thua xa tài nghệ của những tay gián điệp sừng sỏ, muốn phá hoại Đạo Phật ngay từ bên trong. Bởi lẽ họ còn biết bao những thủ đoạn tương tự như vậy, thế nhưng qua hàng ngàn năm vẫn không bị phát hiện.
Tất nhiên sẽ có những ngụy biện về vấn đề một kiếp, hai kiếp, “chúng sanh đồng Phật tánh”… nhưng ở đây, lý do để “Bụt Đại Thừa” ấn chứng cho Devadatta, một đại biểu tượng cho cái ác toàn diện, cho ý chí ám hại Phật Tổ, phá hoại Phật Pháp, phá hoà hợp Tăng cũng được thành Phật, như một tấm gương để người hậu thế noi theo, thì chỉ có một tân sa di ngây thơ hoặc một trưởng lão ngu si, thiếu thông minh mới không hiểu nguyên nhân vì sao.
Đến đây lại phải nhắc lại lời tiên tri siêu việt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni “Khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu Pháp biến mất” (Tương Ưng Bộ 2). Cũng vậy, trần gian đã có những kẻ ngu xuất hiện, chính họ mới xiển dương cho cái ác, bao che cho cái ác; và đó chính là một tội ác, một ác tội góp phần làm Diệu Pháp biến mất.
Theo HỘI LUẬN PHẬT PHÁP
----------------------
Xem thêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét