Ma tâm

Ma tâm

11/28/2013

Buông đao có thành Phật?


Chú thím Năm đang ngồi nói chuyện với nhau. Thím Năm:
_ Đạo Phật đúng là đạo từ bi. Dù tội ác như thế nào, nhưng đã “buông đạo lập địa thành Phật” ngay liền, hé ông.
Út Tèo ngồi gần đó liền vung tay:
_ Má nói dzậy, sau này con cứ tha hồ giết người cướp của, xong, buông đao lập địa cũng thành Phật ngay liền, hả má?
Chú Năm thở phì phì, lắc đầu quầy quậy:
_ Đó, bà thấy chưa, cứ nghe càn nói bậy, làm hư chính con cái mình chứ ai!
Thím Năm phân bua:
_ Tui nghe mấy thầy dạy thế, biết đâu!
_ Tui đã nói bà rồi, nghe bất kỳ ai nói Phật dạy thế này, Bồ-tát nói thế kia, bà phải hỏi họ liền ngay tức khắc: Phật dạy trong chánh Kinh nào? lúc nào? ở đâu? trang mấy? chương mấy? Vàng, kim cương người ta còn giả được. Giả lời Phật có khó gì? Bộ mấy thứ ác ma muốn phá đạo Phật chúng không dám mạo danh Phật gạt người hay sao mà cứ tin bừa?
Thím Năm chống chế:
_ Có thầy còn dẫn chứng ông Angulimala trong kinh nữa mà! Ổng giết tới 999 người, nhưng cuối cùng được Phật đến hoá độ, ổng thành A La Hán tức thì!
_ Kinh nào dạy như vậy, bà nói tui nghe? Sao Phật phải “đợi” ổng giết tới 999 người mới cứu? Sao Ngài không cứu sớm hơn để ổng đỡ giết người?
Thím Năm im re. Chú Năm nhẹ nhàng:
_ Tui đọc nhiều rồi, trong chính bài kinh Angulimala, số 86, Trung Bộ 2 và tất cả tạng Pali nguyên thuỷ không thấy nói ổng giết 999 người. Nó chỉ có trong luận giải của mấy ông Bà-la-môn mà thôi. Họ thổi bùng con số này để xuyên tạc luật nhân quả của Đạo Phật: cho dù ông Angulimala giết nhiều người nhưng vẫn được cứu rỗi dễ dàng. Bà hiểu không?
_ Mèn đéc, mấy ông Bà-la-môn hiểm ác thế sao?
_ Còn phải hỏi. Nếu họ hiền như bà thì Phật giáo đâu đến nỗi phải biến mất tại Ấn Độ. Bà nên nhớ thêm, trong Chánh Kinh có nói rõ, dù ngài Anguliama đã cố tâm hoàn lương, nhưng sau đó ngài vẫn phải cắn răng chịu đựng biết bao trận đòn thù vì nghiệp nhân quả. Để tui đọc chánh kinh cho bà nghe.
Nói xong, chú Năm đến bên tủ kinh sách lấy kinh Trung Bộ. Thím Năm ngồi ngay ngắn chăm chú.
_ Bà nghe nguyên văn này, “Rồi Tôn giả Angulimala buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, một cục đất do một người ném, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một cây gậy do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một hòn sỏi do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala. Rồi Tôn giả Angulimala bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy Tôn giả Angulimala từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với Tôn giả Angulimala: "Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm". Đó, bà thấy chưa, nhân quả rõ ràng như thế chứ làm gì có chuyện buông đao lập địa là thành Phật dễ dàng.
_ Làm người tốt đã khó, Thánh tăng còn khó trăm bề, huống hồ thành Phật, ông nhỉ?
_ Đúng vậy, các luận sư Bà-la-môn vẽ ra câu quái ác ấy với nhiều thâm ý: Thứ nhất, dụ dỗ mấy kẻ ngây thơ như thằng Tèo con bà nghĩ xằng làm bậy. Thứ hai, phá hoại Chánh Pháp và thứ ba, tầm thường hoá danh hiệu Phật.
Nãy giờ im lặng nghe ba má nói chuyện, đến đây Tèo đã ngộ được nhiều điều, vội lên tiếng:
_ Hoá ra má con mình có “Pháp sư” bên cạnh mà không chịu học hỏi. Nghe lời ba, từ nay con chỉ tin chánh Kinh nguyên thuỷ của Phật mà thôi. Không căn cứ theo đây, nghe càn tin bậy mang tà kiến khó thoát khỏi địa ngục.
Chú thím Năm nhìn Tèo, rồi quay sang nhìn nhau mỉm cười sung sướng.

11/24/2013

Bàng sanh, Quỷ sứ



Một ngạ quỷ Dạ Xoa hiện ra từ địa ngục với ác tâm muốn quấy rối vị nữ cư sĩ mới quy y đầu Phật đang tịnh tâm hành thiền. Dù Dạ Xoa đã dùng nhiều phương cách xấu xa để chọc phá, nhưng vị nữ cư sĩ vẫn vững tâm tu tập. 

Cuối cùng Ác ma lấy tấm hình trong đó có vẽ cảnh Voi chúa và Khỉ vương đang cúng dường Đức Phật để khiêu khích. Ác ma vừa chỉ vào hình vừa nói với giọng châm chọc:

_ Nè, cô thấy không, ông Phật nói có ai thèm tin đâu, chỉ có mấy con voi và khỉ ngồi nghe mà thôi.

Nữ cư sĩ giọng bình tĩnh, nhẹ nhàng:

_ Lành thay! Đến như loài bàng sanh mà chúng còn biết nghe lời bậc Hiền nhân để tiến tu thành người. Chỉ có loài quỷ sứ như ngươi đã không chịu tìm hiểu học hỏi thì chớ, giờ lại còn quấy phá người khác. Khốn thay!

Dạ Xoa bị điểm trúng tim đen, xấu hổ, ôm đầu nhủi nhanh xuống đất biến mất.

11/22/2013

Dài nhất, ngắn nhất


Một người thấy một đạo sĩ trụ trì được các đàn na tín thí cúng dường hào phóng, liền tuyên bố:
_ Con đường ngắn nhất để làm giầu, đó là đi tu.
Cũng vị ấy đọc kinh, biết chuyện năm tu sĩ phá phạm hạnh, thọ hưởng phi pháp sự bố thí của một nữ thí chủ; kiếp sau họ phải tái sanh làm năm người nô bộc hầu hạ suốt đời cho người tín nữ ấy, người ấy lại tuyên bố:
_ Con đường dài nhất để trả nợ, đó là đi tu (phá giới).

11/15/2013

Gà hay trứng?




_ Thưa sư phụ, con cứ luôn thắc mắc “gà có trước hay trứng có trước?” Ối, sao sư phụ lại đạp con?


_ Gà trước, trứng trước hay phải tránh đau khổ trước?

Sư phụ lại co một chân lên. Đệ tử hoát nhiên đại ngộ, dông tuốt vào giảng đường.


11/14/2013

14 Điều răn của ai?


Cư sĩ áo lam hỏi cư sĩ áo trắng:
_ Này ông, đi đâu tôi cũng thấy người ta đua nhau khoe “14 Điều răn của Phật” do ht KCT giới thiệu. Những điều răn ấy trong Kinh nào vậy?
_ Sao ông không hỏi những người tin và phổ biến những câu ấy, lại hỏi tôi?
_ Vì ông đọc tụng và nhớ nhiều Kinh điển.
Cư sĩ áo trắng chắp tay trước ngực:
_ Mô Phật, tôi không dám nghĩ như ông nói. Tôi chỉ dám chắc một điều “14 Điều răn” ấy không có trong kinh tạng Nguyên thủy Nikaya.
_ Thảo nào, tôi mới đọc vài câu đã thấy ngớ ngẩn thế nào ấy!
_ Xin nêu điển hình!
_ Ví dụ như câu thứ nhất “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”
Cư sĩ áo trắng lắc đầu:
_ Đúng là kiểu nói một chiều ngớ ngẩn. Mình chỉ là kẻ thù của chính mình khi mình muốn hướng thiện nhưng bản năng thân, khẩu, ý lại cứ hướng theo chiều bất thiện. Ngược lại mình là bạn lớn nhất của chính mình, khi mình muốn hướng thiện và thân, miệng, ý của mình cũng hướng theo chiều thiện lành.
_ Rõ ràng câu nói đã chứng tỏ người nghĩ ra nó luôn thù hận với chính mình vì những tâm ý còn đầy bản năng bất thiện của mình.
_ Ông nói hơi bị đúng. Những ai tin câu ấy cũng thù hận như vậy nên mới chấp nhận nó! Còn câu thứ hai thế nào?
_ “Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá”
_ Đó là một trong những câu nói ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe. Chứ gì nữa. Giả dụ có một bọn cướp tàn ác đến đây, chúng hỏi ông đường đến ngôi làng bên cạnh để tiêu diệt tất cả dân lành tại đó. Thay vì ông có thể nói tránh đi để cứu dân lành và cứu cả bọn cướp không gây nghiệp dữ, đằng này ông lại thật thà khai báo khiến tất cả dân lành bị giết, còn bọn cướp thì gây nghiệp ác. Tôi hỏi ông, sự thật thà ở đây có ngu ngốc không?
Cư sĩ áo lam tiếp lời:
_ Không những ngu ngốc mà còn ngớ ngẩn đến độ tàn nhẫn. Hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, có một ông chủ đã cứu thoát hàng ngàn người khỏi nạn diệt chủng vì ông ta đã nói dối và che dấu cho họ, sau đó làm giả giấy tờ để giúp họ vượt thoát khỏi vùng nguy hiểm. Sau chiến tranh hàng ngàn gia đình ấy xem ông ta là cứu tinh và hàng năm đều làm lễ nhớ ơn.
_ Tôi cũng biết chuyện ấy. Hẳn là người nghĩ ra câu nói một chiều kia trong đời đã nói dối và gây ra một hậu quả nghiêm trọng nào đó khiến về sau cứ phải day dứt ân hận mãi về sự ngu ngốc của mình.
_ Tôi không ủng hộ dối trá vì đây là giới cấm thứ tư trong năm giới của người cư sĩ, nhưng tôi cũng không chấp nhận câu nói một chiều như vậy.
_ Còn tôi chắc chắn rằng những câu nói một chiều trên không phải là của Đức Phật, Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì, thứ nhất nó không có trong Kinh điển gốc, thứ hai nó quá thiển cận.
Cư sĩ áo lam hỏi bạn:
_ Vậy theo ông, ngu dốt lớn nhất trong đời là gì?
_ Theo tôi, ngu dốt lớn nhất không phải trong một đời mà là trong nhiều đời chính là vô minh.
_ Đồng ý! Còn ngu dốt lớn thứ hai là gì?
_ Là không biết phân biệt đúng sai, phải trái, thật giả, chánh tà, thắng liệt!
_ Lành thay, tôi cũng đồng ý luôn!
Cư sĩ áo trắng chép miệng:
_ Mọi người không chịu căn cứ vào kinh điển gốc, không chịu suy tư cẩn thận, cứ tin bừa tín ẩu, nghe sao tin vậy nên những câu nói vô lý, vô căn cứ mới nhản nhản khắp nơi.
Cư sĩ áo lam gật đầu tâm đắc:
_ Và đó cũng là ngu dốt lớn thứ ba. Lành thay! Ông đã có ba điều răn chí lý rồi đấy!

11/13/2013

“Đức”


Một Phật tử tham quan ngôi chánh điện xong, quay ra gặp một vị sư, liền chắp tay hỏi:
_ Thưa thầy, con thấy trong chánh điện có treo một bức tranh rất đẹp vẽ hai bông hoa sen bên cạnh có chữ “Đức”. Xin thầy nói rõ hơn về ý nghĩa của nó.
Vị sư mỉm cười nhẹ nhàng:
_ Chữ “Đức” ở đây có hai nghĩa song hành. Một là Đức hạnh và hai là Công đức. Giữ gìn Đức hạnh, trước hết là năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng rượu và chất gây nghiện; nhờ vậy giúp người cư sĩ sống thiện lành và được tái sanh cõi lành.
Vị Phật tử mau miệng:
_ Còn Công đức là làm phước, bố thí để giúp đỡ cho mọi người và để dành thiện phước cho đời sau. Con nghĩ đúng không ạ?
_ Đúng vậy. Người Phật tử nên giữ tròn cả hai Đức hạnh và Công đức.
Vị Phật tử lại mau miệng:
_ Dạ, nếu chỉ có Đức hạnh thôi cũng tốt nhưng ích kỷ không bố thí giúp đỡ người khác, kiếp sau dù có làm người nhưng gặp nghèo khó. Ngược lại chỉ biết làm bố thí nhưng không giữ giới hạnh, kiếp sau tái sanh làm mấy con thú nuôi trong gia đình giàu có, được ăn uống chăm sóc phủ phê nhưng cũng chẳng hay ho gì. Con nghĩ như vậy có đúng không ạ?
Nhà sư ôn tồn:
_ Chính vì thế hai bông sen là biểu hiện hai nghĩa song toàn của chữ “Đức”: Đức hạnh và Công đức. Thí chủ nhớ thực hành đầy đủ!
_ Dạ, xin vâng.

11/10/2013

Ma tâm

Thần Khoa học


Một Sinh viên ngành khoa học hỏi sinh viên khoa Phật học:

_ Này cậu, theo cậu có Thánh thần ma quỷ không?

Sinh viên khoa Phật học gật đầu tự tin:

_ Tôi được biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ!

_ Vì sao khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, cậu lại trả lời biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ. Như vậy có phải là hư ngôn vọng ngữ không?

_ Này bạn, khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, thay vì trả lời “có Thánh thần ma quỷ”, lại trả lời “biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ”, như vậy một người có trí sẽ đi đến kết luận không còn nghi ngờ gì nữa là có Thánh thần ma quỷ.

_ Nhưng cậu phải chứng minh.

_ Cậu không thấy người ta quay phim chụp ảnh rõ ràng các Thần Bài, Thần Đèn, ma men, ma túy, ma cô, ma giáo hà rầm đấy sao?

_ Không phải, ý tôi muốn hỏi Thánh thần ma quỷ theo nghĩa tâm linh, siêu hình

_ Nếu vậy, trước hết phải phân biệt hai loại Thánh thần ma quỷ: loại có thật nên tin, và loại không có thật không nên tin.

_ Cậu hãy giải thích rõ hơn.

_ Có loại Thánh thần ma quỷ không có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm thiện pháp tăng trưởng ác pháp suy giảm, loại Thánh thần ma quỷ này dù không có thật cũng nên tin, huống hồ có thật…

Sinh viên ngành khoa học hào hứng tiếp lời:

_ Ngược lại loại Thánh thần ma quỷ có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm ác pháp tăng trưởng thiện pháp suy giảm; loại Thánh thần ma quỷ này dù có thật cũng không nên tin, huống hồ không có thật. Ý cậu muốn nói thế?

_ Đúng vậy. Cậu biết một, hiểu hai rồi đấy. Theo cậu, vì sao có những suối Cá Thần, những cánh rừng nguyên thủy không cần ai bảo vệ canh giữ, thế nhưng suối lúc nào cũng trong, cá lúc nào cũng đầy nhóc, môi trường không bị con người phá hoại?

_ Vì những người tại đó đều tin rằng kẻ nào giết cá Thần, chặt đốn cây Thần sẽ bị tai họa.

_ Cũng vậy, nếu mọi người đều tin rằng giết các loài thú hiếm, sắp bị tuyệt chủng hoặc chặt đốn rừng gỗ quý bừa bãi sẽ khiến mình và gia đình mình bị tuyệt tự, gặp tai nạn; khi ấy chắc chắc các loài thú hiếm, các cây gỗ quý sẽ không còn nguy cơ biến mất nữa. Những niềm tin tâm linh ấy có lợi, không có hại, vì vậy nên tin theo và khuyến khích mọi người nên tin theo.

_ Ngược lại có những nơi, một con vật được cho là linh thiêng khi chết cũng không ai dám chôn, làm thối um cả một góc trời. Bữa nào nó nổi hứng nằm ngay giữa xa lộ, thế là kẹt xe, va quẹt, cãi vã. Những niềm tin như vậy có hại, không có lợi, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm. Mình không nên tin và khuyến khích mọi người không nên tin. Tôi nói như vậy có đúng không?

_ Cậu biết hai, hiểu bốn rồi đấy. Nếu các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội không biết khéo léo gắn kết với vấn đề tâm linh thì dù các cậu có hô hào vận động đến hết kiếp, môi trường tự nhiên và xã hội vẫn bị hủy hoại, không khá lên được. Ngược lại, nơi nào có yếu tố tâm linh có lợi đi kèm, thì môi trường tự nhiên và xã hội ở đó sẽ an ổn hơn, ít bị hủy hoại hơn.

_  Nói như cậu, các nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo phải ngồi lại với nhau để giúp mọi người nhận thức đúng đắn vấn đề.

_ Còn thiếu một nhà nữa!

_ Nhà gì!

_ Nhà tu. Vì vấn đề tâm linh thuộc lãnh vực của họ.

_ Cậu nói đúng. Tôi sẽ nêu vấn đề này trong hội thảo khoa học trong trường sắp đến.

_ Sadhu, lành thay. Như vậy cậu là một vị Thần Khoa học chân chính rồi còn gì.


Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành

Bác Ba xe ôm hỏi ông bạn hàng xóm là một giáo sư đại học và cũng là một cư sĩ đạo Phật:
- Thưa giáo sư, ông là một nhà khoa học, thuần túy khoa học; thế nhưng tại sao ông cứ nhắc đi nhắc lại với mọi người: “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”? Không lẽ ông vẫn còn duy tâm, mê tín?
Vị giáo sư cười lành:
- Thưa bác Ba, câu “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành” là hoàn toàn duy vật, là hoàn toàn khoa học đấy ạ!
- Hoàn toàn duy vật, hoàn toàn khoa học là sao? Giáo sư có nói đùa không vậy?
- Tôi nói nghiêm chỉnh, thưa bác.
- Nghiêm chỉnh thế nào, ông làm ơn giải thích rõ hơn.
- Vâng thưa bác, nhà tôi có thờ Phật, và tôi nói với các con tôi rằng gia đình ta thờ một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ răn dạy con người ăn hiền ở lành, đối xử tốt với nhau. Gia đình ta thờ Ngài là để nhắc nhở chúng ta sống theo những lời dạy chân chánh, hiền thiện của ngài, cố gắng giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không dùng rượu và các chất gây nghiện. Thưa bác, mình “có thờ” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành quá đi chứ! Thiện quá đi chứ! Nhưng “có thiêng” như thế nào?
- Thưa bác, muốn biết “có thiêng” thật không, phải hiểu rõ “có kiêng” trước đã. “Có kiêng” ở đây không phải là kiêng bóng, kiêng gió, kiêng tà, kiêng vạy, kiêng bừa theo kiểu: “chớ đi mồng bảy, chớ về mười ba”; “không quét nhà mồng một Tết”… Mà “có kiêng” ở đây phải hiểu là kiêng thân không làm điều ác, kiêng miệng không nói lời ác, kiêng ý không nghĩ ác. Thưa bác, chúng ta “kiêng” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành thật chứ còn gì nữa. Mình kiêng không sát sanh thì có quả lành không sát sanh. Mình kiêng không trộm cắp tất có quả lành từ không trộm cắp. Mình kiêng không tà hạnh trong các dục, tất có quả lành từ không tà dục. Mình kiêng không nói dối hại người hại mình, sẽ có quả lành không nói dối. Mình kiêng không uống rượu và nghiện ngập, phải có quả lành từ không nghiện ngập.
- Thưa bác, có nhiều quả lành như vậy, thời “có thiêng” không ạ?
- Thiêng quá là thiêng! Nhân quả thiêng thật!
- Đúng vậy. Thưa bác, tin vào “Nhân Quả” như vậy là duy tâm hay duy vật?
- Duy tâm cũng tốt, duy vật cũng tốt luôn!
- Có phản khoa học không?
- Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi nghĩ nhà khoa học nào tin như vậy, là nhà khoa học thiện lành, đáng kính trọng.
- Thưa bác, đó là lý do vì sao tôi hay nói “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”.
- Lành thay, từ nay tôi cũng sẽ nhắc nhở mọi người “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”!
- Còn tôi sẽ gọi bác là “Giáo sư xe ôm”, bác chịu không?
- Chịu quá chứ lại!


Ma tâm


Hai vị Thiên nhân ngồi nói chuyện với nhau. Vị Thiên thứ nhất:

_ Này ông, có một Dạ-xoa hành tà hạnh, phá nát năm giới, đã thế miệng cứ leo lẻo “Phật tại tâm”, “chúng sanh đồng Phật tánh”.

Vị Thiên thứ hai chép miệng:

_ Nếu quả thật có chuyện “Phật tại tâm” thì cũng có chuyện “Ma tại tâm”. Nếu thật có chuyện “chúng sanh đồng Phật tánh”, tất cũng có chuyện “chúng sanh đồng Ma tánh”.

_ Y còn tự xưng mình cũng có “Phật tánh” và bảo với mụ vợ “Phật đang ở trong nhà còn đi tìm đâu xa” để bắt bà vợ phải hầu hạ cho y.

Vị Thiên thứ hai lắc đầu:

_ Nếu “Phật ở trong nhà”, hẳn Ma cũng biết trú tại gia. Muốn phân biệt đâu là ma, đâu là người tốt; người trí chỉ cần dựa vào giới hạnh quan sát kỹ cũng đủ biết. Tôi hỏi ông, mấy kẻ buôn đồ giả, làm hàng dỏm có bao giờ nói rõ hàng giả hàng thật không?

_ Tất nhiên chúng phải khéo che đậy, phải lập lờ đánh lận con đen để vàng thau lẫn lộn, có vậy mới lừa bịp được người khác.

_ Đúng thế. Một kẻ năm giới giữ không tròn, làm người tốt còn chưa xong, huống hồ đòi làm… cha thiên hạ. Kẻ ấy là ai, ông biết không?

_ Đúng là “ma tại lưỡi” cho nên lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Người tốt, người ngay không lươn lẹo, lếu láo như vậy.

_ Giờ ông đã thấy ra một trong những tà kiến tai hại mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp gieo rắc trong Phật giáo chưa?

_ Thấy rồi, nguy hại thật, bọn họ đã dẫn đường cho ma giả Phật, phá hoại đạo pháp. Chỉ có người ngu mới tin theo chúng.

_ Và người trí phải phân biệt rõ để không bị mắc lừa!

Vị Thiên thứ nhất chắp tay vái vị thiện hữu tri thức:

_ Lành thay, cảm ơn ông đã chỉ giáo.






Vô úy hay vô Quý?


Một nhóm huynh trưởng trong GĐPT Tám Chánh Đạo đang ngồi thảo luận với nhau giữa sân chùa. Huynh Chánh Tư Duy nêu vấn đề:

_ Thưa các huynh, trong kinh văn Phật giáo, có hai từ là “vô úy” và “vô quý”. Hai từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa nhau?

Có ý kiến phát biểu liền:

_ Hai từ “vô úy” và “vô quý” giống nhau, cùng có nghĩa là “không sợ hãi”.

Huynh Chánh Kiến lắc đầu:

Nhưng ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cần phải phân biệt rõ để không rơi vào bẫy của kẻ hiểm ác.

Người kế bên:

_ Khác nhau như thế nào, vấn đề quan trọng ra sao mong huynh giải thích rõ hơn.

Huynh Chánh Kiến từ tốn:

_ Theo tôi biết, “úy” là sợ hãi những điều không đáng sợ hãi và vì vậy“vô úy” là không sợ hãi những điều không đáng sợ hãi. Ví dụ trong bài kinh “Người Có Lòng Tin”, Tăng Chi 10 pháp, Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên “vô úy thuyết pháp cho hội chúng”, có nghĩa là trong khi thuyết pháp cho hội chúng không nên bị sợ hãi làm cho bối rối.

Huynh Chánh Tín tán đồng:

_ Đúng vậy, đây là điều sợ hãi không nên có, không đáng sợ hãi.

Huynh Chánh Kiến tiếp tục:

_ Hoặc trong bài kinh “Nguồn Nước Công Đức”, Tăng Chi 8 pháp, Đức Thế Tôn khuyến khích các cư sĩ thực hành không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu tức là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại cho các chúng sanh khác. Nhờ vậy những người này cũng sẽ nhận được sự không sợ hãi, không hận thù, không hại.

Huynh Chánh Giới hào hứng:

_  À tôi hiểu rồi, “bố thí không sợ hãi” ở đây được hiểu là “vô úy thí”, có nghĩa là mình không sát sanh, không trộm cướp tức là mình đã bố thí cho người khác sự không sợ hãi vì sát sanh, trộm cướp.

Huynh Đại Tín nhíu mày, nghi vấn:

_ Trong Đại thừa cũng có nói đến “vô úy thí”. Có gì sai trái?

Huynh Chánh Kiến ôn tồn:

_ Vấn đề không đơn giản như huynh nghĩ. Vì các luận sư Bà-la-môn Đại thừa và những ai tin họ không phân biệt rõ ràng có những sợ hãi không đáng sợ hãi, tức “úy”; và có những sợ hãi đáng phải sợ hãi…

Huynh Chánh Hạnh nhanh miệng:

_ Huynh muốn nói đến pháp “Quý”, một trong hai thiện pháp “Tàm Quý” thường được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhắc đến?

_ Đúng vậy. “Tàm” là xấu hổ, “quý” cũng là sợ hãi. Nhưng ở đây là xấu hổ và sợ hãi trước những việc đáng xấu hổ và sợ hãi. Như xấu hổ và sợ hãi trước thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; xấu hổ và sợ hãi trước các việc làm ác-bất thiện.

Huynh Chánh Giới lại tham gia:

_ Nhờ biết xấu hổ và sợ hãi đúng pháp mà một người không làm ác, không nói ác, không nghĩ ác, không phạm tội lỗi.

_ Đúng vậy. Ngược lại trước những cám dỗ hoặc hận thù, nếu một người không biết xấu hổ điều đáng xấu hổ (vô tàm) và không biết sợ hãi điều đáng sợ hãi (vô quý), họ sẽ dễ phạm tội hơn .

_ À, tôi đã hiểu rồi. Nếu mọi người không phân biệt rõ ràng giữa “vô úy” và “vô quý” để rồi sợ hãi những điều không đáng sợ hãi, hoặc không biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi, dẫn đến gây biết bao việc hại mình, hại người, hại cả hai, hại toàn thế giới.

Lúc này Chánh Tả là em Chánh Ngữ cũng góp ý:

_ Em đề nghị chúng ta nên viết hoa chữ “Quý” vì Quý là một danh từ riêng, nó cũng là một học pháp, một thiện pháp quan trọng; và để dễ phân biệt hơn giữa “vô Qúy” và “vô úy”.

Cả nhóm im lặng như tán đồng. Huynh Chánh Mạng lúc này mới lên tiếng:

_ Trong tôn giáo, sợ hãi những điều không đáng sợ hãi thường dẫn đến mê tín, nhưng không biết sợ hãi trước những điều đáng sợ hãi lại dẫn đến cuồng tín. Cả hai đều nguy hại cho mình và cho mọi người!

Huynh Chánh Nghiệp cũng tham gia:

_ Còn trong sanh tử luân hồi, những tà kiến này dẫn đến tái sanh vào cõi dữ đọa xứ. Tôi nhớ rõ trong Pháp Cú có các câu này: “Không đáng sợ lại sợ. Đáng sợ lại thấy không. Do chấp nhận tà kiến. Chúng sanh đi ác thú”. Các huynh quan sát đời sống tập tính của các ác thú, sẽ thấy đúng như vậy.

Huynh Chánh Niệm sơ kết hội thảo:

_ Và đây chính là điều mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp mong muốn nơi những đệ tử Phật. Cho nên họ mới lập lờ đánh lận con đen, ra sức tuyên truyền cho “vô úy thí”, khiến những kẻ ngây thơ tin theo không biết phân biệt rõ ràng, dẫn đến không sợ hãi một cách bừa bãi, bất kể là chuyện gì. Trong Đại thừa có biết bao nhiêu những điển hình để chứng minh cho điều tôi vừa nói.

Cả nhóm đều hồ hởi đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vì đã nhận thức được một điều rất quan trọng.