Ma tâm

Ma tâm

11/10/2013

Ma tâm

Thần Khoa học


Một Sinh viên ngành khoa học hỏi sinh viên khoa Phật học:

_ Này cậu, theo cậu có Thánh thần ma quỷ không?

Sinh viên khoa Phật học gật đầu tự tin:

_ Tôi được biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ!

_ Vì sao khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, cậu lại trả lời biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ. Như vậy có phải là hư ngôn vọng ngữ không?

_ Này bạn, khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, thay vì trả lời “có Thánh thần ma quỷ”, lại trả lời “biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ”, như vậy một người có trí sẽ đi đến kết luận không còn nghi ngờ gì nữa là có Thánh thần ma quỷ.

_ Nhưng cậu phải chứng minh.

_ Cậu không thấy người ta quay phim chụp ảnh rõ ràng các Thần Bài, Thần Đèn, ma men, ma túy, ma cô, ma giáo hà rầm đấy sao?

_ Không phải, ý tôi muốn hỏi Thánh thần ma quỷ theo nghĩa tâm linh, siêu hình

_ Nếu vậy, trước hết phải phân biệt hai loại Thánh thần ma quỷ: loại có thật nên tin, và loại không có thật không nên tin.

_ Cậu hãy giải thích rõ hơn.

_ Có loại Thánh thần ma quỷ không có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm thiện pháp tăng trưởng ác pháp suy giảm, loại Thánh thần ma quỷ này dù không có thật cũng nên tin, huống hồ có thật…

Sinh viên ngành khoa học hào hứng tiếp lời:

_ Ngược lại loại Thánh thần ma quỷ có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm ác pháp tăng trưởng thiện pháp suy giảm; loại Thánh thần ma quỷ này dù có thật cũng không nên tin, huống hồ không có thật. Ý cậu muốn nói thế?

_ Đúng vậy. Cậu biết một, hiểu hai rồi đấy. Theo cậu, vì sao có những suối Cá Thần, những cánh rừng nguyên thủy không cần ai bảo vệ canh giữ, thế nhưng suối lúc nào cũng trong, cá lúc nào cũng đầy nhóc, môi trường không bị con người phá hoại?

_ Vì những người tại đó đều tin rằng kẻ nào giết cá Thần, chặt đốn cây Thần sẽ bị tai họa.

_ Cũng vậy, nếu mọi người đều tin rằng giết các loài thú hiếm, sắp bị tuyệt chủng hoặc chặt đốn rừng gỗ quý bừa bãi sẽ khiến mình và gia đình mình bị tuyệt tự, gặp tai nạn; khi ấy chắc chắc các loài thú hiếm, các cây gỗ quý sẽ không còn nguy cơ biến mất nữa. Những niềm tin tâm linh ấy có lợi, không có hại, vì vậy nên tin theo và khuyến khích mọi người nên tin theo.

_ Ngược lại có những nơi, một con vật được cho là linh thiêng khi chết cũng không ai dám chôn, làm thối um cả một góc trời. Bữa nào nó nổi hứng nằm ngay giữa xa lộ, thế là kẹt xe, va quẹt, cãi vã. Những niềm tin như vậy có hại, không có lợi, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm. Mình không nên tin và khuyến khích mọi người không nên tin. Tôi nói như vậy có đúng không?

_ Cậu biết hai, hiểu bốn rồi đấy. Nếu các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội không biết khéo léo gắn kết với vấn đề tâm linh thì dù các cậu có hô hào vận động đến hết kiếp, môi trường tự nhiên và xã hội vẫn bị hủy hoại, không khá lên được. Ngược lại, nơi nào có yếu tố tâm linh có lợi đi kèm, thì môi trường tự nhiên và xã hội ở đó sẽ an ổn hơn, ít bị hủy hoại hơn.

_  Nói như cậu, các nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo phải ngồi lại với nhau để giúp mọi người nhận thức đúng đắn vấn đề.

_ Còn thiếu một nhà nữa!

_ Nhà gì!

_ Nhà tu. Vì vấn đề tâm linh thuộc lãnh vực của họ.

_ Cậu nói đúng. Tôi sẽ nêu vấn đề này trong hội thảo khoa học trong trường sắp đến.

_ Sadhu, lành thay. Như vậy cậu là một vị Thần Khoa học chân chính rồi còn gì.


Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành

Bác Ba xe ôm hỏi ông bạn hàng xóm là một giáo sư đại học và cũng là một cư sĩ đạo Phật:
- Thưa giáo sư, ông là một nhà khoa học, thuần túy khoa học; thế nhưng tại sao ông cứ nhắc đi nhắc lại với mọi người: “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”? Không lẽ ông vẫn còn duy tâm, mê tín?
Vị giáo sư cười lành:
- Thưa bác Ba, câu “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành” là hoàn toàn duy vật, là hoàn toàn khoa học đấy ạ!
- Hoàn toàn duy vật, hoàn toàn khoa học là sao? Giáo sư có nói đùa không vậy?
- Tôi nói nghiêm chỉnh, thưa bác.
- Nghiêm chỉnh thế nào, ông làm ơn giải thích rõ hơn.
- Vâng thưa bác, nhà tôi có thờ Phật, và tôi nói với các con tôi rằng gia đình ta thờ một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ răn dạy con người ăn hiền ở lành, đối xử tốt với nhau. Gia đình ta thờ Ngài là để nhắc nhở chúng ta sống theo những lời dạy chân chánh, hiền thiện của ngài, cố gắng giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không dùng rượu và các chất gây nghiện. Thưa bác, mình “có thờ” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành quá đi chứ! Thiện quá đi chứ! Nhưng “có thiêng” như thế nào?
- Thưa bác, muốn biết “có thiêng” thật không, phải hiểu rõ “có kiêng” trước đã. “Có kiêng” ở đây không phải là kiêng bóng, kiêng gió, kiêng tà, kiêng vạy, kiêng bừa theo kiểu: “chớ đi mồng bảy, chớ về mười ba”; “không quét nhà mồng một Tết”… Mà “có kiêng” ở đây phải hiểu là kiêng thân không làm điều ác, kiêng miệng không nói lời ác, kiêng ý không nghĩ ác. Thưa bác, chúng ta “kiêng” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành thật chứ còn gì nữa. Mình kiêng không sát sanh thì có quả lành không sát sanh. Mình kiêng không trộm cắp tất có quả lành từ không trộm cắp. Mình kiêng không tà hạnh trong các dục, tất có quả lành từ không tà dục. Mình kiêng không nói dối hại người hại mình, sẽ có quả lành không nói dối. Mình kiêng không uống rượu và nghiện ngập, phải có quả lành từ không nghiện ngập.
- Thưa bác, có nhiều quả lành như vậy, thời “có thiêng” không ạ?
- Thiêng quá là thiêng! Nhân quả thiêng thật!
- Đúng vậy. Thưa bác, tin vào “Nhân Quả” như vậy là duy tâm hay duy vật?
- Duy tâm cũng tốt, duy vật cũng tốt luôn!
- Có phản khoa học không?
- Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi nghĩ nhà khoa học nào tin như vậy, là nhà khoa học thiện lành, đáng kính trọng.
- Thưa bác, đó là lý do vì sao tôi hay nói “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”.
- Lành thay, từ nay tôi cũng sẽ nhắc nhở mọi người “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”!
- Còn tôi sẽ gọi bác là “Giáo sư xe ôm”, bác chịu không?
- Chịu quá chứ lại!


Ma tâm


Hai vị Thiên nhân ngồi nói chuyện với nhau. Vị Thiên thứ nhất:

_ Này ông, có một Dạ-xoa hành tà hạnh, phá nát năm giới, đã thế miệng cứ leo lẻo “Phật tại tâm”, “chúng sanh đồng Phật tánh”.

Vị Thiên thứ hai chép miệng:

_ Nếu quả thật có chuyện “Phật tại tâm” thì cũng có chuyện “Ma tại tâm”. Nếu thật có chuyện “chúng sanh đồng Phật tánh”, tất cũng có chuyện “chúng sanh đồng Ma tánh”.

_ Y còn tự xưng mình cũng có “Phật tánh” và bảo với mụ vợ “Phật đang ở trong nhà còn đi tìm đâu xa” để bắt bà vợ phải hầu hạ cho y.

Vị Thiên thứ hai lắc đầu:

_ Nếu “Phật ở trong nhà”, hẳn Ma cũng biết trú tại gia. Muốn phân biệt đâu là ma, đâu là người tốt; người trí chỉ cần dựa vào giới hạnh quan sát kỹ cũng đủ biết. Tôi hỏi ông, mấy kẻ buôn đồ giả, làm hàng dỏm có bao giờ nói rõ hàng giả hàng thật không?

_ Tất nhiên chúng phải khéo che đậy, phải lập lờ đánh lận con đen để vàng thau lẫn lộn, có vậy mới lừa bịp được người khác.

_ Đúng thế. Một kẻ năm giới giữ không tròn, làm người tốt còn chưa xong, huống hồ đòi làm… cha thiên hạ. Kẻ ấy là ai, ông biết không?

_ Đúng là “ma tại lưỡi” cho nên lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Người tốt, người ngay không lươn lẹo, lếu láo như vậy.

_ Giờ ông đã thấy ra một trong những tà kiến tai hại mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp gieo rắc trong Phật giáo chưa?

_ Thấy rồi, nguy hại thật, bọn họ đã dẫn đường cho ma giả Phật, phá hoại đạo pháp. Chỉ có người ngu mới tin theo chúng.

_ Và người trí phải phân biệt rõ để không bị mắc lừa!

Vị Thiên thứ nhất chắp tay vái vị thiện hữu tri thức:

_ Lành thay, cảm ơn ông đã chỉ giáo.






Vô úy hay vô Quý?


Một nhóm huynh trưởng trong GĐPT Tám Chánh Đạo đang ngồi thảo luận với nhau giữa sân chùa. Huynh Chánh Tư Duy nêu vấn đề:

_ Thưa các huynh, trong kinh văn Phật giáo, có hai từ là “vô úy” và “vô quý”. Hai từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa nhau?

Có ý kiến phát biểu liền:

_ Hai từ “vô úy” và “vô quý” giống nhau, cùng có nghĩa là “không sợ hãi”.

Huynh Chánh Kiến lắc đầu:

Nhưng ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cần phải phân biệt rõ để không rơi vào bẫy của kẻ hiểm ác.

Người kế bên:

_ Khác nhau như thế nào, vấn đề quan trọng ra sao mong huynh giải thích rõ hơn.

Huynh Chánh Kiến từ tốn:

_ Theo tôi biết, “úy” là sợ hãi những điều không đáng sợ hãi và vì vậy“vô úy” là không sợ hãi những điều không đáng sợ hãi. Ví dụ trong bài kinh “Người Có Lòng Tin”, Tăng Chi 10 pháp, Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên “vô úy thuyết pháp cho hội chúng”, có nghĩa là trong khi thuyết pháp cho hội chúng không nên bị sợ hãi làm cho bối rối.

Huynh Chánh Tín tán đồng:

_ Đúng vậy, đây là điều sợ hãi không nên có, không đáng sợ hãi.

Huynh Chánh Kiến tiếp tục:

_ Hoặc trong bài kinh “Nguồn Nước Công Đức”, Tăng Chi 8 pháp, Đức Thế Tôn khuyến khích các cư sĩ thực hành không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu tức là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại cho các chúng sanh khác. Nhờ vậy những người này cũng sẽ nhận được sự không sợ hãi, không hận thù, không hại.

Huynh Chánh Giới hào hứng:

_  À tôi hiểu rồi, “bố thí không sợ hãi” ở đây được hiểu là “vô úy thí”, có nghĩa là mình không sát sanh, không trộm cướp tức là mình đã bố thí cho người khác sự không sợ hãi vì sát sanh, trộm cướp.

Huynh Đại Tín nhíu mày, nghi vấn:

_ Trong Đại thừa cũng có nói đến “vô úy thí”. Có gì sai trái?

Huynh Chánh Kiến ôn tồn:

_ Vấn đề không đơn giản như huynh nghĩ. Vì các luận sư Bà-la-môn Đại thừa và những ai tin họ không phân biệt rõ ràng có những sợ hãi không đáng sợ hãi, tức “úy”; và có những sợ hãi đáng phải sợ hãi…

Huynh Chánh Hạnh nhanh miệng:

_ Huynh muốn nói đến pháp “Quý”, một trong hai thiện pháp “Tàm Quý” thường được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhắc đến?

_ Đúng vậy. “Tàm” là xấu hổ, “quý” cũng là sợ hãi. Nhưng ở đây là xấu hổ và sợ hãi trước những việc đáng xấu hổ và sợ hãi. Như xấu hổ và sợ hãi trước thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; xấu hổ và sợ hãi trước các việc làm ác-bất thiện.

Huynh Chánh Giới lại tham gia:

_ Nhờ biết xấu hổ và sợ hãi đúng pháp mà một người không làm ác, không nói ác, không nghĩ ác, không phạm tội lỗi.

_ Đúng vậy. Ngược lại trước những cám dỗ hoặc hận thù, nếu một người không biết xấu hổ điều đáng xấu hổ (vô tàm) và không biết sợ hãi điều đáng sợ hãi (vô quý), họ sẽ dễ phạm tội hơn .

_ À, tôi đã hiểu rồi. Nếu mọi người không phân biệt rõ ràng giữa “vô úy” và “vô quý” để rồi sợ hãi những điều không đáng sợ hãi, hoặc không biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi, dẫn đến gây biết bao việc hại mình, hại người, hại cả hai, hại toàn thế giới.

Lúc này Chánh Tả là em Chánh Ngữ cũng góp ý:

_ Em đề nghị chúng ta nên viết hoa chữ “Quý” vì Quý là một danh từ riêng, nó cũng là một học pháp, một thiện pháp quan trọng; và để dễ phân biệt hơn giữa “vô Qúy” và “vô úy”.

Cả nhóm im lặng như tán đồng. Huynh Chánh Mạng lúc này mới lên tiếng:

_ Trong tôn giáo, sợ hãi những điều không đáng sợ hãi thường dẫn đến mê tín, nhưng không biết sợ hãi trước những điều đáng sợ hãi lại dẫn đến cuồng tín. Cả hai đều nguy hại cho mình và cho mọi người!

Huynh Chánh Nghiệp cũng tham gia:

_ Còn trong sanh tử luân hồi, những tà kiến này dẫn đến tái sanh vào cõi dữ đọa xứ. Tôi nhớ rõ trong Pháp Cú có các câu này: “Không đáng sợ lại sợ. Đáng sợ lại thấy không. Do chấp nhận tà kiến. Chúng sanh đi ác thú”. Các huynh quan sát đời sống tập tính của các ác thú, sẽ thấy đúng như vậy.

Huynh Chánh Niệm sơ kết hội thảo:

_ Và đây chính là điều mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp mong muốn nơi những đệ tử Phật. Cho nên họ mới lập lờ đánh lận con đen, ra sức tuyên truyền cho “vô úy thí”, khiến những kẻ ngây thơ tin theo không biết phân biệt rõ ràng, dẫn đến không sợ hãi một cách bừa bãi, bất kể là chuyện gì. Trong Đại thừa có biết bao nhiêu những điển hình để chứng minh cho điều tôi vừa nói.

Cả nhóm đều hồ hởi đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vì đã nhận thức được một điều rất quan trọng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét