Ma tâm

Ma tâm

1/05/2018

SỰ TÍCH HAI NHỤC KẾ


Ngay từ thuở xa xưa loài bò đã được xếp vào loại thiện thú vì bản tánh hiền lành của chúng. Trong số đó, Bò Vàng vốn nổi tiếng hơn cả nhờ hạnh tu tinh cần của mình. Thế nhưng, chẳng có ai biết được tâm sự riêng của nó. Năm tháng cứ thoi đưa, nỗi buồn riêng vẫn ở lại, Bò Vàng càng lúc càng trở nên trầm tư sầu muộn. Đến nỗi giờ đây ngay cả chuyện ăn uống chay tịnh, vốn là giới hạnh ham thích và rất đỗi tự hào của mình, chàng Ngưu cũng ra chiều chán nản.
Không buồn sao được. Mười lần cả mười, khi nhớ đến các kiếp trước, Vàng đều thấy mình kiếp nào cũng ăn ngay ở lành, không hề làm hung tạo ác, một lòng tu hành nghiêm chỉnh, vậy mà nó cứ bị tái sanh đi tái sanh lại làm bò chứ nhất định không được làm người. Hỏi sao không sầu? Nghĩ sao không chán?
“Nhưng tại sao thế nhỉ? Chẳng lẽ ông Trời lại không có mắt?” Thắc mắc mãi không thôi, nghi vấn vẫn hoàn nghi vấn. Cuối cùng Bò Vàng đi đến quyết định táo bạo bất ngờ: “Thôi được, kỳ này mình phải lên tận thiên đình, gặp chính Ngọc Hoàng hỏi cho ra lẽ”. Nghĩ sao làm vậy, Bò Vàng liền so vai gượng mình đứng dậy, nhắm mắt lâm râm niệm mấy câu thần chú linh thiêng của tổ tiên nhà bò “Úm Ma Ni Xì Cù Lì Lỗ Tai Trâu”, phút chốc hồn lìa khỏi xác bay vút lên tận cung trời cao nhất.
Quỳ mọp trước bệ rồng, Bò Vàng cúc cung trình tấu:
_ Muôn tâu Thượng Đế, đã bao nhiêu kiếp con cố công tu hành nhưng sao vẫn không được làm người?
_ Ngươi tu hành như thế nào? Thượng Đế hỏi.
_ Dạ, suốt đời con chỉ quyết một lòng khổ hạnh ăn chay nằm đất, luật nghi thanh tịnh mà thôi!
Thượng Đế phì cười:
_ Hừ, ngươi xem, có con bò nào lại không tự hành khổ mình, không ăn chay, không nằm đất? Có đứa nào hiểu giới luật nào đúng, giới luật nào sai?
_ Thưa, hiểu biết làm gì cho động não. Con chỉ cần tinh tấn hành thiền, tự tại thõng đuôi ngoài ruộng là đủ.
_ Ngươi hành thiền gì?
_ Thưa, đói đến con cứ nhai, trời tối con ngủ liền, có gì phải hỏi.
_ Ngươi coi, có con bò nào lại không biết đói thì ăn, mệt ngủ khì? Tất cả chúng nó có hỏi han gì đâu?
_ Nhưng chỉ có con là tỉnh giác, không mê.
_ Này, chớ có chủ quan! Các con bò khác cũng giác tỉnh đấy chứ. Ngươi húc chúng biết la, ngươi đạp chúng biết chạy, chứ có con nào mê đâu?
_ Nhưng chỉ có con mới biết buông bỏ vọng tưởng, không phân biệt gì cả.
_ Ủa, thì các con bò khác có suy nghĩ, có vọng tưởng gì đâu? Chúng có biết phân biệt bê con hay bò mẹ, cỏ dại với lúa trồng thế nào? Không tin, ngươi quay lại nhìn chúng xem.
Bò Vàng vẫn gân cổ bướng bỉnh:
_ Nhưng duy nhất chỉ có mình con là đạt được tối thượng vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng!
Đến đây Thượng Đế cũng không còn bình tĩnh được nữa, hai tay ôm đầu hét lớn:
_ Trời ơi, muốn điên với ngươi luôn! Ta từ khi làm Ngọc Hoàng tới giờ có thấy con bò nào có niệm, có trụ, có tu, có chứng?
Bò Vàng giật thót cả người, hai mắt tròn xoe kinh hãi “Chết thật, đến Ngọc Hoàng còn phải kêu “Trời”! Chắc lại có chuyện nổ trời “big bang” gì đây?“. Bò Vàng suy nghĩ mãi không ra, chỉ một mực lắc đầu ngoạy đuôi ấm ức. Cuối cùng, không biết tính sao, nó đành dậm chân “giận cá chém thớt”:
_ Thưa, còn lũ vượn cổ kia, chúng cứ ăn thịt ngoen ngoẻn nhưng sao vẫn được tiến hóa làm người?
Thượng Đế gằn từng tiếng:
_ Này, ngươi cứ so đo với kẻ khác là đã phân biệt quá cha rồi còn gì, vô phân biệt ở chỗ nào? Bọn chúng chỉ ăn thịt chết, đã nấu chín. Chúng cũng không tự giết hoặc khuyến khích kẻ khác giết. Không có thịt chúng vẫn vui vẻ gặm hoa quả kia mà. Ăn như vậy không có nghĩa là sát sanh. Các ngươi chớ cố tâm phỉ báng kẻ khác bằng cách áp đặt vu cáo, như vậy là không tốt. Trong khi đó, ngươi cứ vô tư nhai nuốt vô số các chúng sanh li ti trong rau cỏ và nước uống, công bằng mà tính, ngươi hại mạng nhiều hơn chúng đó. Chớ có trách bừa người khác. Không khéo những đứa nô tỳ của ta lại gọi ngươi là thứ đạo đức giả nữa đấy. Cứ thế, hai bên cãi nhau rồi thưa tới kiện lui, ta mệt lắm!
_ Muôn tâu, con không dám vậy. Nhưng các sinh vật kia chúng nhỏ quá. Con không thấy, không nghe, không biết thưa ngài.
_ Chính vì thế nếu không áp dụng luật “không thấy, không nghe, không nghi”, thì chính các ngươi là những đao-phủ-ăn-chay đấy! Giới có giới đúng giới sai, giới tà giới chánh; không biết phân biệt cho đúng, chấp thủ cả những giới tà vạy, chư Phật gọi là “giới cấm thủ” đó! Các ngươi chớ vội kiêu ngạo, chớ vội phỉ báng kẻ khác ăn thịt là không biết tu hành, là ngu như... bê bú bình để rồi khẩu nghiệp chuyển qua thân nghiệp. Mà “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Bò Vàng rúm đầu rụt cổ, liếm môi liếm mép, đung đưa hai hàm răng chạy tội:
_ Dạ, chỉ có mấy lũ bò tót hung hăng, thiếu hiểu biết mới húc bừa như thế. Lần này trở về con sẽ dạy lại chúng nó.
_ Hãy dạy thêm bọn chúng: lũ vượn cổ biết miếng thịt nào nên ăn, miếng thịt nào không nên ăn, như vậy là chúng đã có trí tuệ một bước. Chúng còn biết ăn đúng thời hợp lý, không ăn phi thời, đó là đã biết kềm thúc bản năng. Không có trí tuệ, không biết làm chủ bản năng, dù các ngươi có ăn chay đến mòn cả răng, văng cả lưỡi cũng không được làm người. Hiểu chưa! Mà có được làm người cũng phải thối lui đọa xứ vì tà kiến. Hiểu không!
Nghe tiếng quát cuối cùng của Ngọc Hoàng, Bò Vàng giật bắn cả người, hai mắt trợn tròn tỉnh giấc mơ say. Ừ nhỉ, bấy lâu nay nó chỉ biết cắm đầu cắm cổ ăn. Đứng cũng ăn, nằm cũng ăn, ngoài đồng cũng nhai, trong chuồng cũng nuốt; sáng, trưa, chiều, tối, bất kể giờ giấc, vô tư vô niệm. Hóa ra, bấy lâu nay nó chỉ chạy theo bản năng để sống chứ chẳng tu, chẳng chứng gì cả. Thói thường ở đời cứ thấy ai ăn uống rau cỏ kham khổ một chút liền cho rằng kẻ ấy có tu, có hạnh. Thực ra đâu có đơn giản như vậy. Nói nào ngay, thật xấu hổ, vì cả đám trâu, lừa, dê, ngựa chúng cũng ăn chay trường suốt đời như nó, nhưng đứa nào đứa nấy cứ hễ gặp nhau là lồng cả lên rồi đẻ sồn sồn chứ có bớt được đâu.
Thôi chết rồi! Vô minh là tàn cả một đời. Ái dục là tiêu luôn nhiều kiếp. Mà khốn thay, những sợi dây oan nghiệt này đâu phải đơn giản chỉ có chuyện ăn chay hay ăn mặn là chặt đứt được. Vậy mà từ hồi nào đến giờ nó vẫn không hiểu ra. Đã thế, không ít lần nó cứ dựa vào đây để lên giọng dạy đời, chửi toang thiên hạ. Chẳng trách chi lũ vượn cổ cứ gọi nó là thứ chỉ có “trí tuệ ngang tầm bao tử”.
Mới nghĩ đến đấy, Bò Vàng đã phải ngỡ ngàng bẽ bàng thảng thốt. Trên cái đầu bóng láng trụi lủi của nó, mồ hôi toát ra tuôn xuống như mưa. Không thể nào ngờ được cơ sự lại như vậy, Bò Vàng đứng sững như trời trồng khóc than thảm thiết.
Đợi cho Bò Vàng nguôi cơn thống hối, Thượng Đế liền an ủi:
_ Thôi, đừng tức mình nữa, thà trễ còn hơn không. Giờ đây ngươi đã biết như vậy rồi, thì hãy ráng chuyển hóa cho hợp với đạo trời, thuận theo nhân thế. Không bao lâu ngươi cũng sẽ được tiến hóa làm người mà thôi. À, để thưởng công ngươi bấy lâu cũng biết cố công tu tập thiền định, nay Ta ban cho ngươi có tới hai nhục kế để làm báu vật gia truyền, tha hồ khoe khoang với hàng xóm láng giềng.
Bò Vàng mừng vui tỉnh hẳn cả người thôi không khóc lóc, vội vàng sụp xuống lạy tạ Ngọc Hoàng rồi từ giã lui ra. Từ đó, gặp bất kỳ ai, Bò Vàng cũng cúi đầu, dụi tới dụi lui để khoe hai món quà Thượng Đế đã ban tặng để ghi công thiền định của nó. Riết rồi hai nhục kế phải cong lại, cứng ra và nhọn hoắt. Người đời sau không biết đến sự tích này nên mới gọi nó là hai cái sừng (2)
Nam Tào
___________________
Ghi chú:

(1) Nhục kế: khối thịt u trên đỉnh đầu, nhiều người tin rằng do công phu thiền định mà có.

(2)  Nếu các tín đồ Đại giáo thừa nào bấy lâu nay vì ăn chay nên tỏ ra khinh thường, phỉ báng những người ăn Tam tịnh nhục, đọc xong câu chuyện trên mà cảm thấy bị đụng chạm, đó là do các vị này mới chỉ bắt chước Đại thừa về phần miệng lưỡi, chứ chưa đủ trí tuệ để thấu hiểu giáo lý cao siêu của Đại thừa.
Thật vậy! Những vị này đã:
- Không thấu lẽ “chúng sanh đồng Phật tánh” trong kinh Pháp hoa. Theo đó, chúng sanh trong ba cõi sáu loài, cho dù là bò, người hay ma quỷ cũng đều bình đẳng, đồng thể tánh chơn như bổn thị. Đã dám chấp nhận chúng sanh đồng bổn tánh, còn chấp trước phân biệt “ta - bò” làm gì?
- Không biết noi theo gương Bồ-tát Phổ hiền trong kinh Hoa Nghiêm. Chính ngài đã phát đại nguyện thứ chín thế này: “…cho đến tất cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán cho đến như thờ Như lai, đồng đẳng không có gì khác cả.” (Phẩm “Hạnh nguyện Phổ hiền”, bản dịch của HT Thích Trí Quang). Rõ ràng những người Bà-la-môn ở Ấn Độ ngày nay vẫn còn biết vâng lời Bồ-tát Phổ hiền, thờ bò y như vậy. Chẳng lẽ các đệ tử Đại thừa lại thua kém họ?
- Không ngộ lý kinh Kim Cang, còn cố chấp phân biệt, không biết vô phân biệt “ta, người, chúng sanh, thọ giả”. Huệ Năng ngộ được lý này, đến thiện – ác ngài còn không phân biệt huống hồ “bò và ta”. Hãy nương theo trí tuệ Lục Tổ để nhận thức cái bản lai diện mục của ta, ngài và các chúng sanh khác như bò, heo, ma, quỷ… đều như nhau cả.
- Không biết noi gương tổ sư Lâm Tế, vì chính vị thiền sư này đã dám vô phân biệt đến cả Bụt và cục… khô.
- Không biết liễu ngộ ý chỉ của thiền sư Triệu Châu khi ngài không muốn phân biệt rạch ròi giữa “Bụt” và “cầy”. Theo đây, nếu ai đó vô phân biệt các ngài với các chúng sanh khác, với các cục… ướt khác, chắc hẳn các ngài vẫn tự tại vô ngại, thỏng tay vào chợ, cười khì một tiếng là xong. Các Tổ đã nêu gương vô phân biệt cạn tàu ráo máng đến như vậy, những ai tôn thờ các ngài còn bày đặt phân biệt chấp trước “người – bò” làm gì cho khổ!
- Không nhập vào được tòa "Đại lâu các Trang Nghiêm tạng" (Vairochana Vyùha Alankara-garbha) của kinh Hoa Nghiêm: "Đại lâu các này là trú xứ của những ai đã hiểu ý nghĩa Không, Vô tướng và Vô nguyện, của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết thảy các pháp vốn là vô sinh. Đây là trú xứ, nơi thường thích ở đối với những ai biết rằng hết thảy các pháp đều không tự tánh, những ai không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào...” (Theo “Phật Học Khái Luận”, Chương II, Phần IV. Hoa Nghiêm và Duyên Khởi, HT Thích Chơn Thiện. Nguồn: Thiền luận, D.T. Suzuki, cuốn Hạ, Tuệ Sỹ dịch, tr.173).
Kinh đại thừa đã dạy rành rành “hết thảy các pháp là vô phân biệt”, “pháp giới vốn là vô sai biệt”, “không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào”; vậy sao đệ tử Đại thừa còn cố chấp phân biệt tướng bò - tướng người, pháp chay - pháp mặn, giới rau - giới thịt làm chi cho mệt?
- Không noi theo hạnh nguyện của Bụt A Di Đà. Chính ngài đã phát đại nguyện: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp” (nguyện thứ 18). Theo đây, dù những kẻ diệt chủng, loạn luân dâm ác, cướp của giết người... tội lớn như thế còn được ngài A Di Đà “vô phân biệt” tiếp rước. Thử hỏi những kẻ không phạm tội ngũ nghịch, không huỷ báng Chánh Pháp, chỉ có tội nghe theo Kinh - Luật nguyên thuỷ ăn “Tam tịnh nhục”, như thế có gì là quá đáng mà những vị “chấp chay” lại lớn tiếng mạt sát họ?
- Không hiểu được ý nghĩa thâm sâu (sâu đến tận cùng thế giới) của chương thứ 11, “Kinh 42 chương” do các tổ sư gốc Bà-la-môn truyền trao: “Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn”. Rõ ràng các trưởng lão đại thừa nhờ ăn chay nên đã đạt được “vô niệm, vô trụ” đến tận cùng, bởi thế các ngài mới vô tư truyền dạy nhau cuốn kinh này qua hàng bao thế hệ. Chẳng lẽ giờ đây con cháu của các ngài lại bày đặt có niệm, có trụ, có tu, có chứng để phân biệt ta – bò, chay – mặn?
- Không thực hành theo luận Bửu Vương Tam Muội: “Oan ức không cần biện bạch”. Dù mình bị người khác nghĩ sai, oan uổng đến đâu cũng chẳng cần phải lên tiếng thanh minh biện hộ làm gì cho trái với luận Tam Muội Bửu Vương.
Tóm lại chỉ có im lặng là vàng, là thấu triệt “triết lý tam vô” - có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm. Các ngài Bắc tông đã biết lớn tiếng dạy người khác như thế, thời cũng phải dám thực hành theo, có vậy mới xứng danh dòng giống Đại thừa!
Cho nên, nếu những ai đã tôn thờ các kinh - luận trên, nhưng lại không chấp hành các lý lẽ cao siêu của nó, vẫn còn muốn cố tâm tranh luận phân bua biện bạch phải trái, đúng sai theo kiểu nhị thừa, rõ ràng đây là điều mâu thuẫn trái ngang cùng cực.
Đã không có chút lý trí để nhận thức cái móc câu hai lưỡi quá rõ ràng từ các luận sư gốc Bà-la-môn trao tặng, dù những người này có viết đến tám vạn bốn ngàn cuốn sách để biện hộ thì cũng hoàn toàn vô giá trị. Gặp các “nhục kế” đích thực này, những bậc thiện trí thức chỉ còn có nước co chân, ngồi nói chuyện với đầu gối sướng hơn!
Thiên Đình, ngày 32 tháng 13 năm hồi nẳm
Nam Tào chấp bút và ghi chú
Tái bút: Tất cả những gì đã viết ở trên cần phải được các tín đồ Đại thừa giáo ghi nhận theo tinh thần “vô phân biệt” siêu việt, nhờ vậy mới không thấy bức xúc, mới vô quái ngại, mới viễn ly điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Bát Nhã.
Với những ai không chấp nhận triết lý Đại thừa của các luận sư gốc Bà-la-môn, hoặc ăn chay vì lý do riêng không phỉ báng ăn mặn, những người cầm bút chân chính cần phải tách biệt họ một cách phân minh, không được dùng bất cứ hình thức so sánh áp đặt nào, vì như vậy là xúc phạm họ một cách vô lý. Hiểu và thực thi điều này mới chính là bậc hiền nhân quân tử, thấu lẽ đạo, trọng lý đời, biết người, biết ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét