Ma tâm

Ma tâm

2/08/2016

Chân ngôn Bà-la-môn


Cư sĩ áo nâu mở cuốn kinh Dược sư của Đại giáo thừa, hỏi Cư sĩ áo vàng:
_ Này huynh, ngay phần đầu kinh này có câu chân ngôn làm sạch ngoại cảnh phải đọc tới 21 lần “Án lam sa ha”. Nó có nghĩa là gì và tại sao lại như thế?
_ Án là vụ án. Lam là màu xanh. Sa là rơi xuống. Ha là tiếng cười. “Án lam sa ha” có nghĩa là vụ án màu xanh rơi xuống tiếng cười.
_ Tôi chẳng hiểu gì cả!
_ Tôi cũng thế, và đó chính là ý nghĩa của chân ngôn thần chú.
_ Nhưng tại sao phải làm thế?
_ Vì Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã dạy:“Do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú để đoạn diệt khổ này” (1).
_ Vậy những người tụng chú “Dược sư” tâm bị trói buộc bởi điều gì?
Bởi điểm tựa của truyền thống: “Ðối với Bà-la-môn, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, chú thuật là điểm tựa, tế tự là xu hướng, cứu cánh là Phạm thiên giới…” (2)
_ Thế ai là cha đẻ thực sự của chú thuật “Dược sư”? Và những người tin chân ngôn thần chú “Dược sư” là ai?
_ Phật Thích Ca đã chỉ rõ: “Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú và nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng đã hát lên, nói lên giống như các vị trước đã làm…Ví như này, Bharadvaja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy (ngoại cảnh có sạch không? BY); cũng vậy, này Bharadvaja, Ta nghĩ rằng, lời nói của các Bà-la-môn cũng giống như chuỗi người mù: người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bharadvaja, Ông nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị Bà-la-môn trở thành không có căn cứ?” (3)
_ Thì ra là như thế! Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Bà-la-môn!
Bạch Y
__________________________
(1) Kinh Tăng Chi tập 3, trang 220
(2) Kinh Tăng Chi tập 3, trang 138
(3) Kinh Canki, Trung Bộ 2. Lưu ý thêm: bài Kinh này đã bị thủ tiêu hoàn toàn trong hệ thống kinh A Hàm cấp 2 phổ biến ở phương Bắc.
-- Chú thích: Trong phần khai kinh Dược sư còn có câu chân ngôn làm sạch thân miệng ý phải đọc bảy lần: “Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám”. Nếu những ai tín tâm nhắm mắt đọc chân ngôn thần chú này bảy ngàn lần vẫn không thấy thân miệng ý sạch sẽ, hãy mở to mắt và nghiền ngẫm các đoạn kinh Nguyên thủy đã trích dẫn ở trên một lần nữa, may ra sẽ hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét