Ma tâm

Ma tâm

9/18/2017

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, món ăn và văn bản



KHỔ HẠNH LÀ HÀNH KHỔ
Hiện nay tại nhiều nơi một số Phật tử vẫn còn khoe nhau đốt đầu, thậm chí có giáo phái còn sách tấn nhau chặt ngón tay thọ giới. Họ cho sự khổ hạnh như vậy để cúng dường chư Phật (sic). Đức Phật có chủ trương khổ hạnh hại thân như vậy không? Các trích dẫn chánh Kinh dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi này.
] Trích ‘Ðại Kinh Sư Tử HốngMN 12
“... Này Sariputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.
Này Sariputta, ở đây, khổ hạnh của Ta như sau: …. (xin xem trong chnh kinh) ...
Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ. Chính Thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Từ hơn hai mươi sáu thế kỷ trước, Đức Thế Tôn đã tự thân minh chứng Ngài đã khổ hạnh bậc nhất, bần uế bậc nhất, yếm ly bậc nhất, độc cư bậc nhất, thế nhưng Ngài vẫn không đi đến giải thoát bậc nhất.
Ấy thế mà những người đời sau đi theo Ngài nhưng không nghe theo lời Ngài, lại tin theo người ngoài để rồi chặt tay, đâm chân, đốt thân, hành xác... để rồi tất cả cũng chẳng được gì ngoài khổ đau chồng chất. Vì sao? “Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ”.
Vậy với phương tiện gì, với Thánh trí tuệ nào mới giúp con người đi tới giải thoát tối thượng, đoạn diệt hoàn toàn khổ đau. Trước khi trả lời câu hỏi này hãy đọc thêm một trích đoạn nữa để cùng khẳng định với nhau rằng khổ hạnh chặt tay, đâm chân, đốt thân, hành xác chỉ là lối hành khổ phi pháp phi mục đích.
] Trích ‘Ðại Kinh Saccaka’, MN 36
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Thuở xưa có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa.
Về tương lai, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa.
Trong hiện tại, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa.
Nhưng Ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?"
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Rõ ràng Đức Thế Tôn đã trải qua những khổ hạnh tối thượng, khổ hạnh hơn bất kỳ khổ hạnh nào trong quá khứ, hiện tại và đời sau; để rồi Ngài cất tiếng rống sư tử dạy chúng ta rằng con đường khổ hạnh hại mình hại người chỉ là tà đạo tà kiến, không đi tới giải thoát tối thượng.
Vậy con đường nào, đạo lộ nào đã giúp Đức Bồ-tát đi tới giác ngộ Niết Bàn và chỉ dạy cho chúng ta?
Suốt 45 năm thuyết pháp, trước sau như một, Đức Thế Tôn chỉ dạy con đường duy nhất để đoạn diệt mọi khổ đau, thành tựu chánh trí, đạt an vui Niết Bàn. Đó là con đường Trung Đạo tức Tám Chánh Đạo, tức Đạo Đế, tức Chân Lý Về Con Đường Diệt Khổ. Trích đoạn bài kinh dưới đây là chứng minh điển hình
] Trích Kinh Như Lai Thuyết (1) (S.v,420)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
-- Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích.
Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là Con Đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Quan sát tất cả các tông phái Phật giáo ngày nay, chúng ta có thể thấy rõ phần lớn đều sa vào một trong hai cực đoan sai lầm.
Một là chạy theo lối phá chấp buông tuồng phóng dật, theo kiểu ‘đói thì ăn, mệt ngủ liền’, hoặc đua nhau xây chùa vua vườn chúa, sắm xe hơi, máy lạnh, kinh doanh lợi nhuận v.v...
Hai là lối khổ hạnh phi lý như đốt đầu, chặt ngón tay, nhịn ăn, hành xác v.v...
Ngay từ hai mươi sáu thế kỷ trước, Đức Thế Tôn đã khuyến cáo rất nhiều về điều này, thế nhưng xem ra con Phật nhưng không nghe theo lời Phật mà theo lời thầy tổ.
Mặc dù ai cũng biết Đạo Phật có Tám Chánh Đạo nhưng hiểu cho đúng với định nghĩa của Đức Thế Tôn thì chưa chắc.
Cụ thể Phật dạy Chánh Tinh Tấn là Bốn Chánh Cần, nhưng hiểu thế nào là ‘ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện’ và vì sao Bốn Chánh Cần là ‘Định tư cụ’ tức dụng cụ nhập định thì không phải ai cũng rõ.
Trong khi Phật dạy Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, nhưng không phải ai cũng chỉ rõ thế nào là quán thân trên thân, và quán thân gì trên thân gì? Thế nào là quán thọ trên thọ, và quán thọ gì trên thọ gì? Thế nào là quán tâm trên tâm, và quán tâm gì trên tâm gì? Thế nào là quán pháp trên pháp, và quán pháp gì trên pháp gì?
Trong khi Phật dạy Chánh Định là Bốn Thiền  Bốn Thánh Định, nhưng có ai theo đúng lời Phật dạy về thiền định của Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền như trong Thánh kinh Nikaya và Thánh luật Patimokkha. Tất cả chỉ còn biết theo lời dạy chủ quan của vị thầy tổ.
Mạnh phái nào tu theo phái đó, tất cả quay lưng với Con đường Chân lý duy nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Mọi người chỉ còn biết tinh tấn phá chấp, hoặc tinh tấn hủy thân đốt đầu, hoặc tinh tấn niệm Bụt A-di-đà, niệm chú Úm ma ni, hoặc tinh tấn tri vọng tâm, tham công án, phồng xẹp giở bước đạp...
Mong rằng với các trích dẫn lời Phật dạy nêu trên đủ giúp cho những người con Phật hiểu đâu là chánh tinh tấn, đâu là tà tinh tấn, đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, đâu là khổ hạnh phi pháp phi mục đích, đâu là hỷ lạc an vui giải thoát Niết Bàn trong hiện tại lẫn tương lai.
THÍCH KHINH AN
Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét